tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 08-04-2016

  • Cập nhật : 08/04/2016

Hậu kinh doanh đa cấp, đầu tư tiền ảo “bủa vây” người dân

Sau khi các thủ đoạn của Liên kết Việt bị phanh phui, một số cá nhân và tổ chức đã và đang lôi kéo nhiều người tham gia đầu tư tiền ảo với những lời hứa hẹn vô cùng hấp dẫn.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Kiếm hàng chục nghìn Bảng Anh/tuần, trở thành triệu phú bảng Anh trong vòng từ 6 tháng đến 1 năm... là viễn cảnh đổi đời mà một nhà đầu tư ngoại quốc "vẽ ra" cho gần 100 người tham gia một buổi hội thảo về đầu tư tiền ảo Leocoin.

Trong buổi hội thảo, công ty sở hữu đồng Leocoin, có tên là Leo đã quảng cáo công ty có nhiều cái "nhất". "Sản phẩm của Leo mới nhất, tiên tiến nhất thế giới… lãnh đạo của Leo là những nhà lãnh đạo có tầm nhìn nhất thế giới", nhà đầu tư ngoại quốc tự tin cho biết.

Không dừng lại ở những cái nhất, các nhà đầu tư còn tiếp tục được hứa hẹn các phần thưởng siêu xa xỉ khi bỏ tiền vào Leocoin. Tuy nhiên một điều rất bất thường có thể dễ nhận thấy là: phần thưởng thì rất xa xỉ song bí quyết thành công lại vô cùng đơn giản.

"Tôi sẽ tiết lộ cho các bạn một bí quyết. Đó là chỉ cần lôi kéo người tham gia hệ thống của bạn, càng đông càng tốt", nhà đầu tư ngoại quốc tiết lộ bí mật.

Cũng với kênh đầu tư tiền ảo, tại Hà Nội, nhiều người đã và đang bị thuyết phục tham gia đầu tư vào tiền ảo Onecoin với mức lãi suất trên trời.

"Trong tài chính, đặc biệt là tài chính onecoin, điều rất hay là một người nghèo nhất vào đây, bỏ ra 15,7 triệu đồng… anh ta không làm gì cả thì sau 1 năm tài sản của anh ta cũng ta lên 6 lần", người giới thiệu về đồng onecoin cho hay.

Chưa rõ việc đầu tư tiền ảo sẽ đi đến đâu song có thể thấy các kịch bản "không làm gì, tài sản sẽ nhân lên", "chỉ cần lôi kéo người tham gia hệ thống" không những "bánh vẽ" của các công ty đa cấp biến tướng đã bị phanh phui trước đó.


Mùa mía đắng tại miền Tây

Thông tin nước ngọt từ thượng nguồn sông Mekong đang về không làm cho nhiều nông dân trồng mía tại Đồng bằng sông Cửu Long vui bởi thời điểm này, hàng ngàn hécta mía của bà con đã thành củi; hoặc đang chết héo đến mức không còn thể cứu chữa.
ong ut quan va ruong mia dang chet dan cua gia dinh.

Ông Út Quân và ruộng mía đang chết dần của gia đình.

Đã có nhiều nông dân bỏ giống cây trồng từng gắn bó bao nhiêu năm qua, mưu sinh bằng công việc vất vả khác. Các nhà máy đường trong vùng thì đang nơm nớp lo lắng trước thực tế không đủ mía nguyên liệu để hoạt động dù chỉ một phần công suất...

Nắng nóng, hạn mặn gay gắt đã bức tử hàng ngàn hécta mía khiến cho nhiều nông dân trồng mía các tỉnh ĐBSCL lo lắng đến mất ăn, mất ngủ. Cũng có người còn may mắn gỡ gạc khi kịp thu hoạch mía dù chưa đủ trữ đường; song nhiều người gần như mất trắng.

Ông Quân – một nông dân trồng mía tại Cù Lao Dung (Sóc Trăng) kể, khi thấy ruộng mía bị nước mặn “tấn công”, làm vàng lá, bà con chạy đôn, chạy đáo tìm nguồn nước ngọt bơm vào ruộng mía để hóa giải, làm loãng độ mặn. Thế nhưng những nỗ lực của bà con đã trở nên vô vọng. Người trồng mía chỉ còn xót xa chứng kiến ruộng mía cháy lá, chết rụi từng ngày….

