Vì sao World Bank hạ triển vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2016?
Ngân hàng Thế giới vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam còn 6,2% trong năm 2016. Vậy đâu là những nguyên nhân khiến triển GDP của Việt Nam có thể tăng trưởng chậm lại trong năm nay?
Ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, trả lời các câu hỏi của phóng viên tại Hà Nội ngày 11/4. (Ảnh: Minh Tuấn)
Trong buổi công bố Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương sáng ngày 11/4, Ngân hàng Thế giới (WB) sự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ giảm còn 6,2% trong năm nay, so với mức dự báo 6,6% gần nhất của cơ quan này.
Theo báo cáo của WB, nguyên nhân giảm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là “tiêu dùng cá nhân và tăng trưởng đầu tư chậm lại”.
Phân tích sâu hơn, ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, cho biết sự sụt giảm của ngành nông nghiệp do hạn hán ở Tây Nguyên và ngập mặn ở đồng bẳng sông Cửu Long là nguyên nhân chính khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Bên cạnh đó, nhu cầu bên ngoài đối với hàng hóa của Việt Nam cũng giảm trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế nhiều nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ và châu Âu và khu vực các thị trường mới nổi chậm lại.
Điều này thể hiện ở tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong quý 1 giảm tốc, nguyên nhân là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chịu sự sụt giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước, ông Sandeep cho biết thêm.
Tuy nhiên, báo cáo của WB nhấn mạnh, cùng với Philipin, Việt Nam có triển vọng tăng trưởng mạnh nhất trong số các nền kinh tế đang phát triển lớn khu vực Đông Nam Á.
Trước đó, tại buổi họp báo công bố báo cáo Triển vọng phát triển châu Á cuối tháng trước, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng ngân hàng này vẫn chưa có đánh giá cụ thể về tác động của hạn hán và ngập mặn tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu tình hình này kéo dài sẽ có tác động tiêu cực đến mức tăng trưởng chung của cả năm nay.
Tuần trước, Ngân hàng HSBC cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ mức 6,7% xuống còn 6,3% trong năm nay do mức tăng trưởng của quý I thấp hơn kỳ vọng và tác động của hiện tượng El Niño.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP của Việt Nam tăng 5,46% trong quý I năm nay so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 1,23%, làm giảm 0,16 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung.
Trung Quốc tăng giá nhân dân tệ 0,13%
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ấn định tỷ giá tham chiếu của đồng nhân dân tệ ở mức 6,4649CNY/USD, tương đương giảm 0,13%.
Ngày 11/4, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ấn định tỷ giá tham chiếu của đồng nhân dân tệ ở mức 6,4649CNY/USD, tương đương giảm 0,13% so với phiên trước.
Ngân hàng Goldman Sachs cho rằng tỷ giá hối đoái của nhân dân tệ sẽ giảm 7,4% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2008. Cho dù đồng USD có tăng giá trở lại, thì Trung Quốc đại lục vẫn muốn duy trì sự mất giá của nội tệ so với đồng tiền của các đối tác thương mại nhằm hỗ trợ lĩnh vực xuất khẩu.
Ngoài ra, quốc gia này cũng sẽ duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đang chững lại trông thấy như hiện nay.
“Nối gót” công ty mẹ, HAGL Agrico bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục
CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - mã HNG) vừa công bố BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2015, với lợi nhuận giảm hơn 57 tỷ đồng, kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.
Kiểm toán lưu ý đến các thuyết minh số 2.1 và 23 của báo cáo tài chính hợp nhất. Vào ngày 31/12/2015, công ty đã trình bày các khoản vay và trái phiếu phải trả trị giá 12.235 tỷ đồng, trong đó, 3.127 tỷ đồng sẽ đến hạn thanh toán trong năm 2016.
Ngoài ra, cũng tại ngày này, HAGL Agrico đã vi phạm điều khoản của khoản vay trái phiếu. Theo đó, khả năng tiếp tục hoạt động của công ty phụ thuộc vào khả năng thu xếp được các dòng tiền trong tương lai để hoàn trả các khoản vay và trái phiếu khi đến hạn thanh toán hoặc đạt được các thỏa thuận với các chủ nợ để tái cơ cấu các khoản vay và trái phiếu hiện tại.
Những vấn đề này cho thấy có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của nhóm công ty. Tại ngày lập báo cáo, HAGL Agrico vẫn đang trong quá trình đàm phá với các chủ nợ để phê duyệt từ các cơ quan có thẩm quyền để tái cơ cấu các khoản vay và trái phiếu nói trên.
Ngoài ra, kiểm toán cũng lưu ý đến thuyết minh số 33 của báo cáo tài chính hợp nhất. Vào ngày 31/12/2015, HAGL Agrico có các khoản cho các bên liên quan vay ngắn hạn và dài hạn với trị giá lần lượt 173,85 tỷ đồng và 1.245 tỷ đồng chưa được ĐHĐCĐ phê duyệt theo yêu cầu của Thông tư 121 do Bộ Tài Chính ban hành.
Lợi nhuận "bốc hơi" hơn 57 tỷ sau kiểm toán
Theo BCTC sau kiểm toán, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của HNG đạt 4.730,6 tỷ đồng, tương đương với con số trước kiểm toán. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng lại tăng 105 tỷ đồng, lên 3.493,5 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp giảm 8%, xuống còn 1.237 tỷ đồng.
Trong khi đó, doanh thu từ hoạt động tài chính cũng bị điều chỉnh giảm 34,9%, còn gần 165 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính giảm 27%, còn hơn 383 tỷ đồng.
Theo đó, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp bị điều chỉnh giảm 57,5 tỷ đồng, xuống còn 744 tỷ đồng.
Không phải VTV, đối tác phía Pháp mới thực sự là người kiểm soát hoạt động của K+
Nắm cổ phần đa số 51% nhưng VTV đã "trao" quyền kiểm soát cho K+.
Câu chuyện K+ luôn muốn "đánh quả lẻ” trong việc mua bản quyền truyền hình ngoại hạng Anh là vấn đề khiến dư luận bức xúc nhiều năm nay.
Người ta cũng đặt câu hỏi, tại sao K+, trên lý thuyết là thuộc quyền kiểm soát của đài truyền hình Việt Nam (VTV nắm giữ 51% cổ phần tại K+, là ngưỡng chi phối, Canal+ Group của Pháp chỉ nắm giữ 49%), lại không bao giờ có được tiếng nói chung với những đài anh em còn lại? Tại sao VTV luôn im lặng trước những động thái của K+?
Báo cáo tài chính năm 2015 của Canal+ có thể lý giải điều này. Trong phần liệt kê các công ty con nằm dưới quyền kiểm soát của Canal+, có tên VSTV (Công ty Truyền hình vệ tinh số Việt Nam – K+), mặc dù Canal+ chỉ sở hữu 49%.
Theo đó, kết quả kinh doanh của VSTV vẫn được hợp nhất vào kết quả kinh doanh chung của Canal+ cũng như tập đoàn mẹ Vivendi do Canal+ nắm quyền vận hành cũng như quyền kiểm soát tài chính của VSTV+, nói nôm na, Canal+ vẫn là công ty kiểm soát VSTV dù không nắm cổ phần đa số. Điều khoản này đã được phía VTV chấp thuận.
Như vậy, dù VTV là cổ đông chi phối, nhưng trên thực tế, tập đoàn Pháp Canal+ mới là người thực sự điều hành các hoạt động cũng như chiến lược phát triển của K+. Quan trọng hơn, VTV đồng ý với điều khoản này.
Một câu chuyện tương tự xảy ra ở FPT Telecom với 2 cổ đông chính là FPT và SCIC. Mặc dù SCIC sở hữu trên 50% cổ phần nhưng SCIC đã từ bỏ quyền kiểm soát và trao lại quyền này cho FPT. Kết quả kinh doanh của FPT Telecom vẫn được hợp nhất vào kết quả chung của FPT dù FPT chỉ sở hữu xấp xỉ 45% cổ phần.
Quay lại câu chuyện tranh giành bản quyền ngoại hạng Anh, việc K+ muốn tiếp tục đơn phương giành lấy quyền phát sóng có thể tác động nghiêm trọng tới các đài truyền hình khác năm nay.
Gần đây, K+ đã tuyên bố giảm giá gói cước của mình xuống còn 125.000 đồng/tháng, ngang bằng với mặt bằng chung thị trường hiện nay (giá cước trước đây là 230.000 đồng/tháng). Việc giảm giá cộng thêm độc quyền ngoại hạng Anh sẽ khiến áp lực của K+ tới các nhà mạng tăng lên gấp đôi.
Việc K+ giảm giá mạnh cho thấy hãng đang nóng lòng muốn tăng trưởng số lượng thuê bao. Hiện tại, K+ mới có khoảng 800.000 thuê bao, còn rất nhỏ so với con số 10 triệu thuê bao truyền hình trả tiền cả nước.
K+ cũng đang bị SCTV bỏ rất xa về số lượng thuê bao truyền hình trả tiền. Bỏ một đống tiền ra để mua bản quyền Ngoại hạng Anh, ông lớn nước Pháp hẳn không muốn mãi là kẻ đứng sau.
Viettel tính lập quỹ đầu tư mạo hiểm rót vốn cho startup tại Mỹ
Theo tin từ DealStreetAsia, Viettel đang để mắt tới các doanh nghiệp khởi sự quốc tế và có thể thành lập một quỹ đầu tư mạo hiểm để rón vốn vào startup tại Mỹ.
Hầu hết các tập đoàn viễn thông lớn trên thế giới đều có quỹ đầu tư mạo hiểm của riêng mình. Ảnh: Viettel
Ông Lê Đăng Dũng - Phó Tổng Giám đốc Viettel - cho biết đầu tư vào các công ty khởi sự (startup) là xu thế không thể bỏ qua, khi công ty đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, phục vụ mục đích tăng trưởng.
Trên thực tế, nhiều startup đang sử dụng cơ sở hạ tầng mạng lưới của Viettel để phát triển sản phẩm, đây sẽ là nền tảng cho sự hợp tác, ông nói. Ngoài ra, Viettel có thể mua lại một số doanh nghiệp nếu các nhà sáng lập muốn rút ra.
Viettel hướng tới xây dựng một nền tảng để mọi người có thể tương tác, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ. Trong đó, công ty đóng vai trò là người điều hành chợ ứng dụng, ông Dũng cho hay.
Bộ phận đầu tư quốc tế của Viettel đã đề xuất thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm để đầu tư vào các startup ở nước ngoài.
Hầu hết các tập đoàn viễn thông lớn trên thế giới đều có quỹ đầu tư mạo hiểm của riêng mình.
Intel với quỹ đầu tư Intel Capital, quản lý 1,28 tỷ USD, đã rót vốn vào 693 công ty tính đến thời điểm hiện tại. Nhiều công ty công nghệ khác cũng có quỹ đầu tư như Cisco Investments, Qualcomm Ventures và IBM Venture Capital.
Tại Việt Nam, FPT cũng vừa ra mắt công ty đầu tư mạo hiểm FPT Ventures năm 2015.
(
Tinkinhte
tổng hợp)