Xin loạt ưu đãi và cơ chế riêng, Vinatex muốn thành tập đoàn tư nhân; Ô tô nhập khẩu giảm xuống thấp kỷ lục; Xây dựng tuyến đường cao tốc nối Ấn Độ và Việt Nam; Báo Anh: Nước Anh sẵn sàng trả tới 40 tỷ euro để rời khỏi EU
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 06-08-2017
- Cập nhật : 06/08/2017
Nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu đến năm 2020, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của các mặt hàng đang có lợi thế xuất khẩu; giá trị gia tăng của các mặt hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu chủ lực tăng bình quân 20% so với hiện nay. Tăng dần tỷ trọng xuất khẩu nông, thủy sản vào thị trường các nền kinh tế phát triển (như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…); phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 8%/năm thời kỳ 2016 - 2020.
Các mặt hàng ưu tiên nâng cao năng lực cạnh tranh gồm nhóm hàng nông, thủy sản, trong đó các mặt hàng đang có lợi thế xuất khẩu: Gạo, cà phê, cao su, thủy sản, hạt tiêu... Nhóm hàng công nghiệp chế biến có các mặt hàng đang có lợi thế xuất khẩu: Dệt may; giày dép; đồ gỗ; điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện...; các mặt hàng sẽ có lợi thế xuất khẩu: Nguyên phụ liệu dệt may, da giày; nhựa và sản phẩm nhựa; phân bón; hóa chất.
Giải pháp chủ yếu thực hiện Đề án là tổ chức lại sản xuất thông qua chuyển đổi phương thức sản xuất và xuất khẩu, trong đó, đối với nông sản, chuyển từ sản xuất nhỏ phân tán sang sản xuất tập trung quy mô lớn, quản lý chất lượng từ nuôi trồng đến vận chuyển, chế biến, bảo quản, tiêu thụ; đối với sản phẩm công nghiệp, chuyển từ gia công thuần túy sang các phương thức sản xuất có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị hàng hóa.
Về chuyển đổi phương thức xuất khẩu, chuyển từ xuất khẩu qua trung gian sang xuất khẩu trực tiếp; chuyển từ xuất khẩu theo điều kiện giao hàng FOB sang xuất khẩu theo điều kiện giao hàng CIF.
Bên cạnh đó, là giải pháp chuyển dịch cơ cấu sản phẩm xuất khẩu theo hướng nâng cao tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng cao; nâng cao chất lượng đối với sản phẩm xuất khẩu; phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với các ngành có lợi thế xuất khẩu; tăng cường vai trò của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh hàng xuất khẩu Việt Nam; củng cố và mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu; tăng cường xây dựng thương hiệu quốc gia, thương hiệu sản phẩm xuất khẩu và thương hiệu doanh nghiệp.
Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho doanh nghiệp; nâng cao năng lực của doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa; nâng cao năng lực của các hiệp hội ngành hàng.
Nâng cao năng lực của doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu
Trong đó, về nâng cao năng lực của doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa, xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị, đổi mới công nghệ và đổi mới quy trình sản xuất sản phẩm đạt chất lượng, tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và triển khai, ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, nhằm nhanh chóng chuyển sang phương thức sản xuất và phương thức quản trị tiên tiến theo các hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược xuất khẩu hàng hóa phù hợp với từng thị trường và năng lực của doanh nghiệp; tham gia vào mạng lưới sản xuất, phân phối ở nước ngoài và các chuỗi giá trị toàn cầu.
Khuyến khích, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tăng cường các mối liên kết giữa doanh nghiệp cung ứng nguyên phụ liệu với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối, giữa các khâu sản xuất - vận chuyển - chế biến - bảo quản - tiêu thụ, giữa nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà nước - nhà khoa học (trong nông nghiệp), giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài.
Hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường và xúc tiến thương mại thông qua phát triển hệ thống thông tin thương mại thị trường và tăng cường công tác nghiên cứu, phân tích, dự báo thị trường hỗ trợ doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, người lao động trực tiếp); cung cấp thông tin tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu. (Baodautu)
-------------------------------
Thương lái Trung Quốc 'đạo diễn' hồ tiêu Việt ra sao?
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam vừa có cảnh báo về việc một số doanh nhân Trung Quốc đang có những động thái ảnh hưởng đến thương mại hồ tiêu trong nước.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết giá hồ tiêu trong nước đang có biểu hiện lên xuống bất thường từ cuối tháng 7 đến nay.
Cụ thể, có ngày trong buổi sáng đang ở mức giá từ 80.000 đồng/kg đã tăng lên 86.000 đồng/kg, sau đó đầu giờ chiều lại đột ngột hạ xuống 82.000 đồng/kg. Hiện nay giá vẫn trong tình trạng trồi sụt bất thường.
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp (DN) hội viên VPA, có bằng chứng cho thấy có một nhóm DN Trung Quốc đang “điều khiển” thị trường hồ tiêu của Việt Nam.
Cụ thể, tại một số công ty xuất khẩu hồ tiêu đều có hiện tượng nhóm DN Trung Quốc đến DN xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đặt mua hồ tiêu.
Điều bất thường là DN Việt Nam đặt giá nào họ cũng đồng ý mua và yêu cầu làm luôn hợp đồng mua bán với họ. Sau đó, họ liên tục hối thúc DN Việt Nam thực hiện hợp đồng. Theo thông lệ, thường sau sau ngày kể từ khi ký hợp đồng, các DN Trung Quốc sẽ chuyển tiền đặt cọc.
Tuy nhiên, hiện có nhiều trường hợp đã quá hạn ba ngày nhưng các DN này vẫn không chuyển và luôn khẳng định là nhất định sẽ mua, đồng thời giải thích lý do chậm chuyển tiền là do ngân hàng đang kiểm tra hồ sơ... để trì hoãn thực hiện việc đặt cọc.
Phương thức này được các DN Trung Quốc thực hiện với nhiều công ty xuất khẩu của Việt Nam, từ đó tạo thông tin lan truyền thị trường đang cần nhu cầu mua hồ tiêu với số lượng lớn.
Thương lái Trung Quốc từng nhiều lần "giở trò" mua rễ tiêu khô Việt Nam nhưng rút cuộc nông dân thiệt hại. Ảnh: Internet
Cùng thời gian này, vì biết các DN xuất khẩu hồ tiêu sẽ phải gấp rút mua gom từ các nhà cung ứng để thực hiện hợp đồng đã ký với các DN Trung Quốc, nên cũng chính nhóm DN Trung Quốc này lập tức tỏa đi các địa phương giao dịch với các đại lý thu mua hồ tiêu tại địa phương các vùng trồng hồ tiêu và hứa sẽ bán hồ tiêu cho đại lý với giá thấp hơn giá thị trường lúc đó.
Với cách làm này, các đại lý này thấy lời nên sẽ đồng ý mua ngay để bán lại cho các nhà xuất khẩu. Tuy nhiên, DN Trung Quốc chỉ thực hiện bán một phần rất nhỏ với giá thấp trong thời gian rất ngắn, sau đó họ nói không có hàng rồi đẩy giá thị trường tăng nóng và bán cho đại lý thương mại theo giá cao của họ.
Lúc đó, trong áp lực hối thúc của các giao dịch đã ký giữa đại lý thu mua với nhà xuất khẩu và nhà xuất khẩu với DN Trung Quốc, các DN Trung Quốc sẽ bán hồ tiêu của họ ra cho các đại lý với giá tăng nóng do họ đặt ra.
Hiện các DN xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đều không liên lạc được với các DN Trung Quốc. Theo VPA, cách làm này không mới nhưng đang trở lại gần đây gây nhiều hệ lụy cho DN xuất khẩu của Việt Nam.
Chẳng hạn, các DN Trung Quốc thường ký hợp đồng với số lượng lớn khiến DN Việt Nam thấy có lợi nhuận tốt. Do đó, DN xuất khẩu Việt Nam mải lo thực hiện hợp đồng với DN Trung Quốc nên không xuất khẩu đi các thị trường khác được.
Sau đó DN Trung Quốc lại “xù” hợp đồng khiến DN xuất khẩu vừa thiệt hại về doanh số vừa bị mất uy tín, mối làm ăn với các DN nhập khẩu ở các thị trường truyền thống khác.
Cùng với đó, DN Trung Quốc gây lũng đoạn thị trường, tạo giá cả biến động trồi sụt liên tục khiến các nhà làm tiêu trong nước e dè không dám mua bán, ảnh hưởng đến các giao dịch giữa nhà cung ứng với nhà xuất khẩu.
Trong khi đó, DN Trung Quốc thu lợi lớn từ việc làm giá theo ý đồ của họ, gây thiệt hại cho nông dân và ngành hồ tiêu Việt Nam bởi việc mua bán đã không theo quy luật thị trường. (PLO)
---------------------------------
Du lịch Trung Quốc: Cố mà vẫn vắng khách nước ngoài
Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc cố gắng mở rộng "quyền lực mềm", ảnh hưởng qua các phương tiện phi quân sự. Cường quốc này dành khoảng 10 tỷ USD một năm để quảng bá các trường dạy ngoại ngữ và xây dựng trường đại học ở nước ngoài. Bên cạnh đó, chính phủ cũng thúc đẩy các công ty giải trí mở rộng thị trường nước ngoài. Tất cả nhằm vào mong muốn thu hút du khách nước ngoài, giống như Mỹ và châu Âu.
