Người Việt 'rót tiền' mua trái cây ngoại; Doanh nghiệp du lịch: Háo hức chờ đếm... lợi nhuận; Cơ hội lớn của ngành sản xuất bông Việt Nam; Báo cáo việc làm nhấn chìm giá vàng
Tin kinh tế đọc nhanh 02-05-2017
- Cập nhật : 02/05/2017
Ngân sách nhà nước bội chi 20,1 nghìn tỷ đồng sau 4 tháng đầu năm
Tính đến 15/4/2014, tổng chi ngân sách nhà nước lên đến 246,7 nghìn tỷ đồng, trong khi tổng thu ngân sách chỉ khoảng 316,7 nghìn tỷ đồng.
Tổng số nguồn chi lớn trong khi thu bốn tháng tính đến 15/4 chỉ đạt 316,7 nghìn tỷ đồng khiến ngân sách nhà nước bội chi 20,1 nghìn tỷ đồng
Theo số liệu Tổng cục thống kê vừa công bố, tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/4/2017 ước tính đạt 336,8 nghìn tỷ đồng, bằng 24,2% dự toán năm. Trong đó, chi thường xuyên đạt 246,7 nghìn tỷ đồng, bằng 27,5% dự toán năm; chi trả nợ lãi 31,6 nghìn tỷ đồng, bằng 32%, chi trả nợ gốc ước tính đạt 54 nghìn tỷ đồng, bằng 33% dự toán năm. Đáng chú ý, riêng chi đầu tư phát triển mới đạt 57,8 nghìn tỷ đồng, bằng 16,2% dự toán năm.
Ở chiều ngược lại, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/4/2017 ước tính đạt 316,7 nghìn tỷ đồng, bằng 26,1% dự toán năm. Trong đó, thu nội địa lớn nhất đạt 253,8 nghìn tỷ đồng, bằng 25,6% dự toán năm; thu từ dầu thô đạt 13 nghìn tỷ đồng, bằng 33,9%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 49,9 nghìn tỷ đồng, bằng 27,7% dự toán năm.
Trong thu nội địa, thu tiền sử dụng đất đạt 29,5 nghìn tỷ đồng, bằng 46,3% dự toán năm; thu thuế thu nhập cá nhân 26,2 nghìn tỷ đồng, bằng 32,5%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 52,1 nghìn tỷ đồng, bằng 26,8%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 47,3 nghìn tỷ đồng, bằng 23,5%; thu thuế bảo vệ môi trường 9,5 nghìn tỷ đồng, bằng 21%; thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước 49,4 nghìn tỷ đồng, bằng 17,3%.
Như vậy, tính đến 15/4/2017, ngân sách nhà nước bội chi ước đạt 20,1 nghìn tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (bội chi ngân sách 4 tháng đầu năm 2016 ước đạt 63,8 nghìn tỷ đồng).(Viettimes)
------------------------------------
Nhật Bản, Hàn Quốc đang 'khát' hoa Đà Lạt
Mỗi tuần có khoảng 100.000 cành cúc chất lượng cao được xuất đi Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu.
Từ đầu năm 2017 đến nay, nhiều hộ dân trồng hoa ở phường 11 (TP Đà Lạt) đã bắt đầu có những lô hàng đầu tiên xuất hoa chất lượng cao sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. Những thị trường mới này đang hứa hẹn nhiều tiềm năng, mở ra một hướng tiêu thụ mới cho nhãn hiệu “Hoa Đà Lạt”.
Anh Đỗ Ngọc Lâm (tổ Huỳnh Tấn Phát) đã có hơn chục năm kinh nghiệm trồng các loại hoa. Đến cuối năm 2016, khi nhận thấy hiệu quả từ hoa trồng trong nhà kính cao hơn rõ rệt, anh tìm hiểu kỹ nhu cầu của thị trường và mới quyết định chuyển hướng sang trồng hoa cúc trắng. Không bán xuống Sài Gòn như cách tiêu thụ truyền thống, anh Lâm quyết định chọn thị trường Hàn Quốc mặc dù yêu cầu về chất lượng hoa cao hơn, trong khi sự chênh lệch giá không quá nhiều (khoảng 10 triệu đồng một vụ).
