tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Vai trò của Kho bạc Nhà nước trong tổng hợp, lập báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước

  • Cập nhật : 09/09/2017

Có thể nói, năm 2015 đã đánh dấu bước thay đổi lớn về chức năng nhiệm vụ của Kho bạc Nhà nước khi được Thủ tướng Chính phủ giao thêm nhiệm vụ mới là tổng hợp, lập báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm trình Bộ Tài chính trình Chính phủ theo quy định tại Quyết định 26/QĐ-TTg ngày 08/7/2015.  Để hiểu rõ hơn về nhiệm vụ này, bài viết phân tích vai trò của Kho bạc Nhà nước trong công tác tổng hợp, lập báo cáo quyết toán ngân sách hàng năm, đồng thời đề xuất một số giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng công tác quyết toán ngân sách.

anh minh hoa. nguon: internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngay từ thời điểm mới thành lập (ngày 1/4/1990), Kho bạc Nhà nước (KBNN) được giao nhiệm vụ kế toán thu - chi Quỹ ngân sách nhà nước (NSNN), đảm bảo quản lý chặt chẽ nguồn thu và cấp phát kịp thời nhu cầu chi tiêu, giúp cho hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương thông suốt, hiệu quả.

Năm 2004, sau khi Luật NSNN năm 2002 có hiệu lực, KBNN được giao thêm nhiệm vụ kế toán và báo cáo số liệu thu, chi NSNN theo nội dung chỉ tiêu dự toán NSNN được cấp có thẩm quyền quyết định.

Vì vậy, KBNN đã phát triển công nghệ tin học từ hệ thống kế toán kho bạc sang hệ thống kế toán tích hợp thông tin dự toán, thu - chi NSNN và hoạt động nghiệp vụ kho bạc nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Đến nay, tại Quyết định 26/QĐ-TTg, KBNN nhận nhiệm vụ tổng hợp, lập báo cáo quyết toán NSNN hàng năm trình Bộ Tài chính để trình Chính phủ báo cáo Quốc hội thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu của khâu thứ ba trong chu trình quản lý NSNN, đó là kế toán và quyết toán NSNN.

Vị trí, vai trò của công tác quyết toán ngân sách nhà nước

Về khái niệm, quyết toán NSNN là việc tổng hợp các khoản thu - chi của Nhà nước theo đúng chế độ để lập báo cáo đánh giá tình hình thực thu, thực chi NSNN theo nội dung, chỉ tiêu dự toán ngân sách đã được cấp có thẩm quyền quyết định trong một năm để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê chuẩn.

Từ khái niệm trên cho thấy, công tác quyết toán NSNN là 1 trong 3 khâu của quy trình quản lý NSNN  bao gồm: Tổng hợp quyết toán NSNN của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và quyết toán của các bộ, cơ quan trung ương; Lập báo cáo quyết toán ngân sách trung ương và NSNN; Thuyết minh, giải trình quyết toán NSNN với các cơ quan có thẩm quyền và Quốc hội.

Việc Chính phủ giao cho KBNN thực hiện công tác quyết toán NSNN là nhằm tăng cường chất lượng công tác xây dựng dự toán NSNN, công tác quản lý điều hành NSNN của Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và chính quyền địa phương.

Như vậy, quyết toán NSNN có vai trò là khâu cuối cùng của chu trình quản lý NSNN, qua đó giúp đánh giá lại toàn bộ NSNN sau 1 năm thực hiện (từ khâu lập dự toán, khâu phân bổ cũng như chấp hành và điều hành NSNN). Số liệu và tình hình quyết toán NSNN là cơ sở để các cơ quan quản lý phân tích, đánh giá tình hình tài chính - ngân sách của quốc gia, từ đó có những quyết sách phù hợp nhằm quản lý tối ưu nguồn lực tài chính - ngân sách trong giai đoạn tiếp theo.

Nguyên tắc, yêu cầu đối với công tác quyết toán ngân sách nhà nước

Công tác quyết toán NSNN phải tuân thủ các nguyên tắc, yêu cầu sau:

- Tuân thủ các quy định về quản lý NSNN của Luật NSNN. Các khoản thu - chi NSNN không đúng quy định không được quyết toán, nhằm đảm bảo số liệu quyết toán NSNN chính xác, trung thực, đầy đủ.

- Các khoản đã thực thu, thực chi NSNN theo đúng chế độ, được quyết toán vào NSNN. Đối với các khoản tạm ứng, tạm thu chờ xử lý thì không được quyết toán vào NSNN.

- Báo cáo quyết toán NSNN phải theo đúng các nội dung ghi trong dự toán NSNN được giao, chi tiết theo Mục lục NSNN, đồng thời kèm theo thuyết minh đánh giá kết quả, hiệu quả chi ngân sách gắn với nhiệm vụ được giao, nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao và đánh giá các cơ chế, chính sách được thực hiện trong năm ngân sách.

- Số dư ngân sách cuối năm chỉ được chuyển nguồn sang năm theo đúng quy định của Luật NSNN năm 2015; số dự toán còn lại phải được thu hồi nộp ngân sách, không được chuyển sang năm sau nhằm đảm bảo sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả.

- Số liệu báo cáo quyết toán NSNN phải khớp với số liệu trong sổ kế toán và khớp với số liệu kiểm soát chi của KBNN. Báo cáo quyết toán NSNN phải đúng thẩm quyền, đúng thời hạn quy định.

Vai trò của Kho bạc Nhà nước trong quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm

Ngay từ khi nhận nhiệm vụ mới (01/10/2015), KBNN và Vụ NSNN (Bộ Tài chính) đã thực hiện bàn giao các nhiệm vụ liên quan về tổng hợp, lập quyết toán NSNN hàng năm cả về nhân sự, hồ sơ tài liệu.

KBNN đã khẩn trương bắt tay ngay vào triển khai công tác quyết toán NSNN năm 2014, đồng thời sắp xếp, bố trí cán bộ tiếp nhận các nhiệm vụ được bàn giao, chuyển tiếp từ Vụ NSNN, đảm bảo công việc được thực hiện thường xuyên, liên tục, ổn định và không bị gián đoạn.

Nhờ vậy, công tác quyết toán NSNN, công tác phân công, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị cơ quan kiểm toán, thanh tra, điều tra về lĩnh vực tài chính ngân sách được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Sau khi tiếp nhận nhiệm vụ tổng hợp, lập báo cáo quyết toán NSNN, KBNN đã phối hợp với các đơn vị quản lý chuyên ngành của Bộ Tài chính tham gia thẩm định quyết toán NSNN của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đảm bảo đúng thời hạn và có chất lượng.

Căn cứ số liệu thu - chi NSNN, căn cứ thông báo thẩm định quyết toán NSNN của Bộ Tài chính đối với quyết toán của các bộ, cơ quan trung ương và số liệu thẩm định quyết toán thu - chi ngân sách địa phương được HĐND các tỉnh, thành phố phê chuẩn, KBNN đã tổng hợp, lập Báo cáo quyết toán NSNN trình Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội đúng thời hạn, thủ tục, trình tự và đảm bảo chất lượng.

Đồng thời, KBNN đã phối hợp với các đơn vị để thuyết minh, giải trình cụ thể, chi tiết, có tính thuyết phục với các cơ quan có thẩm quyền như: Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.

Nhờ vậy, Báo cáo quyết toán NSNN niên độ 2014, 2015 đã được Quốc hội phê chuẩn đúng thời hạn với tỷ lệ cao (khoảng 90%). Kết quả này được Lãnh đạo Bộ Tài chính ghi nhận sau rất nhiều nỗ lực, cố gắng của các cán bộ KBNN.

Cùng với đó, KBNN đã phối hợp với Vụ NSNN và các đơn vị liên quan nghiên cứu, trình Bộ Tài chính ban hành 2 quy chế là: Quy chế phối hợp giữa các đơn vị trong Bộ trong việc quyết toán NSNN (ban hành kèm theo Quyết định 1998/QĐ-BTC ngày 29/9/2015) và Quy chế phối hợp giữa các đơn vị trong Bộ trong việc xử lý, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra, điều tra về lĩnh vực tài chính ngân sách (ban hành kèm theo Quyết định 2000/QĐ-BTC ngày 29/9/2015).

Đây là 2 Quy chế phối hợp công tác giúp KBNN làm tốt công tác quyết toán NSNN và giải trình quyết toán NSNN theo quy định của pháp luật. Đồng thời, KBNN đã tích cực tham gia xây dựng Luật NSNN năm 2015 và các văn bản hướng dẫn Luật để phục vụ tốt nhiệm vụ được giao trong công tác quyết toán NSNN.

Công tác tổng hợp, lập báo cáo quyết toán NSNN là một nhiệm vụ mới của hệ thống KBNN, tuy nhiên với việc thực hiện thành công công tác quyết toán NSNN niên độ 2014, 2015 đã cho thấy, sự cố gắng, nỗ lực của hệ thống KBNN để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trong thời gian tới, KBNN sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tốt một trong các khâu quan trọng của chu trình ngân sách, nâng cao ý nghĩa của công tác quyết toán NSNN, từ đó hoàn thiện công tác quản lý NSNN, đảm bảo giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quyết toán NSNN cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc sau:

- Một số vụ, cục, tổng cục còn chưa quan tâm đôn đốc các bộ, ngành, địa phương gửi báo cáo quyết toán NSNN về Bộ Tài chính đúng thời hạn quy định. Thực tế còn nhiều bộ, cơ quan trung ương, địa phương gửi báo cáo quyết toán NSNN chậm, các vụ, cục, tổng cục chưa trình Bộ áp dụng các chế tài đối với các đơn vị, địa phương nhằm xử lý dứt điểm tình trạng chậm nộp báo cáo quyết toán NSNN theo quy định.

- Công tác xử lý chuyển nguồn tại các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và công tác tổng hợp chuyển nguồn NSNN cuối năm thực hiện chậm, kéo dài so với quy định. Vẫn còn tình trạng điều chỉnh số liệu sau khi đã hết thời hạn điều chỉnh, do đó số liệu thu - chi NSNN liên tục thay đổi tại các thời điểm báo cáo khác nhau, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công tác quyết toán NSNN.

- Khi ban hành chính sách, chế độ thu - chi NSNN và trình cấp có thẩm quyền về kinh phí chuyển nguồn sang năm sau, các đơn vị chưa chú ý phối hợp với KBNN, dẫn đến những vướng mắc khi thực hiện quyết toán NSNN. Bên cạnh đó, các đơn vị chưa tập trung phối hợp chặt chẽ với KBNN trong việc đối chiếu số liệu, tìm nguyên nhân và điều chỉnh số liệu kịp thời.

Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng công tác quyết toán ngân sách nhà nước

Để khắc phục những khó khăn vướng mắc và nâng cao chất lượng công tác quyết toán NSNN hàng năm, thời gian tới, KBNN cần phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, về chính sách, chế độ: Tham gia xây dựng chế độ và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật NSNN năm 2015 đối với nội dung quy định về công tác lập, trình, phê chuẩn quyết toán NSNN đảm bảo thống nhất với yêu cầu quản lý NSNN.

Trên cơ sở quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn Luật, KBNN nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hệ thống mục lục NSNN, bảo đảm phù hợp yêu cầu mới về quản lý NSNN, bảo đảm công tác kế toán, báo cáo quyết toán NSNN được kịp thời, chính xác, tiết kiệm, hiệu quả.

Song song với đó, các đơn vị chức năng có liên quan tham gia xây dựng và hoàn thiện các chế độ kế toán NSNN để số liệu báo cáo kế toán về thu, chi NSNN kịp thời, chính xác, so sánh, đánh giá với chỉ tiêu dự toán NSNN được cấp có thẩm quyền giao.

