tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Chuyên gia hiến kế xoá sở hữu chéo ngân hàng

  • Cập nhật : 01/07/2016

Theo các chuyên gia, thay vì “chờ” các ngân hàng thực hiện thông tư 36 như hiện nay, các nhà quản lý cần xoá được động cơ, lợi ích của sở hữu chéo mới mong chấm dứt triệt để tình trạng này.

Thực trạng sở hữu lẫn nhau giữa các ngân hàng hiện vẫn rất phức tạp và phần lớn mới dừng lại ở nghiên cứu và kế hoạch

“Lỗi hẹn” Thông tư 36

Thời gian để thực hiện hai điều khoản nhằm giảm sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng theo quy định của Thông tư 36 đã quá hạn gần 4 tháng, nhưng thực trạng sở hữu lẫn nhau giữa các ngân hàng hiện vẫn rất phức tạp và phần lớn mới dừng lại ở nghiên cứu và kế hoạch.

Cho đến gần đây, một số ngân hàng mới thực thi về việc thoái vốn. VietinBank đã đem đấu giá gần 16,9 triệu cổ phần Saigonbank để thực hiện thoái vốn tại SaigonBank từ 10,39% xuống 4,91% vốn. Mặc dù giá khởi điểm đưa ra 10.800 đồng/cổ phần tuy nhiên đã có 10 cá nhân (không có tổ chức nào tham gia) tranh nhau đặt mua với số lượng gấp 4 lần lượng cổ phần VietinBank bán đấu giá công khai.

Kết quả, toàn bộ 16,875 triệu cổ phần đã được bán thành công cho 2 nhà đầu tư cá nhân. Với mức giá đấu thành công bình quân 12.500 đồng/cổ phần, ước tính VietinBank thu về số tiền gần 211 tỷ đồng. Đây là một tín hiệu hết sức đáng mừng bởi trong thời gian qua, rất nhiều trường hợp ngân hàng rao bán cổ phiếu giá rẻ ví như mớ rau nhưng vẫn ế trơ khi không một nhà đầu tư nào tham gia giao dịch.

Hiện Vietcombank là ngân hàng nắm vốn tại các TCTD nhiều nhất, sở hữu cổ phần tại 4 ngân hàng và 1 công ty tài chính. Cụ thể, Vietcombank đang nắm hơn 7,16% vốn tại Ngân hàng Quân đội (MBB); 8,19% cổ phần Eximbank; 5,07 vốn tại Ngân hàng Phương Đông (OCB) và 4,3% vốn tại SCB, ngoài ra Vietcombank cũng đang sở hữu 10,91% vốn tại Công ty Tài chính cổ phần Xi măng. Lãnh đạo ngân hàng này cho biết, ngân hàng sẽ nghiên cứu và chỉ giữ lại cổ phần ở 2 ngân hàng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, những cặp sở hữu có thể nhìn thấy được như trên chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, đây được xem là câu chuyện nhạy cảm nên những người ngoài cuộc khó có thể biết tới, biết hết. Hơn nữa, theo lý thuyết, sở hữu chéo có nhiều hình thức, có sự “lắt léo” và chồng chéo khiến việc xử lý triệt để vấn đề này đã khó lại càng thêm khó.

Thực tế, vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo có ở hầu hết các hệ thống tài chính, hệ thống các TCTD trên thế giới với quy mô và độ phức tạp khác nhau. Ở Việt Nam, mặc dù quy mô sở hữu chéo trực tiếp tại Việt Nam chưa lớn, nhưng có nhiều hình thức khác nhau khá phức tạp. Sở hữu chéo cũng là một trong những vật cản trong tiến trình cơ cấu lại hệ thống TCTD. Vì vậy, việc siết chặt sở hữu chéo để làm sạch hệ thống ngân hàng là cần thiết.

Cần xóa bỏ động cơ thực hiện

Theo các chuyên gia NH, thông tư 36 của NHNN chưa được thực hiện, phần lớn là do ý thức của các cổ đông. Do họ có cổ phần lớn, nhờ đó lợi dụng được vị thế để phát triển kinh doanh, lợi dụng được cổ phần để gom quyền lực. Chính vì vậy, các cổ đông này không muốn tước bỏ quyền lực của mình.

“Với nhiều người, việc nắm quyền điều hành một ngân hàng là có một công cụ tài chính rất hữu hiệu để tài trợ những dự án, doanh nghiệp của họ. Mặc dù có giới hạn về tín dụng, nhưng họ vẫn có cách để vượt giới hạn đó. Do vậy, các cổ đông không muốn giảm tỷ lệ sở hữu, loại bỏ sở hữu, nếu đã không muốn thì họ sẽ có cách để lách luật” – ông Nguyễn Trí Hiếu giải thích.

Bên cạnh đó, theo ông Hiếu, nguyên nhân cũng có phần đến từ cơ quan nhà nước. Cơ quan nhà nước chưa có biện pháp xử lý mạnh tay, đến cùng sự việc với những ngân hàng và TCTD chậm trễ.

Theo PGS. TS Đặng Ngọc Đức – Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc Dân, thay vì tìm cách thực hiện “nhiệm vụ bất khả thi” là yêu cầu các ngân hàng xoá bỏ hoàn toàn tình trạng sở hữu chéo, NHNN nên tìm ra phương pháp làm mất đi những lợi ích của sở hữu chéo. Lúc ấy, ắt các ngân hàng sẽ tự từ bỏ.

Vị chuyên gia này đề xuất 3 kiến nghị để có thể làm mất đi lợi ích cốt lõi của việc sở hữu chéo.  Thứ nhất, hoàn thiện về mặt thể chế, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các ngân hàng thương mại. Bởi, do quy định mang tính hành chính hiện nay nên mới sinh ra tình trạng sở hữu chéo.

Thứ hai, minh bạch hoá đối với các hoạt động của nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng. Đặc biệt là hoạt động công bố thông tin tài chính để có thể kịp thời kiểm tra, kiểm soát.

Thứ ba,  xoá bỏ định mức, biện pháp quản lý mang tính hành chính. Bởi, việc xác định định mức thua lỗ, định mức phân phối thu chi tài chính…. mà lạc hậu, buộc người ta phải nói dối, đưa thông tin sai sự thật.

“Nếu thực hiện được những điều này thì ắt các ngân hàng sẽ từ bỏ sở hữu chéo chứ không phải thúc ép như hiện nay” – PGS. TS Đặng Ngọc Đức nói.

(DDDN)

 
Trở về

Bài cùng chuyên mục