Bloomberg: Việt Nam hạ lãi suất có thể làm gia tăng rủi ro tín dụng; Thái Lan cầu cứu láng giềng vì lo thiếu lao động; Bất động sản Trung Quốc: Cá lớn hăng hái nuốt cá bé; Người nước ngoài vực dậy dân số Nhật Bản
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 26-08-2017
- Cập nhật : 26/08/2017
Mexico và Canada phản pháo ông Trump
Mỹ, Canada và Mexico tổ chức vòng đàm phán đầu tiên hôm 20-8 để chỉnh sửa lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) nhưng không có dấu hiệu của sự đột phá nào.
Mở lại vòng đàm phán
Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Donald Trump mở lại vòng đàm phán NAFTA vì lo ngại lợi ích kinh tế của Mỹ sẽ bị thiệt hại vì hiệp định này. “Tôi không nghĩ chúng ta có thể tiếp tục hiệp định thương mại này, tôi nghĩ có lẽ chúng ta sẽ chấm dứt hiệp định NAFTA tại một thời điểm nào đó. Tôi không nghĩ rằng quý vị có thể thực hiện một thỏa thuận nào đó mà không có điều khoản chấm dứt” - Tổng thống Trump nói trong một sự kiện gặp gỡ người ủng hộ ở TP Phoenix, bang Arizona hôm 22-8.
NAFTA đã được ba nước Canada, Mỹ và Mexico ký kết từ năm 1994 nhằm giúp trao đổi kinh tế thương mại giữa ba nước được dễ dàng. Tuy nhiên, trong suốt thời gian tranh cử tổng thống Mỹ, ông Trump đã liên tục chỉ trích hiệp định này và cho rằng đây là “thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất trong lịch sử” đất nước. Ông Trump cũng đổ lỗi cho NAFTA đã cướp đi việc làm của hàng triệu lao động Mỹ. Sau khi đắc cử tổng thống, ông Trump lại bất ngờ đồng ý tái đàm phán NAFTA. Quyết định này được ông đưa ra hồi tháng 4 sau cuộc đàm phán với lãnh đạo của hai nước Canada và Mexico (để rồi giờ ông lại đổi ý).
Đến ngày 23-8, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer lại quay sang khẳng định lại khả năng chấm dứt NAFTA và cho rằng Mỹ đang tìm kiếm “những thay đổi đáng kể để giải quyết những thất bại cơ bản của hiệp định này”.
“Tổng thống Trump đã nói ngay từ đầu rằng nếu đàm phán NAFTA không thành công, ông sẽ rút khỏi thỏa thuận” - tuyên bố của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ cho biết.
Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa sẽ hủy bỏ Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) nếu các vòng đàm phán không thành công. Ảnh: REUTERS
Mexico và Canada không nao núng
Những bình luận mới nhất của ông Trump về Hiệp định NAFTA đã khiến cho đồng peso của Mexico rớt giá 1% trong phiên giao dịch sáng 23-8 (giờ địa phương). Năm 2016, đồng tiền Mexico cũng sụt giảm đến mức kỷ lục sau khi ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.
Ngược lại với phản ứng của thị trường, Ngoại trưởng Mexico Luis Videgaray cho rằng phát biểu của ông Trump không phải là mối lo ngại và Mexico sẽ không bị nao núng trên bàn đàm phán: “Ông ấy đang thương thuyết theo lối đặc trưng của ông ấy”. Còn Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo cũng cho biết Mexico đang có một “kế hoạch B được hoạch định rất rõ ràng” trong trường hợp vòng đàm phán NAFTA thất bại, tuy nhiên ông từ chối cung cấp chi tiết về kế hoạch này.
Về phía Canada, Thủ tướng Justin Trudeau trong cuộc nói chuyện với các PV ở Montreal đã khẳng định các quan chức của ông sẽ “tập trung vào công việc khó khăn trước mắt mà họ phải làm trên bàn đàm phán” và hiệp định “không có gì thay đổi” ở thời điểm hiện tại. Hãng tin Reuters cũng dẫn lời một quan chức cấp cao của chính phủ Canada cho biết nước này sẽ không nao núng vì những lời đe dọa hủy bỏ NAFTA của ông Trump và đã dự trù sẵn những thời điểm khó khăn trong những cuộc đàm phán sắp tới. “Đây là một lá bài mà chúng tôi biết tổng thống Mỹ sẽ đưa ra… Lá bài này sẽ không làm cho lập trường của chúng tôi dao động” - viên chức giấu tên này nói.(PLO)
-------------------------
Doanh nghiệp ô tô lớn mới được giảm thuế
Bộ Tài chính xin ý kiến các bộ, ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp về đề xuất giảm thuế nhập khẩu linh kiện ô tô chở người dưới 9 chỗ và xe tải từ 5 tấn trở xuống theo chương trình ưu đãi thuế từ năm 2018 - 2022.
