Hãng bia lớn nhất Australia muốn mua cổ phần Sabeco, Habeco; Thái Lan tịch thu gia sản khổng lồ của quản lý chợ đen AlphaBay; Thái Lan bắt 2 người Việt buôn ngà voi; Dự án khu phức hợp thông minh 20.100 tỉ ở Thủ Thiêm
Tin kinh tế đọc nhanh 11-07-2017
- Cập nhật : 11/07/2017
Forbes: Các tập đoàn mệt mỏi vì “nỗi ám ảnh mang tên ông Putin”
Các biện pháp trừng phạt chống Nga gây bất mãn ngày càng tăng từ phía các doanh nghiệp Đức, Áo và Pháp, tác giả Kenneth Raposa trên Forbes cho hay.
Gần đây, Thượng viện Mỹ đã đưa ra danh sách các biện pháp trừng phạt bổ sung chống đường ống dẫn khí đốt "Nord Stream-2", có sự tham gia xây dựng của công ty Wintershall của Đức và công ty OMV của Áo, còn công ty Engie của Pháp là một trong những bên được hưởng lợi nhuận. Theo người Đức và Áo, dự luật của Mỹ "vi phạm chính sách năng lượng."
Nhưng Washington lại cho rằng, đường ống dẫn dầu này "gây hại cho Ukraine." Thượng viện có ý định "thắt chặt trừng phạt" đối với các công ty lớn của Nga, gây trở ngại cho hoạt động kinh doanh của họ trên toàn thế giới.
Các biện pháp trừng phạt mới gây quan ngại cho các công ty công nghiệp và dầu khí lớn của các nước khác. Exxon, Chevron và những công ty không ủng hộ việc tăng cường các biện pháp trừng phạt chống Moscow, lưu ý rằng trừng phạt có thể đặt dấu chấm hết cho các dự án dầu khí với các đối tác Nga trên toàn thế giới.
Ví dụ, "Lukoil", công ty của Nga bị đưa vào danh sách trừng phạt, thời gian gần đây đã ký hợp đồng với Mexico về khai thác dầu ở độ sâu đến 150 m.
Tuy nhiên, nếu người Nga phải khoan dầu ở độ sâu lớn hơn, các công ty Mỹ sẽ không có cơ hội bán cho công ty Nga các thiết bị và công nghệ cần thiết, đó là mặt hàng quan trọng mà Nga nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Năm ngoái, Nga đã chi 391.700.000 USD cho các thiết bị này, nhiều hơn bất kỳ nước nào khác trên thế giới.
"Nỗi ám ảnh trước ông Putin của Washington đã vượt xa kế hoạch ban đầu để gây áp lực lên Nga nhằm đạt được thỏa thuận hòa bình với Ukraine", tác giả Raposa viết.
Các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây, trước đó biện minh cho cuộc xung đột Ukraine, bây giờ là "công cụ trừng phạt các ông Putin và Trump."
Dự luật mới của Thượng viện Mỹ cáo buộc ông Putin "can thiệp vào bầu cử Mỹ", đổ lỗi cho "tin tặc" đã làm cho bà Hillary Clinton thất bại.
"Tuy nhiên, dồn Nga vào góc tường, những con diều hâu trong Quốc hội Mỹ cũng khiến các tập đoàn mạnh của Mỹ bị mất nhiều thứ. Nếu các công ty này phải chọn ủng hộ bên nào, chắc chắn họ sẽ không đứng về phía các tác giả dự luật của Thượng viện", tác giả bài viết trên tạp chí Forbes kết luận.(Bizlive)
-------------------
Ảnh hưởng Brexit, người mua sắm Anh rơi vào thời kỳ đen tối
Theo lời cựu lãnh đạo chuỗi siêu thị Sainsbury lớn thứ 2 nước Anh, người dân đang đối mặt với "thời kỳ đen tối" do ảnh hưởng của Brexit.
Người mua sắm tại Anh phải đối mặt với hàng hóa có giá cả cao, ít lựa chọn hơn và chất lượng kém hơn - Ảnh: AFP
Ông Justin King, từng điều hành chuỗi siêu thị trên trong 10 năm qua, cho biết "điều cuối cùng" mà các chủ siêu thị tại Anh muốn tuyên bố là ý định tăng giá hàng hóa.
Tuy nhiên, theo đài BBC, ông King chắc chắn rằng hiện nay những người mua sắm ở Anh đang phải đối mặt với "giá cả cao hơn, ít lựa chọn hơn và chất lượng kém hơn".
"Brexit, bất kể là phiên bản nào, chắc chắn sẽ tạo ra những rào cản và cả 3 lợi ích về giá cả, chất lượng và lựa chọn sẽ đi ngược hướng với trước đây" - ông King nhận định.
Nông nghiệp là lĩnh vực sản xuất lớn nhất tại Anh và Liên minh châu Âu (EU) cũng đầu tư vào dây chuyền cung ứng thực phẩm này với nhiều nông trại và cửa hàng tại Anh.
EU cũng đảm bảo giao thương tự do trong khắp liên minh và tiến trình trơn tru này sẽ giữ giá thực phẩm ở mức thấp.
Tuy nhiên ông King cho rằng việc đồng bảng Anh sụt giá sẽ khiến cho giá cả thực phẩm và hàng hóa tăng cao. Thêm vào đó sau Brexit, các thành viên EU sẽ giúp các chủ cửa hàng bán lẻ tìm kiếm nguồn cung và thị trường tốt hơn trên khắp châu Âu.
Một số nông dân Anh lo sợ rằng một thỏa thuận Brexit xấu có thể không hướng đến việc bảo vệ họ và đẩy công việc kinh doanh của họ xuống dốc.
Hiện nay nông dân Anh là nguồn cung cấp thịt bò tươi lớn nhất cho chính nước này và cho cả EU. Người tiêu dùng Anh mua 76% sản phẩm thịt bò quốc nội trong năm qua và chỉ mua 0,1% thịt bò Mỹ dù Mỹ cung cấp đến 1/5 lượng thịt bò trên toàn thế giới.
Tuy nhiên Brexit có thể khiến điều này thay đổi. "Brexit có thể gây ảnh hưởng lớn đến khả năng sản xuất thực phẩm của chúng tôi tại quốc gia này" - nông dân John Davies nhận định.
Dù vậy vẫn có những người nông dân Anh lạc quan trước Brexit. Nông dân Jacob Anthony (24 tuổi) và là thế hệ chăn nuôi bò và cừu thứ 5 trong gia đình tại Bridgend, xứ Wales đã bỏ phiếu chọn Brexit.
"Tôi là một nông dân trẻ và tôi trông chờ vào tương lai. Tôi nghĩ rằng nhiều người trong nghề không vui khi nhìn về con đường đang trải qua của lĩnh vực này và tôi nghĩ đây là cơ hội thật sự để thay đổi nó" - anh Anthony nhận định.
Anthony cho rằng rời khỏi EU sẽ giúp nông dân Anh có cơ hội giành về những hợp đồng mua bán mới và khiến thị trường khởi sắc.
Hội đồng Phát triển Nông nghiệp và Nghề làm vườn Anh (AHDB) cho biết năm ngoái Anh xuất khẩu 13% sản phẩm thịt bò.
Trong khi đó chính phủ Anh cho biết họ không có nhiều kế hoạch cho ngành chăn nuôi và thực phẩm sau Brexit. Bộ Các vấn đề Nông thôn, Thực phẩm và Môi trường Anh cũng từ chối thông tin về vấn đề này với đài BBC.(Tuoitre)
--------------------
Myanmar đau đầu vì lương tối thiểu
Chính phủ Myanmar đang cân nhắc nâng lương tối thiểu nhằm đảm bảo đời sống công nhân, nhưng cũng lo ngại sẽ ảnh hưởng đến thu hút đầu tư nước ngoài.
Myanmar hợp pháp hóa nghiệp đoàn kể từ năm 2011 và thông qua luật về lương tối thiểu năm 2013 nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống công nhân. Tuy nhiên, đến năm 2015, chính phủ mới chính thức áp dụng mức lương tối thiểu 3.600 kyat (gần 60.000 đồng)/ngày sau hàng loạt cuộc đình công, biểu tình cũng như đàm phán giữa các nghiệp đoàn với chủ doanh nghiệp. Phía nghiệp đoàn ban đầu đề xuất tăng lên 4.000 kyat, còn mức doanh nghiệp đưa ra là 2.500 kyat. Dù vậy, sau 2 năm áp dụng, mức lương tối thiểu hiện nay bị cho là đã trở nên bất cập, theo tờ The Myanmar Times.
Doanh nghiệp lách luật
Giới quan sát và đại diện nghiệp đoàn ở Myanmar cho rằng một số doanh nghiệp, nhất là các chủ xưởng may mặc, thực chất chỉ “miễn cưỡng” chấp nhận tăng lương nên lách luật bằng cách thử việc - sa thải. Cụ thể, doanh nghiệp buộc công nhân phải trải qua giai đoạn “học việc” chỉ trả 1.800 kyat/ngày, nếu đạt yêu cầu mới đến giai đoạn “thử việc” (2.700 kyat/ngày), nhưng đến thời hạn ký hợp đồng thì lập tức sa thải, theo ông Alex Moodie - chuyên gia thuộc Tổ chức Bảo vệ người lao động Progressive Voice.
Nghiên cứu của Progressive Voice phát hiện 61% lao động được ký hợp đồng hưởng lương tối thiểu đúng quy định thì bị chèn ép bằng cách tăng định mức sản phẩm lên cao, nếu không đạt sẽ bị trừ lương. Ngoài ra, công nhân làm việc lâu năm trước thời điểm áp dụng lương tối thiểu (1.9.2015) bị cắt tiền tăng lương theo thâm niên do doanh nghiệp viện cớ luật lương tối thiểu mới phải áp dụng đối với tất cả lao động. Progressive Voice kết luận dù mức lương tối thiểu có tăng thì đời sống công nhân cũng không mấy cải thiện mà còn bị vắt kiệt sức lao động do định mức ngày càng cao.
Vào tháng 11.2016, công nhân biểu tình đòi nâng lương lên 5.600 kyat/ngày, tức tăng 56%. Gần đây, hơn 1.000 công nhân đã đình công, biểu tình đòi tăng lương tại nhà máy dệt may của Trung Quốc ở Hlaing Tharyar, khu công nghiệp lớn nhất tại TP.Yangon, theo The Myanmar Times.
Nguy cơ nhà đầu tư “tháo chạy”
Myanmar thu hút nhiều nhà đầu tư chủ yếu trong lĩnh vực dệt may với những thương hiệu lớn như Gap, H&M, Adidas... Năm 2015, ngành dệt may chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu
của Myanmar. Hiện nhiều công ty trong ngành này đang phập phồng lo ngại trước đợt tăng lương tối thiểu sắp tới. “Nghiệp đoàn đòi tăng lương tối thiểu lên 5.600 kyat/ngày, có thể quá sức cho doanh nghiệp”, ông Khin Maung Oo thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp may mặc Myanmar lưu ý. Một số chủ nhà xưởng cho biết họ chỉ có thể nâng lương tối thiểu lên 5.000 kyat/ngày, tức tăng 39% so với mức hiện tại. Ông Jacob Clere, đại diện của SMART Myanmar, tổ chức xúc tiến đầu tư ở Myanmar do EU tài trợ kinh phí, cho hay nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ phải cân nhắc lại việc mở thêm hoặc đóng cửa nhà máy ở Myanmar nếu lương tối thiểu tăng quá cao.
Trong một cuộc họp tiếp thu ý kiến với Thủ hiến vùng Yangon U Phyo Min Thein gần đây, các chủ doanh nghiệp ở khu công nghiệp Hlaing Tharyar đề nghị chính phủ cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông, hạn chế tình trạng mất điện, chống tham nhũng và giảm bớt thủ tục hành chính rườm rà. “Tăng lương tối thiểu là điều cần làm nhưng cũng phải đưa ra chính sách thân thiện với doanh nghiệp. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ không thể mở nhà máy ở Myanmar nếu rào cản ngày càng gia tăng trong khi lợi nhuận sụt giảm”, ông Clere nhận định.
Trước tình hình đó, giới chuyên gia đề xuất giải pháp tăng lương tối thiểu theo tỷ lệ lạm phát hoặc áp dụng nhiều mức khác nhau tùy theo chi phí sinh hoạt từng khu vực. Hồi cuối tháng 2, chính phủ Myanmar thành lập Ủy ban Lương tối thiểu quốc gia với nhiệm vụ tái đàm phán lương tối thiểu. “Chúng tôi sẽ đưa ra lương tối thiểu cho từng khu vực khác nhau, so với trước đây chỉ áp dụng một mức trên toàn quốc, nhằm đảm bảo quyền lợi cho cả lao động và chủ doanh nghiệp”, trang tin Asia Times dẫn lời ông Khin Maung Nyo, thành viên ủy ban trên, cho biết. Sau khi nghiệp đoàn và doanh nghiệp hoàn tất đàm phán, ủy ban sẽ trình đề xuất tăng mức lương tối thiểu lên chính phủ vào tháng 9. Ngoài ra, Chủ tịch phụ trách vùng Yangon của Liên hiệp Các nghiệp đoàn Myanamar Ma Win Theingi Soe kiến nghị chính phủ phải có phương án kiểm soát giá cả hàng hóa leo thang sau khi tăng mức lương tối thiểu lần này.(Thanhnien)
-----------------------
Malaysia khuyến khích giới trẻ làm nông
Chính phủ Malaysia đang nỗ lực thu hút nhân lực trẻ, có trình độ cho ngành nông nghiệp để khắc phục tình trạng thiếu lao động.
Thông tấn xã Bernama hôm qua dẫn lời Thứ trưởng Bộ Thể thao và Thanh niên Saravanan Murugan nói nông nghiệp nên là một trong những lựa chọn nghề nghiệp của thanh niên vì mang lại thu nhập tốt, ổn định.
“Nông nghiệp cung cấp nhiều sản phẩm khác nhau cho mọi người mỗi ngày và trở thành lĩnh vực tạo ra nhiều lợi nhuận”, ông phát biểu trong một buổi đối thoại với thanh niên.
Theo thứ trưởng, chính phủ Malaysia có nhiều chính sách và chương trình hỗ trợ tối đa nông dân trẻ. Tuy nhiên, xu hướng hiện nay của thanh niên là đổ xô lên thành phố tìm việc và phải cạnh tranh gay gắt, trong khi nhiều nông trại phải thuê lao động nước ngoài do thiếu nhân lực.
Trước mắt, Bộ Thể thao và Thanh niên Malaysia thành lập một tổ chức chuyên mở lớp dạy nghề ngắn hạn cho người trẻ trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp. “Chúng tôi đặt mục tiêu đến cuối năm nay sẽ đào tạo được 2.000 người”, ông Saravana cho biết.(Thanhnien)