tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Hiệp hội kinh doanh vàng "tố" NHNN "đẻ" nhiều giấy phép con

  • Cập nhật : 30/06/2016

Hiệp hội kinh doanh vàng “tố” Ngân hàng Nhà nước đang có 5 quy định về điều kiện kinh doanh vượt thẩm quyền so với Nghị định 24.

Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội kinh doanh vàng “tố” Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang có 5 quy định về điều kiện kinh doanh vượt thẩm quyền so với Nghị định 24 và "đẻ" nhiều giấy phép con làm khó doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Không công khai thời gian giải quyết hồ sơ

Thứ nhất, Thông tư 16/2012/TT-NHNN, Thông tư 38/2016/TT-NHNN đã diễn giải sai lệch nội dung Nghị định 24. Cụ thể yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký địa điểm Chi nhánh, địa điểm kinh doanh chờ NHNN xem xét, cũng như mỗi khi điều chỉnh phải xin phép, mà các tiêu chí xem xét hoàn toàn không được công khai, không đúng thời gian giải quyết hồ sơ theo thủ tục hành chính mà NHNN quy định.

Trong khi Nghị định 24 về Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng. quy định một trong những điều kiện để được cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng là có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất; có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

Điều này gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp khi không được quyền tự do mở rộng hoặc thu hẹp mạng lưới, thay đổi địa chỉ các địa điểm kinh doanh phù hợp với nhu cầu và điều kiện thị trường tùy thời điểm, gây tốn kém rất nhiều chi phí và thời gian cho các doanh nghiệp”, ông Nguyễn Thành Long, chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng, cho biết.

Thêm vào đó, mặc dù đã yêu cầu giấy xác nhận nộp thuế của cơ quan thuế, nhưng Thông tư 38 còn bổ sung thêm hạng mục: “Báo cáo tài chính đã được kiểm toán của 2 năm liền kề trước đó” trong hồ sơ mà Nghị định 24 không quy định.

Thứ hai, theo ông Long, Thông tư 38 đưa ra thêm yêu cầu đối với hồ sơ cấp Giấy phép sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trong khi Nghị định 24 chỉ quy định “Có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.”

Cụ thể, Thông tư 38 đã yêu cầu thêm “bản kế hoạch dự kiến thực hiện quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ” vốn thuộc thẩm quyền của Bộ Khoa học Công nghệ (căn cứ Thông tư 22/2013/TT-BKHCN) là không phù hợp. Đồng thời, các tiêu chí xét duyệt hồ sơ hoàn toàn không rõ ràng thế nào là đạt, dễ dẫn đến nguy cơ thiếu minh bạch, nhũng nhiễu đối với doanh nghiệp”, ông Long phân tích.

Thứ ba, Thông tư 38 bổ sung thêm điều kiện đối với hồ sơ cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu đối với doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là “Nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu phù hợp với kế hoạch sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Trong khi Nghị định 24 chỉ quy định:“NHNNN xem xét cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ cho doanh nghiệp được NHNN cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.”

Kiến nghị loại bỏ 6 loại giấy phép con

Thứ tư, Thông tư 16 và Thông tư 38 tăng thêm 3 yêu cầu  trái với Nghị định 24 về hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh vàng trang sức, mỹ nghệ.

Đó là phải báo cáo tình hình thực hiện quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường, báo cáo tình hình nhập khẩu vàng nguyên liệu và sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ của doanh nghiệp trong thời hạn 12 tháng liền kề trước thời điểm nộp hồ sơ kèm bản kê tờ khai Hải quan nhập khẩu vàng và phiếu trừ lùi có xác nhận của Hải quan. Và bản kế hoạch sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ của doanh nghiệp.

Thứ năm, Thông tư 38 còn quy định thêm 2 hạng mục trái với Nghị định 24 đối với hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất. 

Với những quy định vượt thẩm quyền đó, ông Long đại diện cho Hiệp hội kinh doanh Vàng gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ xin bãi bỏ 6 loại giấy phép con như: Điều kiện Vay vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ; Nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; Tạm nhập, tái xuất vàng nguyên liệu để gia công vàng trang sức, mỹ nghệ; Doanh nghiệp vay vàng của các tổ chức, cá nhân; Không cần xin phép kinh doanh vàng miếng đối với các Chi nhánh/ địa điểm kinh doanh trực thuộc Công ty, kể cả thay đổi địa điểm kinh doanh vàng miếng; Giấy chứng nhận chỉ định thử nghiệm vàng cho phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Dân Việt

Trở về

Bài cùng chuyên mục