Trung Quốc hối thúc mô hình hợp tác BRICS+; Hàng container qua cảng biển tăng 30 lần trong 20 năm qua; Thủ đoạn mới tuồn phế liệu vào Việt Nam; Nội tệ rớt giá, Tổng thống Indonesia kêu gọi doanh nghiệp chuyển ngoại tệ về nước
Tin kinh tế đọc nhanh 11-04-2016
- Cập nhật : 11/04/2016
Nông sản Bắc Mỹ rầm rộ tìm đường vào Việt Nam
Nếu vấn đề mở cửa thị trường nông sản trong TPP đối với Brunei, Singapore, Malaysia hay Chile, Peru không đặt ra vấn đề gì nghiêm trọng đối với nông nghiệp Việt Nam, thì hai nước Bắc Mỹ như Canada và Hoa Kỳ lại rất đáng lo ngại. Bởi đây là những quốc gia có điều kiện canh tác nông sản chất lượng cao cùng với việc xây dựng chuỗi giá trị hoàn thiện.
Đến nay họ đang gấp rút để xây dựng chiến lược đưa sản phẩm xuyên biên giới, rầm rộ nhất vẫn là tràn vào các thị trường thành viên của TPP.
Trong chuyến khảo sát thị trường thực phẩm và nông sản tại Việt Nam gần đây, đại diện một doanh nghiệp nông nghiệp của Canada cho biết họ đang có sự chuẩn bị tốt để bắt đầu thâm nhập vào thị trường Việt Nam bằng những sản phẩm chất lượng cao. Câu chuyện thuế quankhông còn quá quan trọng, hơn hết vẫn là chiến lược sản phẩm và nắm được tâm lý khách hàng. Đây là điều kiện tiên quyết để thâm nhập và cạnh tranh trong thị trường Việt Nam.
Ông Cesar Urias, Giám đốc phụ trách Tiếp cận thị trường của Chính phủ Canada cho biết: “Trước đây, nhiều doanh nghiệp nước ngoài vẫn hay lo ngại về thủ tục hải quan, chính sách hành chính là rào cản lớn để đưa hàng vào Việt Nam. Tuy nhiên đến nay chúng tôi chỉ tuân thủ theo nguyên tắc của TPP và hành động. Như vậy tôi sẽ tư vấn cho các doanh nghiệp, hiệp hội nông sản tại Canada biết những chiến lược cụ thể để thâm nhập thị trường Việt Nam. Trước mắt là xây dựng chiến lược cho sản phẩm thế mạnh nhất của Canada là thịt heo.”
Canada là nước xuất khẩu thịt heo đứng thứ 3 thế giới với kim ngạch trung bình khoảng 2,8 tỷ USD hàng năm. Việt Nam sẽ là thị trường chiến lược lớn về nông sản của Canada sau khi TPP có hiệu lực. Hiện nay Canada xuất khẩu nông sản sang Việt Nam trị giá 353,6 triệu USD và chiếm 54% kim ngạch xuất khẩu của quốc gia này sang Việt Nam. Con số này chắc chắn sẽ gia tăng hơn nhiều trong thời gian tới.
Một vấn đề lớn tại Việt Nam chính là kỹ thuật làm nông nghiệp chất lượng cao còn tương đối hạn chế, trong khi đó chỉ số tin tưởng của người tiêu dùng đang sụt giảm đối với các sản phẩm thực phẩm. Đây sẽ là ngách giúp cho các nền nông nghiệp chất lượng cao khai thác triệt để.
Mới đây, Phái đoàn thương mại cấp cao của Hiệp hội Thương mại Nông nghiệp miền Tây Hoa Kỳ (WUSATA), gồm có đại diện từ Bộ Nông nghiệp của 13 tiểu bang cùng các doanh nghiệp đã có chuyến khảo sát thị trường Việt Nam nhằm mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp miền Tây Hoa Kỳ xuất khẩu các sản phẩm nông-lương đến Việt Nam.
Ông Andy Anderson, Giám đốc điều hành WUSATA cho biết: "Việt Nam là quốc gia thành viên của TPP và là một thị trường đang tăng trưởng nhanh chóng đối với các sản phẩm nông nghiệp giá trị cao của Mỹ. Trước sự háo hức mở rộng thị trường xuất khẩu sang Việt Nam của các DN nông-lương miền Tây Hoa Kỳ cùng với sự hỗ trợ của Hiệp định TPP, Hội đồng quản trị WUSATA quyết định đến tìm hiểu thị trường Việt Nam để thực hiện sứ mệnh này".
