Gia Lai thu hồi 50ha đất trồng tiêu của Hoàng Anh Gia Lai
UBND tỉnh Gia Lai vừa có quyết định thu hồi 50 ha đất của công ty này tại xã Ia Băng (Chư Prông) và xã Gào (TP Pleiku).
Gia Lai vừa thu hồi 50,89ha đất trồng tiêu của Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh minh họa.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Kpă Thuyên vừa ký quyết định thu hồi 50,89ha đất của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), đồng thời giao số đất này cho Công ty Nông nghiệp NUTI để tiếp tục đầu tư và chăm sóc cây hồ tiêu tại xã Ia Băng (Chư Prông) và xã Gào (TP Pleiku). Thời hạn sử dụng đất đến năm 2042.
Cụ thể, trong 50,89ha đất này có 4,26ha tại xã Ia Băng (Chư Prông) hiện đang trồng tiêu và 46,63ha tại xã Gào (TP Pleiku) hiện đang trồng tiêu và làm đường lô.
Số đất trên do UBND tỉnh Gia Lai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho HAGL vào tháng 2/2001. Ngày 11/5/2016, Công ty Nông nghiệp NUTI có đơn đề nghị thuê đất và đến ngày 23/5 được UBND tỉnh Gia Lai chấp thuận.
Trước đó, tỉnh Kon Tum cũng đã có quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đã cấp dự ánđầu tư trồng cỏ, nuôi bò thịt công nghệ cao của HAGL từ ngày 15/5/2015 và chấm dứt hoạt động dự án này theo quyết định chấm dứt hoạt động dự án từ phía HAGL.
Theo UBND tỉnh Kon Tum, dự án trồng cỏ, nuôi bò thịt công nghệ cao của HAGL được công bố tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội Tây Nguyên lần thứ 3 năm 2015 với tổng vốn 1.600 tỷ đồng.
Dự án sân bay Phan Thiết: Nhà đầu tư nào đứng sau?
Với dự án 1.600 tỷ đồng ở Phan Thiết, Rạng Đông vừa trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên đầu tư vào làm sân bay dân dụng theo hình thức BOT.
Rạng Đông vừa công bố quyết định đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng vào dự án sân bay Phan Thiết - Ảnh: canhodatnenvina.com.
Dù là một nhà đầu tư kín tiếng nhưng Rạng Đông Group là cái tên được nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Đây là nhà đầu tư gắn liền với các dự án làm “thay đổi bộ mặt du lịch” của Bình Thuận như Phố biển Rạng Đông, Sealink City, sân golf Sea Links... Gần đây, Rạng Đông lại thu hút dư luận khi công bố quyết định đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng vào dự án sân bay Phan Thiết. Rạng Đông trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên đầu tư vào làm sân bay (hạng mục hàng không dân dụng) theo hình thức BOT.
Được biết, đến thời điểm này, Ủy ban nhân dân thành phố Phan Thiết đã tiến hành thu hồi đất, giải phóng mặt bằng được 389/543 ha, đạt 71,64% diện tích toàn dự án, để dự án sân bay Phan Thiết có thể hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2018 theo kế hoạch đề ra. Sân bay có năng lực khai thác đến năm 2020 là 500.000 lượt hành khách/năm và đến năm 2030 là 1 triệu lượt hành khách/năm.
Mục tiêu của dự án sân bay Phan Thiết nhằm phục vụ hoạt động đi lại, du lịch với các chuyến bay nội địa hàng không dân dụng từ Phan Thiết đi Liên Khương, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Buôn Ma Thuột, Phú Quốc, Đà Nẵng, Phú Bài, Tuy Hòa, Phù Cát, Rạch Giá. Bên cạnh đó, dự án cũng có tầm ảnh hưởng trọng yếu đối với sự phát triển của tỉnh Bình Thuận cũng như chiến lược an ninh quốc phòng vùng biển, đảo khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.
Ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch Tập đoàn Rạng Đông, rất hiếm khi xuất hiện trước truyền thông. Tuy nhiên, vị đại gia này cũng đã từng chia sẻ về sự mạo hiểm của mình trong dự án làm sân bay: “Chúng tôi đã tính toán 15 năm đầu sẽ lỗ vốn, 10 năm tiếp theo, chỉ hòa vốn, còn lại những năm sau mới thu lãi để bù lại”. Theo nhiều nhà phân tích, có thể dự án sân bay không mang lại hiệu quả ngay, nhưng sẽ tạo sức hút cộng hưởng cho nhiều dự án bất động sản khác của Rạng Đông tại Bình Thuận như Sealink City, sân golf Sea Links.
Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, định hướng đến năm 2020, tỉnh Bình Thuận sẽ trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển, đô thị du lịch biển mang tầm cỡ quốc gia. Chính sách phát triển hạ tầng cùng với nhu cầu về du lịch nghỉ dưỡng tăng mạnh tại Phan Thiết đã khiến bất động sản Phan Thiết thu hút nhiều dự án mới, đặc biệt là các dự án bất động sản nghỉ dưỡng ven biển. Theo đánh giá của Quỹ đầu tư Vietnam Capital Partners, lượng khách du lịch nội địa sẽ tăng mạnh trong 5 năm tới và đây mới là đối tượng khách hàng chính của các nhà phát triển dự án bất động sản nghỉ dưỡng hướng biển.
Rạng Đông hiện hoạt động trong các lĩnh vực xây lắp các loại cơ sở hạ tầng; các công trình BOT; khai thác khoáng sản; trồng rừng; trồng cao su; y tế; đầu tư khu dân cư, khu du lịch phức hợp (resort, khách sạn, sân golf...). Dù có phần mạo hiểm nhưng dự án đầu tư vào sân bay Phan Thiết của Rạng Đông nhìn chung vừa mang lại hiệu quả kinh doanh cho tTập đoàn, vừa dễ nhận được sự hưởng ứng tích cực của địa phương và các doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trước mắt là những lo ngại rằng khả năng khai thác có thực sự mang lại doanh thu đáng kỳ vọng hay không? Phan Thiết cách TP.HCM khá gần và khá thuận tiện cho việc di chuyển bằng ôtô, xe máy. Ngoài ra, lượng khách đến đây thường do các công ty lữ hành vận chuyển bằng ôtô khá nhiều.
Theo anh Lê Thanh Hậu, chuyên viên điều hành tour một công ty du lịch, tại TP.HCM, lượng khách hiện tại chủ yếu là nhân viên các công ty đi nghỉ dưỡng, phương tiện chủ yếu là ôtô, còn khách lẻ thường đi tự túc bằng xe máy, xe khách. Các công ty du lịch ít khai thác tour bằng máy bay vì sợ chi phí sẽ rất cao so với mặt bằng chung. “Nếu giá vé máy bay cao và các điểm du lịch chưa thực sự thu hút bằng Nha Trang, Phú Quốc, chắc chắn du khách sẽ cân nhắc lại việc có nên đi Phan Thiết bằng máy bay hay không. Còn nếu giá vé thấp, lượng khách khai thác trong mỗi chuyến không đáng kể, hiệu quả khai thác sân bay có được duy trì trong thời gian dài hay không?”, anh Hậu phân tích.
Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, nhiều nhà phân tích cho rằng, nếu đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thúc đẩy khách nội địa khu vực phía Nam đến Bình Thuận tăng đột biến trong năm 2015 thì khi có sân bay, du lịch Bình Thuận dự kiến sẽ hút thêm du khách các tỉnh phía Bắc và quốc tế. Việc xây dựng sân bay Phan Thiết sẽ tạo điều kiện cho nơi đây phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, chuyển đổi ngành nghề sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế.
Bình Thuận được biết đến là “thủ phủ resort” và du lịch với gần 400 dự án du lịch đang còn hiệu lực với tổng diện tích đất cấp là gần 7.500 ha, trong đó tổng vốn đăng ký hơn 55.290 tỷ đồng, với gần 300 cơ sở lưu trú đang hoạt động. Số lượng resort lên đến hàng trăm khu với gần 11.000 phòng nghỉ dưỡng. Với tiềm năng phát triển du lịch của xứ biển Bình Thuận như vậy thì dự án đầu tư sân bay của ông chủ Rạng Đông không hẳn là một “cú liều” mà sẽ đợi “cất cánh” với giấc mơ bay của mình.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Tổng thầu Trung Quốc chậm trễ trong dàn xếp 250 triệu USD
Cho đến thời điểm này, việc bổ sung 250 triệu USD cho dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa được phía Trung Quốc thu xếp.
Trong nhiều tháng nay, các nhà thầu phụ Việt Nam đã phải tự ứng vốn để thi công các hạng mục nằm trong tổng thể dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông . Số tiền này đúng ra tổng thầu EPC Trung Quốc phải thu xếp, nhưng có những thời điểm họ đã nợ tới hơn 400 tỷ đồng.
Dự án đang đứng trước nguy cơ còn khó khăn hơn nếu như phía tổng thầu Trung Quốc chậm trễ trong dàn xếp nguồn vốn bổ sung 250 triệu USD cho dự án.
Hiện Bộ GTVT đã trình Chính phủ và thống nhất với tổng thầu trong điều kiện nguồn vốn bổ sung cho dự án bị chậm thì sẽ cho phép các nhà thầu trong nước vay vốn của các ngân hàng thương mại với điều kiện tổng thầu sẽ chịu lãi suất. Tất cả những biện pháp này nhằm đảm bảo tiến độ dự án.
Cho đến thời điểm này, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành được trên 85% khối lượng tổng thể. Theo kế hoạch đã công bố, đến cuối năm nay, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ hoàn thành việc xây lắp và đưa vào khai thác từ giữa năm 2017. Và để đạt được mục tiêu này, Bộ GTVT đã đẩy mạnh việc sớm ký kết hợp đồng chính thức để sớm hoàn tất việc vay nguồn vốn bổ sung.
Việc phải bổ sung 250 triệu USD cho tổng thầu EPC Trung Quốc bắt nguồn phần lớn từ việc tăng giá trị xây lắp, chuyển giao công nghệ, điều chỉnh vật liệu tàu và công tác đào tạo vận hành.
Tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế, mức vốn bổ sung lẽ ra sẽ không tăng nhiều nếu việc khi ký hợp đồng EPC không quá chú trọng vào việc đấu giá. Tức là chủ đầu tư quá ưu tiên mức giá rẻ nhất mà thiếu quan tâm đến các phát sinh kỹ thuật.
Cho đến thời điểm này, tổng mức đầu tư của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã tăng thêm hơn 300 triệu USD. Tuy nhiên, đây chưa chắc đã là con số phát sinh cuối cùng.
Trước thực tế của dự án này, Bộ Tài chính mới đây đã kiến nghị Bộ GTVT rà soát và tính toán lại kế hoạch sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi có ràng buộc của Trung Quốc cho các dự án như cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Trà Lĩnh - Đồng Đăng, nhằm tránh xảy ra những tình trạng đội vốn tương tự.
“Sẵn sàng rút lui nếu vị trí của tôi ảnh hưởng không tốt tới Trường Fulbright Việt Nam”
Chủ tịch Đại học Fulbright ở Việt Nam Bob Kerrey nói ông đã vận động để thành lập trường này từ đầu thập niên 1990 nhưng nay "sẵn sàng rút lui", BBC đưa tin.
Chủ tịch Đại học Fulbright ở Việt Nam Bob Kerrey.
Chủ tịch Đại học Fulbright ở Việt Nam Bob Kerrey nói ông đã vận động để thành lập trường này từ đầu thập niên 1990 nhưng nay "sẵn sàng rút lui", BBC đưa tin.
Trả lời BBC hôm 31/5, ông Kerrey viết: "Tôi tham gia dự án này từ năm 1991 khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt và chúng tôi phân bổ tiền [từ quỹ] Fulbright Hoa Kỳ để lập trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh mà đứng ra tổ chức là một trung tâm ở [Đại học] Harvard. Chúng tôi tăng cường chương trình đại học theo [khuôn khổ] pháp lý hồi năm 1995 vốn bình thường hóa quan hệ với Việt Nam và đã được mở rộng thêm nữa hồi năm 2000 với điều luật mà tôi đồng bảo trợ.
"[Trường] Harvard và New School, lúc đó tôi là lãnh đạo, đã thực hiện hai nghiên cứu cho Bộ Giáo dục của Việt Nam về vấn đề Việt Nam cần làm gì để có một đại học độc lập ưu việt. Đại học Fulbright Việt Nam là kết quả."
Cựu Thượng Nghị sỹ bang Nebraska cũng nói những người tham gia thành lập trường đã cố gắng để thuyết phục Quốc hội Hoa Kỳ cung cấp ngân khoản để trường có thể hoạt động. Cuối cùng Quốc hội đã đồng ý với điều kiện Việt Nam góp vốn tương ứng mà trong trường hợp này bằng việc cấp đất cho trường ở thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Kerrey nói thêm có nhiều khả năng Quốc hội sẽ cung cấp thêm tiền cho trường và bản thân trường cũng đã bắt đầu những cố gắng riêng để gây quỹ, nhất là quỹ để hỗ trợ tài chính cho sinh viên.
Vị Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam cũng nói ông được Hiệu trưởng Đàm Bích Thủy và những người liên quan đề nghị làm chủ tịch và giải thích thêm: "Chức danh này, tôi tin là hợp lý khi nói, nó to tát hơn ở Việt Nam so với ở Hoa Kỳ nơi chức danh dành cho người đóng vai trò chính trong việc gây quỹ cho Hiệu trưởng.