Ông Huỳnh Ngọc Vân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, đến thời điểm này đã có hơn 7.000ha mía của bà con ở huyện Cù Lao Dung bị thiệt hại do nắng nóng và xâm nhập mặn. Diện tích bị mất trắng khoảng 1.200ha; bị thiệt hại từ 50% trở lên gần 700ha; còn lại hơn 5.000ha bị thiệt hại từ 30 - 50%. Năng suất giảm còn trên dưới 30 tấn/ha, chất lượng trữ đường cũng giảm mạnh .

Chuyện “mía đắng” không phải chỉ xảy ra tại Cù Lao Dung. Những ngày qua, hàng ngàn nông dân trống mía ở Thới Bình (Cà Mau), Vĩnh Thuận (Kiên Giang) cũng đang dở khóc, dở mếu bởi thời tiết quá khắc nghiệt.

Tại xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình, Cà Mau, người dân cho biết độ mặn đo được dưới các kênh trong nội đồng đã vượt lên trên 15o/oo. Với độ mặn này, không cây trồng nước ngọt nào có thể chịu được. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Nguyễn Văn Tranh cho biết do bị nước mặn “tấn công”, đã có hơn 750ha mía tại vùng quy hoạch trồng mía của huyện Thới Bình bị ảnh hưởng, không phát triển được khiến trữ đường không đạt, nông dân thua lỗ.

Tại Vĩnh Thuận, Kiên Giang, do sợ bị lún sâu vào nợ nần nên nông dân đã kêu thương lái đến bán mía non, chưa đủ trữ đường. Thương lái lắc đầu không mua vì “mía mặn quá”.

Nhiều nông dân Cù Lao Dung đã quyết định bỏ mía, chuyển sang trồng bắp lai hoặc nuôi tôm; còn nông dân Thới Bình, Vĩnh Thuận chuyển qua trồng gừng. Một nông dân ở Tân Lộc Bắc nhẩm tính: “Trồng gừng ở đây bèo nhất cũng thu lợi hơn 80 triệu đồng/ha; còn mía thì khá lắm cũng chỉ 18-20 triệu đồng/ha”. Theo Sở NN&PTNT Cà Mau, đã có trên 5.200ha diện tích mía bị người dân tự chuyển đổi sang các mô hình: lúa – tôm, chuyên tôm; hoa màu, trồng gừng.

UBND tỉnh Cà Mau mới đây cũng đã thống nhất chủ trương quy hoạch lại đất trồng mía tại huyện Thới Bình. Đối với 245ha đất quy hoạch trồng mía nay nông dân tự phát chuyển sang trồng rau màu, tỉnh thống nhất tiếp tục bố trí trồng rau màu và cây trồng, vật nuôi khác thuộc hệ sinh thái ngọt.

Đối với 4.983ha đất quy hoạch trồng mía đã được nông dân tự phát chuyển sang sản xuất 1 vụ lúa - 1 vụ tôm từ năm 2000, UBND tỉnh thống nhất chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất sang sản xuất 1 vụ lúa - 1 vụ tôm. Với 717ha quy hoạch sản xuất mía còn lại, tỉnh chủ trương để nông dân tự quyết.

Diện tích mía càng ngày càng bị thu hẹp, giải pháp đẩy giá nhích lên từ các nhà máy.

Vì lo thiếu mía nguyên liệu để hoạt động đúng công suất, ngay từ đầu tháng 9-2015, đã có nhà máy nôn nóng vào vụ thu mua sớm khi mía chưa đạt trữ đường cần thiết. Ông Vưu Văn Út, Giám đốc Xí nghiệp đường Cà Mau cho biết nhà máy của xí nghiệp có công suất trên 1.000 tấn/ngày.

Thế nhưng hiện không đủ nguồn nguyên liệu mía để hoạt động 50% công suất nên nhà máy phải sản xuất cầm chừng, có khi chạy 2 ngày rồi nghỉ vài ngày để chờ nguyên liệu. Các nhà máy đường tại Sóc Trăng, Hậu Giang, Trà Vinh,… cũng rơi vào tình trạng tương tự.


Doanh nghiệp xin trả hàng loạt dự án vì “tỉnh gây khó”

Trong văn bản do ông Huỳnh Kim Lập, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và xây dựng Thiên Tân, ký gửi Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi và UBND tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 2/4 nêu cụ thể một số dự án mà công ty xin được chấm dứt đầu tư.
du an thuy dien ha nang da hoat dong tu nhieu nam qua nhung den gio chu dau tu van chua nop du so tien de trong bu rung. anh: hien cu.

Dự án thủy điện Hà Nang đã hoạt động từ nhiều năm qua nhưng đến giờ chủ đầu tư vẫn chưa nộp đủ số tiền để trồng bù rừng. Ảnh: Hiển Cừ.

Theo đó, các dự án này bao gồm: Dự án công viên Thiên Bút và khu dân cư Thiên Tân; khu đô thị mới Thiên Tân; dự án quang điện Đức Minh; thực hiện lập quy hoạch đầu tư xây dựng phát triển kinh tế huyện đảo Lý Sơn; khu du lịch sinh thái Cà Đam với tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng. Riêng dự án thủy điện Đăkre do công ty đã hợp đồng mua sắm thiết bị với đối tác nước ngoài, thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, tạm ứng cho các nhà thầu để chuẩn bị triển khai thi công, với tổng giá trị ước gần 600 tỷ đồng, nên công ty phải tiếp tục đầu tư hoàn thành để thu hồi vốn, hoàn trả nợ vay cho ngân hàng.
Theo Công ty CP đầu tư và xây dựng Thiên Tân, lý do xin chấm dứt các dự án trên vì công ty không nhận được sự phối hợp trong việc hoàn thành các thủ tục mà còn bị gây khó khăn, cản trở từ sở, ngành chuyên môn tham mưu và một số ít cán bộ của UBND tỉnhuyện
Trả lời PV chiều tối 5/4, ông Lê Minh Huấn, Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi, xác nhận đã nhận được văn bản của Công ty CP đầu tư và xây dựng Thiên Tân; đồng thời chuyển đến lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi xem xét và có hướng xử lý.
Liên quan đến thủy điện Đăkre, chiều 5/4, tại cuộc họp báo quý I/2016 do UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức, ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, cho biết thêm mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu tạm dừng thi công các hạng mục công trình thuộc dự án thủy điện tại các vị trí qua rừng tự nhiên, rừng phòng hộ nằm trên địa bàn xã Ba Xa (huyện Ba Tơ) vì chủ đầu tư là Công ty CP đầu tư và xây dựng Thiên Tân chưa hoàn chỉnh đầy đủ thủ tục pháp lý.
“Ngay cả phương án sử dụng đất chủ đầu tư cũng chưa thực hiện xong nên cơ quan chức năng chưa đồng ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Vì thế, không thể cho chủ đầu tư làm trước là đúng nguyên tắc”, ông Tô nói.
Cũng tại cuộc họp báo, ông Lữ Ngọc Bình, Chánh thanh tra tỉnh Quảng Ngãi, cho biết ngày 14/2/2015 tỉnh đã phê duyệt phương án trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng thủy điện Hà Nang tại xã Trà Thủy (huyện Trà Bồng) do Công ty TNHH một thành viên thủy điện Thiên Tân (trực thuộc Công ty CP đầu tư và xây dựng Thiên Tân) chi trả, nộp vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Ngãi với số tiền hơn 3,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay công ty mới nộp hơn 1,3 tỷ đồng, còn nợ hơn 1,8 tỷ đồng.

Cán bộ ngân hàng tiếp tay lừa đảo 1.069 tỷ đồng

Liên quan đến vụ án một số doanh nghiệp thủy sản Cà Mau bị quy kết lừa đảo chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng, Viện KSND tối cao cũng quyết định truy tố hàng loạt cán bộ ngân hàng có liên quan.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Theo cáo trạng, có 8 bị can nguyên là cán bộ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh khu vực Minh Hải (VDB Minh Hải) bị truy tố tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng gồm: Trịnh Tuấn Mẫn (nguyên Giám đốc VDB Minh Hải); Vũ Văn Hoan, Phan Thanh Bình (cùng nguyên phó giám đốc); Huỳnh Quang Xuân (nguyên trưởng phòng tín dụng XNK); Phan Văn Toàn, Phan Thanh Hải, Trần Kỳ Oanh (cùng nguyên phó trưởng phòng tín dụng XNK); Hà Tùng (nguyên trưởng phòng tín dụng XNK).
 