Theo WUSATA, trao đổi thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp giữa 2 nước Việt Nam và Hoa Kỳ tăng trưởng nhanh qua các năm. Riêng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông-lương của Mỹ sang Việt Nam tăng từ 1,5 tỉ USD trong năm 2010 lên 2,6 tỉ USD vào năm 2015. Tuy nhiên trong thời gian tới nông sản Hoa Kỳ sẽ tạo mức tăng trưởng đột biết tại đây.
Ông Jim Barbee, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp bang Nevada đồng thời là Chủ tịch WUSATA, nhận định Việt Nam có nhu cầu rất lớn về các sản phẩm nông-lương chất lượng cao của Hoa Kỳ và đây là thời điểm thuận lợi cho các DN miền Tây Hoa Kỳ - đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng thị trường xuất khẩu sang Việt Nam. Đặc biệt cac sản phẩm nông nghiệp của Mỹ luôn đạt mức độ an toàn cao nên việc chinh phục người tiêu dùng Việt Nam không quá khó.
TPP không chỉ đơn thuần là giảm khó khăn về thuế quan mà đổi lại phải đảm bảo vấn đề kỹ thuật và môi trường. Đối với môi trường khi sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu cần có những chuyến khảo sát cụ thể để có thể có những biện pháp thích hợp. Đây luôn là lợi thế của các nước có nền khoa học kỹ thuật ứng dụng tốt vào nông nghiệp. Tuy nhiên những rào cản kỹ thuật này lại đang hạn chế xuất khẩu của Việt Nam nếu không nhanh chóng hoàn thiện quy chuẩn này.
Theo môt lãnh đạo doanh nghiệp thực phẩm trong nước, trong thế giới phẳng và biên giới mềm hiện nay, các quốc gia có nền kinh tế thấp như Việt Nam đều tận dụng lợi thế hội nhập để nâng cao kỹ năng quản lý và khả năng cạnh tranh. Tuy bị các quốc gia lớn gây sức ép nhiều mặt nhưng không có điều kiện nào tốt hơn là hội nhập, chứ không thể đứng riêng lẻ bên lề một mình.
“Tất nhiên, sẽ có những ngành có lợi thế mạnh và có những ngành có lợi thế yếu, chúng ta bắt buột phải chấp nhận “lép vế” một mặt nào đó để khai thác những ngành có lợi thế. Điều bắt buộc là chúng ta phải hiểu đúng tiềm năng, thực lực của chính mình để cân đối cả thị trường xuất khẩu và nhập khẩu.” Vị này cho biết.
VASEP đề nghị giải quyết vướng mắc cho DN nhập khẩu thủy sản
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết mới gửi Công văn lên Bộ Tài chính đề nghị sớm xem xét trình Chính phủ sửa đổi quy định tại Nghị định 83/2013/NĐ-CP (NĐ 83), đảm bảo cho các mặt hàng thủy sản nhập khẩu không thuộc diện kiểm tra trước,hoàn thuế sau theo như nhiều kiến nghị của các doanh nghiệp hội viên.
VASEP cho biết, theo qui định tại Điểm h, Khoản 2, Điều 41 của NĐ 83 ngày 22/7/2013 của Chính phủ quy định các trường hợp thuộc diện kiểm tra trước khi hoàn thuế thì trong đó có: “Hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép, hàng hóa nhập khẩu phải đảm bảo các quy định quản lý nhà nước về kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng hàng hóa”. Như vậy, hàng thủy sản do nhập khẩu phải kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm nên thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau.
Cũng theo quy định của Bộ Tài chính trong làm thủ tục hải quan; kiểm tra; giám sát hải quan, thuế xuất – nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất – nhập khẩu, hàng nguyên liệu thủy sản nhập khẩu để sản xuất xuất sẽ thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau.
