Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng nâng gói 30.000 tỷ lên gần 33.000 tỷ đồng
Sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, NHNN sẽ có văn bản hướng dẫn về việc gia hạn tái cấp vốn gửi các ngân hàng thương mại để thực hiện.
Ngân hàng Nhà nước vừa có Công văn số 3954/NHNN-TD ngày 30/5/2016 trình Thủ tướng Chính phủ về phương án gia hạn Chương trình theo hai điểm chính bao gồm:
Thứ nhất, cho phép gia hạn giải ngân tái cấp vốn đối với các hợp đồng tín dụng đã ký trước ngày 31/3/2016 đối với các khách hàng là cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở, xây dựng mới, cải tạo sữa chữa lại nhà ở của mình tối đa đến ngày 31/12/2016.
Tổng số tiền tái cấp vốn khoảng 32.738 tỷ đồng (bao gồm dự kiến số tiền tái cấp vốn cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đến thời điểm 1/6/2016 và số tiền cam kết nhưng chưa giải ngân hết của khách hàng cá nhân).
Thứ hai, dừng giải ngân tái cấp vốn theo đúng quy định tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN và Thông tư 32/2014/TT-NHNN đối với các khách hàng là hộ gia đình, cá nhân đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội.
Để chủ động đáp ứng nhu cầu vốn vay của khách hàng, trong khi chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 30/5/2016 Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn số 3955/NHNN-TD chỉ đạo các ngân hàng tham gia Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP: kể từ ngày 01/6/2016 tiếp tục giải ngân đối với các hợp đồng tín dụng đã ký với khách hàng trước ngày 31/3/2016 từ nguồn vốn của ngân hàng thương mại theo lãi suất thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng đã ký giữa khách hàng và ngân hàng theo đúng quy định tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN và Thông tư 32/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ có văn bản hướng dẫn về việc gia hạn tái cấp vốn gửi các ngân hàng thương mại để thực hiện.
Trước đó, tại Nghị quyết số 23/NQ-CP ngày 30/3/2016, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai Chương trình tín dụng 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 với lãi suất ưu đãi cho đến khi giải ngân hết.
Tại Công văn số 2167/VPCP-KTTH ngày 31/3/2016, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan theo thẩm quyền nghiên cứu, sửa đổi quy định về thời hạn giải ngân gói tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở theo hướng gia hạn tiếp tục thực hiện giải ngân hết số tiền tái cấp vốn 30.000 tỷ đồng đã được phê duyệt và tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng vay vốn, nhất là đối với cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở, xây dựng mới và cải tạo sửa chữa lại nhà ở.
Ngay sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai ngay việc nghiên cứu sửa đổi quy định về thời hạn giải ngân tái cấp vốn cho vay hỗ trợ nhà ở và có Công văn số 2947/NHNN-TD ngày 26/4/2016 xin ý kiến Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc gia hạn giải ngân tái cấp vốn Chương trình 30.000 tỷ đồng đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh việc cho vay, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận vốn ưu đãi để cải thiện về chỗ ở. Cùng với nỗ lực của các ngân hàng thương mại, tốc độ triển khai của Chương trình ngày càng được đẩy nhanh hơn và đạt được những kết quả tích cực: Tính đến 10/5/2016, các ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết cho vay là 34.826 tỷ đồng đối với 56.240 khách hàng, đã giải ngân theo tiến độ dự án đạt 25.800 tỷ đồng, trong đó khách hàng cá nhân đã cam kết cho vay 27.447 tỷ đồng đối với 56.112 khách hàng, đã giải ngân là 20.812 tỷ đồng.
Theo báo cáo nhanh của các ngân hàng đến 20/5/2016, số tiền đã giải ngân là 26.733 tỷ đồng, trong đó giải ngân cho khách hàng cá nhân là 21.667 tỷ đồng.
Sau khi nhận được ý kiến của Bộ Xây dựng tại Công văn số 906/BXD-QLN ngày 18/5/2016 và Bộ Tài chính tại Công văn số 7023/BTC-TCNH ngày 24/5/2016, Ngân hàng Nhà nước xét thấy ý kiến của các Bộ chưa được thống nhất.
Cụ thể, Bộ Tài chính có ý kiến: trong trường hợp đến 01/6/2016 chưa giải ngân hết số tiền tái cấp vốn 30.000 tỷ đồng thì chỉ gia hạn giải ngân tái cấp vốn đối với các hợp đồng tín dụng đã ký của khách hàng cá nhân và thực hiện giải ngân hết số tiền tái cấp vốn 30.000 tỷ đồng đã được phê duyệt theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn 2167/VPCP-KTTH.
Trong khi đó, Bộ Xây dựng lại có ý kiến nên gia hạn thời hạn giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi đối với tất cả các khách hàng (cả hộ gia đình, cá nhân và doanh nghiệp) đã được cam kết vay vốn cho đến khi giải ngân hết lượng vốn đã cam kết.
Bắt nguyên Giám đốc Ngân hàng Agribank chi nhánh Nam Hoa
Ông Phong có hành vi ký duyệt cho Công ty Đá Tấm xây dựng cao cấp vay tiền, hiện công ty này không còn khả năng thanh toán.
Hôm qua, 30/5, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) - Bộ Công an đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Trần Văn Phong (nguyên Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (Agribank) - chi nhánh Nam Hoa, Q.6, TP. HCM) về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, xảy ra ở Công ty TNHH Đá Tấm xây dựng cao cấp (Bà Rịa-Vũng Tàu) và Agribank chi nhánh Nam Hoa.
Các bị can khác gồm một nguyên phó phòng KH-KD và một cán bộ tín dụng của Agribank chi nhánh Nam Hoa cũng bị khởi tố về tội danh trên, nhưng được tại ngoại điều tra.
Theo thông tin ban đầu, ông Phong có hành vi ký duyệt cho Công ty Đá Tấm xây dựng cao cấp vay tiền, hiện công ty này không còn khả năng thanh toán. Đặc biệt, trước đây, ông Phong còn bị đại diện Công ty Đá Tấm xây dựng cao cấp tố cáo hành vi cho vay nặng lãi, lợi dụng chức vụ là giám đốc ngân hàng để làm các thủ tục góp vốn vào công ty không minh bạch.
Bị can nguyên phó phòng đã đề xuất cho Công ty Đá Tấm xây dựng cao cấp vay tiền không đúng với quy định của ngân hàng. Còn bị can là cán bộ tín dụng đã lập hồ sơ tín dụng cho vay và ký các hợp đồng tín dụng trái quy định. Hành vi của các bị can đã làm thiệt hại hơn 100 tỷ đồng cho Ngân hàng Agribank chi nhánh Nam Hoa.
Cũng vào hôm qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã kết thúc điều tra vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Agribank chi nhánh Tràng Định ở H.Tràng Định, tỷnh Lạng Sơn và chuyển hồ sơ sang Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 3 bị can về tội tham ô tài sản. Các bị can gồm: Nông Thị Hiệu (53 tuổi, nguyên Trưởng phòng Kế toán - Ngân quỹ Agribank Tràng Định); Nguyễn Thị Huệ (33 tuổi, nguyên kế toán viên, kiêm giao dịch viên) và Nguyễn Thị Hằng(51 tuổi, nguyên thủ quỹ, kiêm thủ kho ngân quỹ chi nhánh).
Theo kết luận điều tra, từ ngày 6/7/2012 đến 17/4/2015, các bị can đã chiếm đoạt tổng cộng gần 7 tỷ đồng từ 82 sổ tiết kiệm của khách hàng. Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, động cơ chiếm đoạt tiền của khách hàng đối với những cán bộ này là do sa đà vào cờ bạc lô đề. Trong số tiền hơn 7 tỷ đồng đã rút, Hiệu chiếm đoạt 774 triệu đồng, Huệ chiếm đoạt gần 337 triệu đồng, Hằng chiếm đoạt gần 748 triệu đồng, còn hơn 5 tỷ đồng ba bị can đã sử dụng để chơi lô đề chung.
Trong vụ án này, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an xác định các ông Hoàng Văn Báo và Ma Chí Liêm, nguyên Giám đốc và Phó giám đốc Agribank Tràng Định đã có hành vi thiếu trách nhiệm trong việc quản lý kho quỹ. Tuy nhiên những người này là người dân tộc thiểu số, nhận thức pháp luật còn hạn chế, sau khi phát hiện sự việc đã chủ động báo cáo cấp trên, tích cực phối hợp với cơ quan điều tra nên cơ quan công an không xem xét trách nhiệm hình sự mà chỉ đề nghị xử lý hành chính.
Hà Nội: Thêm một dự án du lịch nghỉ dưỡng “khủng” sắp được triển khai
UBND TP Hà Nội vừa thống nhất chủ trương đầu tư dự án khu du lịch, vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng Thung Lũng xanh tại địa phận các xã Nam Sơn, Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, với tổng diện tích lập quy hoạch hơn 82ha.
Theo thông báo của UBND TP Hà Nội truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung, dự án khu du lịch, vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng Thung Lũng xanh do Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển công nghệ Đông Bắc đề xuất phù hợp Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Sóc Sơn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được UBND TP Hà Nội phê duyệt và đã được cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất năm 2015 của UBND huyện Sóc Sơn
Do đó, Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố thống nhất chủ trương đầu tư dự án khu du lịch, vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng Thung Lũng xanh; giao Sở Kế hoạch và đầu tư khẩn trương hoàn thiện báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố trình Thường trực Thành ủy xem xét chỉ đạo.
