Sáng 8/4, Quốc hội tiến hành bỏ phiếu kín bầu các chức danh Phó chủ tịch nước, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 08-04-2016
- Cập nhật : 08/04/2016
Tự ý đẩy giá thuốc "lên trời", công ty Trí Khang bị phạt
Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế vừa liên tiếp ra 4 văn bản xử phạt doanh nghiệp tự ý nâng giá bán thuốc và thông báo giá thuốc không đúng cho khách hàng.
Theo đó, Công ty TNHH Thương mại Trí Khang do bà Chu Thanh Nga làm giám đốc có địa chỉ tại Vạn Phúc- Hà Đông- Hà Nội bị xử phạt hơn 20 triệu đồng do tự ý nâng giá thuốc lên cao.
Cụ thể, Công ty Trí Khang bán thuốc Markaz 500 SĐK VN-13778-11 với giá 6.000 đồng/viên; 6.333,3 đồng/viên; 6.166,7 đồng/viên; 7.166,6 đồng/viên (có VAT).
Mức giá này cao hơn mức công bố với Cục Quản lý Dược là 5.890 đồng/viên.
Cùng với Công ty TNHH Thương mại Trí Khang; Công ty Cổ phần Dược Thủy Trúc có địa chỉ tại Nguyễn Huy Tưởng- Thanh Xuân- Hà Nội cũng bị phạt hơn 26 triệu đồng do hành vi bán thuốc Vinecef với giá 17.124,9 đồng/viên; cao hơn giá kê khai 8.000 đồng/viên.
Công ty Cổ phần tập đoàn dược phẩm và thương mại Sohaco, địa chỉ tại Láng Hạ- Ba Đình- Hà Nội cũng bị xử phạt 20 triệu đồng do không báo không đúng giá thuốc Topit cho khách hàng.
Cục Quản lý Dược cũng ra quyết định xử phạt Công ty Cổ phần Dược MK Việt Nam, địa chỉ Xuân La- Tây Hồ- Hà Nội do không thông báo cho khách hàng giá thuốc Prosake với số tiền phạt là 20 triệu đồng.
Quy hoạch mắc-ca: Chỉ trồng gần 10.000 héc ta thay vì 200.000 héc ta
Theo quy hoạch mới công bố của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, diện tích cây mắc-ca đến năm 2020 sẽ chỉ gần 10.000 héc ta thay vì 200.000 héc ta như tham vọng của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, tức chỉ bằng gần 5% mức đề xuất.
Quyết định 1134/QĐ-BNN-TCLN do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) Hà Công Tuấn ký ngày 5-4 về “Quy hoạch phát triển cây mắc-ca vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đến năm 2020, tiềm năng phát triển đến năm 2030”.
Theo đó, đến năm 2020 tổng diện tích trồng cây mắc-ca tại vùng Tây Bắc và Tây Nguyên sẽ vào khoảng 9.940 héc ta, và tiềm năng phát triển cây mắc-ca đến năm 2030 vào khoảng 34.500 héc ta, gồm 7.000 héc ta trồng tập trung và 27.500 héc ta trồng xen canh, trong đó chủ yếu trồng xen canh ở vùng Tây Nguyên, với khoảng 24.350 héc ta.
Song, cũng theo quyết định trên, quy hoạch đến năm 2030 phải dựa trên đánh giá hiệu quả của cây mắc-ca giai đoạn 2020, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương định hướng quy mô sản xuất cho từng địa phương cụ thể.
Về quy hoạch cơ sở chế biến mắc-ca, ngoài các cơ sở chế biến hiện có tại các địa phương, quyết định trên quy hoạch thêm 12 cơ sở chế biến mắc-ca có công suất từ 50-200 tấn/cơ sở tại vùng Tây Bắc và Tây Nguyên. Đến năm 2030, dự kiến có 30 cơ sở chế biến mắc-ca, trong đó Tây Nguyên là 20 cơ sở và Tây Bắc là 10 cơ sở.