Theo VASEP, điều này gây nhiều ra nhiều vướng mắc cho các doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản, bởi có đến gần 90% lượng nguyên liệu thủy sản này là sản xuất hàng xuất khẩu không phải tiêu thụ trong nước. Hơn nữa, bản chất của kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm của hàng thủy sản liên quan đến việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, không có cơ sở liên quan đến tiền thuế phải nộp nhưng lại bị liệt vào danh sách phải kiểm tra rồi mới hoàn thuế.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản cho rằng, chỉ có những hàng hóa như hóa chất cần kiểm tra chất lượng Nhà nước để xác định mã HS để xem doanh nghiệp khai có đúng tiền thuế có đúng thực tế hay không thì mới cần xem kết quả kiểm tra chất lượng Nhà nước trước khi hoàn thuế cho doanh nghiệp. Thực tế, kết quả kiểm dịch, kiểm vệ sinh an toàn thực phẩm hàng thủy sản không liên quan đến tiền thuế nhập khẩu.
Gần đây nhất, Tổng cục Hải quan đã ghi nhận vướng mắc của VASEP để trao đổi với các đơn vị có liên quan, trình cấp có thẩm quyền và sẽ có văn bản trả lời Hiệp hội trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên cho đến nay, doanh nghiệp thủy sản vẫn đang chờ đợi việc xem xét này.
Bán được cả triệu tấn thép/tháng sau quyết định áp thuế
Hiệp hội thép VN (VSA) vừa điều chỉnh, công bố lại lượng thép xây dựng tiêu thụ chính thức tại thị trường nội địa trong tháng 3-2016 lên đến gần 1 triệu tấn.
Theo số liệu mới nhất vừa được VSA công bố ngày 10-4, trong tháng 3-2016, tổng lượng thép xây dựng mà các doanh nghiệp sản xuất thép đã tiêu thụ được lên đến 1,011 triệu tấn, tăng đến 55,2% so với cùng kỳ năm ngoái, bỏ rất xa tỉ lệ 763.000 tấn mà VSA đã tạm tính vào thời điểm cuối tháng 3-2016.
Lý giải về mức chênh lệch tiêu thụ tăng hơn 200.000 tấn mà VSA tạm tính ban đầu, VSA cho rằng “là do tác động tâm lý của các nhà đầu cơ tích trữ để đưa hàng ra cho các tháng sau bởi quyết định áp thuế tự vệtạm thời của bộ Công thương”.
Theo VSA, trong tổng lượng thép nói trên, nếu trừ đi 50.000 tấn thép xây dựng dành cho xuất khẩu, thì đã có gần 962.000 tấn thép xây dựng đã được tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Như vậy, chỉ tính riêng trong quý 1-2016, tổng lượng thép xây dựng được tiêu thụ tại thị trường nội địa lên tới 1,92 triệu tấn, tăng đến 56,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, doanh nghiệp có thị phần tiêu thụ thép lớn nhất hiện nay đang thuộc về Tổng công ty thép miền Nam - CTCP (VNSteel) với sản lượng bán ra gần 500.000 tấn trong quý 1-2016, tương ứng 24,65% thị phần.
Tiếp đến là Tập đoàn Hòa Phát với số lượng xấp xỉ 400.000 tấn (tương ứng 19,54% thị phần). Và thứ ba là Công ty CP thép Việt (Pomina) với sản lượng gần 238.000 tấn, tương 11,76% thị phần.
Sôi động thì trường xuất khẩu gạo
Xuất khẩu gạo bừng sắc
Xuất khẩu bền vững luôn là vấn đề được các chuyên gia, lẫn các doanh nghiệp quan tâm đặc biệt. Nông sản xuất khẩu của Việt Nam nói chung, thường xuyên trong cảnh phập phù. Và thường thì khi mất mùa thì nông sản được giá. Nói câu chuyện chất lượng nông sản, vẫn còn nhiều khoảng lạnh. Với mặt hàng gạo xuất khẩu thì sao?
Theo thống kê từ Bộ NN&PTNT trọn quý đầu tiên của năm 2016, khối lượng gạo xuất khẩu tăng 41%, trị giá gạo cũng tăng xấp xỉ con số đó. Quy về con số cụ thể, xuất khẩu gạo ước đạt 1,59 triệu tấn với tổng giá trị 692 triệu USD, tăng 41,6% về khối lượng và tăng 40,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 433 USD/tấn, giảm 5,78% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong những năm trước, các hợp đồng xuất khẩu gạo của doanh nghiệp Việt Nam trong quý I thường không nhiều nên các doanh nghiệp đều gặp khó về thị trường. Tuy nhiên, năm nay, quý I lại có tín hiệu tích cực với sự bứt phá ngoạn mục cả về lượng và về giá. Nguyên nhân do đâu?
