Đó là băn khoăn của Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Uông Chu Lưu khi cho ý kiến vào dự Luật Dược (sửa đổi) tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH chiều 18.9.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 08-04-2016
- Cập nhật : 08/04/2016
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ
Trung Quốc từng đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực thuộc chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông. Ảnh: China News
Theo thông tin từ các cơ quan chức năng Việt Nam, từ tối ngày 3/4, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đã di chuyển đến vị trí có tọa độ 17º3’12 Bắc – 110º04’18 Đông để tác nghiệp. Đây là khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ mà Việt Nam và Trung Quốc đang tiến hành đàm phán phân định, ông Lê Hải Bình, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho biết chiều nay.
Theo ông Bình, Việt Nam bảo lưu tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của mình đối với khu vực nói trên bằng tất cả các biện pháp hòa bình được luật pháp quốc tế cho phép để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp đó.
"Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ kế hoạch khoan giếng và rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi khu vực này, không có thêm các hành động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình và có những đóng góp thiết thực cho hòa bình, ổn định ở Biển Đông", ông Bình nói.
Chiều 5/4, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối.
Hải Dương 981 chính là giàn khoan Trung Quốc từng hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam hồi tháng 5/2014. Sau hơn hai tháng Việt Nam kiên trì phản đối qua nhiều kênh ngoại giao và trên thực địa, Bắc Kinh đã rút giàn khoan ra khỏi vị trí này.
Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) hôm 28/3 thông báo giàn khoan Hải Dương 943 khoan thăm dò tại giếng LD 11-1-1, tọa độ 17 độ 47 phút 28,8 giây độ vĩ bắc, 108 độ 46 phút 00 giây độ kinh đông từ 25/3 đến 31/7.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết đây là khu vực hai bên đang phân định ở ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Việt Nam đã đề nghị các bên liên quan tránh các hành động đơn phương, làm phức tạp tình hình, không có lợi cho việc đàm phán phân định tại vùng biển này.
Bảy đại gia thủy sản chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ của ngân hàng VDB
Trong cáo trạng vừa hoàn tất của VKSND Tối cao, giám đốc 7 công ty, xí nghiệp thủy sản ở Cà Mau gồm: Đặng Thị Ngợi (Xí nghiệp kinh doanh chế biến thủy sản và xuất khẩu Ngọc Sinh - DNTN Ngọc Sinh); Nguyễn Tấn Hải (Tổng giám đốc Công ty TNHH chế biến và xuất nhập khẩu Việt Hải - Công ty Việt Hải); Huỳnh Minh Trung (Công ty TNHH Nhật Đức - Công ty Nhật Đức) và 4 giám đốc công ty kinh doanh thủy sản khác bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Liên quan đến vụ án, 10 bị cáo khác là các cựu nhân viên của các công ty này cũng bị truy tố về cùng tội danh, với vai trò đồng phạm giúp sức.
Theo cáo trạng, từ năm 2009 đến 2011, lợi dụng chủ trương hỗ trợ xuất khẩu của Nhà nước, sự lỏng lẻo trong việc xét duyệt cho vay của cán bộ lãnh đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Minh Hải, 7 người đứng đầu các doanh nghiệp đã chỉ đạo thuộc cấp lập hồ sơ tài chính khống vay vốn tại VDB Minh Hải. Các đại gia thủy sản này đã sử dụng vốn vay trái mục đích dẫn đến mất khả năng thanh toán. Trong đó, Đặng Thị Ngợi bị cáo buộc chiếm đoạt của VDB Minh Hải số tiền lớn nhất, lên đến hơn 266,7 tỷ đồng.
DNTN Ngọc Sinh thành lập năm 2000 và từng là đối tác lâu dài của VDB Minh Hải. Sau thời gian hoạt động kinh doanh thua lỗ, để có vốn tiếp tục duy trì việc làm ăn, giám đốc Ngợi đã chỉ đạo kế toán trưởng Dương Minh Chánh lập các báo cáo tài chính khống cho thấy doanh nghiệp kinh doanh có lãi để hợp thức hóa hồ sơ vay vốn.