Bộ NNPTNT cũng đưa ra các giải pháp thực hiện quy hoạch. Theo đó, về quản lý giống - vấn đề gây ra nhiều bức xúc đối với nông dân vì thời gian qua do nhu cầu mở rộng diện tích mắc-ca, nhiều giống trôi nổi trên thị trường không được kiểm soát khiến năng suất, chất lượng kém - Bộ xác định tiếp tục nhập nội, nghiên cứu, chọn tạo các dòng, giống mắc-ca mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với các vùng sinh thái tại vùng Tây Bắc và Tây Nguyên; đẩy nhanh các bước khảo nghiệm, công nhận giống; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư các cơ sở sản xuất kinh doanh giống…
Trước đó, nhiều chuyên gia đã cảnh báo về tình trạng chặt các cây trồng lâu năm để chuyển sang trồng cây mắc-ca ở một số vùng khi mà thị trường đầu ra chưa rõ ràng. Theo nhiều chuyên gia, trước mắt, chỉ nên tập trung phát triển ở những vùng có đặc điểm sinh thái thực sự phù hợp và có năng suất cao, ưu tiên phát triển trồng xen với cà phê, chè.
Đồng thời, trước khi trồng trên diện rộng cần phải trả lời các câu hỏi: mắc ca Việt Nam có cạnh tranh được với mắc-ca các nước hay không? Nếu trồng thì cần làm rõ trồng ở đâu, trồng bao nhiêu, giống gì, trồng như thế nào và tiêu thụ ra sao, lợi nhuận thế nào? Liệu mắc-ca có hiệu quả hơn so với các cây đã có sẵn như cà phê, tiêu, chè hay không?
Ngay cả Bộ trưởng NNPTNT Cao Đức Phát cũng thừa nhận, mắc-ca cũng là cây á nhiệt đới, mà vùng khí hậu á nhiệt đới trên thế giới rất nhiều chứ không chỉ riêng Việt Nam. Trong khi đến nay, chưa có thông tin nào cho thấy Việt Nam có lợi thế cạnh tranh với các nước khác về mắc-ca, mà cụ thể là Úc và Mỹ, những thành viên của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), những nước đã sản xuất mắc-ca từ rất lâu.
Truyền thông thế giới đều nói tốt về mắc-ca, các số liệu thống kê cũng cho thấy nguồn cung mắc-ca ở nhiều nước đang tăng chóng mặt, có nơi trên 10%/năm. Trong khi đó, thông tin dự báo tin cậy về nhu cầu lại chưa rõ ràng.
Gas lậu trỗi dậy!
Một trạm sang chiết gas trái phép vừa bị cơ quan Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện cùng hàng ngàn bình gas của 48 thương hiệu
Chiều 6-4, ông Phạm Hồng Quang - Đội trưởng Đội 5, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Đồng Nai - cho biết đang điều tra vụ sang chiết gas trái phép trên địa bàn. Nguồn gas từ cơ sở này được tiêu thụ ở nhiều địa phương, trong đó có TP HCM.
Trước đó, cơ quan công an đã kiểm tra 2 xe tải, một kho chứa (không phép) và trạm nạp (ấp Tân Bản, phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) của Công ty TNHH Gas Hiệp Hương. Bước đầu, cơ quan chức năng đã tạm giữ 2.946 bình gas các loại (45 kg và 12 kg, trong đó 276 bình đã có gas) của 48 thương hiệu, 16 kg niêm màng co; niêm phong 1 bồn chứa gas khoảng 7 tấn và 9 trụ bơm để tiếp tục làm rõ.
Theo cơ quan điều tra, quy định hiện hành chỉ cho phép trạm sang chiết được phép chiết nạp cho 3 thương hiệu đầu mối. Tuy nhiên, Công ty TNHH Gas Hiệp Hương đã xuất trình tới 5 hợp đồng chiết nạp cho các thương hiệu Vinashin, Vimexco, Minh Lộc, Hiệp Hương, Star là có dấu hiệu bất thường. Như vậy, ít nhất 40 thương hiệu gas khác đã bị công ty này chiếm dụng bất hợp pháp.