Ông Huỳnh Thế Năng- Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) chia sẻ thông tin trên báo chí, lũy kế đăng ký hợp đồng xuất khẩu đến ngày 29-2-2016 đạt 2,248 triệu tấn. Con số này bao gồm cả hợp đồng xuất khẩu đã ký chuyển từ năm 2015 sang là 1,2 triệu tấn. Hợp đồng ký được nhiều cũng đồng nghĩa với thành tích xuất khẩu tốt.
Về thị trường xuất khẩu, Indonesia vươn lên là thị trường thứ nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2016 với thị phần đạt 31,42%. Trung Quốc đứng vị trí thứ 2 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 17,15% thị phần. Hai tháng xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 160,69 triệu tấn và 71,5 triệu USD, tăng 39,2% về khối lượng và tăng 53,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Philippines là thị trường tăng trưởng mạnh (hơn 11 lần về khối lượng và giá trị), đứng thứ 3 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 13,75% thị phần.
Mức xuất khẩu đột biến, có lẽ nhờ vào thời điểm đầu năm, các doanh nghiệp cũng khẩn trương hoàn thành các hợp đồng đã ký kết, bao gồm cả hợp đồng thương mại lẫn hợp đồng tập trung. Cả doanh nghiệp và thương lái đẩy mạnh thu mua, bán, khiến thị trường có phần sôi động hơn.
Theo nhận định của VFA lẫn Bộ NN&PTNT, năm 2016, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ không gặp khó khăn như năm 2015. Tuy nhiên, giá bán và số lượng xuất khẩu như thế nào sẽ ít nhiều tùy thuộc vào diễn biến của hiện tượng thời tiết là El Nino.
Cập nhật thông tin mới từ cuộc họp sơ kết sản xuất vụ đông xuân 2015-2016 diễn ra cuối tần trước cho biết tình hình hạn và mặn xâm nhập đã làm thiệt hại 180.000 ha lúa. Diễn biến xâm nhập mặn ở một số tỉnh: Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh... đã ở mức báo động, nếu tính theo con số cụ thể, tổng giá trị thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng. Sản xuất các vụ lúa còn lại trong năm 2016 vẫn tiếp tục đối phó với những khó khăn của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch hại.
Dự kiến từ nay đến cuối năm 2016, toàn vùng sẽ xuống giống khoảng 4 triệu 600 ngàn ha lúa, năng suât bình quân ước đạt 59,6 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 27 triệu 400 ngàn tấn, giảm trên 100 ngàn tấn so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó lượng gạo tồn kho năm 2015 không còn nhiều như cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó các quốc gia nhập khẩu gạo lớn Philippines, Indonesia và Malaysia sẽ sớm ký hợp đồng nhập khẩu gạo để ổn định nguồn cung lương thực trong nước và đối phó với tác động hạn hán do El Nino.
Phía cơ quan quản lý - Bộ NN&PTNT cho biết đang làm việc với các cơ quan có liên quan để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang thị trường châu Phi. Châu Phi có 1 tỷ dân và có nhu cầu nhập khẩu gạo 25% tấm, loại gạo mà Việt Nam có thể cung cấp với mức giá hợp lý.
Định vị chất lượng
Nằm trong chuỗi sự kiện liên quan đến “gạo”, một thông tin cần được chú ý đó là Tổng công ty lương thực miền Nam, các công ty lương thực Long An, Tiền Giang, Sông Hậu…, đã có buổi làm việc tại Paris với đại diện của Auchan- tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Pháp, nhằm tìm hiểu nhu cầu nhập khẩu gạo của tập đoàn này trong việc cung ứng gạo cũng như các sản phẩm nông nghiệp khác cho thị trường Pháp và châu Âu. T
hông tin từ báo chí cho biết, ông Frédéric Yu, phụ trách bộ phận nhập khẩu hàng hóa của tập đoàn Auchan, đã giới thiệu các chủng loại hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như tiêu chí chất lượng để được tập đoàn xem xét và nhập khẩu. Ông cho biết, Pháp là một trong những thị trường tiêu thụ gạo lớn ở châu Âu.
