tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Chương trình nông thôn mới: "Gánh nặng" gần 17.000 tỷ đồng nợ đọng xây dựng

  • Cập nhật : 27/06/2016

(Kinh te)

 Khó khăn lớn nhất trong xây dựng nông thôn mới của các địa phương là nguồn vốn cho xây dựng nông thôn mới rất eo hẹp thì tại nhiều địa phương còn diễn ra tình trạng phê duyệt các dự án vượt khả năng cân đối, dẫn đến nợ xây dựng cơ bản lên tới 16.736 tỷ đồng.

(anh minh hoa).

(Ảnh minh hoạ).

Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) là một tập hợp các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ về kinh tế, xã hội, khoa học, công nghệ, môi trường, cơ chế, chính sách, tổ chức để thực hiện một số mục tiêu đã được xác định trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội chung của đất nước trong một thời gian xác định. Một chương trình mục tiêu quốc gia gồm nhiều dự án khác nhau để thực hiện các mục tiêu của chương trình. Đây cũng là một trong những đối tượng kiểm toán quan trọng của kiểm toán nhà nước.

Báo cáo Kiểm toán Nhà nước vừa công bố cho thấy, chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn cả nước đã đạt được một số kết quả quan trọng. Đến hết năm 2014, tổng nguồn vốn đã huy động để thực hiện chương trình là 590.488 tỷ đồng; cả nước có 850 xã, 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Bên cạnh đó, thu nhập của người dân nông thôn đã tăng 1,8 lần so với năm 2010. Theo chương trình này cũng có 5.000 công trình với khoảng 70.000 km đường giao thông nông thôn; 3.000 công trình thuỷ lợi đưa vào phục vụ nông dân...

Tuy nhiên, kiểm toán cũng chỉ ra nhiều mặt tồn tại, hạn chế. Đầu tiên phải kể tới là việc ban hành văn bản về quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới không kịp thời, một số bộ, cơ quan trung ương không phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí quốc gia dẫn đến hướng dẫn không phù hợp với điều kiện đặc thù ở các vùng khó khăn nên mục tiêu thực hiện đạt thấp.

Tại một số địa phương chưa tích cực huy động nên việc huy động các nguồn lực đầu tư cho chương trình chưa đạt mục tiêu theo cơ cấu vốn đã quy định. Cụ thể, mục tiêu hỗ trợ của ngân sách Nhà nước chỉ đạt 10,22%/17% theo quy định; vốn huy động từ doanh nghiệp chỉ đạt 5,4%/20%, nguồn vốn tín dụng vượt 18,42%.

Mặc dù là chương trình tập trung nguồn lực lớn nhưng theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, vẫn chưa đạt mục tiêu 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến hết năm 2014 mới chỉ đạt 9,54% và đến tháng 11/2015 chỉ đạt 14,56%, tương ứng có gần 500 xã không đạt chuẩn so với mục tiêu ban đầu.

Hiện nay, khó khăn lớn nhất trong xây dựng nông thôn mới của các địa phương là nguồn vốn cho xây dựng nông thôn mới rất eo hẹp. Tuy nhiên, đáng lưu ý, nhiều địa phương đã có biểu hiện nôn nóng, chạy theo thành tích trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Theo báo cáo kiểm toán, hầu hết các xã được công nhận đạt tiêu chí số 1 về quy hoạch xây dựng nông thôn mới nhưng đều chưa đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định. Các xã không lập biên bản về việc lấy ý kiến người dân của từng thôn, bên tham gia góp ý vào văn bản. Giữa quy hoạch của tỉnh, vùng và cả nước chưa có sự kết nối, đồng bộ, việc xây dựng quy hoạch giữa các xã cũng thiếu tính liên kết giữa các địa phương.

Hầu hết các địa phương được kiểm toán, công tác lập, thẩm định và phê duyệt đề án còn chậm, chưa rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch cũng như chưa xây dựng quy chế quản lý quy hoạch… Một số địa phương còn nặng thành tích, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra nhưng không thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Qua kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 124,41 tỷ đồng. Trong đó, thu hồi nộp ngân sách 18,44 tỷ đồng, giảm thanh toán 26,24 tỷ đồng, chuyển quyết toán năm sau 47,25 tỷ đồng, giảm giá trị trúng thầu 2,43 tỷ đồng…

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh văn phòng Văn phòng Điều phối T.Ư về nông thôn mới cho biết, nợ đọng xây dựng cơ bản là một trong những tồn tại lớn nhất trong chương trình nông thôn mới giai đoạn 1 (2011 - 2015), có thể làm cho chương trình này không thực sự bền vững, cần có giải pháp xử lý.

Hiện con số nợ đọng còn vênh giữa các cơ quan chức năng. Theo tổng hợp của Văn phòng Điều phối T.Ư về nông thôn mới từ 57/63 địa phương số nợ đọng là gần 13.300 tỷ đồng. Trong khi đó, Kiểm toán Nhà nước cho biết, do còn diễn ra tình trạng phê duyệt các dự án vượt khả năng cân đối của địa phương, dẫn đến nợ xây dựng cơ bản 16.736 tỷ đồng, trong đó các xã đạt chuẩn nông thôn mới là 4.448 tỷ đồng.

(Theo Dân Trí)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục