EVN đề nghị không mua điện Trung Quốc 4 tháng mùa mưa
Nửa đầu tháng 8, xuất khẩu gạo đạt 3,3 triệu tấn
Việt Nam là thị trường xuất khẩu gia súc lớn thứ hai của Australia
Vietjet Air tăng doanh thu trên 200%
Vàng trong nước đang cao hơn thế giới 4,57 triệu đồng/lượng
Tin kinh tế đọc nhanh 09-07-2017
- Cập nhật : 09/07/2017
VTV "chán" dự án tháp truyền hình cao nhất thế giới
Cả Đài truyền hình Việt Nam (VTV) và Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đều xin rút vốn đầu tư khỏi dự án Tháp truyền hình cao nhất thế giới với 636 m.
Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo về dự án Tháp truyền hình Việt Nam và phương án tái cơ cấu vốn đầu tư tại Công ty cổ phần Tháp truyền hình Việt Nam.
Cho ý kiến về đề xuất mới nhất của Đài truyền hình Việt Nam (VTV) và Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) về phương án xây dựng dự án Tháp truyền hình cao nhất thế giới, Bộ Tài chính đề nghị Văn phòng Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư dự án báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ về sự cần thiết phải triển khai dự án, mục tiêu thực hiện dự án và năng lực thực hiện dự án của chủ đầu tư.
Ý kiến này được đưa ra trên cơ sở đề xuất rút vốn của VTV và SCIC tại dự án này.
Cụ thể, tháng 2-2015, Thủ tướng đã đồng ý cho VTV phối hợp SCIC lập công ty cổ phần Tháp truyền hình Việt Nam để tham dự án. Về tiến độ triển khai, ngày 22-5-2017, VTV có văn bản số 729/THVN báo cáo cần tập trung ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cho sản xuất chương trình và phát triển kinh doanh trong lĩnh vực truyền hình. Do đó VTV đề nghị thoái toàn bộ hoặc phần lớn vốn tại công ty CP Tháp truyền hình Việt Nam.
VTV cũng cho biết nếu SCIC chủ trương đưa Công ty cổ phần Tháp truyền hình Việt Nam vào danh mục điều chỉnh triển khai thoái vốn (rút 100% vốn khỏi công ty) do dự án… không nằm trong danh mục hiện hữu mà Nhà nước cần chi phối hoặc đầu tư góp vốn trong định hướng phát triển SCIC. Mặt khác, theo báo cáo của VTV thì hiện tại dự án chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chưa triển khai thực hiện.
Để triển khai dự án Tháp truyền hình cao nhất thế giới, tháng 12-2015, VTV đã thành lập Công ty Cổ phần Tháp truyền hình Việt Nam, vốn điều lệ 600 tỉ đồng. Theo báo cáo của VTV, đến nay 3 đơn vị góp vốn mới góp được 150 tỉ đồng. Bộ Tài chính cho biết theo quy định, doanh nghiệp phải thực hiện điều chỉnh vốn điều lệ.
Đối với đề nghị của VTV về việc thoái vốn, Bộ Tài chính đề nghị VTV và SCIC yêu cầu công ty tổ chức Đại hội đồng cổ đông để xác định lại sự cần thiết, mục tiêu của dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Trường hợp VTV và SCIC thoái vốn theo phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền, việc thoái vốn thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và Luật doanh nghiệp.
Trước đó, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, Công ty cổ phần Tháp truyền hình Việt Nam cho biết mục tiêu đầu tư xây dựng tháp truyền hình "Đây là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực truyền hình Việt Nam. Ngoài ra, còn là dự án đa mục tiêu, không chỉ dùng cho kỹ thuật truyền hình mà còn sử dụng ở nhiều mục tiêu khác nhau…". Tháp truyền hình do VTV đề xuất xây dựng sẽ là tháp truyền hình cao nhất thế giới, chiều cao 636 m đặt tại tại khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội). Riêng khối tháp có mức đầu tư 900 triệu USD trong khi tổng vốn đầu tư dự án là 1,3 - 1,5 tỉ USD. Dư luận xã hội rất băn khoăn về mục tiêu xây dựng dự án này vì lo ngại hiệu quả kinh tế không cao, mục đích xây dựng không cần thiết, có thể gây lãng phí trong khi nguồn lực của đất nước dành cho những nhiệm vụ đầu tư khác còn thiếu trước hụt sau.(NLĐ)
------------------
Tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn với hợp tác xã
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, để phát triển hợp tác xã, tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần gắn với mô hình kinh tế này.
Ngày 7-7 tại Đà Lạt đã diễn ra hội nghị Sơ kết thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 trong lĩnh vực nông nghiệp vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ, do Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX cho rằng sự phát triển của mô hình kinh tế tập thể, HTX còn bị bó buộc bởi một số quy định bất cập. Để phát triển HTX, tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần gắn với mô hình kinh tế này.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, luật HTX năm 2012 không phù hợp khi quy định về tỉ lệ góp vốn tối đa của thành viên HTX chỉ được bằng 20% vốn điều lệ.
Bất cập thấy rõ nhất ở các HTX sản xuất hàng hóa quy mô lớn hướng đến thị trường xuất khẩu, cần nguồn vốn nhiều. Ngoài ra, quy định tỉ lệ cung ứng các sản phẩm và dịch vụ cho khách hàng không phải là thành viên HTX nằm trong giới hạn 32% là bất cập.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính sách hỗ trợ HTX nhiều nhưng tản mạn, thiếu định hướng đầu tư liên kết và tiêu thụ sản phẩm”.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, mô hình kinh tế HTX nhìn chung còn chậm phát triển, ngoài những bất cập trong luật tác động đến thì một phần nguyên nhân nằm ở việc bản thân các HTX thiếu vốn, không chú trọng đến tìm kiếm, đào tạo nhân lực chất lượng cao và chưa tạo được chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ theo chuỗi.
Theo Bộ NN&PTNT, đến hết năm 2016, vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ có 1272 HTX nông nghiệp chiếm 11,8% tổng số HTX nông nghiệp cả nước. Nguồn vốn trung bình của mỗi HTX khoảng 2,1 tỷ đồng, cao gấp đôi so với bình quân cả nước.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng từ khi thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 đến nay các hợp tác xã có sự chuyển biến tích cực, nhất là các mô hình kiểu mới, công nghệ cao.
Tuy nhiên, việc phát triển này chưa tương xứng với tiềm năng, liên kết tiêu thụ sản phẩm chủ yếu qua thương lái nên giá trị thấp.
Theo Phó thủ tướng, việc tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp phải gắn với kinh tế tập thể, mô hình HTX và nông thôn mới.
Để tháo gỡ cho các HTX phát triển ngoài điều chỉnh các quy định bất cập cần phải chú trọng hỗ trợ xây dựng liên kết tiêu thụ nông sản, giải quyết tạo điều kiện về vốn, đất sản xuất và tín dụng.(Tuoitre)
--------------------------
Yêu cầu PVN xử lý 5 dự án thua lỗ nghìn tỉ
Chiều 7.7, Bộ Công thương đã họp khẩn với Tập đoàn dầu khí quốc gia VN (PVN) về xử lý các dự án (DA), doanh nghiệp thua lỗ, yếu kém của ngành.
Trong 12 DA yếu kém của ngành công thương, PVN có 5 DA, gồm 3 DA sản xuất nhiên liệu sinh học ở Phú Thọ, Bình Phước, Quảng Ngãi, DA Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, Nhà máy đóng tàu Dung Quất.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết Bộ chỉ đạo triển khai quyết liệt xử lý các DA thua lỗ trong năm 2017, hoàn thành phương án xử lý để năm 2018 cơ bản giải quyết hết khó khăn và năm 2020 hoàn thành dứt điểm. Cụ thể với DA xơ sợi Đình Vũ, ông Vượng yêu cầu thực hiện theo phương án khởi động lại DA và hợp tác với nước ngoài để đàm phán theo hướng có lợi nhất.
DA ethanol Dung Quất phải khởi động lại DA sau đó mới thoái vốn. DA ethanol Phú Thọ, PVN làm thủ tục giải thể, phá sản để được giải quyết. Nhà máy sinh học Bình Phước, PVN làm việc với đối tác Thái Lan nhanh chóng khởi động lại, vừa đảm bảo thoái vốn, vừa phục vụ chương trình thay thế nhiên liệu sinh học. DA Nhà máy đóng tàu Dung Quất, PVN triển khai phá sản, quyết toán hợp đồng EPC sớm.(Thanhnien)
-------------------------
Thêm gần 135.000 ô tô lăn bánh
Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) vừa công bố báo cáo cho biết trong tháng 6, lượng xe tiêu thụ của toàn thị trường đạt gần 24.370 xe, tăng 5% so với tháng trước đó nhưng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung trong sáu tháng đầu năm nay, lượng ô tô bán ra toàn thị trường đạt hơn 134.200 xe, giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, dòng xe thương mại đạt hơn 47.420 xe, giảm 9%; xe chuyên dụng đạt gần 7.500 xe, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng xe du lịch lại tăng 7%, đạt gần 79.400 xe.
Một điểm đáng chú ý trong báo cáo trên là trong nửa đầu năm nay, lượng xe lắp ráp trong nước tiêu thụ chỉ đạt hơn 96.700 xe, giảm 6%. Trong khi xe nhập khẩu đạt gần 37.570 xe, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.(PLO)
---------------------------