Blackrock: Đừng đùa với lãi suất âm
Khi Trung Quốc không còn là tâm chấn
Fitch hạ xếp hạng tín nhiệm và cảnh báo Ảrập Xêút
Nên làm gì để gỡ khó cho nhà đầu tư?
IMF đánh giá cao chính sách điều hành tỷ giá của NHNN
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 12-04-2016
- Cập nhật : 12/04/2016
Khởi công Dự án casino Nam Hội An 4 tỷ USD
Dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, vốn đầu tư 4 tỷ USD, sẽ được khởi công xây dựng vào cuối tuần sau (23/4).
Nguồn tin từ ông Đỗ Xuân Diện, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho biết, Dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An sẽ được khởi công xây dựng vào ngày 23/4 tới.
Thông tin chi tiết chưa được tiết lộ, song Dự án sẽ được triển khai giai đoạn I trên diện tích hơn 160 ha. Cuối tuần này, sẽ có một cuộc họp báo để thông báo chính thức về sự kiện quan trọng này.
Dự án Nam Hội An được cấp chứng nhận đầu tư từ cuối năm 2010, với vốn đầu tư 4 tỷ USD, song nhiều năm chưa được triển khai, nhất là sau khi Genting Berhad Malaysia rút khỏi Dự án vào tháng 9/2012, khiến VinaCapital vất vả tìm nhà đầu tư thế chân.
Đầu năm ngoái, VinaCapital đã chính thức giới thiệu Chow Tai Fook (Hồng Kông) tới các cơ quan chức năng Việt Nam và đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh.
Theo đó, trước mắt, Dự án sẽ được triển khai giai đoạn I với quy mô vốn đầu tư 500 triệu USD. Mô hình của Dự án cũng sẽ giống như Dự án Hồ Tràm Strip, vốn đầu tư 4,2 tỷ USD, ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án sẽ được phát triển thành một khu nghỉ dưỡng hợp khu vui chơi có thưởng, sân golf, khu biệt thự và căn hộ cao cấp.
Cách đây ít ngày, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận sân golf Nam Hội An vào Quy hoạch Phát triển sân golf Việt Nam đến năm 2020.
Được cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh từ tháng 3 năm ngoái, song tới tận tháng 9/2015, VinaCapital mới chính thức công bố điều chỉnh cấu trúc đầu tư tại Dự án Nam Hội An.
Theo đó, VinaLand Limited, quỹ đầu tư dạng đóng đang niêm yết tại thị trường chứng khoán London (AIM) hiện do VinaCapital quản lý, có giá trị tài sản ròng 386,3 triệu USD (tính đến 30/7/2015), chuyên đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam, không còn là cổ đông của công ty quản lý dự án này, thay vào đó là Tập đoàn Chow Tai Fook. Tuy nhiên, Tập đoàn VinaCapital vẫn tiếp tục tham gia Dự án với vai trò cổ đông chiến lược.
Ngoài việc hoàn tất các công việc còn lại của hoạt động chuyển đổi cơ cấu đầu tư, VinaCapital cho biết, sẽ cùng Chow Tai Fook lập kế hoạch tăng vốn để đẩy nhanh quá trình thực hiện Dự án, qua đó, VinaCapital sẽ tăng phần vốn của mình từ 22,55% lên 31,91% tại Công ty Quản lý Dự án Nam Hội An.
Như vậy, với việc Dự án Nam Hội An sắp được khởi công, khu casino có quy mô lớn thứ hai tại Việt Nam sắp được hình thành.
Mặc dù, theo kế hoạch, phải tới đầu năm 2019, Dự án mới đi vào hoạt động, song đây là một động thái rất tích cực và quan trọng đối với một dự án tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư đã lâu mà chưa được triển khai.
Nhấn trọng tâm vào quản lý kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu
Theo báo cáo cập nhật kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương (EAP) của WB vừa công bố, tăng trưởng khu vực Đông Á dự tính sẽ giảm từ 6,5% năm 2016 (theo dự báo trước đó) xuống còn 6,2% giai đoạn 2017-2018.
Con số dự báo này phản ánh quá trình dịch chuyển dần sang mô hình tăng trưởng chậm, bền vững hơn của Trung Quốc, với mức dự báo 6,7% năm 2016 và 6,5% năm 2017, trong khi tốc độ tăng trưởng năm 2015 là 6,9%.
Ngoại trừ Trung Quốc, các nước đang phát triển trong khu vực tăng trưởng 4,7% trong năm 2015 và tốc độ sẽ tăng đôi chút ở mức 4,8% năm 2016 và 4,9% giai đoạn 2017-2018 nhờ vào tăng trưởng tại các nền kinh tế lớn khu vực Đông Nam Á. Tuy vậy, viễn cảnh mỗi nước một khác tuỳ vào mức độ quan hệ thương mại và tài chính của họ với các nước thu nhập cao và với Trung Quốc và còn tuỳ thuộc vào xuất khẩu nguyên vật liệu.