Ông Quang cho biết đang phối hợp với Chi hội Gas miền Nam để xác định bình, niêm màng co thật hay giả, đồng thời làm rõ các dấu hiệu về sang chiết trái phép, chiếm giữ vỏ bình của thương nhân khác, gian lận thương mại và trốn thuế. Ông Quang nhận định có công ty gas hợp pháp tiếp tay cho trạm chiết của Công ty TNHH Gas Hiệp Hương để hợp thức hóa các sai phạm bằng các hợp đồng khống, gây khó khăn cho công tác điều tra.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Cao Huy Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Gas Hiệp Hương, xác nhận trạm sang chiết đang bị tạm ngưng hoạt động, một số thiết bị bị niêm phong để phục vụ điều tra. Tuy nhiên, ông Hoàng từ chối trả lời các câu hỏi liên quan đến hoạt kinh doanh cũng như các dấu hiệu vi phạm mà cơ quan chức năng đặt ra.
Ông Trần Minh Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, nhận định theo các dấu hiệu ban đầu, đây có thể là vụ vi phạm nghiêm trọng. Căn cứ vào số lượng tang vật, sản lượng chiết nạp và tiêu thụ của trạm có thể lên đến cả chục ngàn bình gas/tháng.
Ông Loan cho rằng hiện tượng sang chiết và bán gas trái phép có dấu hiệu bùng phát từ đầu năm đến nay sau một thời gian tạm lắng, do giá mặt hàng này tăng sau một thời gian giảm sâu khiến lợi nhuận từ sang chiết và kinh doanh gas lậu trở nên hấp dẫn. Theo ước tính, tỉ lệ gas giả và lậu chiếm khoảng 30% thị trường, tương đương hàng trăm ngàn tấn mỗi năm, dẫn đến quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm phạm nghiêm trọng do họ không được dùng gas đúng, đủ và an toàn.
Hiện nhiều công ty gas bị thiệt hại lớn do bị chiếm dụng vỏ bình, mất ổn định trong kinh doanh. Nhà nước thất thu thuế một khoản rất lớn bởi hoạt động trái phép này. Đồng thời, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn do cháy nổ từ các bình gas chiết nạp lậu, không bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn.
Quốc hội thông qua 4 Luật
Luật hoá quyền tiếp cận thông tin
Luật Tiếp cận thông tin quy định về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân; nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện việc tiếp cận thông tin; trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Theo quy định của luật, mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Hiến pháp 2013 đã xác định rõ quyền tiếp cận thông tin là quyền cơ bản của công dân. Do vậy, Luật Tiếp cận thông tin thể chế hóa quy định này của Hiến pháp, bảo đảm để công dân nước CHXHCN Việt Nam được thực hiện đầy đủ quyền của mình.
Luật Tiếp cận thông tin bao gồm 5 chương, 37 điều đã được các đại biểu Quốc hội thông qua với tỉ lệ 88,46% tán thành. Luật có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2018.
Cụ thể nhiều quy định về hành nghề dược
Với 88,06% đại biểu tán thành, Luật Dược (sửa đổi) gồm 14 chương 116 điều đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017.
Trước đó, Quốc hội đã xin ý kiến ĐBQH qua phiếu về quy định thời hạn của chứng chỉ hành nghề dược. Theo đó, 62,67% ĐBQH nhất trí cho rằng cần quy định chứng chỉ hành nghề được cấp 1 lần. Các quy định thu hồi chứng chỉ hành nghề khi không cập nhật kiến thức chuyên môn liên tục (Khoản 9 Điều 28) và các biện pháp hậu kiểm khác sẽ bảo đảm tính khả thi của quy định này.
