tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 28-08-2016

  • Cập nhật : 28/08/2016

Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo việc cho vay các “ông lớn” Nhà nước

“Thường xuyên kiểm tra, giám sát và đánh giá việc sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ của khách hàng, nhất là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, khách hàng, khách hàng và người có liên quan có dư nợ lớn, hạn chế nợ xấu phát sinh”, công văn trên nhấn mạnh.

Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn số 6373/NHNN-TTGSNH yêu cầu đầu mối liên quan tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng vượt giới hạn, cấp tín dụng đối với khách hàng có dư nợ lớn.
 


Văn bản này vừa được gửi đến các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố và Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện mở rộng tín dụng đối với khách hàng song phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước giao thực hiện trong năm 2016.

Việc mở rộng tín dụng phải tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ; hạn chế cấp tín dụng vượt giới hạn vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đầu mối trên tăng cường theo dõi, giám sát, kiểm tra sau cấp tín dụng và thực hiện các biện pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng tín dụng, phòng ngừa rủi ro; đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thẩm định, đánh giá hiệu quả, cấp tín dụng và thu hồi nợ đối với khách hàng, khách hàng và người có liên quan theo quy định của pháp luật, đặc biệt đối với các trường hợp cấp tín dụng trên 15% và 25% vốn tự có.

“Thường xuyên kiểm tra, giám sát và đánh giá việc sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ của khách hàng, nhất là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, khách hàng, khách hàng và người có liên quan có dư nợ lớn, hạn chế nợ xấu phát sinh”, công văn trên nhấn mạnh.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng đề xuất việc cấp tín dụng vượt giới hạn trên cơ sở tuân thủ đúng quy định tại Điều 128 Luật Các tổ chức tín dụng, khả năng huy động vốn, kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng và bảo đảm các tỷ lệ, giới hạn về an toàn trong hoạt động; tự chịu trách nhiệm về các đề xuất cấp tín dụng vượt giới hạn theo quy định của pháp luật.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát thường xuyên đối với các tổ chức tín dụng trong việc tuân thủ các quy định về cấp tín dụng, sử dụng hạn mức tín dụng hiệu quả, đúng mục đích và an toàn hoạt động ngân hàng.

Các đầu mối giám sát trên kịp thời phát hiện, cảnh báo sớm rủi ro tín dụng và kiên quyết xử lý nghiêm tổ chức tín dụng vi phạm các giới hạn, quy định về hoạt động cấp tín dụng, đặc biệt là các vi phạm liên quan đến cấp tín dụng vượt giới hạn theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tăng cường giám sát mức độ tập trung tín dụng đối với khách hàng, khách hàng và người có liên quan để hạn chế rủi ro và có đề xuất phù hợp đối với đề nghị cấp giới hạn vượt giới hạn của tổ chức tín dụng.(Vneconomy)

Hơn 10.000 tỷ đồng cấp bù chênh lệch lãi suất cho Ngân hàng Phát triển

Tính đến cuối năm 2014, hai ngân hàng chính sách của Chính phủ đã nhận gần 12 nghìn tỷ đồng để cấp bù chênh lệch lãi suất từ NSNN. Tỷ lệ nợ xấu của VDB được Kiểm toán nhà nước đánh giá là cao và tăng nhanh.

Nhiều mặt còn tồn tại của hai ngân hàng chính sách đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra trong Báo cáo kiểm toán năm 2015. Tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) theo đánh giá của KTNN đã “cao và tăng nhanh” So với năm 2013, tỷ lệ nợ xấu tại 31/12/2014 đã tăng 68%, đạt 11,05%.

Đáng chú ý, KTNN cũng dẫn ra trường hợp VDB cho vay không đúng quy định nên chưa thu hồi được nợ. Theo đó, VDB Chi nhánh Lạng Sơn giải ngân trùng với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Lạng Sơn cho Công ty Cổ phần Xi măng Đồng Bành vay 127 tỷ đồng. Số nợ thu hồi mới đạt 5 tỷ đồng, vẫn còn hơn 120 tỷ đồng nợ tồn đọng ở khoản vay này.