Hai là, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đôn đốc các bộ, ngành, địa phương:

- Khẩn trương phân bổ, giao dự toán cho các cơ quan, đơn vị và cấp dưới trực thuộc theo đúng thời hạn quy định; chấp hành đúng thời hạn khoá sổ NSNN hàng năm; chấp hành đúng thời hạn xử lý chuyển nguồn, hết thời hạn trên không xử lý chuyển nguồn kinh phí đã được giao cho bộ, cơ quan trung ương và địa phương; Đề nghị các đơn vị hạn chế điều chỉnh bổ sung vào cuối năm, trường hợp cần điều chỉnh, bổ sung dự toán thì thời hạn hoàn thành theo đúng quy định của Luật NSNN năm 2015.

- Đôn đốc các bộ, cơ quan trung ương, địa phương xây dựng lịch biểu báo cáo, xét duyệt quyết toán trong nội bộ để đảm bảo thời hạn tổng hợp, gửi báo cáo về Bộ Tài chính đúng hạn. Đồng thời, trình Bộ để áp dụng chế tài xử lý theo quy định Luật NSNN năm 2015 đối với những bộ, ngành, cơ quan trung ương không chấp hành đúng thời hạn nộp Báo cáo quyết toán NSNN theo quy định.

Ba là, đối với hệ thống KBNN:

- KBNN các cấp thực hiện đối chiếu chi tiết số liệu về tình hình sử dụng dự toán ngân sách năm trước với các đơn vị sử dụng ngân sách; lập và gửi báo cáo thu, chi ngân sách, tình hình sử dụng dự toán ngân sách cho cơ quan tài chính đồng cấp, UBND cấp xã trước ngày 15/3 năm sau đối với ngân sách cấp xã, ngân sách cấp huyện; trước ngày 1/4 năm sau đối với ngân sách cấp tỉnh và ngân sách trung ương theo quy định của Luật NSNN năm 2015 và các văn bản hướng dẫn Luật.

- Số liệu thu - chi NSNN hàng năm đến hết ngày 31/01 năm sau là cơ sở để KBNN đối chiếu, xác nhận với các cơ quan, đơn vị dự toán ngân sách và cơ quan thuế, hải quan, tài chính các cấp, đồng thời làm cơ sở xử lý ngân sách cuối năm và lập báo cáo quyết toán ngân sách  hàng năm.

Sau thời điểm KBNN thực hiện xác nhận số liệu cho các đơn vị sử dụng ngân sách (31/1), nếu có sự điều chỉnh, thay đổi về số liệu theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, đơn vị sử dụng ngân sách có văn bản đề nghị với KBNN nơi giao dịch điều chỉnh, xác nhận lại số liệu theo quy định.

- Sau 5 tháng kể từ thời điểm kết thúc năm ngân sách, KBNN cung cấp đầy đủ các Biểu mẫu thu, chi, tình hình sử dụng dự toán NSNN theo quy định gửi cho các cơ quan tài chính các cấp làm cơ sở xác nhận số liệu, thẩm định, xét duyệt quyết toán, tổng hợp quyết toán NSNN năm sau.

Bốn là, tiếp tục củng cố số lượng và nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác kế toán, quyết toán NSNN, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới theo quy định của Luật NSNN năm 2015.

Tóm lại, kết quả đạt được trong công tác quyết toán NSNN hàng năm, góp phần đảm bảo kỷ luật, kỷ cương tài chính; góp phần quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực tài chính - ngân sách của quốc gia.  

Tài liệu tham khảo:

1. Quyết định 26/2015/QĐ-TTg (ngày 8/7/2015) của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KBNN trực thuộc Bộ Tài chính;

2. Quyết định 1998/QĐ-BTC ngày 29/9/2015 của Bộ Tài chính về Quy chế phối hợp giữa các đơn vị trong Bộ Tài chính trong việc quyết toán NSNN;

3. Quyết định 2000/QĐ-BTC ngày 29/9/2015 của Bộ Tài chính về Quy chế phối hợp giữa các đơn vị trong Bộ Tài chính trong việc xử lý, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra, điều tra về lĩnh vực tài chính ngân sách.


NGUYỄN VĂN HÀO - PHÓ CỤC TRƯỞNG - CỤC KẾ TOÁN NHÀ NƯỚC (KHO BẠC NHÀ NƯỚC)
Theo Tapchitaichinh.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục