FamilyMart thua lỗ ở Việt Nam, xem xét hợp tác với CP Group; Parkson tiếp tục thua lỗ lớn tại Việt Nam; Carlsberg vẫn muốn mua thêm cổ phần Habeco; Xe dưới 24 chỗ khi bán ra vẫn phải kê khai nộp thuế tiêu thụ đặc biệt
Tin kinh tế đọc nhanh tối 10-05-2017
- Cập nhật : 10/05/2017
Apple, Samsung đã bị tụt hạng ở Trung Quốc như thế nào?
Lúc này trong danh sách 10 mẫu điện thoại bán chạy nhất Trung Quốc, Apple đã tụt xuống vị trí thứ 4 còn Samsung đã xuống vị thứ 6.
Apple trước đây từng là nhà sản xuất điện thoại được yêu thích nhất Trung Quốc nhưng vị trí này đã thay đổi.
Theo báo cáo mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường IDC, Apple không còn ở vị trí dẫn đầu về lượng bán điện thoại tại Trung Quốc. 3 vị trí vượt lên Apple lúc này là Huawei, Oppo và Vivo.
Theo các nhà phân tích, các thương hiệu Trung Quốc này từ năm ngoái đã có sự đẩy mạnh về quảng bá thương hiệu. Tuy nhiên theo CNET, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm của Apple lại do khách hàng tại đây đang “chán iPhone”.
Năm 2016, khi Apple ra mắt iPhone 7, thị trường Trung Quốc đã không còn đón nhận mẫu điện thoại này nồng nhiệt như trước đây.
Ngoài ra, mỗi năm Apple chỉ ra mắt từ 1 đến 2 mẫu iPhone mới, trong khi đó người dùng lại có xu hướng chờ chiếc iPhone tiếp theo được ra mắt mới có quyết định mua. Do vậy điều này có thể dẫn đến việc khách hàng đang chờ iPhone 8 với nhiều nâng cấp hơn.
Samsung mặc dù chiếm tới 26% thị phần điện thoại tại Ấn Độ song cũng không hoàn toàn thành công tại Trung Quốc.
Có nhiều nguyên nhân khiến cho các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc vượt lên. Có thể kể đến việc họ đang dần chuyển sang sản xuất những mẫu Android tốt hơn. Cấu hình của các mẫu điện thoại được nâng cấp đáng kể trong khi mức giá rẻ vẫn được duy trì.
MacRummors cho rằng thị trường điện thoại Trung Quốc phát triển do các ứng dụng di động tại đây đang phát triển rất mạnh. Điều này dẫn đến việc người tiêu dùng cần phải tìm kiếm giải pháp nâng cấp thiết bị. Trong khi mức giá của Apple hiện vẫn còn cao thì Oppo và Vivo với những mẫu điện thoại tầm trung sẽ được quan tâm nhiều hơn.
Theo CNBC, các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc như Oppo, Vivo thành công nhờ chiến lược bán hàng theo phương thức truyền thống tại các cửa hàng. Việc bán ở cửa hàng giúp cho các nhà sản xuất này có thể tiếp cận được khách hàng ở các vùng nông thôn hay đô thị nhỏ. Chiến lược này cũng phát huy hiệu quả ở các nước khu vực Đông Nam Á, hay Châu Phi.
Nhà sản xuất xếp thứ 5 tại Trung Quốc là Xiaomi trong năm qua đã mở hàng loạt các cửa hàng bán lẻ để thúc đẩy doanh số. Apple cũng cố gắng tăng cường bán lẻ nhưng số lượng cửa hàng chính thức của Apple tại quốc gia đông dân nhất thế giới mới chỉ có 7.
Tuy vậy Apple vẫn có được thành công. Trong năm 2016, kho ứng dụng App Store khu vực Trung Quốc đã có doanh thu lớn nhất thế giới. (Bizlive)
-------------------------------------
Nhiều hãng bán lẻ Mỹ chật vật chứng minh họ chưa “chết”
Các chuỗi bán lẻ như Macy's, Kohl's và JCPenney sẽ báo cáo kết quả kinh doanh quý mới nhất trong tuần này và tình hình có thể không khả quan.
Theo CNN, giới phân tích dự báo JCPenney sẽ lỗ thêm một quý nữa khi đưa ra kết quả kinh doanh vào cuối tuần. Trong khi đó, doanh thu và lợi nhuận của Macy's và Kohl's được dự báo giảm. Cổ phiếu Macy’s và Kohl’s đều giảm gần 20% trong năm nay, còn cổ phiếu JCPenney thì hạ hơn 30%.
Hãng Nordstrom cũng sẽ báo cáo doanh thu vào ngày 11.5. Doanh thu công ty này được cho là chỉ tăng 3% so với năm ngoái trong khi lợi nhuận thì có thể không đổi so với cách đây một năm. Dù vậy, cổ phiếu Nordstrom đang tăng 3% năm nay.