"Tôi chắc chắn là có nhiều người đủ khả năng để làm chủ tịch và tôi sẽ vui lòng rút lui nếu tôi thấy vị trí của tôi ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của trường".
"Hành động kinh khủng"
Nói về sự cố trong chiến tranh mà trong đó ông bị cáo buộc chỉ huy nhóm đặc nhiệm gây ra vụ "thảm sát" hơn 10 phụ nữ và trẻ em, ông Kerrey viết cho BBC: "Hành động của tôi ở Việt Nam là kinh khủng và tôi tin là đã được xem xét kỹ...
"Đó không phải là Mỹ Lai. Tuy nhiên, như phim tài liệu của Ken Burns sẽ sớm được phát cho thấy: Chiến thuật của chúng tôi đã khiến ít nhất một triệu người vô tội thiệt mạng".
Một phóng sự điều tra trên New York Times cách đây nhiều năm từng dẫn lời cựu sỹ quan quân đội Hoa Kỳ nói trước mùa hè năm 1968 binh lính chỉ được nổ súng khi bị bắn. Tuy nhiên sau đó họ đã được quân đội cho phép nổ súng khi cảm thấy bị đe dọa.
Ông Kerrey nói thêm: "Chúng ta phải đối diện quá khứ một cách thành thật ngay cả khi nó gây đau khổ. Nhưng chúng ta không được sống trong quá khứ. Tương lai là tất cả những gì chúng ta có."
Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia lên tiếng về việc bảo hộ ngư dân bị bắt
Đại sứ quán giải thích quy trình bảo hộ công dân Việt Nam, sau khi có thông tin tàu cá Việt Nam hôm qua bị Indonesia bắt.
Indonesia đang đẩy mạnh tuần tra chống đánh bắt hải sản trái phép. Ảnh: Antara
Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia cho biết từ đầu năm 2016, cơ quan đã tổ chức đưa 16 đoàn với 287 ngư dân về nước, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2015. Trung bình hàng tháng, Đại sứ quán hoàn tất các thủ tục cần thiết đưa ba đoàn với khoảng 50 ngư dân về nước.
Tuy nhiên, từ đầu năm, 35 tàu cá Việt Nam với hơn 250 ngư dân lại mới bị bắt. Trung bình một tháng Đại sứ quán nhận được thông tin 7 tàu cá với 50 ngư dân mới bị bắt giữ. Riêng trong tháng 5 có 16 tàu cá với 145 ngư dân bị bắt.
Indonesia hôm qua được cho là bắt giữ các tàu từ Philippines và Việt Nam vì tình nghi đánh bắt hải sản trái phép, có 13 người trên tàu Việt Nam.
Trong công tác bảo hộ công dân, ngay khi nhận được thông tin có tàu cá Việt Nam bị bắt, Đại sứ quán liên hệ với các cơ quan chức năng của Indonesia để làm rõ thông tin. Trong một số trường hợp đặc biệt, cán bộ Đại sứ quán trực tiếp đến các địa điểm giam giữ ngư dân để thăm hỏi, thu thập thông tin để có cơ sở làm việc với phía Indonesia.
Sau khi có thông tin chính xác, Đại sứ quán chuyển thông tin về Cục Lãnh sự và các địa phương có ngư dân bị bắt để phối hợp xử lý và xác minh thông tin chi tiết về tàu cá bị bắt cũng như nhân thân cụ thể từng ngư dân trên tàu cá bị bắt làm cơ sở cho việc cấp thông hành cho ngư dân khi được trao trả.
Với những ngư dân được trao trả không qua xét xử, Đại sứ quán phối hợp với cơ quan xuất nhập cảnh của nước bạn để hoàn tất thủ tục đưa ngư dân về nước.
Do phải thông qua nhiều cơ quan chức năng khác nhau và phải liên hệ với nhiều địa phương ở Indonesia ở xa, nơi cơ sở hạ tầng và viễn thông chưa phát triển, nên thời gian xử lý thường mất khá nhiều thời gian. Riêng các trường hợp bị đưa ra tòa án, chủ yếu là tài công và chủ tàu, sẽ bị giam giữ và Đại sứ quán sẽ thực hiện các thủ tục đưa về nước sau khi các trường hợp này mãn hạn phạt tù giam.
Ngoài ra, trong các dịp lễ, tết của ta và Indonesia, Đại sứ quán luôn đề nghị phía bạn giảm án phạt cho các ngư dân ta bị bắt và trong rất nhiều trường hợp, các cơ quan hữu quan của Indonesia đã đáp ứng tích cực các đề nghị của Đại sứ quán.
(
Tinkinhte
tổng hợp)