Đề xuất thuế mới của Bộ Tài chính khiến các chuyên gia lo ngại độc quyền, lợi ích nhóm trong ngành sản xuất ô tô VN ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Đề xuất của Bộ Tài chính về việc giảm mạnh thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô vào VN nhưng lại đặt chỉ tiêu quá cao về sản lượng mà chỉ có các doanh nghiệp lớn mới đáp ứng nổi đang vấp phải nhiều ý kiến phản đối.
Giảm thuế nhập khẩu linh kiện
Trong dự thảo công văn báo cáo Thủ tướng để xin ý kiến chỉ đạo về nội dung sửa đổi chính sách thuế nhập khẩu (NK) đối với linh kiện ô tô và thuế NK xe ô tô đã qua sử dụng, Bộ Tài chính đã xin ý kiến các bộ, ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) về đề xuất giảm thuế nhập khẩu linh kiện ô tô chở người dưới 9 chỗ và xe tải từ 5 tấn trở xuống theo chương trình ưu đãi thuế từ năm 2018 - 2022.
Theo đó, cơ quan này đưa ra hai phương án giảm thuế nhằm khuyến khích DN sản xuất lắp ráp, giúp giảm chi phí, giá bán để tăng cạnh tranh với xe NK cũng như tăng sản lượng tiêu thụ. Cụ thể, phương án 1 là giảm về 0% với 163 dòng thuế linh kiện ô tô NK để lắp ráp. Theo đó, giảm mức thuế suất trung bình của cả bộ linh kiện từ 14 - 16% xuống khoảng 7% đối với xe dưới 9 chỗ và khoảng 1% đối với xe tải dưới 5 tấn. Phương án 2 là giảm xuống 0% với 19 dòng thuế linh kiện là động cơ, hộp số, cụm truyền động, bơm cao áp để lắp ráp (những linh kiện phụ tùng VN chưa thể sản xuất) và giảm xuống 10% với 42 dòng thuế thuộc nhóm bộ phận và phụ kiện từ các mức 15%, 20% và 25%. Theo đó, thuế suất trung bình của cả bộ linh kiện xe con sẽ giảm từ 14 - 16% xuống 9 - 11% và xe tải dưới 5 tấn giảm 7,9%.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nếu thực hiện phương án 1 cho cả xe dưới 9 chỗ, loại dung tích xi lanh dưới 2.000 cc và xe tải dưới 5 tấn cho cả giai đoạn 2018 - 2022, tổng số thuế NK sẽ giảm 5.231 tỉ đồng, thuế thu nhập DN thu được do tăng sản lượng là 535 tỉ đồng. Tương tự với phương án 2, tổng số thuế NK giảm 3.505 tỉ đồng, thuế thu nhập DN thu được do tăng sản lượng 535 tỉ đồng.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng việc giảm thuế sẽ giúp các DN VN tiết giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh với các DN nước ngoài. Đặc biệt, trong thời gian tới, khi thuế NK ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN về VN bằng 0%, nếu VN vẫn giữ nguyên mức thuế NK linh kiện cùng các chính sách như hiện nay, lắp ráp trong nước sẽ không hiệu quả, ô tô nhập sẽ chiếm lĩnh cả thị trường. Cũng theo ông Long, thuế là 1 trong những yếu tố cấu thành giá của một sản phẩm. Giảm thuế NK kết hợp cùng việc giảm các lệ phí khác chắc chắn sẽ kéo theo giảm giá thành xe lắp ráp tại VN.
Chỉ 3 doanh nghiệp đủ điều kiện
Đáng nói là trong đề xuất của Bộ Tài chính, để được hưởng ưu đãi thuế theo chương trình này, các DN phải đảm bảo điều kiện về sản lượng xe sản xuất lắp ráp cũng như tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước của mẫu xe cam kết trong từng năm. Cụ thể, đối với xe chở người dưới 9 chỗ, dung tích từ 2.000 cc trở xuống, tỷ lệ tăng trưởng từ 2018 - 2022 phải đạt 16%/năm, sản lượng chung tối thiểu năm 2018 đạt 34.000 xe, tổng giai đoạn 2018 - 2022 đạt 234.000 xe. Với lộ trình trên, khả năng sẽ chỉ có 3 DN đủ điều kiện tham gia chương trình.
Ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Công ty ô tô Xuân Kiên, hết sức phản đối điều kiện này. Theo ông, mức sản lượng chung tối thiểu mà Bộ Tài chính đưa ra chỉ các DN lớn, đã hoạt động kinh doanh nhiều năm trong ngành mới đủ điều kiện đáp ứng, như vậy là không công bằng. Các DN mới muốn xây dựng thương hiệu ô tô Việt, mới bắt đầu lắp ráp ô tô tại VN làm sao đáp ứng được điều kiện 34.000 xe. Nếu không được hưởng ưu đãi, các DN này sẽ càng khó khăn hơn và giấc mơ ô tô Việt sẽ còn kéo dài.
Đồng tình, chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng nói thẳng quy định này sẽ tạo độc quyền, không đem lại lợi ích chung cho xã hội và càng không có lợi cho ngành phát triển công nghiệp ô tô của VN. “Sản xuất lắp ráp xe phải đặt tiêu chuẩn lên hàng đầu. Con số 34.000 hay 40.000 xe có ý nghĩa gì? Quan trọng chất lượng chứ không phải số lượng. Hơn nữa, nếu làm như vậy, giá xe sản xuất lắp ráp tại VN chắc chắn không thể giảm vì các DN này sẽ bắt tay nhau để giữ giá”, ông Đồng nói và đề xuất đối với những linh kiện, phụ tùng mà VN không thể đầu tư được, nên giảm thuế. Cùng với đó, nên tăng thuế gấp đôi với những loại linh kiện NK trong khi có thể sản xuất tại VN. Như vậy mới khuyến khích sản xuất phụ tùng trong nước. “Nếu có chính sách hợp lý trong 5 năm, ngành sản xuất linh kiện của VN hoàn toàn có thể phát triển. Quan trọng là phải đảm bảo chính sách được áp dụng với tất cả các DN, như vậy mới khuyến khích nội địa”, ông Đồng nhấn mạnh.
PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, nguyên giảng viên Khoa Cơ khí - Đại học Bách khoa TP.HCM, góp ý thêm: Bộ Tài chính đưa chính sách miễn thuế nên phân biệt rõ ràng các xí nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện ô tô, lắp ráp ô tô tại VN do người Việt làm chủ với các DN tại VN nhưng do người nước ngoài tổ chức. “Đối với các DN do người Việt làm chủ, nên có khuyến khích để gia tăng sản xuất trong nước, tự chủ về kinh tế. Còn các công ty ở VN nhưng người nước ngoài làm chủ, lợi tức sẽ được chuyển về nước họ, giảm thuế không mang lại lợi ích cho dân ta, nước ta”, ông nói và khẳng định nếu chỉ áp dụng ưu đãi thuế cho một vài DN, việc khuyến khích sản xuất nội địa sẽ “không ăn thua”. Như thế là khuyến khích DN nước ngoài sản xuất, đưa sẵn đầu ra là VN chứ đâu có tạo điều kiện cho DN nội phát triển.(Thanhnien)
---------------------------
Trung Quốc: Ấn Độ nên tránh lạm dụng các biện pháp phòng vệ thương mại
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC) Cao Phong tại buổi họp báo ngày 24/8 cho biết Ấn Độ cần tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và tránh lạm dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Nguồn: morethanshipping.com
Theo ông Cao Phong, với tư cách là một thành viên WTO, Ấn Độ luôn tích cực sử dụng các biện pháp chống bán phá giá. Kể từ năm 1994, nước này đã tiến hành 212 cuộc điều tra chống bán phá giá nhằm vào các sản phẩm của Trung Quốc, trong đó năm 2017 là 13 cuộc điều tra. Tới nay, Ấn Độ đã áp dụng 93 biện pháp chống bán phá giá với Trung Quốc.
Người phát ngôn MOC cho biết Trung Quốc hết sức lo ngại với xu hướng thường xuyên triển khai các cuộc điều tra của phía Ấn Độ và yêu cầu New Delhi sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại một cách thận trọng và kiềm chế.
Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp và ủng hộ những nỗ lực của các doanh nghiệp này trong việc đối phó với những hành động của phía Ấn Độ.
Theo ông Cao Phong, là hai quốc gia đang phát triển lớn trong khối BRICS, Trung Quốc và Ấn Độ cần phải hợp tác chặt chẽ để đấu tranh cho một cơ chế thương mại đa phương tự do và cởi mở.
Trung Quốc sẵn sàng cùng với Ấn Độ nỗ lực xây dựng một nền tảng đối thoại và đàm phán công nghiệp để giải quyết các tranh chấp thương mại và đạt được lợi ích chung. (Vietnam+)
------------------------
Cuộc chiến dai dẳng
Cuộc chiến thương mại dai dẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu sau khi Washington chính thức thông báo điều tra Bắc Kinh có vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các công ty Mỹ hay không.
Đại diện Thương mại Mỹ nêu rõ cuộc điều tra đối với Trung Quốc được tiến hành theo Khoản 301 trong Đạo luật Thương mại 1974 nhằm xác định liệu các hành động, chính sách và thực tiễn của Chính phủ Trung Quốc liên quan đến việc chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ và các công nghệ mới có cơ sở không, có phân biệt đối xử hay không, có gây khó khăn hay hạn chế thương mại của Mỹ hay không. Khoản 301 trao cho Tổng thống Mỹ quyền áp dụng mọi biện pháp cần thiết để chống lại chính sách hay hành động của quốc gia khác gây tổn hại cho thương mại của Mỹ hay đi ngược lại các thỏa thuận quốc tế.
Động thái trên được cho chẳng qua là "giọt nước tràn ly" bởi lâu nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn luôn chỉ trích Trung Quốc có hành vi thương mại mang tính xâm phạm không chính đáng. Tổng thống Trump nhấn mạnh bất kể quốc gia nào ép buộc doanh nghiệp Mỹ dùng công nghệ then chốt để đổi lấy sự cho phép đi vào thị trường của nước đó, Mỹ đều sẽ có những biện pháp trả đũa. Sau khi ký sắc lệnh trao quyền tiến hành điều tra thương mại đối với Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump còn bày tỏ sẽ có nhiều hành động hơn, đồng thời tuyên bố đây mới chỉ là sự bắt đầu.
Đáp lại, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc bày tỏ Trung Quốc theo dõi chặt chẽ việc Mỹ khởi động điều tra thương mại nhằm vào Trung Quốc. Điều khoản 301 từ khi ra đời đến nay mang đậm màu sắc chủ nghĩa đơn phương, luôn tạo cớ cho Mỹ phản đối các nước khác. Mỹ đã cam kết với cộng đồng quốc tế dùng phương thức phù hợp với quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để thực hiện điều khoản này. Trung Quốc thúc giục Mỹ nghiêm khắc tuân thủ cam kết, không nên trở thành kẻ phá hoại quy tắc đa phương. Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh, Mỹ cần tôn trọng cục diện và xu thế hợp tác tốt đẹp của quan hệ kinh tế, thương mại Trung-Mỹ hiện nay, bất kỳ cách làm nào theo chủ nghĩa bảo hộ thương mại của phía Mỹ cũng đều gây tổn hại quan hệ kinh tế, thương mại Trung-Mỹ và lợi ích của các doanh nghiệp hai nước.
Việc khởi động cuộc chiến này hoàn toàn nằm trong dự đoán của giới chuyên gia. Xét trên khía cạnh kinh tế thương mại, Mỹ không hài lòng với lợi ích và sự nhượng bộ gần đây đạt được trong thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, vẫn muốn được lợi nhiều hơn thông qua các phương diện như tư vấn, hiệp thương, đàm phán để được tiếp cận thị trường, “trả lại doanh thu từ sở hữu trí tuệ bị đánh cắp”... Bên cạnh đó, giới phân tích cũng cho rằng nguyên nhân sâu xa của động thái này còn xuất phát từ vấn đề Triều Tiên cho dù các quan chức Nhà Trắng đặc biệt nhấn mạnh “vấn đề kinh tế thương mại ở đây không liên quan đến an ninh quốc gia như vấn đề Triều Tiên”. Trên thực tế, Tổng thống Donald Trump luôn xếp vấn đề “thương mại” và “Triều Tiên” cùng là hai vấn đề lớn giữa Mỹ và Trung Quốc.
Dù lý do ẩn sâu trong quyết định trên của chính quyền Tổng thống Donald Trump có là gì đi chăng nữa, thì có một sự thật không thể thay thế được đó là nếu cuộc điều tra này thực sự được tiến hành, Mỹ-Trung sẽ phải tiến hành một loạt cuộc hiệp thương. Nếu không đi đến được thống nhất, các biện pháp như hạn chế nhập khẩu hàng hóa, nâng mức thuế đối với Trung Quốc,... có thể sẽ được áp dụng luân phiên. Khi đó, nguy cơ chiến tranh thương mại sẽ hiện hữu, kéo theo thiệt hại không nhỏ với 2 nhân vật chính của cuộc chiến là Mỹ và Trung Quốc.
Rõ ràng, việc Chính quyền Donald Trump có những phản ứng ban đầu trước việc Trung Quốc cưỡng ép và đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ của các cá nhân và doanh nghiệp Mỹ, cũng như đối với chính sách kinh tế mang tính “chộp giật” của Trung Quốc, là tín hiệu tốt lành, nhưng việc cải thiện quan hệ kinh tế, thương mại Mỹ-Trung vẫn còn phải trải qua một chặng đường rất dài, đương nhiên đòi hỏi sự nhẫn nại hơn nữa.(Baohaiquan)