Thu bauxite kém xa dự tính: Minh chứng càng làm càng lỗ?; Đến hết quý II/2017, số dư Quỹ Bình ổn giá đạt 3.975,665 tỷ đồng; Mỹ áp một loạt trừng phạt kinh tế mới với Venezuela; Sếp Huawei nói gì trước những hoài nghi của khách hàng?
Tin kinh tế đọc nhanh 26-08-2017
- Cập nhật : 26/08/2017
Các dự án BT gây thất thoát “khủng” vì kém minh bạch?
Theo chuyên gia, “đổi đất lấy hạ tầng” chẳng qua là hình thức mới phủ lên nội dung cũ dưới hình thức BT. Các dự án BT đều có dấu hiệu của sự câu kết, móc nối giữa chủ đầu tư với chính quyền địa phương, gây thất thoát “khủng” cho ngân sách nhà nước...
Đổi đất lấy hạ tầng bằng các dự án BT (xây dựng - chuyển giao) đã được các thành phố lớn áp dụng khá phổ biến. Riêng Hà Nội cũng đã có hàng nghìn ha đất được đối ứng cho các dự án này.
Theo GS Đặng Hùng Võ, cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” được coi như sáng kiến của Bà Rịa – Vũng Tàu từ nửa đầu những năm 1990. Sau đó, Trung ương thấy hay cũng đã đưa vào quy định chính thức cơ chế “sử dụng quỹ đất để phát triển hạ tầng” tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai (1998).
Đến năm 2004, Nghị định số 181/2004/NĐ-CP đã chính thức khai tử cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” bằng quy định thực hiện đấu giá đất sau khi phê duyệt quy hoạch hạ tầng để lấy tiền xây dựng hạ tầng.
Luật Đất đai 2013 tiếp tục giữ cơ chế đấu giá đất để lấy tiền phát triển hạ tầng nhưng lại chấp nhận cơ chế dự án BT mà không có quy định chi tiết nào về định giá hạ tầng cũng như định giá đất đai để trả cho nhà đầu tư hạ tầng.
“Dự án BT chỉ là hình thức mới phủ lên nội dung cũ “đổi đất lấy hạ tầng”, chẳng qua là “bình mới rượu cũ”. Đến nay, hàng loạt dự án BT đã được nhiều nhà đầu tư đề xuất tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương khác, nhiều dự án đã được lãnh đạo địa phương chấp thuận và báo chí đã cảnh báo về kẽ hở lọt tham nhũng”, ông Võ nói.
Cụ thể hơn, ông dẫn chứng, tại TP.HCM, từ tháng 4/2015 tới tháng 3/2016, UBND thành phố đã phê duyệt 17 dự án PPP (hợp tác công tư), trong đó có tới 11 dự án BT do các nhà đầu tư đề xuất. Tại thời điểm tháng 6/2016, UBND thành phố cũng đã phê duyệt dự án BT phòng chống lũ giai đoạn 1 do Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Trung Nam đề xuất với tổng vốn đầu tư tới 9,926 nghìn tỷ đồng và trình Thủ tướng chấp thuận dự án BT xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 với tổng vốn đầu tư 5,254 nghìn tỷ đồng.
Vào quý 1/2017, khi Việt Nam đưa ra nhiều quyết định kiểm soát chặt chẽ các dự án BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao), nhiều nhà đầu tư đã thể hiện ý định không đề xuất các dự án BOT mà chuyển sang đề xuất các dự án BT.
Cũng cho rằng, “đổi đất lấy hạ tầng” chẳng qua chỉ là hình thức mới phủ lên nội dung cũ dưới hình thức BT, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành nói: Thời gian qua, rất nhiều dự án BT được đề xuất tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương khác. Các dự án BT này đều có dấu hiệu của sự câu kết, móc nối giữa chủ đầu tư với chính quyền địa phương, gây thất thoát khủng cho ngân sách nhà nước.
“Sự thất thoát tại các dự án BT còn lớn hơn gấp nhiều lần tại những dự án bán đất theo chỉ định. Vì khi thực hiện dự án theo hình thức BT, không khác nào chúng ta đã giúp chủ đầu tư tránh phải đấu thầu thi công mà còn được hưởng "nhất bản thập lợi", tức là chỉ bỏ ra một đồng đầu tư nhưng có thể thu lợi gấp mười lần”, ông Đực phân tích.
Do đó, theo ông Đực, cần phải tách bạch riêng biệt hai dự án đổi đất - hạ tầng và giao cho hai nhóm quản lý độc lập với nhau. Nhóm thứ nhất thuộc ngành Xây dựng – Giao thông quản lý đấu thầu, thi công, xây dựng, giám sát chất lượng công trình. Nhóm này có trách nhiệm tổ chức các phiên đấu thầu công khai, rộng rãi để lựa chọn những nhà đầu tư có đủ năng lực và kinh nghiệm được tham gia.
Nhóm thứ hai thuộc ngành Tài chính – Tài nguyên – Quy hoạch tổ chức đấu thầu, giao đất sau khi phê duyệt quy hoạch hạ tầng để lấy tiền xây dựng hạ tầng.
Còn theo Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, ông Phạm Sỹ Liêm, phương thức đổi đất lấy hạ tầng kém minh bạch vì không rõ việc đổi đất lấy hạ tầng được tiến hành dựa trên cơ sở giá nào? Tình trạng kém minh bạch rất dễ bị các nhóm lợi ích lợi dụng không chỉ về mặt giá cả mà còn để vừa có đất cho dự án phát triển bất động sản của họ lại vừa có hạ tầng bên ngoài kết nối với dự án đó.
“Phương thức BT chỉ nên thực hiện theo phương thức đấu thầu dự án kết hợp với đấu giá các lô đất trong chừng mực vừa đủ để thực hiện dự án đúng như quy định của Luật đất đai”, ông Liêm nói.(Infonet)
---------------------------
S&P dự báo kinh tế Nga xấu vì Nga...không nợ xấu?
Năm 2016, Nga đã đạt được những thành quả tích cực khiến nhiều dự báo tiêu cực về kinh tế Nga đã phải liên tục thay đổi, trong đó có S&P...
Sau khi Chính phủ Nga thông báo hoàn tất việc trả nợ cũ từ thời Liên Xô, ngay lập tức đã có những phân tích cho rằng tình hình kinh tế Nga ngày càng khốn khó, do vậy việc Moscow hoàn tất trả nợ nước ngoài của Liên Xô....không có ý nghĩa gì.
Cơ sở là kết luận hãng chuyên đánh giá và xếp hạng tín dụng của Mỹ Standard & Poor (S&P) hồi tháng 5/2016 về tình hình nhân khẩu học và ngân sách 58 quốc gia, cho rằng dân số lão hoá khiến nợ công các nước đang phát triển tăng mạnh.
Theo nghiên cứu của S&P, trung bình nợ công của các nước đang phát triển sẽ tăng trong khoảng 42-136% GDP. Từ đó S&P đã dự báo nợ công của Nga tăng lên 262% vào năm 2050.
Theo lập luận của S&P, do dân số lão hóa, chính phủ các nước đang phát triển phải tăng chi cho phúc lợi xã hội, trong khi số người có khả năng lao động lại giảm đi.
Trong nghiên cứu của S & P, dân số nước Nga được dự báo sẽ giảm từ 143,5 triệu người hiện nay xuống còn 128,6 triệu người vào năm 2050, các chi phí liên quan đến việc duy trì dân số già vào giữa thế kỷ này của Nga tăng từ 13,1% lên đến 19,1%.
Những cộng hưởng đó khiến nợ công của Nga sẽ tăng từ 18% GDP năm 2020 tăng 262% trong năm 2050, nghĩa là tăng 1.455% sau 30 năm. Giới phân tích cho rằng những dự báo của S&P là không chuẩn xác. Điều đó bởi 2 lý do:
Thứ nhất, kinh tế Nga có những khác biệt so với các nền kinh tế mà S&P dựa vào để xây dựng chuẩn đánh giá. Kinh tế Nga thời hậu Xô viết vận hành theo cơ chế khá đặc biệt - hoà quyện giữa những yếu tố còn sót lại của kinh tế kế hoạch tập trung với cơ chế của kinh tế thị trường tự do.
Điểm đáng lưu ý nhất trong cơ chế đặc biệt ấy là kinh tế Nga không tăng trưởng dựa trên cơ sở gia tăng nợ công, thậm chí là ngược lại.
Điều đó thể hiện rõ qua tỷ lệ gia tăng nợ công/GDP của Nga chỉ nằm ở mức trung bình 24,92% từ năm 1999 đến năm 2015, cao nhất là năm 1999 với tỷ lệ 99,00% và mức thấp kỷ lục là 6,50% trong 2008, theo trang tin tradingeconomics.com.
Nợ công của Nga trong giai đoạn 2006 – 2016 tăng rất chậm, trong khi từ năm 2014 kinh tế Nga đã bị bao vây bởi lệnh cấm vận. Thực tế này chứng tỏ Moscow không ưu tiên sử dụng liệu pháp gia tăng nợ công trong điều hành kinh tế.
So sánh với tỷ lệ gia tăng nợ công của Mỹ, cụ thể là trong nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, chúng ta sẽ thấy Moscow rất thận trọng trong việc lựa chọn biện pháp sử dụng nợ công làm đòn bẩy tăng trưởng kinh tế.
Khi ông Obama bước vào Nhà Trắng tháng 1/2009, nợ công của Mỹ khi đó là 10,6 ngàn tỷ USD, song đến tháng 1/2016 – sau 7 ông Obama tại nhiệm – nợ công của Mỹ đã tăng lên 19,0 ngàn tỷ USD, tức là tăng thêm 8,4 ngàn tỷ USD, tương đương 78,9% và đạt tỷ lệ 105% GDP.
Hoặc so sánh với tỷ lệ gia tăng nợ công của Nhật Bản, cũng sẽ thấy việc sử dụng liệu pháp gia tăng nợ công là khá hãn hữu với chính phủ Nga. Tỷ lệ nợ công/GDP của Nhật tăng 10% hàng năm và sau hai thập kỷ từ 1993 đến 2013 dã tăng gấp 10 lần.
Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2011, nợ công của Nhật Bản đã gấp đôi GDP và đến năm 2013, nợ công của Nhật Bản lên tới 245% GDP, cao nhất thế giới và hơn gấp đôi Mỹ.
Còn với kinh tế Trung Quốc, theo Financial Times, nợ công của nước này đã tăng lên mức kỷ lục là 237% GDP trong quý I năm 2016, vượt xa tỷ lệ nợ công của các nước đang phát triển khác.
Cũng theo Tạp chí Tài chính của nước Anh, nợ công Trung Quốc mới chỉ chiếm 148% GDP tính đến cuối năm 2007. Như vậy, trong vòng 9 năm nợ công Trung Quốc đã tăng gần 90%, tương đương 10% /năm.
Như vậy, 3 trong 4 nền kinh tế lớn, dù là kinh tế thị trường hay thị trường chưa đầy đủ, liệu pháp gia tăng nợ công đã được các chính phủ sử dụng triệt để, trong khi chính phủ Nga lại đi ngược với xu thế ấy.
Thứ hai, hãng S&P dựa trên các số liệu của một nền kinh tế Nga đang bị cấm vận cộng hưởng với giá dầu thô suy giảm để đưa ra dự báo về các chỉ số kinh tế tại xứ sở bạch dương trong hơn 30 năm tới là không phù hợp.
Không những vậy, ngay trong năm 2016, kinh tế Nga đã đạt được những thành quả tích cực khiến nhiều dự báo tiêu cực về kinh tế Nga đã phải liên tục thay đổi, trong đó Moody's đã nâng dự báo về hệ thống ngân hàng Nga từ tiêu cực lên ổn định.
Hãng Fitch có cùng đánh giá, khi nâng dự báo xếp hạng tín dụng dài hạn của Nga từ tiêu cực lên ổn định từ tháng 10/2016. Tháng 9/2016, chính S&P cũng dự báo ổn định cho tín dụng Nga lần đầu tiên sau nhiều năm.
Bên cạnh đó, dự báo của S&P đưa ra trong điều kiện tỷ lệ người mất khả năng lao động/người có khả năng lao động gia tăng, từ đó khiến ngân sách chi cho phúc lợi gia tăng và tỷ lệ nợ công/GDP cũng vì thế mà gia tăng.
Rõ ràng S&P gạt bỏ các biện pháp mà chính phủ Nga có thể vận dụng để cân bằng dân số, đó là khuyến khích sinh nở để gia tăng dân số tự nhiên, tăng cường nhập tịch và đón nhận lao động nhập cư.
Điều đó chẳng khác nào S&P cho rằng Chính phủ Nga sẽ ngồi yên để cho kinh tế - xã hội của nước Nga rơi tình thế nguy hiểm với cảnh “người làm thì ít mà người ăn thì nhiều”. Do vậy, trên cả sơ sở và thực thế, dự báo của S&P đưa tháng 5/2016 về đời sống kinh tế tại xứ sở bạch dương rất không thuyết phục.(ĐVO)
------------------
Bà Phạm Việt Nga từ nhiệm, MB dậy sóng thương vụ trăm tỷ
Sau vài phiên trầm lắng, dòng tiền bất ngờ ồ ạt đổ vào các cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, xây dựng, dược phẩm… Hàng loạt cổ phiếu nhà ông Trịnh Văn Quyết nổi sóng, VPBank của ông Ngô Chí Dũng tăng phiên thứ 3, trong khi đó ông Hà Tiến Dũng bán MBB ở mức giá cao lịch sử thu về trăm tỷ.
CEO nổi tiếng Dược Hậu Giang (DHG) Phạm Thị Việt Nga từ nhiệm trong bối cảnh các cổ phiếu ngành dược tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới nhờ kỳ vọng về tiềm năng tăng trưởng của ngành này cũng như dự báo một dòng vốn lớn từ các ông lớn trong và ngoài nước sẽ đổ vào lĩnh vực này, tham gia sâu hơn hoặc M&A doanh nghiệp.