Lý giải cho điều này, anh Lâm cho rằng, đầu ra tại thị trường Hàn Quốc khá ổn định, nông dân không phải lo chuyện hoa phải bán tống bán tháo mỗi khi hoa rớt giá. Chính vì vậy, anh chấp nhận đầu tư nhiều hơn về kỹ thuật trồng.Hiện anh đã xuất 300.000 cành hoa cúc trắng mang nhãn hiệu “Hoa Đà Lạt” sang thị trường Hàn Quốc, chiếm 70% trên tổng sản lượng thu hoạch được trên diện tích 1 ha nhà kính của gia đình anh. Đây là những cây đạt tiêu chuẩn đã được chọn lọc kỹ. Anh Lâm cho biết, hoa “xuất ngoại” phải đáp ứng được những yêu cầu, tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ thị trường này.
Hoa cúc chất lượng cao tại Đà Lạt chuẩn bị "xuất ngoại" sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản. Ảnh: Báo Lâm Đồng
Đầu tháng 1/2017, anh Nguyễn Văn Trung (tổ Đa Phước 2) cũng đã xuất những lô cẩm chướng đầu tiên với số lượng 200.000 cành sang Nhật Bản, giải quyết sự thất thường vẫn thường xuyên gặp phải đối với thị trường Sài Gòn. Sau 6 năm gắn bó với cây hoa cúc truyền thống, năm 2009, anh Trung quyết định đầu tư đồng bộ hệ thống nhà kính công nghệ cao trên diện tích 1 ha với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng để nâng cấp, chuyển đổi từ hoa cúc sang thâm canh hoa cẩm chướng.
Với mong muốn khẳng định chất lượng của nhãn hiệu “Hoa Đà Lạt” trên từng sản phẩm, anh Trung đặc biệt chú trọng đến việc chọn nguồn giống hoa cũng như kỹ thuật trồng. Tại vườn hoa cẩm chướng, anh lắp đặt hệ thống tưới nước tự động phun sương trên giàn cao và tưới nhỏ giọt chôn ngầm dưới đất, nhằm đảm bảo cây hoa được cung cấp đủ lượng nước thích hợp, hoa sinh trưởng tốt, thẳng đều, búp hoa không bị sâu bệnh… Với chất lượng hoa cẩm chướng luôn được giữ vững, các đối tác Nhật Bản đã tự tìm đến anh Trung để liên kết, bao tiêu dài hạn. Và những lô cẩm chướng đầu tiên đã được thị trường ngoại đánh giá cao, là cơ sở để anh tiếp tục xuất lứa hoa thứ 2.
Vốn là vùng có truyền thống trồng hoa lâu đời, phường 11 từ lâu đã trở thành “tầm ngắm” của nhiều công ty, doanh nghiệp nước ngoài. Các công ty Hàn Quốc, Nhật Bản đang dần nhận thấy chất lượng đảm bảo của nhãn hiệu “Hoa Đà Lạt” nên có xu hướng chủ động tìm đến, liên kết với nông dân ngày càng nhiều. Theo đó, các công ty sẽ lựa chọn những hộ nông dân có nhiều kinh nghiệm trồng hoa để liên hệ. Sau khi các hợp đồng 5 năm được ký kết, nông dân nhận được sự hỗ trợ về giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa từ chính các công ty. Đến giữa năm 2016, những cành hoa đầu tiên được “xuất ngoại” đã tạo dựng được lòng tin cho các thị trường này về chất lượng sản phẩm.
Chủ tịch Hội Nông dân phường 11 (TP Đà Lạt) Hoàng Bá Bình cho biết, các thị trường nổi tiếng khó tính này sẽ đưa ra các tiêu chuẩn nhất định về độ cao của cây, hoa, lá… Trong khi tâm lý chung của đa số nông dân vẫn ngại việc không đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt đó nên còn e dè trong việc liên kết.
Anh Bùi Văn Sỹ, một trong những nông dân đầu tiên liên kết với các hộ nông dân khác tại địa phương xuất hoa sang Hàn Quốc, đánh giá khá cao tiềm năng của thị trường mới này. Với 5 ha trồng hoa cúc trắng trong nhà kính, anh còn liên kết với các hộ khác với tổng diện tích gần 10 ha để đảm bảo số lượng 500.000 cành mỗi tháng.