Hàng năm, nước Pháp tiêu thụ trung bình khoảng 240.000 tấn gạo. Hiện giờ thị trường Pháp đang tiêu thụ chủ yếu gạo Basmati của Ấn Độ, gạo thơm của Thái Lan, Campuchia. Gạo Việt Nam chưa xuất hiện nhiều tại các siêu thị và cũng chưa xây dựng được thương hiệu tại Pháp.
Với những dữ liệu trên, thấy rằng, cơ hội cho hạt gạo Việt Nam tại đất Pháp là có. Nhưng với Pháp, phải xác định rằng, đây là một thị trường khó tính. Hạt gạo Việt cần phải vượt qua nhiều hàng rào kỹ thuật, chất lượng.
Cục Quản lý giá Bộ Tài chính cho biết, dự báo kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2016 sẽ đạt khoảng 3 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2015. Vụ Đông Xuân 2015- 2016 có khả năng không phải mua tạm trữ như cùng kỳ năm trước. Trong thời gian tới, giá mặt hàng lúa gạo tại thị trường trong nước và thế giới có xu hướng ổn định hoặc tăng nhẹ.
Thị trường lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL đang diễn biến sôi động, lúa Đông Xuân tăng giá do Trung Quốc đang đẩy mạnh mua gạo từ Việt Nam. Hiện nay, việc thu mua lúa đang diễn ra thuận lợi. Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, diễn biến giá lúa tại một số tỉnh ĐBSCL trong tháng 3 như sau: tại An Giang, lúa tươi IR50404 tăng 450 đ/kg, từ 4.550 đ/kg lên 5.000 đ/kg; lúa OM 2717 tăng từ 4.700 đ/kg lên 4.950 đ/kg.
Thị trường Trung Mỹ, Trung Đông chưa “rộng cửa” cho hàng thủy sản
Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), Bộ NN&PTNT cho biết: Thời gian qua, theo đề nghị của một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản và nhà nhập khẩu thuộc các thị trường Guatemala, Costa Rica và Libăng, Nafiqad đã có văn bản xác nhận điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của doanh nghiệp và đề nghị cơ quan thẩm quyền Guatemala, Costa Rica và Libăng cung cấp các quy định về hoạt động kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản nhập khẩu để phổ biến cho các doanh nghiệp biết và thực hiện.
Kết quả là, đối với thị trường Costa Rica: Cơ quan thẩm quyền yêu cầu bổ sung thêm một số thông đến hoạt động kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, tuy nhiên lại không cung cấp các quy định của Costa Rica theo đề nghị của Nafiqad.
Hiện tại, Nafiqad đang tổng hợp thông tin để gửi cho cơ quan thẩm quyền Costa Rica theo yêu cầu và sẽ có văn bản thông báo cho các doanh nghiệp sau khi có thông tin.
Đối với thị trường Guatemala và Libăng: Cho đến nay, Nafiqad chưa nhận được văn bản phản hồi từ phía Cơ quan thẩm quyền hai nước này.
Trong số các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu thủy sản vào các thị trường nói trên, Công ty CP Vĩnh Hoàn là doanh nghiệp điển hình hơn cả. Trên thực tế, ngày 10-3, doanh nghiệp này đã có công văn số 52/2016-CV-VH gửi Nafiqad đề nghị cho phép xuất khẩu sản phẩm cá tra vào thị trường Guatemala, Costa Rica và Libăng, đồng thời xác nhận điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm với cơ quan thẩm quyền các nước này.
Trong công văn trả lời riêng doanh nghiệp Vĩnh Hoàn ngày 6-4 mới đây, Nafiqad nêu rõ: Đến nay, Nafiqad chưa nhận được yêu cầu của cơ quan thẩm quyền Guatemala, Costa Rica và Libăng về việc lập danh sách các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu cũng như yêu cầu về việc kiểm tra, cấp chứng thư cho các lô hàng thủy sản xuất khẩu vào thị trường này.
Do đó, Nafiqad đề nghị Công ty CP Vĩnh Hoàn chủ động liên hệ với nhà nhập khẩu để biết và tuân thủ quy định của các nước về trình tự, thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu, tránh vướng mắc khi xuất khẩu thủy sản vào các thị trường này.