Luật Dược quy định về chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược; hành nghề dược; kinh doanh dược; đăng ký, lưu hành, thu hồi thuốc và nguyên liệu làm thuốc; dược liệu và thuốc cổ truyền; đơn thuốc và sử dụng thuốc; thông tin thuốc, cảnh giác dược và quảng cáo thuốc; dược lâm sàng; quản lý thuốc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; thử thuốc trên lâm sàng và thử tương đương sinh học của thuốc; quản lý chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc và quản lý giá thuốc. Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động dược tại Việt Nam.
Sửa đổi, bổ sung các quy định về thuế
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế gồm 4 Điều đã được Quốc hội thông qua với 86,64% đại biểu tán thành.
Dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) gồm 5 chương, 22 điều cũng đã được Quốc hội thông qua với 91,30% tán thành.
Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) nêu rõ về đối tượng chịu thuế (Điều 2), một số ý kiến đề nghị luật hóa đối tượng chịu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ và hàng hóa của doanh nghiệp chế xuất thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối. Trong trường hợp quy định tại các văn bản dưới luật, đề nghị giao Chính phủ hướng dẫn Điều này.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo bổ sung một khoản quy định về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền xuất khẩu, nhập khẩu, quyền phân phối vào Điều 2 của dự thảo luật. Đồng thời, để bao quát, xử lý toàn diện các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Điều 2 của dự thảo luật, giao Chính phủ quy định chi tiết điều này. Nội dung này được thể hiện tại Khoản 3, Khoản 5 Điều 2 của dự thảo luật.
Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2016. Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.
Gần 1.200 xe sang của Mercedes-Benz bị triệu hồi tại Việt Nam
Cụ thể, gần 1.200 xe Mercedes-Benz trong diện triệu hồi lần này thuộc dòng sedan C-Class C200K và C230 được sản xuất từ năm 2006 - 2009.
Theo hãng xe Đức, qua quá trình theo dõi toàn cầu, Mercedes-Benz Việt Nam nhận thấy hộp điều khiển túi khí SRS trên xe C-Class nêu trên có thể bị hư hỏng, khiến các bộ phận của hệ thống túi khí có thể ngừng hoạt động.
Một số trường hợp đặc biệt hy hữu, SRS có thể được kích hoạt mà không có nguyên nhân rõ ràng, gây nguy cơ tai nạn hoặc chấn thương trong quá trình sử dụng và vận hành xe.
Chương trình triệu hồi và khắc phục lỗi dự kiến diễn ra từ 28/3/2016 đến hết ngày 31/12/2017 tại hệ thống đại lý Mercedes-Benz trên toàn quốc. Thời gian khắc phục trên mỗi xe vào khoảng 1,6 giờ đến 2 giờ đồng hồ.
Với những xe C-Class và GLK nhập khẩu vào Việt Nam không thông qua Mercedes-Benz Việt Nam nhưng thuộc diện triệu hồi thì vẫn sẽ được kiểm tra và thay thế nếu có yêu cầu từ tập đoàn.
Túi khí an toàn được trang bị trên các xe nhằm giảm thiểu các rủi ro tai nạn liên quan đến con người hoặc giảm thiểu chấn thương ở vùng đầu, cổ, ngực và mặt của người lái và hành khách khi xe bị va chạm từ phía trước.
Khi xảy ra va chạm với mức độ đủ mạnh, cảm biến va chạm gửi tín hiệu về cho bộ điều khiển túi khí. Bộ điều khiển sẽ đánh giá mức độ va chạm và các yếu tố khác để để kích hoạt túi khí.
Ngòi nổ bộ thổi khí nhận được tín hiệu sẽ đánh lửa để đốt chất mồi lửa đốt các hạt tạo khí để sinh khí nhằm tạo ra một túi đệm khí tránh cho một số bộ phận của cơ thế người va chạm trực tiếp với các phần cứng của xe, sau đó túi khí sẽ tự động xả hơi để không làm kẹt người lái và hành khách trong xe.