tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 01-04-2016

  • Cập nhật : 01/04/2016

Tôm tăng giá kỷ lục: Người mừng, kẻ lo

Giá tôm nguyên liệu đang ở mức cao kỷ lục so với nhiều năm gần đây khiến người nuôi phấn khởi. Song, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lại lo ngại thiếu nguồn cung để sản xuất, do diện tích thả nuôi giảm đáng kể trước tác động bất lợi của thời tiết.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Giá tăng, người nuôi trúng đậm

Vào những ngày cuối tháng 3, đi dọc theo những cánh đồng tôm bạt ngàn ở Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, chúng tôi bắt gặp bầu không khí vui mừng của hàng ngàn hộ nuôi tôm. “Mấy năm qua giá tôm rẻ bèo, nhà nông chúng tôi sản xuất không có lãi. Nhưng năm nay thì khác, tôm nguyên liệu tăng giá cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, nhà nào còn giữ được diện tích canh tác sẽ gỡ được vốn thua lỗ mấy năm qua, và có lời cao” – ông Nguyễn Văn Lượm ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, phấn khởi.

Gia đình ông Lượm có hơn 2ha đất nuôi tôm quảng canh cải tiến. Ở vụ nuôi năm trước, nông dân này cũng đào ao nuôi tôm công nghiệp theo phong trào. Tuy nhiên thời tiết bất lợi khiến tôm nuôi chết hàng loạt, cộng với giá tôm xuống thấp khiến ông lỗ vốn gần cả trăm triệu đồng. “Sau Tết Nguyên đán, tôi cải tạo lại hai ao nuôi, vừa rồi thu hoạch đúng ngay dịp giá tôm tăng cao, sau khi trừ đi chi phí tôi còn lãi gần 200 triệu đồng, đó là chưa kể khoản thu từ 2ha đất nuôi quảng canh” – ông Lượm hồ hởi nói.

Cùng chung niềm vui, ông Nguyễn Văn Bá ở xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước cho biết: Tôm sú loại 20 con/kg hiện tại có giá 290.000 đồng/kg; loại 30 con/kg có giá từ 220.000 – 240.000 đồng/kg; tôm thẻ loại 100 con/kg có giá 110.000 đồng/kg. “Bình quân tôm nguyên liệu tăng giá từ 20.000 – 30.000 đồng/kg so với cùng kỳ. Với giá tôm như hiện nay, nông dân thu lãi lớn khi thu hoạch” – ông Bá cho biết.

Ông Nguyễn Trúc Giang – Trưởng Phòng NNPTNT huyện Cái Nước chia sẻ niềm vui với bà con nông dân: “Bây giờ vào các vùng nuôi tôm, thấy người dân phấn khởi mình cũng vui cho họ. Tuy nhiên, thời tiết đang nắng hạn gay gắt, nên ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo đối với những hộ không đủ điều kiện thả nuôi thì nên chậm lại, đợi đến mùa mưa”.

Cung không đủ cầu

Theo ông Giang, mặc dù giá tôm tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm, song diện tích nuôi trên địa bàn lại giảm. Huyện có hơn 30.000ha nuôi tôm (tôm công nghiệp chiếm 2.200ha). Từ đầu năm đến nay nông dân mới xuống giống thả nuôi chỉ được 750ha. Độ mặn tăng cao (từ 35 - 38%o), nguồn nước phục vụ sản xuất cạn kiệt, con tôm không thể phát triển được, nên bà con nông dân còn e ngại không dám xuống giống thả nuôi.

Theo báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, tổng sản lượng tôm 3 tháng đầu năm 2016 ước đạt 14.600 tấn, (bằng 88,5% so với cùng kỳ). Trong khi đó diện tích thả nuôi thấp hơn so với các năm trước, như: Tôm quảng canh cải tiến trên 79.000ha (chỉ bằng khoảng 80%); tôm công nghiệp với tổng diện tích gần 10.000ha, nhưng hiện chỉ mới thả nuôi được 4.100ha…

Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu - bà Phan Thị Thu Oanh thông tin: Diện tích nuôi tôm của tỉnh hơn 124.000ha (tôm công nghiệp chiếm 3.109ha). Cả diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh và nuôi công nghiệp đều không đạt kế hoạch (chỉ đạt trên dưới 16%)”.

Ông Ngô Thanh Lĩnh - Tổng Thư ký Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cà Mau (CASEP) cho biết: “Không chỉ riêng gì năm nay các doanh nghiệp mới lo chuyện thiếu tôm nguyên liệu để sản xuất. Ở các năm trước, một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong tỉnh phải nhập tôm nguyên liệu từ Ấn Độ vào khoảng tháng 7 trở đi”.

Ở gốc độ doanh nghiệp, ông Lê Triệu Vĩnh – Phó Giám đốc Công ty cổ phẩn Thủy sản Phú Cường nhận định: “Tình hình hạn hán gay gắt năm nay đang là nguyên nhân khiến nguồn tôm liệu thiếu hụt trầm trọng, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng. Sản lượng giảm khoảng 30% so với các năm trước. Hiện công ty không bị ảnh hưởng nhiều do thu gọn sản xuất, nhưng các công ty xuất khẩu lớn chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nhiều”.

Đồng quan điểm, ông Trần Văn Trung – Giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa (Cà Mau) nói: Doanh nghiệp đang bị hụt nguồn tôm nguyên liệu khoảng 30% so với cùng kỳ. Theo ông Trung, ở các năm trước vào thời gian này nguồn tôm nguyên liệu trong tỉnh đáp ứng đủ cho việc sản xuất của doanh nghiệp, riêng 3 tháng đầu năm nay thì nguồn tôm nguyên liệu bị thiếu hụt, do nông dân ngại sản xuất.


Những nhà đầu tư nào đang dòm ngó cơ hội ở Triều Tiên?

Jim Rogers, người đã tham gia sáng lập quỹ Quantum Fund cùng George Soros, từng nói rằng ông sẵn sàng đổ hết gia tài của mình vào Triều Tiên nếu được phép.

Gần đây vừa có một scandal đặc biệt liên quan tới nền kinh tế của quốc gia bí ẩn bậc nhất thế giới là Triều Tiên: công ty đồ thể thao Rip Curl của Australia đã phải thừa nhận rằng có đến 4.000 chiếc áo jacket gắn nhãn “Made in China” của họ thực ra là được sản xuất tại Triều Tiên.

Theo giải thích của Rip Curl, đơn hàng của họ đã bị đối tác tại Trung Quốc bí mật chuyển giao qua một nhà máy ở Triều Tiên. Công ty đã hủy hợp đồng với đối tác này, cũng như hoàn lại tiền cho khách hàng và hứa sẽ chuyển hết lợi nhuận từ lô hàng kể trên cho các hoạt động từ thiện. Thông báo từ ban lãnh đạo Rip Curl cho biết họ “vô cùng xin lỗi vì những gì đã xảy ra”.

Tuy nhiên, theo doanh nhân người Thụy Sĩ Felix Abt thì Rip Curl không có gì cần phải xin lỗi. Là người đã sống và làm việc tại Bình Nhưỡng từ 2002 tới 2009 và hiện đang sống tại Việt Nam, Abt là một trong số ít những người phương Tây cổ động việc hợp tác kinh doanh với Triều Tiên. Được biết, quốc gia này vừa bị tạp chí The Economist xếp hạng môi trường đầu tư kém nhất thế giới hồi đầu năm nay.

Theo một luật sư giấu tên tại Washington DC chuyên về tư vấn đầu tư vào các thị trường cận biên, Triều Tiên là một nơi dành cho “những người thích mạo hiểm” và “linh hoạt về mặt đạo đức”. Còn theo cuốn sách “Chuyện một nhà tư bản ở Triều Tiên” (A Capitalist in North Korea) của mình, Felix Abt nhận xét rằng việc chi phí lao động ở Trung Quốc tăng cao đang khiến cho Triều Tiên trở thành “nơi lý tưởng cho việc outsourcing”.

mot nha may det tai khu cong nghiep kaesong - anh: the telegraph

Một nhà máy dệt tại khu công nghiệp Kaesong - Ảnh: The Telegraph

Với kinh nghiệm từng đại diện cho một số công ty ngoại quốc đầu tư vào Triều Tiên, Abt cho biết rằng các công nhân người Triều “làm việc hăng say hơn những người khác”, và các bộ luật về đầu tư nước ngoài của nước này đã thông thoáng hơn trong những năm gần đây. Việc thành lập các khu công nghiệp mới cũng đã giải quyết phần nào các vấn đề hay gặp trước đây như mất điện hay thiếu nhiên liệu.

Về việc xuất xứ sản phẩm, Abt cho biết rằng nếu như giữ được cho dưới 50% thành phẩm là có nguồn gốc từ Triều Tiên, thì việc gắn nhãn “Made in China” là chẳng có gì sai. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp muốn tiết kiệm chi phí có thể khoán hết các phần việc đòi hỏi nhiều công lao động nhất sang các nhà máy ở Triều Tiên, nơi có mức lương cao nhất là 75 USD / tháng, so với mức lương tối thiểu ở Trung Quốc là 270 USD.

Với các quan điểm khá khác người của mình về việc kinh doanh với Triều Tiên, Abt từng có lúc bị gọi là “nỗi xấu hổ lớn nhất của Thụy Sĩ”. Nhưng ông vẫn bảo lưu quan điểm rằng việc hợp tác kinh doanh với chính phủ Triều Tiên cũng mang lại lợi ích cho người dân nước này. Theo Abt cho biết, ông và các đồng nghiệp của mình đã mang lại cho các nhà quản lý ở Triều Tiên các kiến thức chuyên môn của phương Tây, và giới thiệu cho họ thế nào là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR): “Khi tôi quay trở lại thăm các xí nghiệp ấy, tôi thấy họ đã có những thay đổi tốt, như căngtin hay nhà tắm mới cho công nhân”.

Từ một góc nhìn khác, chuyên gia nghiên cứu Curtis Melvin tại Đại học Johns Hopkins cho rằng việc đầu tư vào Triều Tiên có thể mang lại thay đổi tích cực, nhưng ông không khuyến khích làm điều đó vào lúc này. Theo Melvin, đó vẫn là “khoảng chân không về mặt thông tin”, và “các hợp đồng thường xuyên bị vi phạm”. Còn theo Matthew Reichel, giám đốc dự án Pyongyang Project chuyên tổ chức giao lưu học thuật với Triều Tiên, thì đây là nơi có “vị trí địa lý rất tuyệt vời, và có nhiều người dân biết chữ và hăng say lao động”. Dù vậy, Reichel cũng cảnh báo rằng “nếu có ai đó vẽ ra một bức tranh toàn màu hồng về việc đầu tư vào Triều Tiên, thì họ không nói hết sự thật đâu”.

mot xuong che bien toi tai khu cong nghiep kaesong - anh: itv.com

Một xưởng chế biến tỏi tại khu công nghiệp Kaesong - Ảnh: ITV.com

Năm 2012, một tập đoàn khai thác mỏ của Trung Quốc là Xiyang Group từng thừa nhận rằng 5 năm đầu tư của họ vào Triều Tiên là một sai lầm. Sau khi Xiyang đã bỏ ra 37 triệu USD vào một liên doanh với chính phủ Triều Tiên, hai bên đã có mâu thuẫn về một số điều khoản trong bản hợp đồng đã ký. Khi Xiyang từ chối thay đổi, cơ sở sản xuất của họ đã bị cắt hết điện nước, và sau đó 100 nhân viên của họ cũng bị trục xuất hết về Trung Quốc.

Năm 2015, một liên doanh sản xuất điện tử giữa quỹ đầu tư Phoenix Commercial Ventures của châu Âu với công ty Hana Electronics của Triều Tiên cũng đi đến thất bại. 2 tháng sau đó, hãng viễn thông Orascom của Ai Cập, vốn là công ty thành lập mạng di động đầu tiên tại Triều Tiên, cho biết họ đã mất quyền kiểm soát liên doanh với phía Triều Tiên, dù nắm tới 75% cổ phần. Mặc dù Orascom chưa cho biết họ có ý định tiếp tục duy trì kinh doanh ở Triều Tiên hay không, nhưng xem ra khả năng thoái vốn để thu hồi tài sản là rất khó xảy ra.

Mặc dù vậy, vẫn có những người tiếp tục khuyến khích đầu tư vào Triều Tiên như Felix Abt hay Paul Tija, một chuyên gia tư vấn người Hà Lan. Theo Tija, khả năng công nghệ của Triều Tiên là đủ sức để sản xuất các sản phẩm nhận dạng vân tay, giọng nói và khuôn mặt. Còn Abt thì cho rằng việc sản xuất răng giả ở Triều Tiên là có lợi nhuận khá tốt, với chi phí thấp hơn nhiều so với tại Philippines, nơi có tỷ lệ người dùng răng giả nhiều nhất châu Á.

Nhà đầu tư lão luyện Jim Rogers, người đã tham gia sáng lập quỹ Quantum Fund cùng George Soros, từng nói rằng ông sẵn sàng đổ hết gia tài của mình vào Triều Tiên nếu được phép. Rogers bắt đầu quan tâm tới quốc gia này sau một chuyến thăm hồi năm 2007, và tới năm 2011 thì chuyển sang tìm hiểu các cơ hội đầu tư, chỉ vài tháng sau khi Kim Jong-un trở thành lãnh đạo mới của Triều Tiên. Theo Rogers, Triều Tiên hiện nay rất giống Trung Quốc hồi năm 1981, nhưng có tiềm năng thay đổi còn nhanh hơn cả Trung Quốc.

Rogers than phiền rằng các lệnh cấm vận ngặt nghèo của nước Mỹ với Triều Tiên là “rất đáng buồn”, và cho rằng không phải ngẫu nhiên mà những nhà đầu tư của các nước khác thường đi trước người Mỹ tại các thị trường cận biên. Nếu Rip Curl là một công ty của Mỹ, có thể ban lãnh đạo công ty này đã phải đối mặt với mức phạt tối đa 1 triệu USD hay bản án lên tới 20 năm tù.


Thiệt hại chục ngàn tỷ do cấm xuất khẩu quặng sắt

hoa phat dang duoc huong loi tuyet doi tu chinh sach cam xuat khau quang sat - anh: ngoc thang.

Hòa Phát đang được hưởng lợi tuyệt đối từ chính sách cấm xuất khẩu quặng sắt - Ảnh: Ngọc Thắng.

Trong khi đó, tại Việt Nam việc cấm xuất khẩu quặng đã khiến ngân sách thất thu hàng ngàn tỷ và duy trì sản xuất thép từ quặng sắt dẫn đến ô nhiễm trầm trọng do đốt lò bằng than cốc.
Hòa Phát hưởng lợi, người tiêu dùng thiệt
Trong số vài chục doanh nghiệp (DN) sản xuất thép hiện nay tại Việt Nam có khoảng chục lò luyện thép sử dụng quặng sắt, nhưng hầu hết có quy mô nhỏ lẻ. Chỉ có Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên và Công ty thép Hòa Phát có quy mô lớn. Nhưng Thái Nguyên hầu như tự chủ được nguyên liệu của mình, còn Hòa Phát vẫn chủ yếu mua quặng sắt trong nước. Vì vậy, chính sách cấm xuất khẩu (XK) quặng sắt từ năm 2012 đã tạo lợi thế tuyệt đối cho Hòa Phát.
Cụ thể, theo công văn của 8 DN thuộc Hội DN khai thác và chế biến quặng sắt gửi Thủ tướng trong năm 2015, 90% DN khai thác quặng sắt đã phá sản; 10% hoạt động cầm chừng và nguy cơ phá sản cao. Lý do là từ khi cấm XK quặng sắt, đầu ra của các DN này đã bị bó hẹp, chủ yếu là cung cấp cho Công ty cổ phần thép Hòa Phát nên họ bị các đơn vị thu mua quay lại ép giá. Ví dụ, khi giá thế giới vào khoảng 48 USD/tấn quặng sắt thì công ty trong nước chỉ mua với giá dưới 42 USD/tấn.
Công văn trên cho biết, trung bình cứ 1,6 tấn quặng sắt (hàm lượng Fe 65%) cho ra 1 tấn thép, tương đương giá trị quặng sắt/tấn thép chỉ là 1,85 triệu đồng. Trong khi đó, giá thép bán ra là 12 triệu đồng/tấn. Như vậy, tỷ suất quặng/thép chỉ có 15%. Tỷ lệ này là chưa từng có trong lịch sử ngành luyện kim thế giới, bởi trên thế giới tỷ lệ này tối thiểu là 30%. Tức là, DN thép mua quặng với giá rất rẻ song lại bán thép thành phẩm giá cao hơn nhiều giá thế giới. Tình trạng này khiến DN quặng lẫn người tiêu dùng bị thiệt thòi.
Với lợi thế mua quặng rẻ, Hòa Phát nhiều năm nay lợi đủ bề. Theo các chuyên gia, trong ngành thép khoảng cách giữa nhà máy và nơi tiêu thụ quá 800 km là không có khả năng cạnh tranh. Nhưng với Hòa Phát, dù nhà máy đặt tại Hải Dương và Hưng Yên vẫn cạnh tranh khá tốt trên thị trường miền Trung và thậm chí vào tận miền Nam. Năm 2013 - 2014, khi giá quặng sắt bình quân của thế giới là 135 USD/tấn thì tại Việt Nam giá XK chỉ khoảng 85 USD/tấn.
Bản thân Hòa Phát chỉ mua giá quặng trong nước khoảng 55 USD (do không phải đóng thuế XK quặng 40%) và từ đó ước tính đã có lời hơn các DN khác trong ngành khoảng 1,1 - 1,2 triệu đồng/tấn thép. Nếu cộng chi phí vận chuyển và trung chuyển từ nhà máy phía bắc vào nam khoảng 500.000 đồng/tấn thì Hòa Phát vẫn còn lời hơn 700.000 đồng/tấn.
Điều đáng nói, dù mua nguyên liệu trong nước rẻ hơn nhiều lần so với nhập khẩu, sản xuất lò cao chi phí thấp hơn lò điện, lợi nhuận dẫn đầu trong ngành thép nhưng theo ghi nhận trên thị trường, trong những đợt tăng giá thép như vừa qua, không chỉ những DN nhập khẩu phôi từ nước ngoài mà bản thân Hòa Phát cũng đều tăng giá bán. Trong khi chính tập đoàn này là nguyên đơn yêu cầu điều tra và áp thuế tự vệ đối với phôi thép nhập khẩu, gây xáo trộn và tăng giá thép như hiện nay. Hòa Phát cũng chính là đơn vị gửi công văn lên Chính phủ đề nghị không cho XK quặng sắt năm 2013 và thụ hưởng toàn bộ nguồn lợi như nói trên.
Ngân sách thất thu, tiền vào túi thiên hạ
Theo một nghiên cứu độc lập của các chuyên gia kinh tế Fulbright gồm Huỳnh Thế Du, Đỗ Thiên Anh Tuấn, Nguyễn Xuân Thành và Đinh Công Khải, sự bất cập lớn nhất của chính sách cấm XK quặng sắt là tạo lợi thế cho những DN đã đầu tư xây dựng công nghệ lò cao như Tập đoàn Hòa Phát và Công ty gang thép Thái Nguyên. Đặc biệt, tổn thất rất lớn của chính sách này là tạo ra lợi thế cho chính đối thủ trực tiếp nhất là Trung Quốc, thông qua việc XK lậu quặng sắt, dẫn đến thất thu ngân sách và tạo sân chơi không bình đẳng.
Theo số liệu chính thức của hải quan Việt Nam, lượng xuất khẩu quặng sắt của nước ta năm 2013 chỉ là 1,24 triệu tấn. Nhưng theo số liệu của hải quan Trung Quốc, con số này lên đến 4,5 triệu tấn. Phần chênh lệch chủ yếu do XK không chính thức. Giá XK bình quân quặng sắt Việt Nam là 84,75 USD/tấn theo hải quan Trung Quốc nhưng theo hải quan Việt Nam chỉ là 48,72 USD/tấn, trong khi giá bình quân mà Trung Quốc nhập từ các nước Ấn Độ, Brazil và Úc là 135 - 139 USD/tấn. Như vậy, với 4,5 triệu tấn quặng sắt bị XK lậu mỗi năm, Việt Nam bị thiệt hại khoảng 225 triệu USD (tương đương 4.725 tỷ đồng vào thời điểm năm 2013). Phần này rơi vào túi các DN Trung Quốc khi mua được quặng giá rẻ.
Chưa hết, việc XK lậu quặng sắt cũng khiến Việt Nam bị thất thu thuế hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm. Cụ thể, năm 2013 mức thất thu ước tính là 3.984 tỷ đồng (bao gồm không thu được thuế XK, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và bảo trì đường bộ…). Nghiêm trọng hơn, các DN Trung Quốc mua quặng sắt của Việt Nam với giá rẻ, sau đó sản xuất thép và bán ngược lại thị trường Việt Nam khiến các DN trong nước khó có thể chống đỡ nổi.
Còn theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, một chính sách chỉ làm lợi cho 1 - 2 DN là không công bằng, gây bất đình đẳng trong môi trường kinh tế của Việt Nam. Mặc dù quặng sắt là nguồn tài nguyên có giới hạn của đất nước nhưng cũng không nên cấm hẳn. Đặc biệt khi sản xuất trong nước từ nguồn tài nguyên đó nhưng gây ô nhiễm môi trường, không có lợi thế cạnh tranh so với giá sản xuất thành phẩm của thế giới thì chúng ta không nên làm.