Với hợp đồng kéo dài từ tháng 12/2016 đến tháng 4/2017, anh Sỹ cho biết: Mặc dù giá cả chênh lệch không nhiều (với giá 2.000 đồng/cành chưa qua xử lý) nhưng sự ổn định được đảm bảo hơn thị trường Việt Nam. Người trồng chỉ việc đảm bảo chất lượng, đúng yêu cầu thì không phải lo đầu ra. “Thị trường nước ngoài khá rộng mở và nhu cầu còn rất lớn nên hiện tại, chúng tôi vẫn đang vừa sản xuất, vừa đảm bảo chất lượng nhằm cố gắng tạo dựng uy tín nhằm tìm kiếm đầu ra lâu dài và rộng mở cho sản phẩm của mình”, anh Sỹ chia sẻ.
Các hộ trồng hoa cũng nhận thấy được những thách thức khi liên kết bao tiêu sản phẩm với nước ngoài. Hiểu được việc trồng hoa sẽ có những rủi ro nhất định, các doanh nghiệp cũng có sự thoải mái, nới lỏng trong một vài trường hợp, điều này giúp tạo điều kiện cho nông dân có hướng khắc phục, giải quyết phù hợp.
Hiện các hộ nông dân tại phường 11 chỉ mới xuất khẩu 2 loại là hoa cúc trắng và hoa cẩm chướng. Trong thời gian tới, các loại hoa khác vốn là thế mạnh của địa phương như cát tường, hoa ly… cũng sẽ được tiến hành sản xuất theo tiêu chuẩn để “xuất ngoại”. "Địa phương cũng đang có kế hoạch thành lập tổ hợp tác xuất hoa ra nước ngoài, cũng như khuyến khích bà con nông dân mở rộng diện tích trồng, mở rộng liên kết để tạo hướng tiêu thụ bền vững cho sản phẩm", ông Bình cho biết thêm.(baolamdong)
----------------------------
Sẽ cho phá sản hoặc thoái hơn 63 tỷ đồng vốn Nhà nước tại 12 dự án
12 dự án thua lỗ nghìn tỷ đắp chiếu của ngành Công Thương tới đây có dự án sẽ thoái vốn, một số được tái khởi động, còn số khác sẽ bị phá sản, theo phương án chi tiết xử lý được Bộ Công Thương báo cáo, trình Chính phủ.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án thua lỗ gần 43.700 tỷ đồng, nhưng sau đó đã "đội" lên hơn 63.600 tỷ (tăng hơn 45% so với dự kiến ban đầu) và phần lớn trong số đó là vốn vay, gần 47.500 tỷ (xấp xỉ 74,6%).
Tổng số lỗ luỹ kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm cuối 2016 là hơn 16.120 tỷ đồng; tổng nợ phải trả hơn 55.000 tỷ, chiếm 95% tổng tài sản các dự án.
Trong số 12 dự án trên thì hiện có 6 nhà máy đang được vận hành sản xuất, song thua lỗ, gồm 4 nhà máy sản xuất phân bón, Công ty Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất, Nhà máy thép Việt Trung. Ba dự án đang dừng sản xuất do thua lỗ lớn, là Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình PHước và Nhà máy sản xuất sơ sợi Đình Vũ - PVTex.
Đạm Ninh Bình là một trong số các dự án đã được khởi động lại sản xuất từ đầu năm 2017, tuy nhiên dự án vẫn chưa thể quyết toán, do vướng mắc xử lý hợp đồng EPC với tổng thầu Trung Quốc.
Còn lại 3 dự án đang dừng thi công do thiếu vốn, gồm: Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam.
Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất được lựa chọn cho phá sản. Dự án đầu tư sản xuất bột giấy Phương Nam sẽ được bán đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho.
Theo phương án xử lý mà Bộ Công Thương đưa ra, lựa chọn phá sản được dành cho Công ty TNHH MTV công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất, chủ đầu tư dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất.
Với nhóm nhà máy nhiên liệu sinh học, phương án mà cơ quan quản lý đưa ra là thoái vốn, chuyển nhượng. Cụ thể, tại dự án Nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, Bộ Công Thương quyết định để Công ty nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi chuyển nhượng, thoái vốn. Tuy nhiên, trước khi thực hiện phương án, cần phải tính toán khởi động lại nhà máy, xử lý dứt điểm các vướng mắc với nhà thầu EPC để hoàn thành việc quyết toán đầu tư xây dựng. Tương tự, PVOil sẽ phải thoái vốn, chuyển nhượng khỏi dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ.
