tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 31-05-2016

  • Cập nhật : 31/05/2016

Nga có thể sẽ đóng thêm 2 khu trục hạm Gepard cho Việt Nam

Việt Nam và Nga đang thảo luận về việc đóng thêm chiếc tàu thứ năm và thứ sáu loại Gepard -3.9 dành cho Hải quân Việt Nam, Sputnik dẫn nguồn từ tập đoàn nhà nước Rostex của Nga cho biết.

 

sputnik/ maksim bogodvid.

Sputnik/ Maksim Bogodvid.

 

Việt Nam và Nga đang thảo luận về việc đóng thêm chiếc tàu thứ năm và thứ sáu loại Gepard -3.9 dành cho Hải quân Việt Nam, Sputnik dẫn nguồn từ tập đoàn nhà nước Rostex của Nga cho biết.
"Thời điểm hiện nay các bên đang thảo luận vấn đề đóng tại Zelenodolsk cặp tàu thứ ba loại này dành cho Hải quân Việt Nam", trang web của Rostex thông báo.
Ngày 26 tháng Năm tại nhà máy Zelenodolsk mang tên A.Gorky đã diễn ra nghi lễ trọng thể hạ thủy con tàu Gepard-3.9 thứ tư. Tàu do các chuyên gia của Cục thiết kế-xây dựng Zelenodolsk thiết kế và được dành trang bị cho Hải quân Việt Nam.
"Cho đến hết mùa hè, khu trục hạm hiện diện trong vùng nước của nhà máy, sẽ lắp đặt các thành tố thiết bị mới nhất. Thời hạn thử nghiệm trên biển của con tàu dự kiến vào tháng Chín 2016", trang web Rostex dẫn lời ông Andrei Spiridonov đại diện chính thức của nhà máy Nga cho biết.

Việt Nam kêu gọi tuân thủ luật quốc tế ở hội nghị Tương lai châu Á

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh các nước cần tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau để duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.
pho thu tuong trinh dinh dung phat bieu tai hoi nghi hom nay. anh: chinhphu.vn

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị hôm nay. Ảnh: Chinhphu.vn

Ông Dũng hôm nay cho rằng để vượt qua các thách thức, hướng tới thịnh vượng, các nước ở châu Á cần thúc đẩy hợp tác, tôn trọng lợi ích chính đáng của mỗi nước, giải quyết bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật quốc tế, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ), thông cáo của Bộ Ngoại giao cho biết. 

Phó thủ tướng đang tham dự Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á lần thứ 22 tại Tokyo, Nhật Bản, kéo dài đến ngày mai. Ông cũng cho rằng các nước cần tăng cường kết nối khu vực, tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư, tìm kiếm các giải pháp lâu dài với các thách thức an ninh phi truyền thống, hướng tới sự phát triển bền vững của châu Á.

Với chủ đề "Vươn lên ứng phó với các thách thức toàn cầu và hiện thực hoá tiềm năng của Châu Á”, hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo Philippines, Indonesia, Lào, Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ, New Zealand, Mông Cổ và 500 đại biểu là học giả, doanh nghiệp Nhật Bản và nhiều nước.

Ông Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh Việt Nam ưu tiên phát triển hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực chất lượng cao, ông kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản chú trọng đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ hỗ trợ, nông nghiệp, cho rằng việc Việt Nam và Nhật Bản cùng tham gia Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho cả hai bên. 

Trao đổi với Phó thủ tướng chiều nay, ông Motoo Hayashi, Bộ trưởng Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản, khẳng định nước này sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong triển khai sáng kiến 200 tỷ USD về phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao, nhất trí tăng hợp tác trong thương mại, công nghiệp, năng lượng. Nhật cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam trong triển khai Kế hoạch hành động của 6 ngành được lựa chọn trong Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam.

Ông Dũng đã đề nghị hai bên trao đổi nhằm thực hiện mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương và tổng vốn đầu tư của Nhật vào Việt Nam đến 2020.


Tăng cường hợp tác kinh tế-thương mại Việt Nam-Algeria

Đại sứ quán Việt Nam và Thương vụ Việt Nam tại Algeria, phối hợp cùng với Phòng thương mại và công nghiệp vùng Medéa ngày 30/5 đã tổ chức hội thảo doanh nghiệp Việt Nam-Algeria nhằm mục đích thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước.

mot goc hoi thao.

Một góc hội thảo.

Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ Hội chợ quốc tế Alger lần thứ 49 với chủ đề "Đầu tư vầ doanh nghiệp là trung tâm của nền kinh tế sản xuất" với sự tham gia của 405 doanh nghiệp nước ngoài đến từ 33 quốc gia trong đó có Việt Nam.
 
Tham dự hội thảo này có 6 doanh nghiệp Việt Nam cùng hàng chục doanh nghiệp Algeria. Các doanh nghiệp Việt Nam đều bày tỏ mong muốn thông qua hội chợ và hội thảo lần này tìm hiểu thị trường đầy tiềm năng này, kiếm đối tác để nhập khẩu và phân phối các mặt hàng nông sản như chè, cà phê, giống cây trồng, gạo, thiết bị y tế, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng điện tử gia dụng. 
 
Đại diện của công ty giống cây trồng Ninh Bình cho biết sang tham dự hội chợ lần này với mục đích tìm kiếm đốit tác để hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, chuyển giao công nghệ, vì nhận thấy Algeria là một thị trường có tiềm năng rất lớn. Đại diện của công ty này cho biết thêm đang tìm hiểu các thủ tục tại đây để sớm tiến hành mở một văn phòng đại diện tại Algeria nhằm phát triển kinh doanh của công ty tại đây.
 
Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp vùng Medéa, ông Hadef Abderrahmane đã hoan nghênh sự sự có mặt của các doanh nghiệp Việt Nam tại hội chợ lần này, coi đó như là sự phát triển và tăng cường quan hệ kinh tế giữa hai nước. Tuy nhiên, ông Abderrahmane cũng nhấn mạnh mối quan hệ kinh tế này chưa xứng tầm với mối quan hệ chính trị và văn hóa tốt đẹp vốn có giữa hai nước. 
 
Ông Abderrahmane cũng đã giới thiệu khái quát những cải cách kinh tế của Algeria trong đó là ưu tiên đa dạng hóa kinh tế nhằm tránh phụ thuộc vào dầu mỏ, theo đó Algeria đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế phi dầu mỏ như nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, du lịch, công nghệ thông tin và truyền thông và năng lượng tái tạo. Ông Abderrahmane khẳng định các chương trình cải cách kinh tế được thực hiện, đã giúp Algeria có được môi trường kinh doanh thuận lợi và biến Algeria trở thành một trong những thị trường ổn định và cạnh tranh nhất khu vực MENA.
 
Ông Abderrahmane nhấn mạnh Algeria là một thị trường phát triển năng động và đang bắt đầu thu hút các đối tác nước ngoài trong đó có Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh rằng đây là một cơ hội tốt để các doanh nghiệp hai nước tăng cường quan hệ hợp tác vì lợi ích chung. Sự có mặt của các doanh nghiệp Việt Nam tại hội thảo này chính là một minh chứng biểu thị sự quan tâm đối với thị trường Algeria cũng như những cơ hội mà thị trường này đem lại.
 
Về phần mình, Đại sứ Việt Nam tại Algeria Vũ Thế Hiệp khẳng định mục đích chính của cuộc hội thảo này là tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, trao đổi với nhau để làm rõ những cơ hội và khả năng hợp tác giữa hai bên, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước. 
 
Đại sứ Vũ Thế Hiệp đánh giá cao ý nghĩa của hội thảo này, coi đây là một sự khởi đầu cho quá trình hình thành cơ chế tiếp xúc trực tiếp, thường xuyên hàng năm giữa doanh nghiệp hai nước, đồng thời nhấn mạnh để cơ chế tiếp xúc này được cân bằng và hiệu quả hơn các doanh nghiệp Algeria cần tích cực tham gia các hội chợ quốc tế diễn ra hàng năm ở Việt Nam.
 
Đại sứ Vũ Thế Hiệp bày tỏ mong muốn của hai nước quan tâm hơn nữa đến các doanh nghiệp; tạo điều kiện và môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa để các doanh nghiệp phát huy được vai trò tiên phong của mình trên mặt trận kinh tế trong đó có kinh tế đối ngoại, góp phần thiết thực vào việc phát triển và tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước; đồng thời khẳng định Sứ quán Việt Nam tại Algeria sẽ luôn là người tư vấn, là người đồng hành và là nhịp cầu kết nối giữa các doanh nghiệp vì sự hợp tác, phát triển và phồn vinh của hai nước.

Tìm cách làm “tan băng” trong hợp tác lao động Việt – Séc

Hạ viện Quốc hội Séc phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam và trường Đại học Quan hệ quốc tế Praha ngày 30/5 tại Praha đã tổ chức Hội thảo Sử dụng lao động kỹ thuật Việt Nam tại thị trường CH Séc và khả năng hợp tác trên lĩnh vực đào tạo.

doan chu tich hoi thao.

Đoàn Chủ tịch Hội thảo.

Mục đích của Hội thảo là tìm các biện pháp trước mắt và lâu dài để tháo gỡ vướng mắc trong việc hợp tác lao động và đào tạo giữa hai nước. Ông Vojtech Filip, Phó Chủ tịch Hạ viện Quốc hội CH Séc, đã chủ trì Hội thảo với sự tham dự của một số hạ nghị sỹ, lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Lao động Xã hội, Hôi Séc – Việc, đại diện Bộ Nội vụ, các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp Séc quan tâm đến việc đào tạo và sử dụng nhân lực có trình độ của Việt Nam. Về phía Nam tham dự Hội thảo có Đại sứ Trương Mạnh Sơn, lãnh đạo Hội người Việt Nam, Hội Doanh nghiệp, các doanh nghiệp môi giới việc làm tại CH Séc.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Hạ viện Quốc hội CH Séc Vojtech Filip nêu rõ: Trong thập niên 80 của thế kỷ trước có hàng chục nghìn lao động Việt Nam lao động và học nghề tại Tiệp Khắc. Lao động Việt Nam được các doanh nghiệp Tiệp Khắc đánh giá cao về sự cần cù, chịu khó, khéo tay. 

 

Hiện nay các doanh nghiệp Séc có nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ của Việt Nam, các cơ sở giáo dục của Séc có khả năng đào tạo nhân lực kỹ thuật cao cho Việt Nam để sử dụng một thời gian tại Séc và sử dụng lâu dài tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc hợp tác lao động và đào tạo giữa hai nước gặp những rào cản lớn. Bộ Giáo dục và Bộ Lao động Xã hội của hai nước chưa có những thỏa thuận rõ ràng về việc xử lý những người Việt vi phạm pháp luật ở Séc và vi phạm hợp đồng lao động, đào tạo. Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Séc cũng chưa ký Hiệp định về dẫn độ tội phạm…

quang canh buoi hoi thao

Quang cảnh buổi hội thảo

.

Về phần mình, Đại sứ Trương Mạnh Sơn cho biết: Lao động Việt Nam hiện nay có mặt tại 40 quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Phần Lan, Italy, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Saudi Arabia, Brunei… CH Séc được xác định là một trong những địa bàn truyền thống của Việt Nam. 

Theo Hiệp định Hợp tác lao động giữa Việt Nam và Tiệp Khắc, từ năm 1980 đến năm 1989 đã có hơn 37.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Tiệp Khắc, cùng với gần 10.000 học sinh học nghề chuyển sang hợp tác lao động. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, lao động Việt Nam tại CH Séc ngày càng giảm dần mặc dù năm 1994 chính phủ hai nước tiếp tục ký Hiệp định hợp tác song phương về lao động. Từ năm 2009 đến nay thị trường lao động Séc ở tình trạng “đóng băng” đối với lao động Việt Nam.

Tại Hội thảo Đại sứ quán Việt Nam đưa ra ba giải pháp để làm “tan băng” sự hợp tác lao động Việt – Séc: Thứ nhất, làm việc với các cơ quan chức năng của CH Séc để tiếp tục triển khai hoặc ký mới Hiệp định Hợp tác lao động giữa hai nước; thứ hai, phối hợp với các đối tác Séc tìm hiểu rõ yêu cầu của thị trường lao động Séc, tổ chức tuyển lựa, đào tạo để đảm bảo trình độ, chất lượng tay nghề mà thị trường Séc, EU và thế giới yêu cầu; Thứ ba, đề ra cơ chế, biện pháp và các chế tài để quản lý lao động, đảm bảo các lao động Việt Nam sang Séc phải thực hiện đúng hợp đồng, ổn định cư trú và làm việc, không được gây khó khăn, phức tạp cho các cơ sở sử dụng lao động.