Đồng thời, Sở Kế hoạch và đầu tư cũng có trách nhiệm hướng dẫn nhà đầu tư: Kiểm tra rà soát tổng mức đầu tư thực hiện dự án, đảm bảo khả thi; khi thi công phải đảm bảo môi trường, không phá vỡ cảnh quan sinh thái và công năng của rừng phòng hộ. Nhà đầu tư phải cam kết không bán, không chuyển nhượng dự án; phải thực hiện dự án đúng mục đích đầu tư.
Theo quy hoạch, khu du lịch, vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng Thung Lũng Xanh có tổng diện tích đất khoảng 821.829 m2 (gần 82,2ha). Trong đó: Phần đất làm đường quy hoạch (đường 35 dự kiến và hành lang an toàn đường bộ) có diện tích khoảng 82.773m2; Phần đất các khu chức năng ngoài phạm vi ranh giới lập dự án có tổng diện tích khoảng 246.635m2; Phần đất nghiên cứu lập dự án có tổng diện tích khoảng 492.521m2.
Việc tổ chức không gian của dự án sẽ được chia thành: Các khu chức năng công cộng, dịch vụ, vui chơi giải trí bao gồm cụm công trình trung tâm năm sẽ được bố trí ở phía Tây Bắc dự án đầu tư; Khu khách sạn cao cấp và các dịch vụ vui chơi giải trí; khu thể dục thể thao trong nhà (cao 3 tầng) nằm ở phía Tây Bắc núi Dăm; Các khu biệt thự nghỉ dưỡng bao gồm 11 cụm biệt thự cao 2 tầng với lổng số 121 căn, được bố trí theo nhóm (từ 2-3 căn/nhóm), là cơ sở lưu trú ngắn hạn phục vụ du lịch, nghỉ dưỡng.
Mở rộng Sân bay Nội Bài: Riêng “tiền đất” mất 2 tỷ USD
Việc mở rộng Cảng hàng không (CHK - sân bay) Nội Bài dự kiến tốn kém hơn 5 tỷ USD. Riêng chi phí giải phóng mặt bằng đã lên tới 2 tỷ USD.
Theo quy hoạch, sân bay Nội Bài mở rộng sẽ đối diện với sân bay hiện hữu qua Đại lộ Võ Nguyên Giáp, thuộc 3 xã: Phú Minh, Phú Cường, Mai Đình (huyện Sóc Sơn).
Trong khi dự án còn trên giấy, nhiều ngôi nhà mới khang trang trong khu vực dự án vẫn liên tục mọc lên.
“Gần như Long Thành thứ 2”
CHK Nội Bài có công suất thiết kế 25 triệu hành khách/năm. Theo Cục Hàng không Việt Nam, với sức tăng trưởng “nóng” về lượng hành khách như hiện nay (năm 2015 là 22% nhưng 4 tháng đầu năm 2016 đã là 31%) thì trong vòng 3 năm nữa, Nội Bài sẽ rơi vào tình trạng “vỡ trận”.
Trao đổi với báo chí mới đây, Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho rằng, kế hoạch mở rộng, nâng công suất của sân bay Nội Bài là việc cấp bách. Tuy nhiên, cũng theo ông Thanh, để nâng công suất của Nội Bài thêm 25 triệu hành khách/năm nữa “thì đây sẽ là dự án Long Thành thứ hai”. Thậm chí, dự án này còn khó khăn hơn bởi quỹ đất theo quy hoạch phải mở rộng, dân cư dày đặc, việc giải phóng mặt bằng sẽ rất khó khăn.
Chiều 31/5, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường xác nhận: Phương án xây dựng nhà ga CHK Nội Bài mới (Nhà ga T3, T4) và đường cất hạ cánh mới theo hướng “lật” sang phía nam đường Võ Nguyễn Giáp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2008. “Hiện chưa có bất cứ thay đổi nào và bản quy hoạch này hiện vẫn còn nguyên giá trị” – ông Trường nói.
Cụ thể, ông Lại Xuân Thanh cho hay: Theo quy hoạch vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì việc mở rộng sẽ được xây dựng đối diện với sân bay Nội Bài hiện nay (lật qua đại lộ Võ Nguyên Giáp) với diện tích 720 ha, thuộc 3 xã: Phú Minh, Phú Cường, Mai Đình của huyện Sóc Sơn. Chi phí giải phóng mặt bằng, đền bù và xây dựng khu tái định cư cho người dân dự kiến khoảng 2 tỷ USD (tính theo thời giá năm 2015). Chi phí xây dựng các hạng mục chính của “Nội Bài 2” (đường lăn, sân đỗ, khu nhà ga, đèn chiếu sáng…) khoảng 78.000 tỷ đồng (hơn 3,5 tỷ USD) và sẽ thực hiện theo hình thức xã hội hóa.