Thị trường chứng khoán tiếp tục mang đến một làn gió mát cho các nhà đầu tư với một phiên tăng giá với VN-Index hướng tới ngưỡng 770 điểm. Dòng tiền tích cực dồn vào các cổ phiếu vốn hóa lớn và các nhóm ngành mang tính trụ cột trên thị trường như ngân hàng, bất động sản…
Hàng loạt các cổ phiếu ngân hàng bứt phá, các cổ phiếu bất động sản tăng mạnh và nhiều cổ phiếu trụ cột khác duy trì sắc xanh giúp cả 2 sàn duy trì sắc xanh. Tuy nhiên, nhiều khả năng đây là những bước hồi phục trong giai đoạn điều chỉnh trong ngắn hạn.
Tâm điểm của thị trường tiếp tục là sự phân hóa rất mạnh các cổ phiếu của tỷ phú Trịnh Văn Quyết. Cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC tăng trần, ROS của Faros tăng mạnh. Trong đó, FLC có giao dịch kỷ lục gần 73 triệu cổ phiếu, dư mua trần hơn 30 triệu cổ phiếu. KLF cũng tăng trần. Trong khi đó, HAI giảm sàn và dường như chưa tìm thấy đáy do dư bán còn rất lớn.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng bất ngờ bứt phá sau khi giới đầu tư đón nhận thông tin nâng tăng trưởng tín dụng lên 21% và hàng loạt các ngân hàng tiếp tục công bố lợi nhuận kỷ lục.
Cổ phiếu MBB của Ngân hàng Quân đội đang ở mức giá cao lịch sử. Ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận rất cao, thuộc top 10 lợi nhuận lớn nhất trên TTCK. Các cổ phiếu ngân hàng khác cũng hút dòng tiền và tăng mạnh như BID, ACB, CTG. VPBank của ông Ngô Chí Dũng cũng có phiên tăng thứ 3 nhưng vẫn còn khá xa so với mức giá tham chiếu.
Ngân hàng của ông Ngô Chi Dũng gần đây dồn dập công bố thông tin lãi kỷ lục với gần 4,2 tỷ đồng trong 7 tháng, tỷ suất lợi nhuận cao… Tuy nhiên, giới đầu tư nhiều người vẫn lo ngại về mức giá chào sàn khá cao sau nhiều lần chia tách và đang cân đo về mức giá của cổ phiếu ngân hàng này với các ngân hàng khác cũng niêm yết trên sàn.
Một số cổ phiếu trụ cột khác vẫn hút được dòng tiền như Petrolimex (PLX), Vinamilk (VNM), GAS, FPT…
Ở chiều ngược lại, thị trường chứng khoán được đánh giá vẫn còn nhiều rủi ro do đang ở vùng cao kỷ lục 9 năm. Áp lực bán chốt lời vẫn khá lớn. Nhiều cổ đông lớn vẫn đang bán ra để thu tiền về.
Với mức giá cao kỷ lục mọi thời đại, ông Hà Tiến Dũng, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc của Trực thăng miền Bắc, hiện đang là Thành viên HĐQT của MBB vừa bán thành công 5 triệu cổ phiếu thu về khoảng 115 tỷ đồng.
Về tổng thể, theo nhiều CTCK, thị trường chứng khoán có triển vọng tốt về dài hạn do quy mô và chất lượng tiếp tục tăng lên. Rủi ro giảm điểm đã giảm đi đáng kể sau vài phiên hồi phục. Mặc dù vậy, đa số các CTCK không khuyến nghị tăng tỷ trọng nắm giữ.
Sự hồi phục khởi sắc của thị trường được xem một phần là nhờ nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%. Tín dụng cho nền kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm đạt 21% sau khi đã tăng 9,3% trong 7 tháng.
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21%, lượng tiền bơm vào nền kinh tế sẽ rất lớn. Đây là một thông tin tích cực đối với thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, đó là về ngắn hạn. Về dài hạn, tăng trưởng cao mà nền kinh tế không hấp thụ thì có thể sinh ra bong bóng như đã từng xảy ra trong khoảng thời gian cách đây gần một thập kỷ.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/8, VN-index tăng 3,79 điểm lên 769,77 điểm; HNX-Index tăng 1 điểm lên 102,28 điểm. Upcom-Index giảm 0,18 điểm xuống 54,26 điểm. Thanh khoản đạt 255 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt khoảng 4,2 ngàn tỷ đồng, thấp hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng trước đó.(Vietnamnet)
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 26-08-2017
Trở về