Phương án thoái vốn cũng được lựa chọn cho Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên.
Dù đã "đắp chiếu" từ năm 2015, song nhà chức trách vẫn kỳ vọng có thể khởi động lại nhà máy này, tái cơ cấu, cổ phần hoá và sau đó thoái vốn theo phương thức hợp tác với đối tác ngoại để sản xuất kinh doanh xơ PSF trong 2 năm. Một lựa chọn khác được đưa ra cho PVTex là sẽ chuyển nhượng công ty cho đối tác thích hợp.
Tái khởi động lại sản xuất để "lấy đà" cổ phần hoá, sau đó sẽ thoái vốn Nhà nước... là phương án được đưa ra với 4 dự án đầu tư sản xuất phân bón của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem); dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và nhà máy Gang thép Lào Cai. Tuy nhiên, nhà chức trách cũng lưu ý, các dự án này, đặc biệt là Đạm Ninh Bình phải xử lý dứt điểm tranh chấp với tổng thầu hợp đồng EPC.
Thực tế, từ đầu năm 2017 các dự án nhà máy sản xuất phân đạm của Vinachem đã khởi động sản xuất trở lại sau hàng năm trời tạm dừng sản xuất. Chủ đầu tư số dự án này cũng tự tin bằng các giải pháp và thị trường phân đạm sáng sủa hơn, các dự án có thể cắt lỗ trong năm nay hoặc năm sau.
Ngoài các dự án đạm, Nhà máy thép Việt - Trung (VTM) đã ghi nhận có lãi trở lại trong tháng 3/2017 khoảng 28 tỷ đồng. Số lỗ luỹ kế quý I/2017 mà VTM đang "gánh" khoảng 40 tỷ, giảm 85% so với cùng kỳ 2016.
Còn tại dự án mở rộng giai đoạn 2 - Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, hiện Tổng công ty Đầu tư & Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã hoàn thành việc rút 1.000 tỷ đồng vốn góp vào dự án, bảo toàn một phần vốn Nhà nước đã "đổ" vào đây.
Hồi đầu tháng 4, tại cuộc họp rà soát các nhiệm vụ xử lý 12 dự án yếu kém, vướng mắc trong thanh lý hợp đồng EPC với các nhà thầu (chủ yếu là nhà thầu Trung Quốc) đang được coi là điểm "nghẽn" lớn nhất của số dự án trên. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đốc thúc các tập đoàn, tổng công ty khẩn trương rà soát, xử lý xong vướng mắc tài chính với các nhà thầu.
"Mục tiêu là hoạt động trở lại số dự án này, nhưng nếu không hoạt động được thì có phương án xử lý, có thể có dự án sẽ phá sản, có dự án sẽ bán..., song trước nhất phải quyết toán xong hợp đồng EPC số dự án này”, Bộ trưởng Dũng dứt khoát.(VNexpress)
---------------------------------
Hơn 80% nông sản Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu
Đó là số liệu thống kê do Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) vừa đưa ra.
Theo đó, Việt Nam là quốc gia nông nghiệp sản xuất nhiều mặt hàng có sản lượng đứng trong nhóm dẫn đầu thế giới. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam đạt 32,1 tỉ USD; trong đó có 8 sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn như: thủy sản (6,99 tỉ USD), gỗ và sản phẩm gỗ (6,91 tỉ USD), cà phê (3,36 tỉ USD), điều (2,84 tỉ USD), rau quả (2,42 tỉ USD), gạo (2,19 tỉ USD), cao su (1,67 tỉ USD), hồ tiêu (1,42 tỉ USD). Tuy nhiên, đến nay 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, kim ngạch còn thấp do giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác.
Đặc biệt, nhiều sản phẩm dù được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý và biết đến rộng rãi ở thị trường trong và ngoài nước, nhưng vẫn còn đến hơn 80% lượng nông sản Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có nhãn mác.
Đáng báo động, các sản phẩm nêu trên được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài. Đây là một bất lợi lớn, khiến sức cạnh tranh của các loại nông sản Việt trên thị trường còn yếu và phải chịu nhiều thiệt thòi (TN)
----------------------------------