Theo chỉ đạo của nữ giám đốc, Chánh lập 3 báo cáo thể hiện kết quả kinh doanh có lãi dù đã lỗ hơn chục tỷ đồng.
Ngoài ra, 2009-2010, Ngợi còn ủy quyền cho chồng là Nguyễn Trung Thành ký khống 31 hợp đồng xuất khẩu với đối tác nước ngoài có tổng giá trị hơn 21 triệu USD (dù giá trị các hợp đồng chỉ hơn 6,5 triệu USD). Bà này cũng chỉ đạo kế toán Chánh và nhân viên nâng khống giá trị hàng hóa mua vào lên hơn 220,6 tỷ đồng để gửi cho ngân hàng làm hồ sơ xin vay vốn.
Không chỉ lập khống báo cáo tài chính và hợp đồng xuất khẩu, giám đốc Ngợi còn được xác định đã kê khống giá trị tài sản như máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, quyền sử dụng đất… từ 24,5 lên 115 tỷ đồng để vay tiền. Tổng cộng, công ty của bà Ngợi đã được VDB Minh Hải giải ngân hơn 303 tỷ.
Cũng với thủ đoạn tương tự, Huỳnh Minh Trung - giám đốc công ty Nhật Đức đã chiếm đoạt của VDB Minh Hải số tiền trên 143,2 tỷ đồng.
Cơ quan công tố xác định, do kinh doanh thua lỗ, Trung chỉ đạo vợ là Trần Thị Thanh Thúy (phó giám đốc) và Nguyễn Hoàng Nam - kế toán trưởng, lập nhiều hồ sơ, báo cáo tài chính khống để vay vốn tại VDB Minh Hải. Trung và vợ ký khống 41 hợp đồng xuất khẩu với đối tác nước ngoài có tổng giá trị hơn 13.000 USD và nhiều bảng thu mua nguyên liệu khống. Vợ chồng Trung đã ký 21 hợp đồng tín dụng với VDB Minh Hải và được giải ngân hơn 212 tỷ đồng.
Kết quả điều tra cũng xác định, Nguyễn Tấn Hải chiếm đoạt trên 75,6 tỷ đồng; Phan Xuân chiếm đoạt hơn 85,2 tỷ đồng; Nguyễn Hữu Thành chiếm đoạt trên 107,6 tỷ đồng của VDM Minh Hải…
VKSND Tối cao cho rằng những công ty thủy sản này đã dùng các thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tổng cộng hơn 1.069 tỷ đồng của Ngân hàng phát triển Việt Nam chi nhánh Minh Hải. Để xảy ra việc này, 8 người nguyên là lãnh đạo, nhân viên VDB Minh Hải bị truy tố tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Trong đó, ông Trịnh Tuấn Mẫn – nguyên giám đốc VDB Minh Hải bị cáo cuộc ký 70 hồ sơ thẩm định cho vay trên 376 tỷ đồng, ký 90 hợp đồng tín dụng xuất khẩu cho vay gần 672 tỷ đồng và ký 61 hồ sơ giải ngân 240 tỷ đồng.
Các bị can còn lại là: Vũ Văn Hoan – nguyên phó giám đốc phụ trách công tác tín dụng xuất khẩu; Huỳnh Quang Xuân – nguyên trưởng phòng tín dụng xuất khẩu; Phan Văn Toàn – nguyên phó phòng tín dụng xuất khẩu; Phan Thanh Hải; Trần Kỳ Oanh đều là nguyên cán bộ tín dụng; Phan Thanh Bình – nguyên phó giám đốc và Hà Tùng – nguyên trưởng phòng tín dụng xuất khẩu cùng bị buộc tội tham mưu, ký vào các hồ sơ vay vốn gây thiệt hại cho VDB Minh Hải.
Người gốc Việt đầu tiên trong tài liệu Panama bị công khai
Trong 350 công dân Canada bị nêu tên trong tài liệu Panama có một người gốc Việt tên Eric Van Nguyen, 32 tuổi, cư dân TP Montrealer, theo báo Toronto Star (Canada). Eric Van Nguyen đăng ký một công ty ở Samoa và một công ty không có tên ở quần đảo Virgin thuộc Anh.
Eric Van Nguyen là một nhà đầu tư chứng khoán, chuyên đầu tư vào các loại cổ phiếu rẻ tiền. Năm 2014, bang New York (Mỹ) truy tố hình sự Eric Van Nguyen vì các cáo buộc lừa đảo và ăn cắp tài sản quy mô lớn liên quan đến việc mua bán các loại cổ phiếu rẻ tiền.
Eric Van Nguyen cùng tám người khác đã quảng bá, bơm phồng giá trị của các cổ phiếu rẻ tiền để lừa gạt hàng ngàn nhà đầu tư số tiền khổng lồ 290 triệu USD.
Toronto Star không liên lạc được với Eric Van Nguyen qua các số điện thoại và địa chỉ email có trong tài liệu Panama.
Ngoài Eric Van Nguyen, một số cái tên khác mà Toronto Star đề cập tới là Chuck Furey, cựu quan chức tỉnh Newfoundland, Eric Levine - điều hành câu lạc bộ thể thao; Brian Shamess - bác sĩ thể thao, John Wright - nhà môi giới cổ phần.
Cũng theo tài liệu Panama, Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC) - ngân hàng lớn nhất Canada và các chi nhánh của mình có tới 378 công ty ma do công ty Mossack Fonseca thành lập. RBC khẳng định mình không làm gì sai trái, cho biết mình hoạt động đúng luật lệ từng nước mình có chi nhánh.
Toronto Star là thành viên của Liên minh Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ). Giải thích lý do tại sao mình công khai thông tin, Toronto Star cho rằng “Toronto Star và các đối tác bao gồm Le Monde (Pháp), Guardian (Anh) và ICIJ công bố tài liệu Panama không chỉ vì chúng tôi tin đó là những hoạt động pháp luật, mà còn vì nghĩ rằng người dân Canada cần phải biết giới giàu có che giấu tiền bạc của họ như thế nào".
“Người giàu có những quy tắc khác chúng ta. Chúng ta nên biết về điều không công bằng này”. Một ngày ngay sau khi tài liệu Panama bị rò rỉ, chính phủ Canada đã tìm cách thu thập một bản sao tài liệu và cho biết sẽ xác minh những cái tên công dân Canada đề cập trong tài liệu và sẽ truy tố nếu phát hiện có vi phạm, theo Reuters.
Tìm thấy thi thể ngư dân gốc Việt ngoài khơi California
Ông Moody Brickett đứng cạnh tàu đánh cá của mình hôm 4/4, sau khi phát hiện xác một ngư dân được cho ông Tra Nguyen. Ảnh: Ventura County Star
Hôm 4/4, ông Moody Brickett và một thuyền trưởng đang đánh bắt cách cảng Ventura, hạt Ventura, bang California, 17 hải lý thì phát hiện xác một con tàu chìm và một chiếc lưới.
Kéo lưới lên, ông thấy trong đó là một thi thể người đang phân hủy, mặc quần đen. Theo Ventura County Star, ông Brickett nhận ra đó là ông Tra do có quen biết với cộng đồng ngư dân gốc Việt.
Thuyền trưởng đi cùng ông Brickett, cũng là người Việt Nam, biết ông Tra đã 20 năm. Ông ngay lập tức nhận ra người quen. Nhiều người bạn của ông Tra, trong đó có Dinh Nguyen, người đi cùng ông hôm tàu gặp nạn, cũng nhận diện được ngư dân này.
Thi thể sau đó được họ đưa về cảng Ventura, còn con tàu được lực lượng tuần tra cảng lai dắt. Một quan chức pháp y sáng 5/4 cho biết vẫn chưa xác định danh tính của thi thể trên.
Trong khi đó, quản lý cảng Ventura John Higgins nhấn mạnh cộng đồng ngư dân Việt Nam rất gắn bó và tin rằng thông tin mà ông Brickett đưa ra là đúng. Ông cũng cho hay không ghi nhận tàu cá nào khác gặp nạn trong khu vực trên.
Trước đó, hôm 26/2, ông Tra và ông Dinh đang đánh bắt ở vùng biển giữa cảng Ventura và Santa Barbara thì tàu cá của ông bị nghiêng do thùng nhiên liệu bên phải đã hết. Tàu nghiêng hẳn sau khi bị sóng đánh. Ông Tra vớ được một chiếc phao cứu sinh và nhảy khỏi tàu. Chiếc phao mắc vào tàu và khi nó chìm, ông cũng chìm theo.
Ông Dinh may mắn thoát nạn và được một tàu cá khác giải cứu. Lực lượng tuần duyên đã kết thúc cuộc tìm kiếm nạn nhân sau 16 giờ không có kết quả.
Ông Tra sống ở hạt Monterey, trong khi vợ và 5 đứa con của ông ở Việt Nam. Một trong các con đang nằm viện, ông Brickett cho biết. Con chó cưng của ông ở trên tàu cá cũng đã thiệt mạng sau tai nạn.
Brickett hy vọng tro của nạn nhân sẽ được giao cho các ngư dân người Việt để họ gửi về Việt Nam cho gia đình ông Tra.
"Tôi nghĩ đó là một kết thúc có hậu cho ông ấy. Ông ấy không còn phải ở ngoài đó một mình nữa", ông nói.
John Kerry sắp có phát biểu quan trọng về chiến tranh Việt Nam
Ông Kerry, người từng phục vụ hải quân Mỹ trong chiến tranh, ngày 27/4 sẽ phát biểu tại Thư viện Tổng thống Lyndon B. Johnson (LBJ) ở thành phố Austin, bang Texas.
Theo Express News, Ngoại trưởng Kerry phát biểu trong khuôn khổ sự kiện kéo dài ba ngày, trước khi tháp tùng Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Việt Nam vào tháng tới. Ông Kerry dự kiến tập trung vào những thay đổi ở Việt Nam và quan hệ với Mỹ.
Hội nghị do Đại học Texas tại Austin và thư viện tổ chức. Giới chức hứa hẹn sẽ có cái nhìn không do dự về cuộc chiến. "Khi Thư viện Tổng thống LBJ được khánh thành, Tổng thống Johnson nói: 'Tất cả đều ở đây, câu chuyện về thời đại của chúng ta, không tô vẽ. Không có sai lầm, sự khó chịu hay lời chỉ trích nào không được ghi lại trong những tài liệu ở đây'", Mark K. Updegrove, giám đốc thư viện, nói.
"Thể theo tầm nhìn của Tổng thống Johnson với thư viện của ông, chúng ta sẽ có cái nhìn thẳng thắn vào khía cạnh tranh cãi nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. Mục tiêu của chúng ta là soi tỏ ánh sáng rõ ràng về cuộc chiến tranh Việt Nam, bài học và hậu quả".
Trang web của thư viện nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến tranh trong giai đoạn cuộc đời Johnson: "Chiến tranh ở Việt Nam bắt đầu từ lâu, trước khi Lyndon Johnson làm tổng thống và kết thúc năm 1975, nhiều năm sau khi ông hết nhiệm kỳ. Nhưng với nhiều người Mỹ, đây là sự kiện gắn chặt nhất với những năm tháng của Johnson trong Nhà Trắng".
Ngoài ông Kerry, ông Henry Kissinger, ngoại trưởng Mỹ từ 1973 - 1977, ông Phạm Quang Vinh, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, và nhà làm phim Ken Burns sẽ tham dự hội nghị. Bộ phim tài liệu dài 10 phần về chiến tranh Việt Nam của ông Burns sẽ ra mắt năm 2017