Trong số các nền kinh tế đang phát triển lớn khu vực Đông Nam Á, Philippines và Việt Nam có triển vọng tăng trưởng mạnh nhất và đều có khả năng tăng trưởng trên 6% năm 2016. Indonesia có mức tăng trưởng dự báo là 5,1% năm 2016 và 5,3% năm 2017.
Một số nền kinh tế nhỏ, trong đó có Lào, Mông Cổ, và Papua Niu Ghinê sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi giá nguyên vật liệu thấp và mức cầu bên ngoài thấp. Campuchia sẽ tăng trưởng dưới 7% một chút trong giai đoạn 2016-2018 do bị ảnh hưởng của giá nông sản thấp, hạn chế xuất khẩu dệt may và tăng trưởng du lịch giảm nhẹ. Tại các đảo quốc Thái Bình Dương, tăng trưởng sẽ tiếp tục ở mức khiêm tốn.
Theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam và là Phó chủ tịch tương lai Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của WB, các nước đang phát triển khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tiếp tục đóng góp to lớn cho tăng trưởng toàn cầu.
“Khu vực này chiếm gần 2/5 tăng trưởng toàn cầu trong năm 2015, hơn hai lần so với tổng của các nước đang phát triển tại tất cả các khu vực khác cộng lại. Khu vực này cũng đã được hưởng lợi từ các chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng, trong đó có các nỗ lực tăng nguồn thu nội địa tại một số nước xuất khẩu nguyên vật liệu. Nhưng nếu muốn duy trì tăng trưởng trong bối cảnh thách thức toàn cầu ta phải tiếp tục tái cơ cấu” – bà Victoria Kwakwa nhận định.
“Các nước đang phát triển khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn, trong đó phải kể đến mức độ hồi phục kém hơn dự kiến tại các nền kinh tế thu nhập cao và tốc độ phát triển chậm hơn dự kiến tại Trung Quốc. Trong lúc đó thì các nhà hoạch định chính sách lại có ít không gian hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô hơn” - ông Sudhir Shetty, Chuyên gia kinh tế trưởng, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương WB nói.
Vị này khuyến nghị: “Các nước cần áp dụng các chính sách tiền tệ và tài khoá để giảm ảnh hưởng xấu của các rủi ro toàn cầu và khu vực và tiếp tục tái cơ cấu nhằm nâng cao năng suất lao động và thúc đẩy tăng trưởng hòa nhập”.
Báo cáo kêu gọi tiếp tục thực hiện tái cơ cấu kinh tế một cách cẩn trọng và bền vững và nhìn chung, các nước trong khu vực cần áp dụng các chính sách tài khoá cẩn trọng nhằm chặn các cú sốc từ bên ngoài trong tương lai. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng tại các nền kinh tế tăng trưởng chủ yếu dựa trên nợ công hoặc nợ khu vực tư nhân, hoặc chủ yếu dựa trên xuất khẩu nguyên vật liệu.
Về dài hạn, báo cáo kêu gọi các chính phủ tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình. Báo cáo kêu gọi các nước giảm bớt rào cản thương mại trong khu vực, ví dụ các rào cản phi thuế quan và các rào cản về quản lý nhà nước, kể cả rào cản trong lĩnh vực thương mại dịch vụ.
UPCoM đón 2 tân binh ngành điện
Đó là CTCP Khí cụ điện I và CTCP Phát triển Điện lực Việt Nam. Đây là 2 tân binh thứ 30 và 31 lên sàn UPCoM của Sở GDCK Hà Nội chỉ tính riêng trong năm 2016.
CTCP Khí cụ điện I đang cung cấp các dòng sản phẩm dân dụng, hàng công nghiệp, dây và cáp điện được chia làm 3 nhóm.
Sản phẩm dân dụng bao gồm các sản phẩm công tắc, ổ cắm và bảng điện, áp tô mát 1 pha 1 cực và 1 pha 2 cực, cầu dao 1 pha 2 cực và 3 pha từ 15A đến 150A, sản phẩm biến đổi năng lượng điện.
Hàng công nghiệp KIP sản xuất gồm có: cầu dao hộp và cầu dao hộp đảo chiều từ 100A đến 3.000A/660V, cầu dao cách ly cho mạng điện trung áp từ 12kV đến 35kV, áp tô mát 3 pha và khởi động từ.
KIP cũng sản xuất các mặt hàng dây và cáp điện gồm: dây đơn cứng 1 sợi có tiết diện đến 6 mm2, dây ovan đôi mềm, dây đơn mềm nhiều sợi có tiết diện đến 6 mm2, cáp điện lực hạ thế.
Các sản phẩm này chủ yếu được tiêu thụ ở thị trường trong nước với hệ thống chi nhánh và nhà cung cấp toàn quốc.
Năm 2015, doanh thu của KIP đạt 285,2 tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm 2014 (265,2 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế tăng 4,5% (từ 12,1 tỷ đồng tăng lên 12,6 tỷ đồng).
Trong năm nay, KPI ước đạt doanh thu 297 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 13,6 tỷ đồng, tỷ lệ trả cổ tức 12%.
CTCP Phát triển Điện lực Việt Nam hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất và bán điện.
Bắt đầu từ năm 2013, VPD đã thực hiện 3 dự án thủy điện với giá trị hơn 275,1 tỷ đồng, bao gồm: Dự án Thủy điện Bắc Bình, Nhà máy thủy điện Khe Bố và Trạm thủy điện Nậm Má.
Trong đó, Nhà máy thủy điện Khe Bố là dự án trọng điểm nằm trong Quy hoạch Phát triển Điện lực quốc gia giai đoạn 2006 – 2015 có xét đến năm 2025.
Năm 2016, công ty đặt mục tiêu tạo ra doanh thu 442,6 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 53,2 tỷ đồng, tỷ lệ trả cổ tức 5%.
Sẽ thanh tra hàng loạt doanh nghiệp xăng dầu trước quý IV/3016
Việc thanh tra thuế các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đầu mối sẽ bắt đầu từ tháng 5 và hoàn thành trước tháng 9 năm nay.
Có hơn 15 doanh nghiệp đầu mối sẽ bị thanh kiểm tra.
Cuộc thanh tra sẽ có sự tham gia của thanh tra Bộ Tài chính và Tổng cục thuế.
Năm ngoái, 23 doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đã được hoàn thuế hơn 3.000 tỷ đồng, dù các doanh nghiệp này đã hưởng lãi suất ưu đãi đặc biệt khi nhập khẩu từ thị trường ASEAN, Hàn Quốc.
ABA đánh giá cao kết quả điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam
Mới đây, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã có buổi tiếp xã giao với Hiệp Hội ngân hàng Châu Á - Thái Bình Dương (ABA) tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước.
Tại buổi tiếp, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã thông báo với đoàn những thông tin mới nhất về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Trong năm qua, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 6,7%, mức cao so với các nước trong khu vực, lạm phát 5 năm qua ở mức thấp.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, có được những kết quả này là nhờ Chính phủ Việt Nam luôn kiên định với chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế với 3 trụ cột chính là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Trong đó, ngành Ngân hàng đã tích cực, chủ động, đi đầu trong việc tái cơ cấu và đã đạt được kế hoạch đề ra.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá cao Hiệp hội Ngân hàng Châu Á – Thái Bình Dương là nơi để trao đổi về nghiệp vụ, chia sẻ kinh nghiệm và quan điểm về những vấn đề chung.
Ông Daniel Wu, Chủ tịch ABA cảm ơn sự hợp tác, hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với Hiệp hội trong thời gian qua. Ông đánh giá cao kết quả điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam và tin tưởng rằng, sự ổn định tiền tệ của Việt Nam dưới sự điều hành của NHNN trong những năm tới sẽ đạt được kết quả tốt hơn nữa.
“Chúng tôi rất ấn tượng với những kết quả tích cực của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam dựa trên 3 trụ cột, tôi tin rằng, kết quả này không chỉ có ở các lĩnh vực nói trên, mà còn ở cả những khu vực còn lại của nền kinh tế”, ông Daniel Wu nhận xét.
Ông cũng cho biết, trong thời gian tới, ông sẽ rời vị trí Chủ tịch Hiệp hội và chuyển giao vị trí Chủ tịch này cho người kế nhiệm là ông Nghiêm Xuân Thành, hiện là Phó Chủ tịch ABA kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.
Ông Nghiêm Xuân Thành báo cáo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng các nội dung liên quan đến kỳ họp Hội nghị thường niên Hiệp hội Ngân hàng Châu Á lần thứ 33 vào 10-11/11/2016 tại Hạ Long, Quảng Ninh.
Ông Nghiêm Xuân Thành khẳng định, đây là sự kiện rất quan trọng của những người làm ngân hàng trong khu vực và luôn có sự tham gia của lãnh đạo cấp cao các nước thành viên. Ban Lãnh đạo Hiệp hội trân trọng gửi lời mời tới Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tới tham dự và có ý kiến đóng góp tại Đại hội.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng gửi lời cảm ơn tới Ban Lãnh đạo Hiệp hội và cam kết, NHNN sẽ tiếp tục ủng hộ, phối hợp với ABA trong thời gian tới đây. Phó Thống đốc cũng khẳng định, ông Nghiêm Xuân Thành là người có kiến thức, kinh nghiệm, khả năng điều hành và tâm huyết chắc chắn sẽ đảm nhiệm tốt vai trò của vị Chủ tịch ABA trong nhiệm kỳ tới.
Được thành lập vào tháng 10/1981, Hiệp hội Ngân hàng Châu Á hiện có 80 hội viên là các ngân hàng hàng đầu đến từ 26 quốc gia trong khu vực. Tại Việt Nam, 5 ngân hàng là thành viên ABA gồm: Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank và Eximbank. Mục tiêu của ABA là tạo ra một sân chơi chung để hỗ trợ sự phát triển của ngành tài chính - ngân hàng trong khu vực cũng như xúc tiến hợp tác quốc tế.