Các phương tiện truyền thông nước này tuyên bố kế hoạch là "phát triển du lịch thành một động lực chính cho quá trình chuyển đổi và nâng cấp kinh tế". Nghe thì đao to búa lớn nhưng thực tế lại chẳng thấm vào đâu, lượng khách du lịch đến Trung Quốc năm ngoái chỉ tăng 3,8%, với khoảng 80% khách đến từ Hồng Kông, Ma Cao hoặc Đài Loan. Lý do đơn giản là vì tuy tích cực xây dựng hình ảnh toàn cầu, thật ra quốc gia này chẳng hề chào đón người nước ngoài.
Trung Quốc cần nhiều khách du lịch hơn thế này
Thứ nhất là quá trình cấp thị thực phức tạp. Trung Quốc chỉ cho phép công dân của 13 nước nhập cảnh miễn thị thực (ở Mỹ, con số này là 38). Các trung tâm thị thực Trung Quốc ở Mỹ lúc nào cũng " đông như tết". Tuy nhiên, phí xin visa là 140 USD, và người có nhu cầu phải chuẩn bị tinh thần đợi hàng giờ để trực tiếp nộp đơn, nếu không muốn mất thêm 100 USD "làm dịch vụ".
Những hạn chế này tạo ra những rào cản kinh tế đáng kể. Một nghiên cứu gần đây cho thấy yêu cầu về thị thực sẽ giảm 70% lượt khách đến một quốc gia. Vào năm 2015, Trung Quốc đại lục chỉ nhận được 2 triệu lượt khách Mỹ. Trong khi đó, Hồng Kông đón 1,8 triệu lượt dù chỉ chiếm chưa bằng 3% GDP và 1% dân số của Trung Quốc.
Vấn đề còn tệ hơn khi Trung Quốc cố gắn du lịch với chính trị, ví dụ việc cấm các tour du lịch đến Hàn Quốc để trừng phạt nước này vì vụ cho Mỹ lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD. Tuy nhiên, có một điều Bắc Kinh có lẽ đã quên, đó là không chơi với bạn thì nước bạn cũng chẳng thèm chơi với mình. Sau khi Trung Quốc hạn chế du lịch đến Hàn Quốc, người dân Hàn Quốc phản ứng bằng cách tránh xa nước này. Trong tháng 5, lượng khách Hàn sang Trung Quốc giảm 42% so với năm trước, trong khi khách đến Nhật Bản tăng 85%.
Tất cả những điều này đều có tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô. Theo một nghiên cứu của Cục Dự trữ Liên bang gần đây, khoảng 190 tỷ USD vừa chảy ra ngoài Trung Quốc dưới dạng tiêu thụ liên quan đến du lịch. Trong khi đó, nước này thu về 35 tỷ USD ngoại hối một năm từ khách du lịch. Theo dữ liệu cán cân thanh toán thống kê chính thức, Trung Quốc đang chịu mức thâm hụt 217 tỷ USD so với Mỹ trong năm 2016, tương đương với 44% mức thặng dư thương mại trong mảng hàng hoá. Trong bối cảnh Bắc Kinh đang nỗ lực ngăn chặn vốn chảy ra, tình trạng thiếu khách du lịch chẳng khác nào "đánh vào chỗ đau".
Cuối cùng, một đặc điểm cho thấy hội chứng "sợ người nước ngoài" của cường quốc này là sự thiếu vắng người nhập cư. Gần đây nhất là năm 2013 (ước tính mới nhất có sẵn), chưa đến một triệu người nước ngoài sống ở khắp Trung Quốc, ít hơn cả một số thành phố cả Mỹ. Ngay cả Nhật Bản, một nước không mặn mà lắm với người nhập cư, cũng có gấp đôi số đó.
Giải quyết vấn đề này sẽ gặp nhiều khó khăn về mặt chính trị. Tuy nhiên, một bước cơ bản là đơn giản hóa hệ thống thị thực. Các quốc gia châu Á khác, đặc biệt là Ấn Độ và Việt Nam, gần đây đã rất nỗ lực để làm quy trình đơn giản và rẻ hơn. Nếu muốn có thêm khách du lịch nước ngoài, ít nhất Trung Quốc phải làm được điều này. (NDH)