Hàng chục nghìn đại lý “chết lâm sàng“ vì cuộc chiến giá ô tô; Kho bạc Nhà nước huy động trái phiếu Chính phủ đạt 75,6% kế hoạch; Hà Nội: Thu ngân sách đạt trên 114 nghìn tỷ trong 7 tháng đầu năm; Xuất siêu rau quả đạt 1,178 tỷ USD
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 31-07-2017
- Cập nhật : 31/07/2017
Trung Quốc thuê cảng tại Sri Lanka trong 99 năm
Ngày 29.7, Sri Lanka ký hợp đồng trị giá 1,12 tỉ USD (hơn 25.400 tỉ đồng) để cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong vòng 99 năm.
Hợp đồng được Cơ quan Quản lý cảng biển Sri Lanka và Công ty cảng biển thương mại Trung Quốc (CMPort) ký kết tại thủ đô Colombo trước sự chứng kiến của giới chức cấp cao hai nước, theo AP.
Cảng biển Hambantota là nơi có vị trí chiến lược tại Ấn Độ Dương và được cho là có vai trò quan trọng trong sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.
Hợp đồng này bị trì hoãn trong nhiều tháng qua do những lo ngại về việc Trung Quốc sử dụng cảng biển cho mục đích quân sự. Tuy nhiên, chính quyền Sri Lanka trấn an rằng Bắc Kinh chỉ khai thác hoạt động thương mại tại Hambantota và CMPort chỉ được góp 70% vốn (kế hoạch ban đầu là 80%). Trong khi đó, an ninh tại cảng này sẽ do Sri Lanka chịu trách nhiệm kiểm soát (Thanhnien)
----------------------------------
Dịch vụ đi chung xe của Grab, Uber sẽ bị cấm tại Hà Nội
Sau khi tham vấn ý kiến sở, ngành liên quan, UBND Hà Nội vừa có công văn cho ý kiến chính thức về dịch vụ đi chung xe hợp đồng (Uber, Grab). Theo đó, chính quyền Hà Nội cho rằng, do chưa có quy định quản lý với loại hình dịch vụ này, nên Hà Nội sẽ chưa áp dụng hình thức đi chung xe trên địa bàn thành phố.
Theo UBND Hà Nội, dịch vụ đi chung xe ghép các hành khách có trùng hành trình vào một chuyến xe (chia sẻ hành trình), do vậy tối ưu hoá hiệu quả vận hành xe và giảm số lượng xe lưu thông trên đường. Tuy nhiên, dịch vụ này chưa có các biện pháp đảm bảo an toàn cho hành khách đi xe, bảo vệ quyền lợi của hành khách.Ngoài ra, dịch vụ cũng không phù hợp với quy định tại Thông tư 63/2014 của Bộ Giao thông vận tải về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng ôtô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
"Dịch vụ đi chung xe hợp đồng cũng không có trong nội dung kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng mà Bộ Giao thông vận tải đang thí điểm", công văn của UBND TP Hà Nội nêu.
Cũng tại công văn này, UBND Hà Nội đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan của bộ nghiên cứu giải pháp quản lý hình thức vận tải mới, đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành và quyền lợi của hành khách đi xe.
Cách đây 2 tháng, hãng Grab và Uber đã ra mắt dịch vụ đi chung xe, cho phép hành khách hưởng chi phí rẻ hơn khoảng 30% so với dịch vụ đặt xe thông thường, đồng thời giúp tài xế tăng thêm thu nhập nhờ kết hợp 2 chuyến xe có cùng lộ trình di chuyển trên một chuyến. Sau một thời gian áp dụng thì dịch vụ này bị các hãng taxi truyền thống phản đối và gây tranh cãi về tính pháp lý.(Vnexpress)
-------------------------
Ngân sách nhà nước sắp có thêm gần 2.300 tỉ đồng
Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) vừa có thông báo về việc chốt danh sách cổ đông để thanh toán cổ tức năm 2016 bằng tiền.
Theo đó, ngày 25-8 tới ngân hàng này sẽ chi trả cổ tức năm 2016 bằng tiền với tỉ lệ 7%, tức 1 cổ phiếu được nhận 700 đồng. Ngày đăng ký cuối cùng là 10-8.
Với 3.418.715.334 cổ phiếu đang lưu hành, BIDV sẽ phải chi khoảng 2.393 tỉ đồng trong đợt chia cổ tức lần này. Tuy nhiên hiện nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - đại diện sở hữu vốn nhà nước tại BIDV - đang nắm 95,28% vốn tại ngân hàng, do vậy ngân sách nhà nước sẽ nhận số tiền tương ứng 2.280 tỉ đồng tiền mặt.
Tuy nhiên đây chưa phải là con số cuối cùng do Nhà nước còn đang sở hữu cổ phần chi phối tại Vietcombank, VietinBank với tỉ lệ tương ứng là 71,1% và 64,46%.
Với tỉ lệ chi trả cổ tức ở mức 8%, dự kiến ngân sách sẽ thu thêm được từ Vietcombank khoảng 2.219 tỉ đồng.
VietinBank với mức chi trả cổ tức là 7%, dự kiến tăng thu cho ngân sách khoảng 1.680 tỉ đồng. Như vậy, tổng số tiền thu được từ cổ tức của ba ngân hàng trên sẽ vào khoảng 6.179 tỉ đồng.(Tuoitre)
------------------------
Kinh tế Tây Ban Nha phục hồi về mức trước khủng hoảng
Xuất khẩu và chi tiêu của các hộ gia đình gia tăng thúc đẩy kinh tế Tây Ban Nha về lại mức trước khủng hoảng tài chính năm 2008.
Theo Russia Today, Viện Thống kê Quốc gia Tây Ban Nha (INE) cho hay kinh tế Tây Ban Nha tăng trưởng 0,9% trong quý 2 năm nay, tăng từ mức 0,8% đầu năm. GDP Tây Ban Nha tăng 3,1% so với cách đây một năm.
Quốc gia châu Âu rơi vào cuộc suy thoái kép kéo dài sau khi thị trường bất động sản sụp đổ năm 2008. Hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha từng được giải cứu khỏi cuộc khủng hoảng nợ châu Âu năm 2012. Kể từ đó, chính phủ nước này giảm lương bổng, tăng xuất khẩu và cố gắng đưa ngân sách về ngưỡng theo quy định tài chính của Liên minh châu Âu (EU).
Xuất khẩu tăng mạnh trong những tháng gần đây trong khi tăng trưởng việc làm mạnh mẽ kích thích chi tiêu hộ gia đình phục hồi. Chuyên gia Raj Badiani thuộc IHS Markit nói: “Chúng tôi cho rằng tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng phục hồi phần nào trong quý 2/2017, tiếp tục đi cùng đà tạo việc làm mới mạnh mẽ và môi trường tài chính thoải mái”.
Tỷ lệ thất nghiệp của Tây Ban Nha là 17,2%, cao thứ nhì trong khu vực sử dụng sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone), song vừa hạ xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7.2009. Theo dự báo của chính phủ, kinh tế sẽ tiếp tục phát triển và tăng trưởng ít nhất 3% năm nay.(thanhnien)