Tại khu vực quy hoạch dự án, nhiều ngôi nhà tiếp tục mọc lên sẽ phát sinh nhiều phức tạp trong quá trình triển khai.
Nhà hoành tráng vẫn mọc trên đất quy hoạch
Theo ghi nhận của phóng viên ngày 31/5, người dân các xã Phú Minh, Phú Cường, Mai Đình (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) chưa hề biết đất mình đang ở có nằm trong diện quy hoạch mở rộng sân bay Nội Bài hay không. Tại khu vực thôn Tân Trại, xã Phú Cường, rất nhiều nhà dân mới được xây 1-2 năm trở lại đây. Một số nhà dân đang xây xong phần thô. Rìa ngoài các ruộng lúa, bãi đất trống cũng có một số nhà xưởng, gara ô tô đã được xây và đưa vào sử dụng.
Ông Trần Văn Thông, trưởng thôn Hương Gia, xã Phú Cường, cho biết, cách đây mấy năm, có nghe cán bộ của huyện và thành phố thông báo một phần đất của thôn Hương Gia và đất thôn Đoài (thuộc xã Phú Minh) nằm trong quy hoạch xây khu trung tâm thương mại hàng không, thuộc CHK Nội Bài. Theo ông Thông, cán bộ thành phố đã có 3 đợt về khảo sát đo đạc, kiểm đếm. “Thôn Hương Gia có tổng hơn 900 hộ dân thì có 300 hộ nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng để quy hoạch xây sân bay. Tổng diện tích thôn là 200 ha, trong đó diện tích đất phải giải tỏa đền bù là 30 ha. Tuy nhiên, hiện chưa có quy hoạch chi tiết cũng như mức giá đền bù” – ông Thông nói.
Trong khi đó, ông Phạm Xuân Phương, Bí thư huyện ủy Sóc Sơn lại cho biết, hiện Cục Hàng không mới trình xin ý kiến của thành phố, sau đó, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là mục tiêu quốc gia, cơ bản chính quyền huyện sẽ đồng ý. “Chúng tôi mới chỉ biết dự kiến sẽ mở rộng thêm khoảng 720 ha thuộc 3 xã Phú Minh, Phú Cường, Mai Đình. Nhưng lấy xã nào chính, xã nào phụ, xã nào ven vẫn chưa biết chính xác, chưa cắm mốc để đo đạc. Phải được sự đồng ý của Thủ tướng về chủ trương thì mới có khoanh vùng, đo đạc và các con số cụ thể” – Bí thư huyện ủy Sóc Sơn cho biết.
Cần quản lý đất quy hoạch sân bay
Trao đổi với PV , Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết hiện tại Bộ GTVT đang xin ý kiến Chính phủ nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch mở rộng sân bay Nội Bài. Ngoài phương án mở rộng về phía Nam, Bộ GTVT đang nghiên cứu mở rộng theo nhiều phương án; trong đó có phương án mở rộng về phía Bắc (phần diện tích đất Bộ Quốc phòng đang sử dụng) với chi phí giải phóng mặt bằng thấp hơn nhưng sẽ gặp một số hạn chế về không gian. “Hiện chúng tôi chưa chính thức quyết định phương án nào. Trong khi quy hoạch chưa được thay đổi thì quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2008 vẫn còn nguyên giá trị”, ông Nhật nói.
Nói về thực trạng các công trình xây dựng vẫn liên tục mọc lên trên khu vực dự kiến mở rộng dẫn đến chi phí giải phóng mặt bằng tăng cao, thậm chí hơn 2 tỷ USD dự kiến, Thứ trưởng Nhật cho rằng: Về nguyên tắc, khi Thủ tướng ký quyết định quy hoạch, UBND TP Hà Nội cũng đã được biết để quản lý đất nằm trong quy hoạch, không để xây dựng các công trình mới. “Trách nhiệm quản lý đất quy hoạch thuộc về chính quyền địa phương” – ông Nhật cho hay.
Nên giải phóng mặt bằng một lần
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, việc mở rộng sân bay Nội Bài cần xuất phát từ nhu cầu và khả năng tiềm lực kinh tế của đất nước và tính toán cụ thể về nhu cầu và thời gian thực hiện. Theo ông Hùng, đầu tư phải phân kỳ theo giai đoạn nhưng khi giải phóng mặt bằng cần thực hiện một lần. Chẳng hạn, công trình chỉ cần 200 ha, có thể lấy một lần 500 ha. Phần đất xung quanh có thể cho thuê làm dịch vụ, lấy quỹ đất nuôi quỹ đất. (Zing)
(
Tinkinhte
tổng hợp)