Theo đánh giá của KTNN, VDB cân đối giữa huy động và sử dụng vốn chưa phù hợp, dẫn đến tồn đọng vốn lớn, chưa xây dựng hệ thống kiểm soát theo dõi, đánh giá về chất lượng tài sản có, quy định về quản lý thanh khoản, quản lý rủi ro theo quy định. VDB đã làm gia tăng cấp bù chênh lệch lãi suất từ NSNN.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến 31/12/2014 số còn phải cấp bù chênh lệch lãi suất tín dụng nhà nước, phí quản lý cho 02 ngân hàng chính sách và một số tổ chức khác là 12.045,9 tỷ đồng. Trong đó, riêng VDB đã được NSNN cấp bù chênh lệch lãi suất 10.052 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 83%.
Trong khi đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội còn nhận cấp bù 1.834,8 tỷ đồng. Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) nhận 63,2 tỷ đồng, một số tổ chức khác nhận cấp bù 95,9 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo KTNN, Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng đối mặt với vấn đề có nhiều khoản nợ đến hạn phải xin gia hạn hoặc chuyển nợ quá hạn.

Vào giữa tháng 6/2016, nhân sự cấp cao của hai Ngân hàng chính sách đã được thay đổi. Theo đó, ông Phạm Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV, được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) thay ông Nguyễn Quang Dũng, Quyền Chủ tịch Hội đồng quản lý VDB, nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/6/2016.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã bổ nhiệm ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCS&XH thay ông Nguyễn Văn Bình đã nhận công tác khác.(NDH)


Bất chấp Nghị định, nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn "thờ ơ" công bố thông tin

Sau khoảng hơn 9 tháng từ khi Nghị định số 81/2015/NĐ-CP về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước có hiệu lực, vẫn chỉ có hơn 25% DNNN thực hiện công bố thông tin.

Theo quy định tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp sẽ phải công bố định kỳ một loạt các thông tin như Chiến lược phát triển doanh nghiệp, kế hoạch SXKD và ĐTPT 5 năm và hàng năm, Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm, Báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức, Báo cáo tài chính 6 tháng và hàng năm, báo cáo tiền lương, tiền thưởng.

Tuy nhiên, theo cập nhật của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tính đến 31/7/2016, trong số 31 Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty (TCT) nhà nước phải thực hiện CBTT, chưa có DN nào thực hiện công bố đầy đủ các nội dung theo quy định.

Đặc biệt, một số DN lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), TCT Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), TCT Giấy Việt Nam, TCT Cà phê Việt Nam (Vinacafe), TCT Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1), TCT Sông Đà, TCT Thiết bị y tế Việt Nam là những đơn vị chưa thực hiện công bố công khai bất cứ một nội dung nào về công bố thông tin theo quy định.

Trong số 31 Tập đoàn kinh tế, TCT nhà nước có 1 DN là TCT Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM) thực hiện khá nghiêm túc việc công bố thông tin theo quy định (đã công bố 6/7 báo cáo đến thời hạn công bố).

Tính đến 31/7/2016, mới có 110/432 doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin.Trong đó, công bố kế hoạch SXKD và ĐTPT năm 2016 theo quy định không muộn hơn ngày 31/3 của năm 2016. Tuy nhiên, đến 31/7/2016, mới có 67/432 doanh nghiệp thực hiện. Cùng hạn nộp vào ngày 31/3/2016, nhưng mới có 57/432 DN công bố báo cáo kết quả sắp xếp, đổi mới 2015 mới có 57/432 doanh nghiệp thực hiện; 75 DN công bố báo cáo tiền lương, tiền thưởng 2015.

Công bố báo cáo tài chính 2015: Thời hạn công bố báo cáo tài chính năm (bao gồm cả báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất) không muộn hơn ngày 31/5 của năm 2016. Tính đến 31/7/2016, mới có 44/432 doanh nghiệp thực hiện.

Công bố báo cáo đánh giá thực hiện kế hoạch SXKD hàng năm và ba (03) năm gần nhất tính đến năm báo cáo (hạn nộp 20/6/2016) nhưng mới có 35/432 doanh nghiệp thực hiện. Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ công ích và trách nhiệm xã hội năm 2015 có 14/432 doanh nghiệp thực hiện; báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức 2015 mới có 40/432 doanh nghiệp thực hiện.(NDH)


Kiểm toán nhà nước kiến nghị thu thêm 6.220 tỷ đồng thuế và phải nộp ngân sách từ DNNN

Lợi nhuận năm 2014 sau kiểm toán tăng 1.494 tỷ đồng. Các khoản thuế và phải nộp NSNN theo tính toán của KTNN cũng tăng thêm 6.220 tỷ đồng.

Kiến nghị PVN nộp thêm 4.562 tỷ đồng thuế và phải nộp NSNN

Kết quả kiểm toán, KTNN điều chỉnh tăng tổng tài sản, nguồn vốn 1.845 tỷ đồng. Theo tính toán của KTNN, tính đến hết năm 2014, tổng tài sản của các DNNN đạt 1.668.623 tỷ đồng.

Tổng doanh thu năm 2014 tăng 1.518 tỷ đồng, lên 790.027 tỷ dồng. Lãi trong công ty liên doanh, liên kết tăng 44 tỷ đồng, Lợi nhuận kế toán trước thuế tăng 1.494 tỷ đồng lên 88.130 tỷ đồng, các khoản thuế và phải nộp NSNN tăng 6.220 tỷ đồng lên 26.346 tỷ đồng.

Trong đó, các khoản thuế và phải nộp NSNN tại PVN tăng thêm 4.562 tỷ đồng. KTNN cũng đề xuất HFIC nộp thêm 758,35 tỷ đồng, Habeco nộp thêm 210,3 tỷ đồng, Mobifone nộp thêm 201 tỷ đồng,...

Theo báo cáo của KTNN, nhiều Tập đoàn, Tổng công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ dẫn đến phải thu quá hạn, nợ khó đòi lớn. Đáng chú ý, Công ty mẹ Mobifone hiện có tới 312,8 tỷ đồng nợ khó đòi, chiếm 30,4% nợ phải thu.

Hàng chục tỷ đồng đầu tư không hiệu quả

Một số Tập đoàn, Tổng công ty quản lý, sử dụng hàng tồn kho chưa hiệu quả, ứ đọng; sử dụng tài sản sau đầu tư không hiệu quả gây lãng phí vốn, thu lỗ như Cty Công trình giao thông Sài gòn đầu tư gần 39 tỷ đồng vào hệ thống máy chuyên dùng cào bóc, tái chế nguội mặt đường nhưng không sử dụng. Nhiều đơn vị đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. CTCP Mía đường La ngà đầu tư chứng khoán trái quy định, chỉ do cá nhân Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ quyết định.

Hầu hết DNNN có hoạt động đầu tư xây dựng kinh doanh bất động sản còn dự án chậm tiến độ, nhiều dự án tạm dừng triển khai gây lãng phí. Trong đó, riêng PVN có tới 4 dự án đang tạm dừng. Một số doanh nghiệp chưa sử dụng hết đất đang quản lý hoặc sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp. KTNN cũng chỉ ra Tổng công ty Lâm Nghiệp giao khoán đất chưa đầy đủ hồ sơ, còn tình trạng lấn chiếm, chặt phá rừng nhưng việc xử lý còn nhiều khó khăn.

Báo cáo của KTNN cũng cho biết cơ bản các doanh nghiệp được cổ phần hóa đã xử lý các vấn đề tài chính trước khi xác định giá trị doanh nghiệp và giá trị vốn nhà nước tại DN. Tuy nhiên, KTNN cũng chỉ ra một số trường hợp thừa thiếu lớn như Công ty mẹ -HUD thiếu gần 90 tỷ đồng, công ty mẹ - Idico thiếu 817 tỷ đồng, Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà thừa 37,18 tỷ đồng.(NDH)


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục