Văn hóa tiêu dùng tạo nên cuộc cách mạng mới ở Triều Tiên; Cải cách ngành lúa gạo theo định hướng thị trường; Săn đất cho thuê lãi bạc tỷ; Nhà kinh tế nổi tiếng Trung Quốc cảnh báo nợ quốc gia
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 06-08-2017
- Cập nhật : 06/08/2017
Nhu cầu vàng thế giới chạm đáy 8 năm
Nhu cầu vàng hạ 14% trong nửa đầu năm nay, chạm mức đáy tám năm trong bối cảnh các nhà giao dịch Mỹ rời bỏ khoản đầu tư được xem là thiên đường trú ẩn an toàn cho tài sản.
AFP trích thông tin từ Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho biết nhu cầu vàng toàn cầu trong sáu tháng đầu năm nay hạ xuống còn 2.004 tấn so với cùng kỳ năm 2016. Phát ngôn viên của WGC cho hay: “Lần cuối cùng nhu cầu vàng thấp hơn mức hiện tại là vào năm 2009”, khi nhu cầu chỉ đạt 1.853 tấn.
Phần lớn mức giảm xảy ra trong quý 2/2017, khi nhu cầu hạ 10% xuống còn 953,4 tấn so với giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 năm ngoái. John Mulligan, Giám đốc WGC, cho hay các nhà đầu tư Mỹ đã từ bỏ các quỹ đầu tư hoán đổi danh mục (ETF) cho vàng nhiều hơn so với các nước châu Âu trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt tay vào việc tăng lãi suất.
“Các nhà đầu tư quỹ ETF châu Âu ít biến động hơn nhiều, ổn định hơn nhiều và ít có khả năng thay đổi về mặt thanh khoản so với các nhà đầu tư quỹ ETF Mỹ”, ông Mulligan nói. Các quỹ ETF cho phép đầu tư không cần giao dịch trên các thị trường kỳ hạn.
Chuyên gia Alistair Hewitt thuộc WGC cho hay nhu cầu nửa đầu năm 2017 giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái, song xét một số mặt thì thị trường năm nay tốt hơn. Sức tăng nhu cầu vàng năm ngoái hầu như chỉ phụ thuộc vào dòng vốn vào các quỹ ETF kỷ lục, trong khi nhu cầu tiêu dùng sụt giảm.
“Đến nay chúng tôi thấy dòng tiền đổ vào quỹ ETF ổn định ở châu Âu và Mỹ, nhu cầu trang sức phục hồi với mức tăng trưởng tốt ở Ấn Độ, trong khi đầu tư nhỏ lẻ và nhu cầu công nghệ cũng đi lên”, chuyên gia Hewitt nói. Nhu cầu vàng hạ 18% trong quý 1/2017 so với cách đây một năm khi các nhà đầu tư Mỹ từ bỏ kim loại quý sau chiến thắng của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Vàng được xem là khoản đầu tư an toàn trong thời điểm kinh tế thiếu chắc chắn song giờ đây, thị trường đã bớt tập trung vào khả năng thông qua cải cách của ông Trump so với trước đó. Đồng đô la Mỹ mạnh hơn, một phần nhờ lãi suất cao hơn, khiến các nhà đầu tư từ bỏ vàng để đổ tiền vào USD.(Thanhnien)
--------------------------
Chuyên gia HSC: TTCK có thể đạt 920-960 điểm vào cuối năm hoặc đầu 2018?
Thị trường chứng khoán (TTCK) 2 tuần đầu của tháng 7 đã chứng kiến sự điều chỉnh mạnh. Mặc dù khối ngoại vẫn đang mua ròng mạnh trên sàn HOSE, với tổng giá trị đạt 2.632 tỷ đồng sau 12 phiên mua ròng liên tiếp.
Thị trường đang chịu áp lực chốt lời mạnh trong ngắn hạn, tuy nhiên về trung và dài hạn, thị trường vẫn có xu hướng tăng trưởng tích cực và có thể đạt 920-960 điểm vào cuối năm nay. Đó là nhận định của ông Nguyễn Đình Hạnh - báo cáo viên của CTCP Chứng khoán TPHCM (HSC) tại Hội thảo "Đi tìm danh mục dẫn sóng cuối năm 2017" vừa được tổ chức sáng 05/08/2017.
TTCK có thể đạt 920-960 điểm vào cuối năm nay
Nhận định về xu hướng TTCK 6 tháng cuối năm, ông Hạnh cho biết trong xu hướng ngắn hạn, thị trường sắp tới chịu áp lực chốt lời mạnh, đẩy thị trường rung lắc hoặc điều chỉnh trong tuần sau. Thị trường ngắn hạn cũng đang hình thành mô hình "lá cờ hình chữ nhật bay thuận", do đó sẽ có xu hướng đi lên và mục tiêu trong ngắn hạn đạt 800-820 điểm. Nếu trong trung hạn thị trường chịu áp lực chốt lời quá mạnh, điều chỉnh về vùng đáy 740-750 điểm thì đó là thời điểm nên mua vào.
Còn trong xu hướng dài hạn, thị trường đang hình thành mô hình "cốc và tay cầm". Mục tiêu của mô hình trong xu hướng dài hạn sẽ lên tới 920-960 điểm vào cuối năm nay hoặc sang năm 2018.
Bổ sung cho quan điểm tăng trưởng trong dài hạn của TTCK, ông Võ Đức Tín - báo cáo viên của HSC cho rằng, dòng tiền lớn vẫn chưa ra khỏi thị trường, do đó, xu hướng tăng từ giờ đến cuối năm vẫn rất tích cực.
Theo ông Tín, chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ giúp dòng tiền chảy vào các doanh nghiệp sản xuất, qua đó gián tiếp chảy qua TTCK. Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2017 đạt 9,06%, mức cao kỷ lục trong các năm gần đây là một minh chứng.
Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh trong quý II/2017 của các doanh nghiệp đã được cải thiện mạnh, nhất là top 70 doanh nghiệp lớn nhất thị trường mà HSC đã thống kê.
Thêm nữa, dòng vốn ngoại tiếp tục đổ vào thị trường, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng phiên thứ 12 liên tiếp trên HoSE với tổng giá trị đạt 2.632 tỷ đồng.
Ngoài ra làn sóng thoái vốn và niêm yết trên thị trường sẽ tiếp tục là động lực giúp TTCK tăng trưởng từ giờ đến cuối năm.
Bất động sản, ngân hàng và chứng khoán sẽ là 3 ngành dẫn sóng cuối năm
Trên TTCK từng có hiệu ứng tháng 7 mưa ngâu, do đó nhà đầu tư thường hay chốt lời vào tháng này vì cho rằng tháng 7 có tỷ suất sinh lợi thấp nhất, các nhà đầu tư sẽ tìm các kênh đầu tư khác hoặc nắm giữ tiền mặt. Nhưng theo thống kê của HSC, tháng 7 không phải là tháng có tỷ suất sinh lợi thấp nhất mà là tháng 11 và thị trường sẽ vào uptrend từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Theo đó, ông Tín cho rằng tháng 7, tháng 8 là thời điểm tốt nhất để gom vào cổ phiếu và dòng tiền lớn vẫn nằm trong thị trường.
Nhận định về ngành dẫn sóng cuối năm, chuyên gia trên cho rằng dòng tiền vào 3 ngành bất động sản, ngân hàng và chứng khoán cực kỳ mạnh từ đầu năm và sẽ là 3 ngành được chú ý nhất từ giờ đến cuối năm.
Cụ thể, ngành ngân hàng có kết quả kinh doanh quý II khá tốt, khi mà 2016 là năm NHNN đã ra nhiều biện pháp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Năm 2017, ngành ngân hàng đã phản ánh được nỗ lực tái cơ cấu và các cổ phiếu đã tăng rất tốt từ đầu năm. Theo thống kê của HSC, ngành ngân hàng đã tăng trưởng 51,68% trong nửa đầu năm. Cuối năm các mã như MBB, ACB, BID,VCB,.. sẽ rất đáng chú ý.
Ngành bất động sản cũng đã chứng kiến đà tăng mạnh từ đầu năm với tốc độ tăng trưởng 30,28%. Những mã đáng chú ý vào cuối năm sẽ là NLG, PDR,..
Ngành chứng khoán sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ thanh khoản thị trường tăng lên, từ năm 2016 thanh khoản chỉ khoảng 2.000-2.500 tỷ/ngày thì sang năm 2017 đã tăng lên khoảng 4.000 tỷ/ngày. Ngoài ra, TTCK sắp tới cũng sẽ đón thêm các sản phẩm phái sinh. Qua đó, HSC khuyến nghị nắm giữ 2 mã đầu ngành là SSI, HCM.(NDH)
-----------------------
Tập đoàn Trung Quốc đầu tư vào dự án 100 tỉ USD
Dự án Forest City được xây dựng hoàn toàn trên biển, với tổng vốn đầu tư khoảng 100 tỉ USD, trong đó 60% vốn từ tập đoàn Trung Quốc và 40% còn lại là từ chính phủ Malaysia.
Ngày 4.8, tại Malaysia, Tập đoàn Country Garden Holdings (Trung Quốc) đã khai trương nhà máy vật liệu xây dựng để cung cấp vật tư cho tập đoàn này triển khai dự án Forest City nằm ở Johor, thành phố phía nam của Malaysia, cách Singapore khoảng 2 km.
Được biết dự án Forest City được xây dựng hoàn toàn trên biển, với tổng vốn đầu tư khoảng 100 tỉ USD, trong đó 60% vốn từ tập đoàn Trung Quốc và 40% còn lại là từ chính phủ Malaysia. Dự án rộng 13 km2, với khoảng 300.000 căn hộ, đáp ứng cho khoảng 700.000 người, là tổ hợp các khách sạn, văn phòng, sân golf, khu công nghệ cao và hàng nghìn căn biệt thự, trường học, bệnh viện. Để làm dự án này, chủ đầu tư đã đổ một lớp đá xuống biển, sau đó là cát pha sỏi và cuối cùng là lớp cát trên bề mặt.
Dự án bắt đầu xây dựng từ đầu năm 2016, dự kiến hoàn thành vào năm 2040, với 4 hòn đảo nhân tạo. Hiện dự án đã xây dựng xong một tuyến đường cao tốc nối Malaysia với Singapore, một khách sạn cao cấp, các trung tâm thương mại, bãi đậu xe cũng đã được xây dựng xong. Dự kiến vào năm 2020 hòn đảo đầu tiên sẽ hoàn thành, các đảo tiếp theo cũng sẽ tiếp tục được xây dựng.
Theo tính toán, giá bán 1 m2 căn hộ bình quân khoảng 3.000 USD. Đến nay dự án đã bán được khoảng 20.000 căn hộ cho khách hàng Singapore, Malaysia, Trung Quốc...(Thanhnien)
------------------------------------
Bức tranh tương phản của 2 "ông lớn" nhập khẩu than Trung Quốc và Ấn Độ
Sự khác biệt giữa hai "ông lớn" nhập khẩu than phản ánh "bức tranh tương phản" trong chính sách của Trung Quốc và Ấn Độ.
Việc Trung Quốc đang thắt chặt sản lượng than trong nước và đóng cửa các mỏ than hoạt động kém hiệu quả nhằm bảo vệ môi trường đã đẩy nhu cầu nhập khẩu lên cao.
Trong khi đó, Ấn Độ đã nhường lại "ngôi vị" quốc gia nhập khẩu than lớn nhất cho Trung Quốc vào năm ngoái khi quốc gia này tuyên bố rằng sẽ dần giảm nhập khẩu than xuống còn...0 tấn đồng thời đẩy mạnh sản lượng trong nước.
Lượng nhập khẩu than của Trung Quốc qua đường biển tăng mạnh từ 17,9 triệu tấn trong tháng 6 lên 20,8 triệu tấn hồi tháng 7.
Tháng 7 đồng thời cũng là tháng thứ 3 kể từ đầu năm nay, lượng nhập khẩu than qua đường biển của Trung Quốc vượt quá 20 triệu tấn, đẩy tổng lượng nhập khẩu than trong 7 tháng đầu năm lên 135,2 triệu tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với các nước xuất khẩu than lớn trên thế giới, có vẻ như lượng than xuất khẩu của Australia vượt trội hơn so với đối thủ trong khu vực là Indonesia. Nguyên nhân là do Australia chủ yếu xuất khẩu than chất lượng cao phục vụ cho việc luyện thép trong khi Indonesia xuất khẩu than kém chất hơn.
Trong tháng 7, Trung Quốc nhập khẩu 8 triệu tấn than từ Australia, nâng tổng lượng than nhập khẩu từ quốc gia này lên 51,26 triệu tấn, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2016.
Bên cạnh đó, đáng chú ý lượng than nhập khẩu từ Mỹ mặc dù không cao như Australia chỉ ở mức 4,03 triệu tấn trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7 nhưng tăng trưởng gấp đôi so với mức 1,96 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu than của Mỹ tăng vọt hơn 60% trong năm nay do nhu cầu tăng từ châu Âu và châu Á, cho phép chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng những nỗ lực nhằm khôi phục ngành công nghiệp đã tàn phá đang tiến hành.
Ông Trump đã thực hiện lời hứa hủy bỏ thỏa thuận Paris và bác bỏ các quy định môi trường thời Obama nhằm hỗ trợ các nhà khai thác than. Năm ngoái, sản lượng của họ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1978. Trong nhiều năm qua, ngành than nước này đã phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt bởi nguồn cung khí tự nhiên giá rẻ hơn nhờ công nghệ khoan tốt hơn và tăng cường sử dụng khí tự nhiên cho các nhà máy điện.
Ấn Độ không còn "đói than"
Lượng than nhập khẩu qua đường biển của Ấn Độ giảm tới 13,4% trong vòng 7 tháng đầu năm 2017 xuống còn 105,36 triệu tấn. Nhà cung cấp than hàng đầu của Ấn Độ là Indonesia giảm 9,7% xuống còn 42,79 triệu tấn.
Cùng lúc đó, Australia cũng phải ngậm ngùi chứng kiến sự sụt giảm lượng than xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ xuống còn 23,66 triệu tấn. Nguyên nhân chủ yếu là do giá than tăng cao cùng với quãng đường vận chuyển dài làm tăng chi phí khiến khả năng cạnh tranh của than nước này so với Indonesia và các đối thủ khác bị giảm sút.
Tuy nhiên lượng than nhập khẩu từ Mỹ tăng 16,8% trong 7 tháng đầu năm lên mức 6,23 triệu tấn.
Như vậy tổng kết lại, trong giai đoạn từ tháng 1/2017- tháng 7/2017, lượng than nhập khẩu của Trung Quốc tăng 13,6 triệu tấn trong khi Ấn Độ giảm 16,3 triệu tấn.
Trong tuần này, giá than Newcastle (Australia) tăng lên trên mức 100 USD/tấn. Hôm mùng 1/8, giá than đạt đỉnh kể từ tháng 12 ở mức 102,5 USD/tấn.
Nguyên nhân một phần là do nhu cầu than Australia chất lượng cao ở Trung Quốc tăng cao.
Lượng than nhập khẩu tại Ấn Độ giảm có lẽ một phần do than của Indonesia có chất lượng thấp hơn. Hiện quốc gia này đang tìm các "bến đỗ" khác cho than của mình.(NDH)