Nhiều nhà bán lẻ truyền thống ở Mỹ chật vật trong thời gian gần đây. Cả Macy’s và JCPenney đều phải đóng nhiều cửa hàng. Hãng Sears cũng không là ngoại lệ. Target thì cho hay đầu năm nay rằng doanh nghiệp sẽ hạ giá để thu hút khách hàng sau khi báo cáo doanh thu tệ trong dịp lễ và cảnh báo rằng kết quả kinh doanh năm 2017 sẽ thấp hơn nhiều so với dự báo.
Một số chuỗi cửa hàng thời trang còn khó khăn hơn. Wet Seal, Aeropostale, Pacific Sunwear, American Apparel, The Sports Authority, Payless ShoeSource và The Limited gần đây đều nộp đơn xin phá sản.
Amazon là cái tên gây đau đầu cho các công ty nói trên. Hiện hãng thương mại điện tử gần như bán mọi thứ online, trong đó có quần áo và thực phẩm, với giá niêm yết thấp hơn đối thủ.
Walmart cũng là vấn đề đối với các hãng bán lẻ gặp khó. Hiện công ty đang cược lớn vào thương mại điện tử, đã sở hữu hãng Jet.com và nhiều cửa hàng online khác, trong đó có hãng bán lẻ quần áo ModCloth, nhà sản xuất thiết bị ngoài trời Moosejaw và hiệu giày ShoeBuy.
Đáng chú ý hơn, Phố Wall đang hoan nghênh các nỗ lực trên của cả Amazon và Walmart. Cổ phiếu hai hãng tăng lần lượt 25% và 10% trong năm nay. Điều này cho thấy các nhà bán lẻ truyền thống có thể hi vọng khá lên nhờ tập trung hơn vào kỹ thuật số.
Dù vậy, Macy’s và các hãng khác có khả năng để phục hồi hay không? Phố Wall sẽ chú ý đến các dấu hiệu tập trung hơn vào lĩnh vực kỹ thuật số trong báo cáo doanh thu của những hãng này. Giám đốc tài chính Macy’s Karen Hoguet hồi tháng 2 cho hay hãng không thể vượt qua những thay đổi về thói quen mua sắm tiếp diễn trong ngành công nghiệp vào dịp nghỉ lễ vừa qua. “Những thay đổi này dường như có tác động lớn đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi hơn là chúng tôi dự đoán. Chúng tôi nhận thấy mình cần có nhiều thay đổi sâu sắc trong cách thức điều hành hoạt động kinh doanh”, bà Hoguet nói.
Macy’s không là công ty duy nhất. Hầu hết các nhà bán lẻ truyền thống đều phải nỗ lực nhiều hơn trong hoạt động thương mại điện tử và di động nói chung để giữ chân khách mua hiện tại, thu hút khách hàng mới.(Thanhnien)
----------------------------------------
Nhập khẩu xăng dầu từ Hàn Quốc tiếp tục tăng mạnh
Số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố cho thấy, khối lượng xăng dầu doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc trong giai đoạn từ 1-1 đến 30-4 là 986.462 tấn. Kim ngạch nhập khẩu trị giá hơn 604,8 triệu đô la Mỹ.
Nếu so với con số 479.429 tấn của cùng kỳ năm ngoái thì khối lượng nhập khẩu 4 tháng năm nay đã tăng hơn gấp đôi (tương ứng tăng hơn 105%).
Trao đổi vớiTBKTSG Online, đại diện một đầu mối xăng dầu phía Nam cho biết, điều này là rất dễ hiểu. Bởi lẽ, Hàn Quốc hiện là thị trường có mức thuế nhập khẩu xăng, dầu ưu đãi nhất hiện nay nhờ thực hiện hiệp định thương mại ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA).
Trong đó, xăng ở mức 10%, thấp hơn 10 điểm phần trăm so với các thị trường khác; dầu diesel ở mức 0%, bằng với mức thuế nhập khẩu từ ASEAN nhưng thấp hơn 5 điểm phần trăm so với thị trường khác.
“Mức thuế nhập khẩu xăng, dầu từ Hàn Quốc ngang bằng với hàng từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất do Chính phủ đã bãi bỏ quy định về thu điều tiết từ đầu năm 2017 đối với hàng hóa từ nhà máy này. Tuy nhiên, hàng mua từ Dung Quất lại tính theo giá 6 tháng và tính ra vẫn cao hơn hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc nên doanh nghiệp vẫn tăng nhập khẩu từ thị trường này. Đó là chưa kể nguồn cung từ Dung Quất có hạn trong khi từ Hàn Quốc thì dồi dào”, đại diện này lý giải thêm.
Xu hướng nhập khẩu hàng từ các thị trường có ưu đãi thuế nhờ các hiệp định thương mại, trong đó từ Hàn Quốc đã bắt đầu rầm rộ từ năm 2016. Khối lượng nhập khẩu xăng dầu từ thị trường này vượt con số 1,2 triệu tấn, tăng mạnh so với những năm trước đó.
Nhập với thuế thấp nhưng được bán với thuế cao (mức thuế bình quân gia quyền) nên các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đã thu lợi lớn.
