Nửa số việc làm ở Mỹ đứng trước nguy cơ bị robot thay thế; Lâm Đồng cấp phép cho 10 đơn vị tổ chức du lịch thể thao mạo hiểm; Kido lãi gấp 3 lần nhờ hợp nhất 'ông trùm' ngành dầu ăn; Giao thương riêng với tỉnh Quảng Đông đạt 17 tỉ USD
Tin kinh tế đọc nhanh tối 10-07-2017
- Cập nhật : 10/07/2017
Giá thực phẩm thế giới lên mức cao nhất trong 2 năm
Dữ liệu của FAO cho thấy giá thực phẩm toàn cầu đã tăng 7% so với năm ngoái, và cao hơn 17% so với đầu năm 2016.
Theo báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), vào tháng 6 vừa qua giá thực phẩm thế giới đã chạm ngưỡng cao nhất trong vòng 2 năm, chủ yếu do tăng giá lúa mì, thịt và các sản phẩm bơ sữa.
Từ đầu năm 2017 tới nay, giá thịt đã liên tục tăng hàng tháng, nhanh hơn bất kỳ loại thực phẩm nào khác. Các nhà phân tích cho rằng nhu cầu thịt toàn cầu đang tăng lên giúp giữ giá liên tục ở mức cao. Thịt bò là một trong những loại thịt tăng giá mạnh nhất ở Châu Á, và tháng trước Mỹ đã bắt đầu xuất thịt bò sang Trung Quốc lần đầu tiên trong 13 năm qua.
Theo chỉ số giá thực phẩm hàng tháng (FPI) của FAO, giá thực phẩm toàn cầu trong tháng 6/2017 đã tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 17% so với mức đáy đầu năm 2016. FPI là một chỉ số theo dõi giá các loại thịt, sữa, đường, ngũ cốc và dầu thực vật ở hơn 80 quốc gia.
Chỉ số giá thịt (MPI) của FAO tăng khoảng 10% so với một năm trước, và tăng gần 2% trong tháng 6/2017, đánh dấu 7 tháng liên tiếp tăng điểm. Từ đầu năm tới nay, MPI tăng khoảng 12%, và cao hơn gần 21% so với mức đáy đầu năm 2016.
Nhu cầu thịt bò ở Trung Quốc đã tăng lên do thu nhập người dân gia tăng và khẩu vị thay đổi. Tại thị trường Mỹ, việc người dân ăn nhiều thịt nướng vào mùa hè cũng đã giúp thúc đẩy nhu cầu và đẩy giá thịt tăng cao.
Bill Lapp, chủ tịch của Advance Economic Solutions ở Omaha, cho biết: "Chúng tôi thấy một số loại thịt đang tăng giá theo thời vụ. Nguồn cung vẫn còn khá dồi dào, đủ để đáp ứng nhu cầu và có thể sẽ dẫn đến giảm giá". Lapp cũng cho biết giá thịt bò vụn (beef trimmings), vốn hay được dùng để làm hamburger, đã biến động trong những tháng gần đây.
Giá thịt gà bán sỉ của Mỹ vào tháng 6 đã tăng lên. Ngoài ra, các nhà sản xuất gia cầm lớn ở một số thị trường quốc tế, bao gồm Ấn Độ, cũng đã tăng giá trong tháng.
Tương tự, giá thịt heo tăng mạnh, trong đó giá thịt heo nạc của Mỹ vào cuối tháng 6 chạm mức cao nhất trong 2,5 năm. Một số chuyên gia đang kì vọng thị trường thịt heo sẽ sớm chạm đỉnh.
Giá sữa toàn cầu cũng đang trên đà tăng, khiến cho chỉ số giá sữa của FAO tăng vọt 8% trong tháng 6. Chỉ số này đã tăng hơn 50% so với một năm trước, và sự phục hồi của giá bơ giúp chỉ số này được duy trì ở mức cao.
FAO cho biết: "Giá của tất cả các sản phẩm sữa tăng lên khiến cho chỉ số chung tăng theo, nhưng giá bơ tăng lên nhiều nhất.” Giá bơ đã tăng 14,1% kể từ tháng 5 lên mức cao nhất mọi thời đại.
FAO bổ sung: "Việc hạn chế xuất khẩu các sản phẩm sữa ở tất cả các nước sản xuất chính đã khiến giá bơ, phô mai và sữa bột không béo tăng lên đáng kể, góp phần làm tăng giá bột sữa nguyên chất.”
“Giá bơ ở Mỹ hiện rất cao, trong khi giá phô mai ổn định hơn", Lapp, vốn là cựu chuyên gia kinh tế của ConAgra, cho biết. New Zealand cho biết giá bơ của nước này tăng mạnh trong tháng 6 nhưng không cao như chỉ số quốc tế của FAO, trong khi giá sữa bột nguyên chất ít biến động.
Trong khi đó, chỉ số giá ngũ cốc (CPI) của FAO tăng 4% so với tháng 5, và tăng khoảng 8% từ đầu năm tới nay, đạt mức cao nhất trong 1 năm qua. Giá lúa mì tăng lên bù đắp cho sự sụt giảm của giá ngô (do được mùa ở Nam Mỹ).
James Cordier, chủ tịch hội đồng quản trị và trưởng bộ phận giao dịch tại Optionsellers.com ở Florida, nói: "Thị trường vẫn thiếu hụt một số loại lúa mì. Nhưng ngô, đậu nành và lúa mì có rất nhiều nguồn cung cấp và chỉ có tình trạng mất mùa nghiêm trọng mới làm giá các mặt hàng này tăng lên."
Giá lúa mì toàn cầu tăng trong tháng 6 do lo ngại về sụt giảm sản lượng từ một đợt hạn hán ngày càng tồi tệ ở một số khu vực tại Mỹ và Canada. Những khu vực này trồng loại lúa mì mùa xuân (spring wheat) có hàm lượng protein cao.
Giá hợp đồng tương lai của các loại lúa mỳ mùa đông mềm màu đỏ (soft red winter wheat) được giao dịch ở Minneapolis đã tăng 30% trong tháng trước, lên mức cao nhất trong 3 năm. Giá hợp đồng tương lai của lúa mì mùa đông ở Chicago cũng tăng khoảng 16%. Cả hai loại hợp đồng này đã được bán ra nhiều vào hôm thứ Năm khi các nhà đầu tư chốt lời, và bỏ qua báo cáo mới cho thấy tình trạng "hạn hán khắc nghiệt" đang lan rộng.
Giá lúa mì tương lai giao tháng 12 tại Chicago hiện giao dịch ở mức 5,612 USD/bushel hôm thứ 5, giảm 18,2 xu. Cordier tin rằng lúa mì mùa đông sẽ có xu hướng đi xuống, dự đoán rằng giá lúa mì tại Chicago sẽ giảm xuống còn 5,4-5,5 USD/bushel trong ngắn hạn.
Trên sàn giao dịch ngũ cốc Minneapolis (MGE), giá hợp đồng lúa mì cứng mùa xuân (hard red spring wheat) giao tháng 9 đã giảm 6,2%.
Cordier nói: "Lúa mì đã và đang là trung tâm của sự chú ý. Nhưng trong 30 ngày tới mọi người sẽ tập trung vào ngô và đậu nành, họ sẽ không chú ý quá sát sao đến giá lúa mì ".(NCĐT)
---------------------
Trung Quốc có thể 'xuất khẩu' suy thoái kinh tế đến bất kỳ nước nào
Mức nợ cao của Trung Quốc có thể gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng đến bất cứ nước nào trên thế giới.
Theo CNBC, ông Kenneth Rogoff, cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kiêm Giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard, nói rằng: “Nếu có một quốc gia nào đó trên thế giới có thể gây tổn thương cho các nước khác, thì đó sẽ là Trung Quốc. Các khu vực đang phụ thuộc nhiều vào kinh tế Trung Quốc. Vì vậy, tôi chắc chắn rằng nước này có khả năng ''xuất khẩu'' cả suy thoái kinh tế ra thị trường bên ngoài”.
Nhận định của ông Rogoff được đưa ra khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải vật lộn với những cơn đau đầu về việc phải làm sao để vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong khi đó lại vừa có thể kiềm chế được núi nợ đang không ngừng tăng cao.
“Trung Quốc đang cố gắng để duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao, nhưng có rất nhiều yếu tố hạn chế họ, đặc biệt khi nước này chuyển từ mô hình kinh tế chú trọng xuất khẩu sang tiêu dùng trong nước”, ông Rogoff nói thêm.
Việc chuyển đổi sang một nền kinh tế tập trung vào tiêu dùng trong nước chưa bao giờ là nhiệm vụ đơn giản đối với các quốc gia trên thế giới, và Đại lục cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Để tạo đà thúc đẩy tăng trưởng bùng nổ, Bắc Kinh đã chọn cách dựa vào một lượng tín dụng khổng lồ.
“Trung Quốc có nhiều khả năng để hấp thụ các vấn đề về tín dụng, vì trong một khía cạnh nào đó, dù cho khu vực kinh tế tư nhân được chính phủ bảo bọc, nhưng nó sẽ vẫn phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng nhanh. Khi tín dụng chậm lại, tăng trưởng kinh tế cũng chậm theo. Vì vậy, không nhất thiết phải có những vụ vỡ nợ lớn để thấy sự lao dốc mạnh về tăng trưởng”, ông Rogoff nhận định.
Mối lo ngại về nền kinh tế của quốc gia châu Á tăng lên khi vào cuối tháng 5.2017, cơ quan đánh giá xếp hạng tín dụng hàng đầu thế giới Moody’s đã hạ xếp hạng của Trung Quốc từ A1 xuống Aa3, đồng thời thay đổi trạng thái triển vọng tăng trưởng kinh tế từ “ổn định” sang “tiêu cực”. Moody’s cũng dự đoán gánh nặng nợ nần của chính phủ nước này sẽ tăng lên 40% GDP vào năm 2018 và 45% vào cuối thập niên này.
Trong một lưu ý gần đây, Công ty chứng khoán lớn nhất Nhật Bản Nomura cũng ước tính mức nợ trong khối phi tài chính của Đại lục đạt 191.300 tỉ nhân dân tệ, tương đương khoảng 27.960 tỉ USD, chiếm 251% tổng GDP của nước này trong quý 1/2017.(Thanhnien)
-------------------------
Tesla mất vị trí số 1 về giá trị thị trường vào tay General Motors
Tesla được biết đến là hãng xe có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất tại Mỹ, nhưng ngôi vị này giờ đây đã thuộc về General Motors (GM).
Nhờ vào sự tăng trưởng đáng kể, hãng xe điện của tỉ phú Elon Musk đã vượt lên cả những tên tuổi lâu năm như GM và Ford để trở thành nhà sản xuất ô tô có giá trị nhất Mỹ kể từ đầu năm đến nay. Song, không may mắn là chỉ sau hai đợt cổ phiếu lao dốc trong tuần này, Tesla đã phải ngậm ngùi nhường lại ngôi vương cho GM.
Theo Bloomberg, chốt phiên giao dịch hôm 6.7, cổ phiếu của Tesla giảm 5,6%, khiến công ty mất 3 tỉ USD chỉ sau một đêm và đẩy giá trị vốn hóa thị trường xuống còn 50,7 tỉ USD, ít hơn so với mức 52,6 tỉ USD hiện tại của GM.
Khó khăn đến với Tesla ngay vào thời điểm đặc biệt quan trọng khi hãng này chuẩn bị tung ra thị trường dòng xe điện Model 3 được sản xuất hàng loạt lần đầu tiên. Được biết nhà máy pin khổng lồ của Tesla ở Nevada (Mỹ) đang phải vật lộn để có thể sản xuất các gói pin cho dòng xe mới.
“Tesla đang gặp vấn đề khó khăn trong việc sản xuất pin, một thành phần rất quan trọng cho dòng xe mới. Điều này đã làm chậm lịch trình giới thiệu Model 3 và họ đang chịu sự trừng phạt một cách khắc nghiệt từ thị trường”, David Whiston, chuyên gia phân tích tại Morningstar, cho biết.
Năm ngoái, Elon Musk dự đoán rằng Tesla sẽ bán được khoảng 100.000 chiếc Model 3 trong năm nay. Tuy nhiên, với kế hoạch sản xuất được chia sẻ vào hôm 2.7, trong đó công ty dự kiến sẽ sản xuất 30 chiếc trong tháng này, 100 chiếc vào tháng 8, 1.500 chiếc vào tháng 9 và khoảng 20.000 chiếc vào tháng 12, thì con số 100.000 chiếc ban đầu sẽ khó có thể đạt được.
Bên cạnh đó, cũng rất khó để Tesla vượt qua GM lần thứ hai khi doanh số bán hàng tại Mỹ đang chậm lại và hãng này chưa phải là một doanh nghiệp quan trọng ở Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Trong quý 2/2017, Tesla đã sản xuất nhiều xe hơn so với nhu cầu của khách hàng, khiến một số nhà phân tích nghi ngờ rằng liệu nhu cầu về các mẫu Model S và Model X có bị bơm phồng quá mức.
Trong khi Tesla được đánh giá là nhà sản xuất xe chạy bằng pin thành công nhất thế giới, các nhà phân tích tin rằng nhiều hãng ô tô truyền thống cũng sẽ sớm tăng tốc để bắt kịp Tesla và đẩy hãng ô tô điện của tỉ phú Elon Musk vào sự cạnh tranh gay gắt trong thập niên tới. Volvo, hãng ô tô của Thụy Điển, vừa tuyên bố tất cả các sản phẩm của họ vào năm 2019 sẽ là ô tô hybrid hoặc ô tô điện.(Thanhnien)
-------------------------------
Lợi nhuận trước thuế của Vietcombank tăng 20% sau 6 tháng đầu năm
Lợi nhuận trước thuế của Vietcombank sau 6 tháng đầu năm đạt 5.054 tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ.
Nguồn ảnh: Vietcombank
Lợi nhuận trước thuế trước dự phòng của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - mã VCB) đạt 8.058 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau dự phòng, lợi nhuận trước thuế đạt 5.054 tỷ đồng, tăng 20,5% so cùng kỳ. Kết quả này hoàn thành 53,2% kế hoạch năm 2017, website Vietcombank dẫn lời ông Phạm Quang Dũng, Tổng Giám đốc ngân hàng này phát biểu tại buổi sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ kinh doanh 6 tháng cuối năm 2017.
Tại buổi sơ kết này, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, đã kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc tăng vốn điều lệ để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo quy định; phát triển mạng lưới, bao gồm cả việc thành lập ngân hàng con tại Lào. Ngoài ra, Vietcombank cũng có kiến nghị trong việc nới room tăng trưởng tín dụng 2017 của Vietcombank bằng mức tăng trưởng chung của ngành, sớm xem xét phê duyệt cho vay vượt đối với một số khách hàng tốt, đang có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Theo đó, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cũng chỉ đạo Vietcombank cần kiểm soát tăng trưởng tín dụng, tiếp tục phát huy các thế mạnh về ngoại hối, kinh doanh ngoại tệ, tiếp tục dành nguồn lực về con người để hỗ trợ tái cơ cấu một số ngân hàng cổ phần...(NCĐT)