Cụ thể, khi còn đương chức, bị can Mẫn không chỉ đạo, yêu cầu phòng tín dụng XNK thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật như thẩm định, kiểm tra tình hình tài chính, khả năng sản xuất kinh doanh thực tế của các doanh nghiệp (DN) xin vay vốn. Khi giải ngân, không thực hiện giải ngân vào tài khoản người hưởng thụ là bên DN cung cấp nguyên liệu mà chủ yếu giải ngân vào tài khoản DN vay vốn.
Mẫn cũng khai nhận khâu giải ngân chỉ căn cứ vào bảng kê của DN, không kiểm tra, đối chiếu chứng từ gốc. Một số trường hợp DN không hoàn chứng từ tạm ứng hoặc hoàn không đúng thời hạn ghi trên khế ước nhận nợ nhưng vẫn được giải ngân. Việc lập bảng phân bổ hạn mức do Xuân lập, sau đó đưa cho Mẫn, Hoan xem lại, rồi 3 người bàn bạc thống nhất. Nhưng việc này không dựa vào nhu cầu vốn của DN mà chỉ căn cứ vào dư nợ và hạn mức tín dụng xuất khẩu của chi nhánh. 

Theo đó, bị can Mẫn ký 70 hồ sơ thẩm định cho vay trên 376 tỷ đồng, ký 90 hợp đồng tín dụng xuất khẩu cho vay gần 672 tỷ đồng và ký 61 hồ sơ giải ngân 240 tỷ đồng. Bị can Hoan ký duyệt 28 hồ sơ thẩm định với số tiền 317 tỷ đồng, 143 hồ sơ giải ngân số tiền 484 tỷ đồng.
Trong khi đó, bị can Hoan khai nhận đối với 20 hợp đồng của DN tư nhân Ngọc Sinh (xã Khánh An, H.U Minh, Cà Mau) đã không trực tiếp thẩm định và không chỉ đạo cấp dưới thẩm định vì biết DN này lập khống để vay trả nợ cũ của đơn vị và các ngân hàng thương mại khác… nhưng ký duyệt giải ngân là do giám đốc chỉ đạo. Đối với bị can Xuân là người ký duyệt vào tờ trình duyệt vay trước khi trình lên ban giám đốc chi nhánh, ký đề nghị giám đốc chi nhánh giải ngân khi đã cùng cán bộ tín dụng kiểm tra hồ sơ chứng từ do DN cung cấp nhưng không thẩm định hay chỉ đạo cán bộ thẩm định trên thực tế. Bị can Xuân đã ký duyệt 24 hồ sơ thẩm định số tiền 126 tỷ đồng, 127 hồ sơ giải ngân số tiền 530 tỷ đồng.
Bị can Hải ký thẩm định 44 hồ sơ cho vay 233 tỷ đồng, ký đề xuất 83 hồ sơ giải ngân 231 tỷ đồng. Nhưng Hải khai nhận việc không ghi nhận dư nợ quá hạn vào tờ trình duyệt vay trong các hợp đồng tín dụng là theo chỉ đạo của bị can Mẫn và Xuân. Các bị can khác như Toàn bị cáo buộc ký 77 hồ sơ thẩm định đề nghị cho vay số tiền 660 tỷ đồng, ký đề nghị giải ngân 68 hồ sơ với số tiền 257 tỷ đồng; Oanh ký thẩm định 23 hồ sơ vay 365 tỷ đồng, ký đề xuất tại 43 hồ sơ giải ngân 288 tỷ đồng...

SCIC xin ưu đãi cho dự án thép hơn 8.000 tỷ thành đống sắt gỉ chờ nhà thầu Trung Quốc

SCIC kiến nghị miễn một số khoản thuế, điều chỉnh thời gian vay trả nợ đối với ngân hàng VDB, Vietinbank như TISCO đề xuất….
du an mo rong san xuat giai doan 2 cua ctcp gang thep thai nguyen "dap chieu". anh: tl

Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của CTCP gang thép Thái Nguyên "đắp chiếu". Ảnh: TL

Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng về việc xin hàng loạt ưu đãi của Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) - chủ đầu tư dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên.

Tại văn bản này, SCIC cho biết, kết quả đàm phán với nhà thầu Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC), sau 10 lần đàm phán, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của CTCP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) đã đạt được những mục tiêu thuyết phục MCC cùng tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc. Đồng thời, MCC đã tỏ rõ thiện chí cùng TISCO triển khai hoàn thành dự án đưa dự án vào khai thác vận hành.

Tuy nhiên, kết quả đàm phán giữa MCC và TISCO vẫn chưa đạt được như các điều kiện tiên quyết do TISCO đưa ra tại báo cáo gần nhất.

Theo các điều khoản, trường hợp dự án tiếp tục được triển khai, MCC yêu cầu TISCO chi trả 57 triệu USD, trong đó có nhiều chi phí bồi thường (3,4 triệu USD), chi phí dịch vụ sau bán hàng (1,7 triệu USD), chi phí bàn giao bảo quản, sửa chữa hiện trường, mua lại thiết bị (hơn 3 triệu USD)… Đáng chú ý là khoản phí trả cho nhà thầu lắp đặt thiết bị chính lên tới 38,6 triệu USD chưa bao gồm các loại thuế.

"Một số chi phí nêu trên chưa phù hợp với các điều khoản trong hợp đồng đã được ký kết và quy định trong hợp đồng trọn gói của hai bên. Theo các điều khoản vừa thống nhất, hợp đồng với MCC không phải là EPC nữa mà MCC chỉ đóng vai trò là tổng thầu lắp đặt thiết bị, còn việc thực hiện do một công ty con của MCC đảm trách. Phần xây sẽ chuyển cho các công ty Việt Nam", SCIC nêu tại văn bản.

“Như vậy, các nội dung đạt được này không đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 196 ngày 11/6/2015 về việc đề nghị MCC chịu trách nhiệm toàn bộ công trình xây lắp để đảm bảo tính đồng bộ của cả dây chuyền khi ký hợp đồng”, SCIC cũng cho biết thêm.

Cũng tại văn bản này, SCIC đề xuất TISCO thuê đơn vị tư vấn độc lập, thực hiện tái thẩm định các nội dung “tối ưu hoá” theo kiến nghị của nhà thầu Trung Quốc MCC để đảm bảo công suất, khả năng hoạt động theo thiết kế ban đầu của dự án và điều chỉnh tổng thể các hồ sơ thiết kế, hợp đồng và dự toán làm căn cứ triển khai công việc tiếp theo.

SCIC dẫn số liệu báo cáo của TISCO về tổng mức đầu tư dự án sau rà soát lên đến 9.030 tỷ đôngf, tổng mức đầu tư TISCO đề xuất áp dụng các cơ chế đặc thù là 7.871 tỷ đồng và cho biết “độ chính xác của Tổng mức đầu tư sau khi rà soát chưa thật vững chắc”.

Lý giải về nhận định trên, SCIC cho biết, chưa thể xác định được chi phí dự trù cho việc mua sắm lại thiết bị hỏng hóc và vật liệu do dừng thi công dẫn tới gỉ sét là 5 triệu USD trên tổng 113,2 triệu USD khi phần lớn thiết bị được chuyển tới công trường vẫn chưa được mở hòm kiểm định…

Mặc dù SCIC đưa ra đánh giá dự án không còn hiệu quả khi tính toán đầy đủ các chi phí theo quy định song dựa trên báo cáo của TISCO, SCIC vẫn kiến nghị Thủ tướng duyệt một số chủ trương.

Cụ thể như xin miễn giảm thuế nhập khẩu đối với các thiết bị, dụng cụ nhập khẩu phục vụ dự án, thuế nhà thầu, không tính phần thuế VAT.

Đồng thời miễn, giảm chi phí lãi vay trong thời gian dự án dừng hoạt động. Giá trị xin ưu đãi thêm là 1.159 tỷ đồng, trong đó xin các ưu đãi về thuế là 529 tỷ, chi phí lãi vay trong thời gian dừng hoạt động 629 tỷ đồng.

SCIC cũng yêu cầu phía TISCO tính toán lại chính xác tổng mức đầu tư điều chỉnh, hiệu quả dự án và báo cáo Thủ tướng phê duyệt thực hiện.

Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên được khởi công xây dựng vào năm 2007 đến nay sau gần 10 năm vẫn chưa thể hoàn thành.

Năm 2012 khi dự án gặp khó khăn về tài chính, MCC đã rút về nước và đem theo hơn 90% tiền thanh toán phần thiết bị mà chưa bàn giao các hạng mục quan trọng cho nhà đầu tư.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục