Tính từ 1/10/2013 đến 18/6/2016, VAMC đã mua được 24.618 khoản nợ tại 41 TCTD với tổng dư nợ gốc 247.448 tỷ đồng, giá mua nợ bằng TPĐB là 211.993 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm thâm hụt ngân sách gần 83.000 tỷ đồng
- Cập nhật : 30/06/2016
(Tai chinh)
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm thu không đủ bù chi, thâm hụt 82,9 nghìn tỷ đồng.
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/6/2016 ước tính đạt 425,6 nghìn tỷ, đạt 42% so với dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 342,8 nghìn tỷ đồng, thu từ dầu thô đạt 17,7 nghìn tỷ đồng, thu cân đối ngân sách hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 63 nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, chi ngân sách nhà nước đến thời điểm trên lại là 508,5 nghìn tỷ đồng (39,9% dự toán) bao gồm: chi cho đầu tư phát triển là 74,5 nghìn tỷ đồng; chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể khoảng 363,4 nghìn tỷ đồng; chi trả nợ và viện trợ 68 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, trong 6 tháng đầu năm, ngân sách nhà nước thu không đủ bù chi, dẫn đến khoản thâm hụt lên đến 82,9 nghìn tỷ đồng.
Theo thông tin từ Bộ kế hoạch và Đầu tư, nhu cầu trong cân đối ngân sách Nhà nước, nhu cầu chi phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chi thường xuyên tiếp tục tăng cao từ 50% lên mức 65% tổng chi. Chi đầu tư phát triển bị giảm từ 30% tổng chi, xuống còn 17%.
Với khả năng thu hiện nay, tổng thu ngân sách sẽ không đủ để chi thường xuyên và trả nợ. Do đó, toàn bộ chi đầu tư phải dựa vào vốn vay của Chính phủ.
Năm 2016, Chính phủ đã có kế hoạch vay 452 nghìn tỷ đồng, trong đó, bù đắp thâm hụt ngân sách 254 nghìn tỷ, phát hành trái phiếu Chính phủ cho đầu tư là 60 nghìn tỷ; vay ODA, ưu đãi để cho vay lại là 43 nghìn tỷ… Dự kiến mức trả nợ vay của năm nay tăng lên 273 nghìn tỷ.
Mặc dù Bộ Tài chính đã cho biết kế hoạch phấn đấu để bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP là 4,95% nhưng theo dự báo của các tổ chức kinh tế quốc tế, mức bội chi này sẽ cao hơn nhiều so với kế hoạch đề ra.
Như Ngân hàng HSBC cho rằng mức bội chi ngân sách của Việt Nam 2016 sẽ rơi vào khoảng 6,6% GDP (cao hơn 1,65%). Một trong những nguyên nhân mà HSBC đưa ra là bởi giá dầu biến động gây ảnh hưởng xấu đến thu ngân sách của Việt Nam.
Tỷ lệ nợ công cao cũng là nguyên nhân. Hiện nay nợ công Việt Nam đã tăng từ 59,6% năm 2014 lên đến 63,3% GDP vào cuối năm 2015. Các năm 2016, 2017 và 2018 tỷ lệ này tiếp tục được dự báo tăng thêm, như Ngân hàng Thế giới dự đoán lần lượt là 63,8%; 64,4% và 64,7%. Trong khi đó, nợ Chính phủ đã vượt giới hạn cho phép (50% GDP).
Do đó, nhiều chuyên gia đã có khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần lưu ý để tăng thu ngân sách, đặc biệt phải ổn định chi tiêu thường xuyên và có phương án thu chi ngân sách hợp lý hơn.