Hồng Kông muốn nhập từ Việt Nam 1.500 con heo/ngày

Các nhà nhập khẩu thịt heo ở Hồng Kông tìm đến hiệp hội đặt vấn đề nhập khẩu heo thịt với số lượng 1.500 con/ngày, bên cạnh đó là khoảng 30 tấn heo sữa đông lạnh mỗi tháng.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết mới đây các nhà nhập khẩu thịt heo ở Hồng Kông tìm đến hiệp hội đặt vấn đề nhập khẩu heo thịt với số lượng 1.500 con/ngày, bên cạnh đó là khoảng 30 tấn heo sữa đông lạnh mỗi tháng.
Về heo thịt, yêu cầu phải là sản phẩm đạt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và được giết mổ tại các cơ sở đạt tiêu chuẩn, đối tác sẽ nhập thịt đông lạnh về Hồng Kông. “Với số lượng này thì Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai dư sức đáp ứng, nhưng phải có ký kết hợp đồng cụ thể. Nếu hợp đồng được ký kết, người chăn nuôi heo ở Đồng Nai có thêm đầu ra ổn định để yên tâm sản xuất”, ông Đoán nói và cho biết thêm ngoài Hồng Kông còn có Malaysia, Singapore cũng đặt vấn đề nhập khẩu vịt và heo sữa. Tuy nhiên, hiện các giống heo đang sản xuất ở Đồng Nai đều là giống heo siêu thịt nên không thể phục vụ kinh doanh heo sữa.
Theo Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai, hiện tổng đàn heo của địa phương trên 1,2 triệu con, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, ông Đoán cho rằng hiện người chăn nuôi đang tăng đàn trở lại, lượng heo thực tế có thể cao hơn so với thống kê của ngành chức năng.

Nhiều người chăn nuôi heo ở Đồng Nai cho biết hiện nay thương lái Trung Quốc đang tăng mua nên giá heo thịt khá cao, từ 47.000 - 50.000 đồng/kg, tăng khoảng 5.000 đồng/kg so với giữa tháng 3. Tuy nhiên, việc làm ăn với thương lái Trung Quốc gặp nhiều rủi ro vì không có hợp đồng. Cuối năm 2015, khi đang thu mua, bất ngờ thương lái Trung Quốc đóng cửa biên giới 3 tuần làm giá heo giảm từ mức 42.000 - 45.000 đồng/kg xuống chỉ còn 35.000 đồng/kg.

100% gà Trung Quốc nhập vào Việt Nam là trái phép

Cục Thú y khẳng định, toàn bộ gà Trung Quốc nhập vào Việt Nam đều là trái phép, các cơ quan chức năng của Việt Nam và Trung Quốc chưa ký kết thỏa thuận nào về xuất khẩu, nhập khẩu gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm giữa hai nước.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Mặt khác cũng cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc ngăn cấm thương mại quốc tế là rất khó.

Cuối tháng 1/2016, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị song phương Việt Nam -Trung Quốc về hợp tác thú y, tăng cường giám sát và kiểm soát dịch bệnh động vật qua biên giới.

Đáng chú ý, theo website của Cục Thú y “Hội thảo cũng nhằm mục đích xúc tiến về việc thương mại bước đầu một số loại động vật, sản phẩm động vật an toàn của hai nước dựa trên tình hình thực tế, đặc biệt là xuất khẩu thịt gà và gà con 1 ngày tuổi từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng như xuất heo thịt và bò từ Việt Nam sang Trung Quốc”.

Lâu nay, nhập khẩu động vật và sản phẩm động vật từ Trung Quốc luôn tiềm ẩn rủi ro dịch bệnh, chính vì thế điều này đang làm dấy lên lo ngại thực phẩm bẩn có cơ hội tràn vào Việt Nam, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và ngành chăn nuôi trong nước. Phóng viên báo điện tử Infonet đã phỏng vấn Lãnh đạo Cục Thú y để làm rõ hơn về vấn đề này.

Gần đây trên phương tiện thông tin đại chúng có thông tin Cục Thú y đang làm việc với phía Trung Quốc để lên kế hoạch mở cửa cho gà nước này vào Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam sẽ được xuất khẩu heo, bò sang Trung Quốc, điều này có chính xác không thưa ông?

Trong thực tế, việc vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm qua biên giới hai nước đã và đang diễn ra, cụ thể là gà thịt, gà giống 01 ngày tuổi từ Trung Quốc sang Việt Nam và trâu, bò, lợn từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, các cơ quan chức năng của Việt Nam và Trung Quốc chưa ký kết thỏa thuận nào về xuất khẩu, nhập khẩu gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm giữa hai nước.

Do vậy, các hoạt động vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm qua biên giới hai nước đều là bất hợp pháp; gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm vận chuyển qua biên giới phần lớn đều không xác định được nguồn gốc, có nguy cơ mang mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Tai xanh,.. do không có sự quản lý, giám sát của chuyên môn thú y.

Xuất phát từ các vấn đề nêu trên và được sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm gần đây, Cục Thú y Việt Nam và Cục Thú y Trung Quốc đã tổ chức họp song phương về kỹ thuật nhằm chia sẻ các thông tin về tình hình dịch bệnh, đặc biệt là bệnh Cúm gia cầm, Lở mồm long móng gia súc, Tai xanh ở lợn các kết quả về giám sát dịch bệnh động vật và một số kinh nghiệm trong phòng chống dịch bệnh động vật.

Hội nghị tổ chức tháng 01/2016 vừa qua với sự hỗ trợ của FAO là Hội nghị song phương lần thứ 4 về hợp tác thú y, tăng cường giám sát và kiểm soát dịch bệnh động vật qua biên giới.

Tại Hội nghị, hai bên cũng đề cập giải pháp lâu dài để kiểm soát, giảm thiểu các hoạt động buôn bán bất hợp pháp động vật và sản phẩm động vật qua biên giới hai nước.

Việc này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế trong bối cảnh thương mại hóa toàn cầu hiện nay; các nước phải xây dựng hàng rào kỹ thuật dựa trên định mức tiêu chuẩn chất lượng, hạn mức kỹ thuật cụ thể đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Về phía Việt Nam, đây chính là nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (được Thủ tướng Chính phủ giao tại Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép ban hành theo Quyết định số 2088/QĐ-TTg ngày 27/12/2012) phải xây dựng tiêu chuẩn chất lượng đối với gia cầm nhập khẩu; ban hành các quy định, quy trình và thủ tục nhập khẩu gia cầm không để lợi dụng cơ chế chính sách để vi phạm pháp luật.

Về phía Trung Quốc, nhiệm vụ của cơ quan thú y cũng là tìm giải pháp giảm thiểu nguy cơ vi rút Lở mồm long móng ở trâu bò, lợn, vi rút Tai xanh ở lợn và vi rút Cúm gia cầm ở vịt đẻ từ Việt Nam xâm nhập vào Trung Quốc.

Kế hoạch này đã thực hiện đến đâu rồi thưa ông?

Hiện nay mới chỉ dừng ở việc trao đổi sơ bộ về chủ trương tại cuộc họp song phương giữa hai nước và chưa có kế hoạch cụ thể nào; Cục Thú y đang dự thảo báo cáo Bộ về kết quả cuộc họp song phương nêu trên để xin ý kiến chỉ đạo tiếp theo.

Hiện tại, tất cả các hoạt động xuất nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật đều phải theo quy định của quốc tế và quy trình đánh giá của nước nhập khẩu, cụ thể: Phải xác định vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định của quốc tế hoặc có sự tham gia, đánh giá của Tổ chức FAO.

Sau đó cơ quan thú y hai nước mới tổ chức dự thảo các yêu cầu cụ thể về vệ sinh thú y, quy trình và thủ tục nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật một cách chặt chẽ (tổ chức đánh giá các trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ, cấp mã số cho từng cơ sở, nội dung kiểm dịch đối với từng loại hàng hóa có chứng nhận của cơ quan thú y có thẩm quyền của nước xuất khẩu,... và khi nhập khẩu vào Việt Nam sẽ được kiểm soát chặt chẽ theo từng lô hàng tại các cửa khẩu nhập theo đúng quy định) nhằm đảm bảo không có mầm bệnh xâm nhiễm vào Việt Nam và an toàn thực phẩm cho người.

Sau đó sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá tại nước xuất khẩu; kết quả đánh giá tại nước xuất khẩu sẽ được báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, quyết định có cho phép nhập khẩu hay không.

Nhiều ý kiến lo ngại là cho phép nhập khẩu gà Trung Quốc vào ngành chăn nuôi trong nước sẽ gặp khó, thứ hai là lo ngại về an toàn thực phẩm. Cái được ở đây có chăng là chỉ ngành thú y tăng lệ phí?

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc ngăn cấm thương mai quốc tế là rất khó, các nước chỉ có thể áp dụng hàng rào kỹ thuật để hạn chế thương mại, bảo hộ cho sản xuất trong nước. Việc này cũng không ngoại lệ với thương mại động vật, sản phẩm động vật, các hàng rào kỹ thuật sẽ giúp hạn chế sản phẩm nhập khẩu, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Ý kiến về việc cho phép nhập khẩu gà từ Trung Quốc để tăng lệ phí cho ngành thú y là suy diễn không chính xác.

Vừa qua, Cục Thú y đã tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong công tác thú y (Thông tư số 04/2012/TT-BTC) theo hướng phù hợp, đáp ứng các yêu cầu thực tế hiện nay, nhưng không trái với các quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đến ngày 07/8/2015 Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 113/2015/TT-BTC (có hiệu lực ngày 08/8/2015) về việc sửa đổi Thông tư 04 theo đó, bãi bỏ 14 mục lệ phí và 21 khoản thu phí thú y ở các khâu khác nhau. Quốc hội đã ban hành Luật phí, lệ phí và sẽ có hiệu lực trong năm tới và việc thu phí, lệ phí nói chung sẽ nộp vào ngân sách; nhiều loại phí và lệ phí sẽ phải chuyển sang cơ chế giá. Cơ chế giá này sẽ được thực hiện theo Luật giá, tạo điều kiện tốt hơn, thông thoáng hơn trong quá trình thực hiện.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 02-04-20161

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 02-04-2016

    Rủi ro toàn cầu có thể ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ
    Porsche: Lợi nhuận tăng 25%
    Theo dõi sát tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo
    Viettel và Sony sẽ triển khai giải pháp thẻ thông minh
    Hãng hàng không SkyViet sắp ra đời từ công ty gốc VASCO