Nhập khẩu từ Hàn Quốc gia tăng cũng đồng nghĩa với việc khối lượng từ các thị trường khác giảm sút. Đáng kể như khối lượng nhập khẩu từ thị trường Malaysia giảm 25%; từ Singapore giảm gần 10%... Thậm chí, năm nay, doanh nghiệp còn ngừng nhập hàng từ Đài Loan.
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, giá nhập khẩu của các mặt hàng đã tăng mạnh trong 4 tháng qua.
Giá bình quân từ đầu năm đến nay là 538,7 đô la Mỹ/tấn, tăng 56% so với giá bình quân cùng kỳ.
Trong đó, giá nhập khẩu xăng bình quân tăng 46,5%; dầu diesel tăng 46,8%.(TBKTSG)
---------------------------------
4 tháng, ngân sách nhà nước thặng dư 3,09 nghìn tỷ đồng
Bộ Tài chính vừa thông tin, tổng thu cân đối NSNN thực hiện tháng 4 ước đạt 105,7 nghìn tỷ đồng; lũy kế thực hiện 4 tháng ước đạt 396,47 nghìn tỷ đồng, bằng 32,7% dự toán năm, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, thu nội địa thực hiện tháng 4 ước đạt 89,7 nghìn tỷ đồng; lũy kế 4 tháng ước đạt 325,9 nghìn tỷ đồng, bằng 32,9% dự toán năm, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2016. Nếu không kể thu tiền sử dụng đất, thu cổ tức, lợi nhuận còn lại, tiền bán cổ phần thuộc sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp và thu từ hoạt động xổ số kiến thiết, thì thu nội địa 4 tháng đạt 33,4% dự toán năm, tăng 12,3% so cùng kỳ năm trước.
Thu từ dầu thô thực hiện tháng 4 ước đạt 3,8 nghìn tỷ đồng; lũy kế 4 tháng ước đạt 15,4 nghìn tỷ đồng, bằng 40,2% dự toán năm, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Lý giải nguyên nhân thu từ dầu thông tăng, Bộ Tài chính cho biết, giá dầu thô của Việt Nam bình quân 4 tháng khoảng 55,6 USD/thùng, tăng 5,6 USD/thùng so với giá dự toán. Tuy nhiên sản lượng lũy kế 4 tháng ước chỉ đạt 4,15 triệu tấn, chỉ bằng 76,3% so cùng kỳ năm 2016.
Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu thực hiện tháng 4 ước đạt 22,5 nghìn tỷ đồng (loại trừ 10,34 nghìn tỷ đồng hoàn thuế GTGT thì thu cân đối từ hoạt động XNK là 12,16 nghìn tỷ đồng); lũy kế 4 tháng ước đạt 92 nghìn tỷ đồng, bằng 32,3% dự toán năm, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2016. Sau khi hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ (37 nghìn tỷ đồng), thu cân đối NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu 4 tháng ước đạt 55 nghìn tỷ đồng, bằng 30,6% dự toán năm, tăng 31,3% so cùng kỳ năm 2016.
Trong khi đó, tổng chi NSNN tháng 4 ước đạt 108,4 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 4 tháng ước đạt 393,38 nghìn tỷ đồng, bằng 28,3% dự toán năm, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 68,56 nghìn tỷ đồng, bằng 19,2% dự toán năm, tăng 20%; chi trả nợ lãi đạt 36,7 nghìn tỷ đồng, bằng 37,1% dự toán năm, tăng 10%; chi thường xuyên đạt 287,35 nghìn tỷ đồng, bằng 32,1% dự toán năm, tăng 7,4% so cùng kỳ năm 2016.
"Các nhiệm vụ chi ngân sách trong tháng 4 và 4 tháng được đảm bảo theo đúng dự toán và tiến độ triển khai thực hiện của các chủ đầu tư, đơn vị sử dụng ngân sách, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất, đảm bảo quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội", Bộ Tài chính cho biết.
Tuy nhiên thực hiện vốn đầu tư XDCB 4 tháng ước chỉ đạt 18,8% dự toán năm (cùng kỳ năm 2016 đạt 18%). Theo Bộ Tài chính, công tác triển khai phân bổ dự toán chi đầu tư công năm 2017 chậm (tính đến ngày 15/2/2017, vẫn còn 13/45 bộ, cơ quan trung ương và 7/63 địa phương chưa triển khai phân bổ vốn đầu tư đến từng dự án); đối với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2017, Quốc hội chưa thông qua danh mục và mức vốn cho từng dự án, nên chưa giao dự toán cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để triển khai thực hiện.
Như vậy, ngân sách nhà nước 4 tháng ước thặng dư khoảng 3,09 nghìn tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng thông tin về công tác huy động vốn 4 tháng đầu năm. Theo đó, tính đến 30/4/2017, khối lượng trái phiếu chính phủ (TPCP) huy động trên thị trường là 81.581 tỷ đồng trên thị trường, đạt 44,5% kế hoạch phát hành (183,3 nghìn tỷ đồng); đồng thời đã phát hành 23.000 tỷ đồng TPCP cho Bảo hiểm xã hội, đạt 38,3% kế hoạch phát hành (60.000 tỷ đồng).(TBNH)