Xem xét đề xuất cho đối tác Trung Quốc xây sân bay Long Thành; ACB tiếp tục trích lập dự phòng 600 tỷ đồng cho các công ty của "bầu" Kiên; Tín dụng có thể tăng tới 22%; Hàng trăm triệu đô la từ nước ngoài đang chờ đổ vào thị trường BĐS Việt Nam
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 26-08-2017
- Cập nhật : 26/08/2017
'Thái tử' Samsung lãnh án 5 năm tù
Hãng thông tấn Yonhap hôm nay đưa tin Thẩm phán Tòa án Seoul đã ra phán quyết kết tội ông Lee Jae-yong, Phó chủ tịch của Tập đoàn điện tử Samsung 5 năm tù giam, với các tội danh như hối lộ, tham ô, che giấu tài sản ở nước ngoài, khai man và các cáo buộc khác liên quan đến vụ bê bối chính trị khiến Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị phế truất hồi tháng 3 năm nay.
Ông Lee Jae-yong tại Tòa án Seoul sáng nay. Ảnh: Yonhap.
Theo Yonhap, Tòa án quận trung tâm Seoul đưa ra bản án cho biết “thái tử” Samsung đã đưa khoản tiền hối lộ trị giá 7,2 tỷ won (khoảng 6.38 triệu đô la Mỹ) để đào tạo cho con gái của bà Choi Soon-sil, bạn gái lâu năm bà Park Geun-hye.
Trước đó, các công tố viên đã đề nghị mức án 12 năm tù giam với ông Lee Jae-yong, với cáo buộc hối lộ 43,3 tỷ won (khoảng 38 triệu đô la Mỹ) để chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho việc sáp nhập công ty con và thừa kế tập đoàn. Ông Lee bị giam giữ từ tháng 2 năm nay và đã bác bỏ những cáo buộc trên.
Theo hãng Yonhap, “thái tử” của tập đoàn Samsung dự kiến sẽ kháng cáo quyết định trên của tòa án.
Trước đó, hãng Reuters dẫn nguồn tin từ Hàn Quốc cho biết nếu bị bắt giam, ông Lee Jae-yong sẽ bị giam tại nhà tù Uijeongbu nằm trên ngọn đồi phía Bắc Seoul. Đây là nơi từng giam giữ nhiều chính trị gia và lãnh đạo các tập đoàn lớn của Hàn Quốc.(PLO)
-------------------------
26.000 tỉ đồng xây 8 dự án tại TP HCM
Nhiều ngân hàng và Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP HCM (HFIC) đồng tài trợ vốn cho 8 dự án trọng điểm tại TP HCM
Sáng 24-8, tại hội nghị kết nối nhà đầu tư với ngân hàng (NH), tổ chức tín dụng tham gia các dự án thực hiện 7 chương trình đột phá của TP HCM, các NH Ngoại thương (Vietcombank), Công Thương (Vietinbank), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Sài Gòn (SCB), Phương Đông (OCB), Tiên Phong (TPBank), Đầu tư và Phát triển( BIDV) và Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP HCM (HFIC) đã ký kết thỏa thuận hợp đồng tài trợ vốn cho 10 doanh nghiệp khác để xây dựng 8 dự án tại TP HCM với tổng vốn đầu tư 26.000 tỉ đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Theo HFIC, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển của TP HCM giai đoạn 2016-2020 ước khoảng 1,829 triệu tỉ đồng để xây dựng hạ tầng giao thông, chống ngập, chỉnh trang đô thị...
Ngoài ra, các lĩnh vực khác thuộc 7 chương trình hành động cần số vốn đầu tư 850.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, khả năng cân đối ngân sách của TP HCM chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu vốn đầu tư.(NLĐ)
----------------------
'Vành đai và Con đường' của Trung Quốc là rủi ro hệ thống tài chính quốc tế
Mặc cho nhiều lời hứa tốt đẹp về cơ sở hạ tầng, thương mại và ngoại giao toàn cầu, dự án 'Vành đai và Con đường' của Trung Quốc cũng đi kèm nhiều rủi ro, trong đó có rủi ro về mặt tài chính.
Theo CNBC, Trung Quốc cho hay sáng kiến cơ sở hạ tầng “Vành đai và Con đường” của nước này là phương tiện để thúc đẩy sự thịnh vượng về mặt kinh tế, các mối quan hệ ngoại giao trên quy mô toàn cầu. Tuyên bố trên có thể được lòng nhiều nước ở thời điểm mà các cường quốc khác đang ngày càng nghiêng về hướng bảo hộ, song cũng đi kèm không ít rủi ro. Việc nhà nước tài trợ ngày càng nhiều làm dấy lên mối lo ngại về độ an toàn của dự án.
Nhiều bài báo hôm 23.8 cho hay một số ngân hàng thương mại quốc doanh lớn nhất Trung Quốc sẽ bắt đầu huy động vốn để đầu tư vào dự án vốn đặt mục tiêu kết nối hơn 60 quốc gia trên khắp châu Á, châu Âu và châu Phi bằng cơ sở hạ tầng vật lý và kỹ thuật số.
Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), nhà băng lớn thứ hai Đại lục xét theo giá trị tài sản, huy động ít nhất 100 tỉ nhân dân tệ, tương đương 15 tỉ USD, từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, theo Reuters. Ngân hàng Trung Quốc (BOC), Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) cũng cho biết sẽ huy động hàng chục tỉ USD.
Thông tin này làm nóng rủi ro cho rằng chính quyền Trung Quốc có thể cõng hàng trăm tỉ USD nợ xấu nếu dự án thất bại. Giáo sư kinh tế Xu Chenggang tại Trường Kinh doanh Cheung Kong ở Bắc Kinh cho biết điều này, nếu có, sẽ không gây ngạc nhiên.
Ông Xu cho hay: “Đây cũng là mối lo của tôi. Ảnh hưởng không chỉ là Trung Quốc bị tổn hại mà hệ thống tài chính toàn cầu cũng bị tổn thương. Các khoản vay này đang được mở rộng cho nhiều chính phủ ở các nước đầy rủi ro để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng cũng đầy rủi ro. Nếu các dự án được doanh nghiệp tư nhân đảm trách, chúng ta không phải lo vì họ biết họ phải gánh được hậu quả. Song chúng ta đang nói về việc cho vay từ giữa các chính phủ và cuối cùng là quan hệ liên chính phủ”.
Ông Xu cho biết vấn đề này là hiện tượng có tên hạn chế ngân sách mềm. Hạn chế ngân sách mềm nhắc đến chuyện các doanh nghiệp quốc doanh sẽ không bị phá sản nếu không có khả năng thanh toán vì nhà nước có lợi nếu giữ các doanh nghiệp này sống khỏe. Một nước có mức hạn chế ngân sách mềm cao và nhiều doanh nghiệp không có khả năng chi trả có thể gặp khó trong việc tài trợ tài chính. Điều này có thể tác động lên tài chính thế giới.
Với Trung Quốc, một nước có mức sở hữu nhà nước cao, điều này đặc biệt đáng lo. Phải mất hàng thập niên cải cách kinh tế và nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thất bại thì Đại lục mới tiến đến “quá trình tư nhân hóa phần nào” vào đầu thế kỷ 21. Dù vậy, quá trình tư nhân hóa mất đà 10 năm qua và Trung Quốc hiện vẫn gánh vấn đề dư thừa công suất cùng vô số doanh nghiệp xác sống, đặc biệt là trong ngành sản xuất kim loại, nguyên liệu và xây dựng.
Theo ông Xu, đây là một phần động lực của dự án “Vành đai và Con đường”: “Thay vì giải quyết chuyện dư công suất, họ mở rộng vấn đề ra các dự án ngoại quốc. Trung Quốc đề xuất cho vay đến các chính phủ nước ngoài, những nước sẽ dùng tiền Trung Quốc để trả cho công ty Trung Quốc”. Theo Viện Tài chính Quốc tế, tỷ lệ nợ trên GDP Trung Quốc vượt 300% hồi tháng 6, từ trước khi nước này cho vay thêm.
Ngoài ra, chuyên gia Xu cho hay cần lưu ý rằng nhiều nước gắn liền với sáng kiến “Vành đai và Con đường” là các nước đang phát triển có mức rủi ro cao nhất thế giới. một số cơ quan nghiên cứu đang đánh giá môi trường chính trị, kinh tế và kinh doanh ở các quốc gia này.
Phó chủ tịch Bjorn Conrad của Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator cho hay: “Tôi chắc chắn rằng sẽ có rất nhiều dự án gặp vấn đề không lường trước. Có rủi ro lớn về tín dụng xấu trong nhiều dự án này và rủi ro lớn về vỡ nợ. Rủi ro với hệ thống ngân hàng Trung Quốc là rủi ro với hệ thống ngân hàng toàn cầu”. Dù vậy, ông Conrad cũng cho rằng Bắc Kinh sẽ rất nỗ lực đánh giá rủi ro sau khi tổn thất nhiều từ việc cho các nước bất ổn, chặng hạn như Venezuela, vay tiền.(thanhnien)
-----------------------------
Mỹ đánh thuế dầu diesel sinh học nhập khẩu từ Argentina và Indonesia
Mỹ vừa thông báo mức thuế nhập khẩu mới đối với dầu diesel sinh học của Argentina và Indonesia.
Theo Channel News Asia, động thái trên được đưa ra sau khi Hội đồng sản xuất diesel sinh học Quốc gia Mỹ (NBB) phàn nàn rằng Argentina và Indonesia đã nhận được trợ cấp không chính đáng của chính phủ để tạo ra cạnh tranh không lành mạnh.
“Mỹ đánh giá cao mối quan hệ với Argentina và Indonesia, nhưng ngay cả những quốc gia thân thiện cũng phải tuân theo các quy tắc”, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói trong một tuyên bố. Đồng thời ông cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tiến hành kiểm soát chặt chẽ các mối quan hệ thương mại nhằm chấm dứt sự mất cân bằng trong các mối quan hệ thương mại song phương, một trong những trọng tâm của chương trình nghị sự kinh tế quốc gia.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, nhập khẩu dầu diesel sinh học từ Argentina và Indonesia trong năm 2010 lần lượt là 1,2 tỉ USD và 268 triệu USD. Theo nhận định sơ bộ từ phía Mỹ, dầu diesel sinh học từ Argentina đã nhận được trợ cấp với tỷ lệ từ 50,3% đến 64,2%, trong khi đó tỷ lệ của Indonesia vào khoảng từ 41% đến 68,3%.
Hiện quyết định thu thuế này mới chỉ là sơ bộ. Dự kiến đến ngày 7.11 chính quyền Tổng thống Trump sẽ đưa ra thông báo cuối cùng. Tuy nhiên, theo Bộ Thương mại Mỹ, các cơ quan hải quan Mỹ đã có thể bắt đầu thu tiền mặt đối với sản phẩm dầu diesel sinh học từ Argentina và Indonesia dựa trên mức trợ cấp cụ thể mà từng nhà sản xuất nhận được từ phía chính phủ.
Bộ trưởng Thương mại Indonesia, ông Enggartiasto Lukita, nói Jakarta đang xem xét quyết định của Mỹ và sẽ có kế hoạch phản đối. “Chúng tôi đã chứng minh rằng yếu tố trợ cấp không tồn tại”, ông Lukita nói với các phóng viên.
Theo dữ liệu của NBB, Indonesia đã xuất khẩu khoảng 4,2 triệu mét khối dầu diesel sinh học sang Mỹ trong năm 2016, tăng so với 2,7 triệu mét khối vào năm trước đó.(Thanhnien)