  • Tin kinh tế đọc nhanh 02-04-20162

    Tin kinh tế đọc nhanh 02-04-2016

    Vietnam Airlines muốn bán tiếp 2 Boeing 777, bán và thuê lại 3 Airbus A350
    Phó thủ tướng lưu ý theo dõi xuất khẩu gạo trong lúc hạn hán, xâm nhập mặn
    FPT trả cổ tức 35% năm 2015
    Fed khen Việt Nam xử lý nợ xấu thành công
    Hậu kiểm toán, lợi nhuận BIDV vọt lên gần 8.000 tỷ đồng

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 01-04-20163

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 01-04-2016

    S&P hạ triển vọng tín nhiệm của Trung Quốc xuống mức tiêu cực
    "Tỉ lệ nội địa hóa của Việt Nam rất thấp"
    Công nghiệp hỗ trợ: Còn nhiều hạn chế
    Ít doanh nghiệp đầu tư cho đổi mới công nghệ
    Nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực da giày

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 01-04-20164

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 01-04-2016

    Bộ Tài chính cam kết đồng hành cùng các nhà đầu tư Hoa Kỳ
    Vì sao dệt may Trung Quốc thành công?
    Bãi bỏ 22 thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý thuế
    Thổ Nhĩ Kỳ thẩm tra tại chỗ vụ việc thuế chống bán phá giá gỗ dán
    Cấp chứng thư cho thủy sản XK theo NSW: Nước đến chân vẫn chưa muốn nhảy...

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 01-04-20165

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 01-04-2016

    Đồng tiền tệ nhất châu Á “cất cánh” ngoạn mục
    “Tam đại gia” dầu lửa Trung Quốc ồ ạt cắt giảm đầu tư
    Ấn Độ sẽ nhập khẩu dầu thô sản xuất dư của OPEC
    Cuối cùng Sharp cũng đã “được mua” với giá rẻ hơn tới 1 tỷ USD
    Việc Google chuyển mình thành Alphabet: Dấu hiệu xấu đầu tiên đã bộc lộ

  • Tin kinh tế đọc nhanh sáng 01-04-20166

    Tin kinh tế đọc nhanh sáng 01-04-2016

    Bloomberg: Việt Nam là “ông hoàng” hút vốn IPO của Đông Nam Á
    3 phiên, Trung Quốc giảm 0,95% tỷ giá đồng nhân dân tệ
    Petro Vietnam đau đầu vì hai dự án trăm triệu USD thua lỗ
    Đổ xô săn đất ngoại ô Sài Gòn chờ tăng giá
    Vì sao Đức và ECB hay “đụng độ” nhau?

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 31-03-20167

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 31-03-2016

    ADB cảnh báo làn sóng đầu cơ mới đối với các dự án bất động sản rủi ro cao
    Dòng vốn chảy vào thị trường mới nổi cao nhất trong 21 tháng
    Singapore chi số tiền kỉ lục để cải tổ nền kinh tế
    Không phải Mỹ, Châu Á mới là nơi tốt nhất để đạt được... 'giấc mơ Mỹ'
    Bức tranh u ám của kinh tế thế giới nhìn từ những con tàu chở hàng trên biển

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 31-03-20168

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 31-03-2016

    Kinh tế Thái Lan được dự báo tăng trưởng nhẹ
    Nông nghiệp Úc nóng lên vì tiền từ Trung Quốc
    Ả Rập Xê Út thất thế tại nhiều thị trường dầu mỏ chính
    Myanmar mở cửa ngành cao su, hạt giống
    Nga trở thành nước mua vàng nhiều nhất

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 31-03-20169

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 31-03-2016

    Mỹ - Hong Kong phá vụ buôn lậu thời trang "khủng" từ Trung Quốc
    Cá ngừ đại dương: Hàng chục tấn chỉ xuất khẩu... vài trăm ký!
    4 nhóm đối tượng vẫn được vay ngoại tệ
    VN có thể thành trung tâm sản xuất dệt may thế giới
    Lạm phát cao, một công dân Nga kiện Bộ Tài chính và Quốc hội

  • Tin kinh tế đọc nhanh sáng 31-03-201610

    Tin kinh tế đọc nhanh sáng 31-03-2016

    Petrolimex thu gần 4.000 tỷ nhờ bán vốn cho đối tác Nhật
    Xuất khẩu thủy sản sang Thổ Nhĩ Kỳ có thể suy giảm
    Trường học dạy thất bại của ông chủ Alibaba
    Boeing cắt giảm hơn 4.500 lao động
    Thương lái Trung Quốc âm thầm mở xưởng thu gom thanh long