Thứ trưởng Bộ Lao động Xã hội Séc Jiri Vanasek khẳng định: Hiện tại tỷ lệ thất nghiệp của Séc thấp – 3,7%, mỗi chỗ làm việc trống có 3,3 ứng cử viên. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài vẫn có nhưng chỉ đối với nhân lực kỹ thuật có trình độ và tập trung ở một số ngành nghề. Các doanh nghiệp Séc phải ưu tiên tuyển dụng công dân nước mình và công dân EU. Chỉ sau khi qua thời hạn 30 ngày mà không tìm được ứng cử viên Séc và EU cho chỗ làm việc trống thì các doanh nghiệp mới được Bộ Lao động và Xã hội cấp hạn ngạch tuyển dụng lao động nước ngoài.

Tại Hội thảo các doanh nghiệp Séc và các doanh nghiệp môi giới lao động và du học Việt Nam phản ánh thực trạng hiện nay là người lao động và sinh viên Việt rất khó khăn trong việc xin thị thực nhập cảnh vào Séc và đây chính là rào cản lớn nhất đối với sự hợp tác lao động và đào tạo giữa hai nước.

Ông Ondrej Brychta, đại diện Cục Di trú và Chính sách tỵ nạn thuộc Bộ Nội vụ CH Séc, cho biết: Bộ Nội vụ Séc đang soạn thảo dự luật di trú sửa đổi để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các doanh nghiệp Séc và lao động nước ngoài đáp ứng nhu cầu của nhau. Tuy nhiên, việc cấp thị thực cho lao động nước ngoài còn phụ thuộc vào hoạt động phối hợp của Bộ Lao động Xã hội và Bộ Ngoại giao CH Séc.

Nhiều người có mặt tại Hội thảo lấy làm tiếc rằng sự vắng mặt của đại diện Bộ Ngoại giao CH Séc đã làm giảm hiệu quả thực tế của việc tìm giải các pháp làm tan băng sự hợp tác lao động và đào tạo giữa hai nước. Ông Lê Duy Kỳ, doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực môi giới du học Việt – Séc, cho biết: Các du học sinh Séc chỉ cần 3 ngày, thậm chí một ngày, để nhận thị thực sang Việt Nam, trong khi các du học sinh Việt Nam chờ 3 tháng vẫn chưa vào được trang visapoint của Bộ Ngoại giao Séc để đăng ký lịch hẹn phỏng vấn của phòng Lãnh sự Séc tại Hà Nội.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN về rào cản thị thực vào CH Séc đối với lao động và du học sinh Việt Nam, Phó Chủ tịch Hạ viện Quốc hội CH Séc Vojtech Filip nhấn mạnh: Cần phải tổ chức một cuộc hội thảo ở các cấp có thẩm quyền giữa CH Séc và Việt Nam bàn một cách cụ thể về cách thức tuyển chọn lao động và du học sinh thực sự đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của phía Séc. Đặc biệt là hai bên cần thảo luận về “kỹ thuật cấp thị thực” vào CH Séc đối với lao động và du học sinh Việt Nam.


Tàu Hải quân Hoàng gia Australia thăm Việt Nam

Chiều 30/5, tàu HMAS Anzac thuộc Hải quân Hoàng gia Australia cùng 215 sĩ quan và thủy thủ đã cập cảng Thành phố Hồ Chí Minh, bắt đầu chuyến thăm Việt Nam.

Tham dự lễ đón có đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Quân khu 7, Bộ Tư lệnh Hải quân cùng một số cơ quan chức năng liên quan. Về phía Australia có Tổng lãnh sự tại Thành phố Hồ Chí Minh và Tùy viên quốc phòng tại Hà Nội.

Theo Chương trình, nhóm sĩ quan, chỉ huy tàu sẽ tới chào xã giao lãnh đạo Sở Ngoại vụ thành phố, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và đại diện Quân chủng Hải quân. Đặc biệt, Hải quân nhân dân Việt Nam và các sĩ quan, thủy thủ tàu tàu HMAS Anzac sẽ tổ chức một số hoạt động trao đổi chuyên môn về thông tin liên lạc, vận động đội hình và luyện tập chung trên biển, giao hữu thể thao, tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử tại địa phương.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục