Thủ tướng: Không tăng giá điện trong năm 2016
Bổ nhiệm Chủ tịch BIC làm Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Việt Nam VDB
"Đổ xô" trồng cây ăn quả tại Gia Lai
Bến Bạch Đằng Sài Gòn được đề xuất xây trung tâm thương mại ngầm
TS Phạm Sỹ Liêm: Chuyện ngược đời, đất vàng dắt quy hoạch
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 01-06-2016
- Cập nhật : 01/06/2016
Niềm tin của người tiêu dùng Việt lên cao nhất từ trước tới nay
Công ty nghiên cứu thị trường Taylor Nelson Sofres (TNS) Việt Nam vừa công bố một khảo sát cho thấy, 96% người Việt mong muốn có sự ổn định hoặc cải thiện về mức sống, trong đó 49% kỳ vọng mức sống sẽ cải thiện trong 12 tháng tiếp theo.
Theo khảo sát của TNS, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Việt tăng lên 91 điểm trong quý II/2016, cao nhất từ trước tới nay.
Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng của TNS dựa trên kỳ vọng của người Việt về trị giá của đồng tiền Việt Nam, tình trạng việc làm, nền kinh tế và mức sống cá nhân.
“Chỉ số niềm tin cao thể hiện sự lạc quan của người tiêu dùng Việt Nam đối với năm 2016, điều mà chúng tôi có thể quan sát được trong 20 năm qua”, báo cáo cho biết.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy, mức dự tính cho khoản tiền tiết kiệm/chi tiêu cao hơn 4% so với năm 2015. Đặc biệt, kế hoạch chi tiêu cho việc học của con cái, đầu tư, ăn uống và chăm sóc sức khỏe vẫn rất cao. Trong năm nay, 33% người tiêu dùng dự định sẽ chi tiêu nhiều hơn, lớn hơn nhiều so với con số 13% của năm ngoái.
“Trong vòng 20 năm qua, GDP của Việt Nam đã vượt xa mức trung bình của thế giới, cùng với mức tăng GDP bình quân đầu người đã chứng tỏ thế mạnh trong hiệu suất tăng trưởng nhanh chóng, cũng như sự phồn vinh, thịnh vượng của người Việt. Những con số này đã nêu bật tiềm năng và khả năng phát triển của thị trường mới nổi này”, báo cáo cho biết.
Trong năm 2016, tỉ lệ hộ gia đình Việt có thu nhập hằng tháng cao hơn mức 13,5 triệu đồng chiếm 57%, 30% có mức thu nhập từ 6,5-13,5 triệu đồng và chỉ có 13% số hộ có mức thu nhập dưới 6,5 triệu đồng. Các tỉ lệ này cải thiện rất nhiều so với 10 năm trước đây
Công bố Quyết định bổ nhiệm Chánh Văn phòng NHNN
Ngày 31/5/2016, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thống đốc NHNN về việc bổ nhiệm Chánh Văn phòng NHNN.
Tham dự buổi Lễ có đồng chí Đào Minh Tú – Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Thống đốc NHNN; đại diện Đảng ủy Cơ quan NHTW; lãnh đạo một số Vụ, Cục NHNN; Ban Lãnh đạo và cán bộ, công chức của Văn phòng, cùng đại diện lãnh đạo Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam…
Theo đó, ngày 31/5/2016, Thống đốc NHNN đã ký Quyết định số 1158/QĐ-NHNN về việc tiếp nhận và bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Văn Du – Phó Tổng Giám đốc, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam giữ chức Chánh Văn phòng NHNN kể từ ngày 01/6/2016.
Đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu và cố gắng bền bỉ, phẩm chất đạo đức của đồng chí Nguyễn Văn Du trong suốt thời gian công tác trước đây, Phó Thống đốc Đào Minh Tú tin tưởng đồng chí Nguyễn Văn Du cùng với tập thể cán bộ Văn phòng sẽ không ngừng trau dồi kiến thức, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều thành tích cao trong thời gian tới.
Phát biểu tại Lễ công bố, đồng chí Nguyễn Văn Du bày tỏ niềm phấn khởi được nhận nhiệm vụ với cương vị người đứng đầu Văn phòng NHNN. Đồng chí cũng bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đối với Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN đã tin tưởng giao cho đồng chí trọng trách mới, đồng thời hứa sẽ phát huy kinh nghiệm, thành quả đã đạt được của Văn phòng và của ngành Ngân hàng, nỗ lực phấn đấu, đóng góp tích cực vào sự phát triển của NHNN nói riêng và của ngành Ngân hàng nói chung.
Hà Nội: Đầu tư Dự án tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng Thung Lũng xanh tại Sóc Sơn
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Thông báo truyền đạt Kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung tại cuộc họp nghe báo cáo Dự án Khu du lịch, vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng Thung Lũng xanh.
Theo đó, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố thống nhất chủ trương đầu tư Dự án Khu du lịch, vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng Thung Lũng xanh; giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố trình Thường trực Thành ủy xem xét chỉ đạo.
UNBD thành phố giao trách nhiệm Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn Nhà đầu tư: Kiểm tra rà soát tổng mức đầu tư thực hiện dự án, đảm bảo khả thi. Trong quá trình thi công dự án, thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng và lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân địa phương.
Khi thi công phải đảm bảo môi trường, không phá vỡ cảnh quan sinh thái và công năng của rừng phòng hộ. Nhà đầu tư phải cam kết không bán, không chuyển nhượng dự án; phải thực hiện dự án đúng mục đích đầu tư.
Dự án thuộc xã Nam Sơn và xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội với khu vực nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết xây dựng có diện tích khoảng 92ha, do CTCP Đầu tư và Phát triển công nghệ Đông Bắc đề xuất phù hợp Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Sóc Sơn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được UBND TP Hà Nội phê duyệt và đã được cập nhật vào Kế hoạch sử dụng đất năm 2015 của UBND huyện Sóc Sơn. Nhà đầu tư đã thực hiện các quy trình thủ tục đầu tư đúng quy định.
Lãng phí hàng tỷ đồng tiền ngân sách
Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Đăk Lăk mua hàng loạt thiết bị với giá hàng chục tỷ đồng. Song điều đáng nói, những thiết bị này không đúng nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đồng bộ, không hoạt động được nên phải bỏ phí suốt nhiều năm qua, gây lãng phí rất lớn tiền ngân sách Nhà nước.
Từ lỏng lẻo…
Theo Quyết định số 2819/QĐ-UBND ngày 31/10/2011 của UBND tỉnh Đăk Lăk thì Sở TN&MT được UBND tỉnh Đăk Lăk giao làm chủ đầu tư mua sắm trang thiết bị cho 2 trạm quan trắc Khí tự động di động và Nước tự động di động, với tổng giá trị gần 29 tỷ đồng.
Đây là chương trình mua sắm thuộc Dự án nâng cao năng lực quan trắc môi trường của Đăk Lăk. Nhận Quyết định, năm 2013, cơ quan này tổ chức đấu thầu và đơn vị trúng thầu là Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (số 69, Tuệ Tĩnh, Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Việc mua bán được ký theo Hợp đồng số 09/HĐ-KT ngày 22/2/2013 với nội dung yêu cầu DN cung cấp toàn bộ hàng hóa máy móc thiết bị của nhà sản xuất MCZ do Đức sản xuất. Sau khi ký hợp đồng, Sở TN&MT cùng CTCP Tiến bộ Quốc tế đã bàn giao lắp đặt máy móc, thiết bị.
Đến ngày 28/11/2013, hai bên thống nhất lập Biên bản nghiệm thu thanh toán hợp đồng số 09/HĐ-KT và đến thời điểm hiện tại, Sở TN&MT chi trả cho DN trúng thầu nói trên 16,5 tỷ đồng.
Thực tế, mới chỉ có 44/59 bộ phận thuộc thiết bị được bàn giao cho 2 trạm quan trắc nói trên. Điều đáng nói chỉ 6/44 thiết bị đúng nhãn mác, có tới 22/44 thiết bị không đúng nhãn của nhà sản xuất và 12/44 thiết bị không có nhãn mác. Ngay cả 2 xe ô tô chở trạm cũng không đúng theo model trong hợp đồng.
Ngoài ra, có 1 thiết bị chưa được lắp đặt và phụ tùng vật tư kèm theo cho trạm thiếu 1 bộ. Và tới thời điểm hiện tại, các trạm này vẫn chưa đưa vào sử dụng do thiếu thiết bị và các thiết bị, máy móc không đồng bộ.
Theo Sở TN&MT, từ ngày bàn giao thiết bị, bên bán đã 2 lần mời chuyên gia từ Đức đến nhưng vẫn không khắc phục được, đồng thời Sở chưa được bàn giao catalogue hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt.
Ông Bùi Thanh Lam, Giám đốc Sở TN&MT cho biết, việc đàm phán, ký hợp đồng mua sắm các thiết bị trên do giám đốc tiền nhiệm thực hiện. Tin tưởng vào hồ sơ trước đó và nghĩ đối tác là DN lớn, có uy tín nên khi về tiếp nhận chức vụ giám đốc Sở (tháng 4/2013), ông Lam chỉ ký nghiệm thu. Khi xảy ra sự việc, Sở đã gửi công văn yêu cầu đối tác khắc phục.
Ông Lam cho biết thêm, nếu hết tháng 5/2016, DN không khắc phục hết các vấn đề, máy móc vẫn không vận hành được thì Sở sẽ trình UBND tỉnh Đăk Lăk cho phép trả lại các thiết bị đã mua.
…đến tắc trách?!
Tháng 10/2012, UBND tỉnh Đăk Lăk cũng giao cho Sở TN&MT làm chủ đầu tư công trình kè chống sạt lở bờ suối Krông Kmar (thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông) bằng nguồn vốn thuộc Chương trình hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu. Dự án được Sở TN&MT triển khai từ năm 2013, với chi phí đầu tư gần 160 tỷ đồng.
Để tiến hành thi công, công trình được Sở chia làm 4 gói thầu. Trong đó, CTCP Xây dựng công trình Sông Hậu (Hà Nội) trúng gói thầu số 3 (đoạn Km2+00 – Km3+00), với tổng giá trị gần 20 tỷ đồng.
Mặc dù, trúng thầu nhưng đến nay, CTCP Xây dựng công trình Sông Hậu vẫn chưa triển khai thi công. Được biết, hiện DN này đã bỏ công trình không thi công do không đủ năng lực.
Trước đó, trong thời gian tham gia đấu thầu, DN này đã bảo đảm dự thầu bằng 2 thư bảo lãnh của BIDV chi nhánh Hà Nội, số tiền 2 tỷ đồng theo quy định. Và sau khi ký hợp đồng số 09/2014 ngày 30/5/2014, DN đã tạm ứng trước 2 tỷ đồng kinh phí xây dựng.
Theo Sở TN&MT, tháng 7/2015, Sở gửi 2 Công văn số 1040/STNMT và 1131/STNMT đôn đốc DN này triển khai thi công nhưng công việc vẫn không chuyển biến. Sau khi báo cáo và được sự đồng ý của UBND tỉnh Đăk Lăk, Sở TN&MT đã tiến hành chấm dứt hợp đồng với DN nói trên và thay thế nhà thầu khác.
Để thu hồi số tiền 2 tỷ do CTCP Xây dựng công trình Sông Hậu tạm ứng, ngày 18/8/2015, Sở này có văn bản số 1163/STNMT-KHTC gửi BIDV chi nhánh Hà Nội đề nghị thu hồi tiền tạm ứng gói thầu số 3 theo 2 thư bảo lãnh mà DN này đưa ra trước đó.
Lúc này, Sở TN&MT mới “tá hoả”, khi tại Văn bản trả lời số 376/BIDV-NHN của BIDV chi nhánh Hà Nội cho biết: 2 thư bảo lãnh hợp đồng của DN nói trên là giả mạo chữ ký và con dấu của BIDV nên không có giá trị thanh toán.
Theo ông Lam, quá trình thực hiện dự án, Sở thuê Công ty Tư vấn xây dựng Đăk Lăk làm đơn vị tư vấn, quản lý và đấu thầu. Tuy nhiên, do đối tác chủ động làm giả giấy tờ nên Sở không kịp phát hiện sớm.
“Việc này đúng là ngoài khả năng kiểm soát, tôi không nghĩ lại xảy ra trường hợp thế này. Cuối tháng 12/2015, Sở đã có Công văn số 1844/STNMT – KHTC gửi Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Đăk Lăk đề nghị Công an tỉnh điều tra, làm rõ hành vi giả mạo giấy tờ, nhưng hiện vụ việc chưa có kết quả”, ông Lam cho biết thêm.
Hơn 200 thương lái Trung Quốc vào Bắc Giang giám sát thu mua vải thiều
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, sản lượng vải tại hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên đều giảm so với năm ngoái. Nếu như năm ngoái sản lượng vải của Bắc Giang đạt 200.000 tấn, Hải Dương 40.000- 60.000 tấn thì năm nay ước giảm khoảng 10%.
Chia sẻ với PV, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang cũng cho hay, tổng sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang ước đạt 130.000 tấn, giảm 65.000 tấn so với năm 2015.
Trong đó vải chín sớm ước đạt khoảng 23.000 tấn chiếm 17,7%; vải thiều chính vụ là 107.000 tấn chiếm 82,3%; tập trung ở các huyện Lục Ngạn ước đạt 70.000 tấn, Lục Nam 28.000 tấn….
Hiện nay Bắc Giang vẫn chưa có vải bán. Dự kiến đến ngày 5/6 sẽ thu hoạch vải chín sớm và đến ngày 20/6 mới có vải thiều chính vụ.
Theo lãnh đạo Sở Công thương, nguyên nhân sản lượng vải giảm là do giảm diện tích để chuyển đổi cơ cấu cây trồng. So với năm 2015, diện tích trồng vải giảm 1.000 ha, xuống còn 30.000 ha. Chất lượng vải thiều bình diện chung năm nay cao hơn những năm trước.
Để xuất khẩu sang những thị trường khó tính, Cục trưởng Cục BVTV cho biết, đến nay Cục đã cấp được 29 mã số với khoảng 300 ha cho vải, phần lớn ở Bắc Giang.
Riêng huyện Lục Ngạn được Mỹ cấp 15 mã vùng trồng vải cho hơn 200 hộ dân với 158 ha theo tiêu chuẩn Globalgap, với chất lượng đặc biệt; được trồng, chăm sóc dưới sự giám sát nghiêm ngặt về quy trình sản xuất của các cơ quan chức năng; sản lượng dự kiến khoảng 1.000 tấn đảm bảo điều kiện xuất khẩu vải thiều sang Mỹ, Úc, EU... Vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGap đạt 12.560 ha, sản lượng dự kiến đạt khoảng 53.000 tấn, đáp ứng nhu cầu sử dụng quả vải chất lượng cao.
Tuy nhiên, ông Tấn cho biết, thị trường xuất khẩu chính của quả vải vẫn là thị trường Trung Quốc, chiếm 90% số lượng vải xuất khẩu. Còn lại các thị trường mới mở số lượng vẫn hạn chế. Song qua đó khẳng định thương hiệu và chất lượng, mở ra triển vọng cho vải thiều.
Không để tình trạng được mùa mất giá
Giám đốc Sở Công thương Trần Quang Tấn cho biết, năm 2015, thu hoạch vải thiều đạt sản lượng cao, được giá, thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu thuận lợi. Giá trị sản xuất toàn tỉnh đạt khoảng 2.900 tỷ; giá trị xuất khẩu đạt 1.700 tỷ (80 triệu USD).
Đặc biệt thị trường tiêu thụ có sự chuyển dịch tích cực: tiêu thụ tại thị trường nội địa chiếm 55% tổng sản lượng, thị trường xuất khẩu chiếm 45%. Lần đầu tiên vải thiều tươi của Bắc Giang đã xuất khẩu vào các thị trường khó tính như: Mỹ, Úc, Pháp, Anh, Nhật Bản, Malaysia… đồng thời duy trì ở thị trường truyền thống Trung Quốc và nội địa.
Năm 2016 tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu tiếp tục xuất khẩu vải thiều vào các thị trường như Mỹ, Úc, EU… Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký mua vải thiều để đưa vào thị trường này.
Dự kiến tổng sản lượng tiêu thụ trong nước khoảng 78.000 tấn, chiếm khoảng 60%; xuất khẩu khoảng 52.000 tấn, chiếm khoảng 40%. Thị trường trong nước chủ yếu ở các siêu thị, chợ đầu mối tại các tỉnh, thành phố như TP Hà Nội, TP Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh phía nam và các tỉnh lân cận.
Theo báo cáo của tỉnh Bắc Giang, các công đoạn chuẩn bị cho thu hoạch, tiêu thụ vải thiều được chuẩn bị kỹ lưỡng. Vào vụ thu hoạch vải thiều, toàn tỉnh có khoảng gần 3.000 điểm thu mua lớn nhỏ, với trên 1.500 thương nhân trong và ngoài nước về thu mua và giám sát tiêu thụ vải thiều; trong đó riêng thương nhân là người Trung Quốc đến giám sát thu mua là trên 200 người.
Thị trường xuất khẩu truyền thống tiếp tục được duy trì, giữ vững và ổn định. Tiếp tục tìm kiếm, mở rộng các thị trường xuất khẩu mới, thị trường tiềm năng với yêu cầu chất lượng cao hơn nhằm giảm áp lực phụ thuộc và thị trường xuất khẩu truyền thống.
Để tạo điều kiện cho quả vải xuất khẩu, ông Hoàng Trung cho biết, mùa vải năm nay, Trung tâm chiếu xạ Hà Nội đi vào hoạt động sẽ giúp các doanh nghiệp giảm chi phí chiếu xạ. Chẳng hạn để xuất khẩu sang Australia, nếu chiếu xạ ở miền Bắc và xuất đi, riêng chi phí đã giảm được 16 triệu đồng/tấn.
Thị trường của vải thiều, ngoài Mỹ, Úc, Châu Âu, vải còn xuất đi các nước Đông Nam Á.
Tuy nhiên, thị trường nhập khẩu vải lớn nhất vẫn là Trung Quốc. Như trong năm 2015, kể cả sản phẩm vải khô và tươi, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này hơn 100.000 tấn, chiếm 50-60% tổng sản lượng vải xuất khẩu. Chính vì thế các kế hoạch triển khai, tạo điều kiện qua quả vải xuất khẩu sang Trung Quốc được tiến hành từ sớm.
Để đảm bảo vải được thông quan với thời gian ngắn nhất, ông Hoàng Trung cho biết, Cục Bảo vệ thực vật đã chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch thực vật ở Lào Cai và Lạng Sơn, tạo điều kiện tối đa thông quan, thậm chí khi vào vụ cao điểm có thể bố trí thêm cán bộ để không xảy ra tình trạng ách tắc 1 lô hàng nào. Về phía địa phương, các tỉnh đã chủ động tổ chức hội nghị xúc tiến quả vải.
Cục Bảo vệ thực vật cũng như các tỉnh đã chủ động làm việc với cơ quan kiểm dịch Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi nhất, tránh trường hợp ùn tắc. Bên cạnh đó, hàng không cũng cam kết với tỉnh dành tải trọng, tạo điều kiện để xuất quả vải đi các nước.
Ông Tấn cũng cho biết, công tác xúc tiến đang được tiến hành bài bản. Thông điệp phải được giải quyết từ quả vải thiều, không thể để tình trạng được mùa mất giá.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng tăng cường tổ chức tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kiểu dáng bao bì, tem, nhãn hiệu hàng hóa, hình ảnh sản phẩm vải thiều, đặc biệt là vải thiều an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap, Globalgap với khách hàng trong và ngoài nước; tổ chức Tuần lễ vải thiều tại thành phố Hà Nội, mở rộng kênh tiêu thụ thông qua các siêu thị lớn...
Hiện nay các doanh nghiệp đã trực tiếp liên kết với các vùng vải để xuất khẩu. Các siêu thị như Big C cũng đã ký hợp đồng với các đại lý, Hapro cũng làm việc tỉnh cách đây 3 tháng.
Năm nay chất lượng vải cao hơn, mở rộng ra nhiều thị trường nên tỉnh Bắc Giang kỳ vọng mùa vải năm nay sẽ được giá.
“Năm ngoái tỉnh Bắc Giang thu được 2.900 tỷ từ quả vải, cao nhất trong 60 năm qua. Năm nay chất lượng vải cao hơn những năm trước nên cũng phải thu được mức như thế trở lên. Chỉ cần một đồng tăng thêm tăng được mấy trăm tỷ”, ông Tấn nói.(BĐT)