Dự án 10 tỉ USD của Trung Quốc thổi bùng lửa giận ở Myanmar; 5 hãng công nghệ lớn nhất Mỹ mất gần 100 tỉ USD giá trị trong một ngày; Quy hoạch 15.000 ha rừng để trồng sâm Ngọc Linh; Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin khẳng định Mỹ sẽ không vỡ nợ
Tin kinh tế đọc nhanh tối 25-08-2017
- Cập nhật : 25/08/2017
Fitch cảnh báo hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ
Hôm thứ Tư (23/8), một trong 3 cơ quan xếp hạng tín dụng uy tín trên thế giới đưa ra cảnh báo đối với các nhà hoạch định chính sách Mỹ nếu họ không sớm nhất trí về vấn đề nâng trần nợ.
Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch cho biết mức tín nhiệm AAA của Mỹ có nguy cơ bị đe dọa nếu Quốc hội Mỹ không thể thống nhất nâng trần nợ vào hạn chót.
“Nếu trần nợ không được tăng theo đúng thời gian đã định, Fitch sẽ xem xét lại xếp hạng tín nhiệm của Mỹ, theo hướng tiêu cực. Chúng tôi đã nói trước đó rằng, phải ưu tiên thanh toán nợ trước những nghĩa vụ khác. Nếu trần nợ không được nâng thì Mỹ không xứng đáng với mức xếp hạng tín nhiệm AAA”, Fitch cho biết.
Hiện có 3 cơ quan xếp hạng tín nhiệm lớn trên thế giới. Nếu Mỹ rơi vào tình trạng khủng hoảng trần nợ, 3 cơ quan này sẽ hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ và khiến chi phí phát hành nợ của chính phủ liên bang tốn kém hơn. Năm 2011, sau khi Mỹ không nâng trần nợ khi hết hạn, S&P đã hạ xếp hạng tín dụng Mỹ, mang đến những cơn sóng thần xuyên suốt thị trường tài chính.
Quốc hội Mỹ có 12 ngày trong phiên họp tháng 9 để có quyết định về trần nợ trước khi thời hạn tự áp đặt của Bộ Tài chính kết thúc.
Business Insider cho biết thêm, trong những cuộc thảo luận trước đó một lựa chọn khác được đưa ra, đó là về ý tưởng ưu tiên. Theo đó, chính phủ có thể dừng những khoản thanh toán khác và tập trung vào trả lãi cho các khoản nợ của mình để cố gắng bảo toàn niềm tin trên thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, Fitch cho rằng ý tưởng này cũng không thể giúp ích nếu họ xem xét lại mức xếp hạng tín nhiệm của Mỹ.
“Theo quan điểm của Fitch, tác động kinh tế của việc dừng những khoản chi tiêu khác để ưu tiên trả nợ, và thiệt hại tiềm tàng đối với niềm tin của các nhà đầu tư vào tín dụng của Mỹ sẽ là ảnh hưởng tiêu cực đối với xếp hạng tín dụng của Mỹ”, Fitch nói.
Cơ quan này cũng lưu ý rằng những sự bất đồng trong Quốc hội Mỹ cần phải được giải quyết để tiến hành nâng trần nợ. Bất chấp đảng Cộng hòa chiếm đa số ở cả hai việjn, họ vẫn sẽ cần một số phiếu ủng hộ của đảng Dân chủ để có thể nâng trần nợ, khi các cuộc tranh luận cứng rắn đã phản đối việc này.(KTTD)
-------------------------
Gánh nặng chi phí đang thách thức sức chịu đựng của doanh nghiệp Việt
Mỗi lần cập nhật phần mềm thuế, doanh nghiệp mất 5 triệu đồng. Một số doanh nghiệp cũng phải trả các khoản không chính thức cho cán bộ thuế đến kiểm tra, thanh tra.
Chiều ngày 24/8, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo “Cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, thực trạng và kiến nghị” tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng CIEM cho biết hiện nay chúng ta chưa đong đếm được chi phí của doanh nghiệp, bởi có nhiều loại chi phí chính thức và cả chi phí không đáng có. Điều đó khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và kinh doanh kém hiệu quả.
Theo ông Đặng Quang Vinh, Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, thời gian qua Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong kinh doanh như Nghị quyết 19, Luật Đầu tư 2014, Luật Doanh nghiệp 2014, Nghị quyết 35... tuy nhiên vẫn còn khoảng trống trong chính sách. Cụ thể, nhiều quy định gây chi phí bất hợp lý nhưng chưa được sửa đổi. Việc tổ chức thực thi pháp luật kinh doanh và giải pháp cải cách hiện hành có hiệu quả thấp dẫn đến tình trạng phát sinh chi phí cho doanh nghiệp và gây lãng phí nguồn nhân lực của nhà nước.
Ông Vinh lấy dẫn chứng, ngay từ khi khởi sự các doanh nghiệp đã mất nhiều chi phí khác nhau. Trong đó có khoản lệ phí để đăng Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp là 300.000 đồng/lần được cho là rất bất hợp lý.
Về chi phí vốn, ông Vinh cho rằng lãi suất cho vay cao khiến doanh nghiệp kém cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Khu vực tư nhân khó khăn trong việc tiếp cận vốn.
Chi phí lao động cũng là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp khi lương tối thiểu tăng nhanh và tốc độ tăng nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng năng suất lao động. Cùng với đó, chi phí đóng BHXH tăng nhanh cả về tỷ lệ đóng và cơ sở tính mức phí. Ngoài ra, quy định phí công đoàn (2% quỹ lương) cũng khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng thêm phí công đoàn mặc dù không có công đoàn cơ sở.
Với chi phí hải quan và logistic, ông Vinh cho rằng chi phí vận tải đường bộ, đặc biệt đường BOT ngày càng tăng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến bất cập này là do các dự án BOT giao thông có chi phí đầu tư rất lớn, nhất là chi phí lãi vay. Nghị định 15/2015/NĐ-CP cho phép doanh nghiệp có dự án BOT vay vốn quá nhiều (đến 90%) và không buộc đấu thầu chọn nhà thầu thi công. Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính cho phép doanh nghiệp BOT lãi 11% trên tổng dự toán đầu tư khi chưa có kết quả quyết toán và kiểm toán công trình.
Về chi phí thực hiện thủ tục nộp thuế và hoàn thuế, đại diện CIEM đánh giá quy định về thuế thường xuyên thay đổi, phần mềm khai thuế không ổn định khiến doanh nghiệp mất thời gian tìm hiểu và thực hiện quy định về thuế. Mỗi lần cập nhật phần mềm thuế doanh nghiệp mất 5 triệu đồng. Một số doanh nghiệp phải trả các khoản không chính thức cho cán bộ thuế đến kiểm tra, thanh tra.
Ông Vinh cũng chỉ ra nhiều loại chi phí khác đang trở thành gánh nặng của doanh nghiệp như chi phí xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh, chi phí khoa học công nghệ, chi phí tuân thủ quy định về an toàn và chất lượng, chi phí tuân thủ quy định về phòng chống cháy nổ...
Đồng quan điểm, đại diện một doanh nghiệp cho biết gánh nặng chi phí đang thách thức sức chịu đựng của doanh nghiệp, bởi nhắc đến chi phí thường chỉ thấy tăng mà không thấy giảm.
Bàn thêm về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, so với các nước thì doanh nghiệp Việt Nam chịu nhiều chi phí cao, từ chi phí vốn, bảo hiểm xã hội, phí công đoàn... Đáng chú ý, các loại chi phí không chính thức đang cản trở sự lớn mạnh của doanh nghiệp.
Về giải pháp, ông Tuấn đề xuất cần rà soát, đánh giá thực tế các loại phí doanh nghiệp phải chịu, so sánh với các nước trong khu vực. Đồng thời, cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, kết hợp giữa cơ quan thuế và bảo hiểm xã hội...(NDH)
-----------------------------
Geleximco và đối tác Trung Quốc đề xuất xây sân bay Long Thành
Tập đoàn Geleximco vừa “bắt tay” với một doanh nghiệp Trung Quốc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đồng ý về mặt nguyên tắc cho đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong thời gian 3-5 năm.
Liên danh này cũng đề xuất với Thủ tướng Chính phủ đồng ý về mặt nguyên tắc cho dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Liên danh này cam kết sẽ xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong thời gian xây dựng vận hành từ 3-5 năm với giá thành đầu tư thấp nhất cho một sân bay mới hiện đại.
Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn Geleximco cho biết Geleximco có mối quan hệ đối tác chặt chẽ với Tập đoàn Năng lượng mới KAIDI Dương Quang (Trung Quốc) trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và vận hành các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam cũng như một số quỹ đầu tư lớn như Tập đoàn Quản lý tài sản Hoa Dung Trung Quốc.
Trước khi đề xuất tham gia dự án này, Tập đoàn Geleximco cũng được biết đến khi liên tục kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép được tham gia đầu tư hàng loạt các dự án hạ tầng giao thông lớn như cao tốc Bắc- Nam đoạn Thanh Hóa – Hà Tĩnh và Thành phố Hồ Chí Minh - Khánh Hòa; cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái; đường sắt cao tốc Bắc - Nam; dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ước tính sơ bộ tổng chi phí đầu tư 4 dự án này có thể lên tới gần 50 tỷ USD (Vietnam+)
--------------------------------
Vì sao hoãn xử vụ bầu Kiên kiện công ty cũ đòi 190 tỉ đồng?
Ngày 24-8, Tòa Kinh tế (TAND TP HCM) mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án gia đình bầu Kiên kiện công ty cũ đòi 190 tỉ đồng.
Tại phiên tòa, phía nguyên đơn cho biết ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) muốn tham dự phiên tòa. Hiện nay, ông này đang điều trị bệnh tại Bệnh viện 198 - Bộ Công an. Từ đó, phía nguyên đơn đề nghị hoãn phiên tòa để triệu tập ông Nguyễn Đức Kiên và 1 số người liên quan nhằm làm rõ một số vấn đề.
Luật sư Trần Minh Hải bảo vệ cho quyền và lợi ích của phía bị đơn cũng yêu cầu hoãn phiên tòa.
Theo phía bị đơn, trước khi phiên tòa được mở ra thì bên Công ty AIC yêu cầu làm rõ số tiền thiệt hại trong vụ kiện này. Ông Kiên đã từng đứng ra nhận những sai phạm và xin chịu những tổn thất của công ty này, vì vậy, cần triệu tập ông Kiên ra tòa nhằm làm rõ đâu là tài sản của AIC cũng như ông Kiên chịu trách nhiệm như thế nào.
Đồng quan điểm, đại diện VKS đề nghị hoãn phiên tòa để triệu tập thêm đương sự và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan để xem xét toàn diện vụ án.
Sau khi hội ý nhanh, HĐXX quyết định tạm hoãn phiên tòa để các bên bổ sung chứng cứ và triệu tập thêm đương sự, chờ ngày xét xử lại.
HĐXX quyết định hoãn phiên tòa bổ sung chứng cứ và triệu tập thêm đương sự.
Theo hồ sơ vụ việc, thời điểm năm 2009-2010, ông Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Á Châu (ACI). Ngoài Công ty ACI, bầu Kiên còn làm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thương mại B&B (B&B). Tại Công ty B&B, vợ bầu Kiên là bà Đặng Ngọc Lan làm Tổng giám đốc, em gái là Nguyễn Thúy Hương làm thành viên HĐQT.
Trong đơn khởi kiện ngày 5-9-2016, Bà Hương đứng tên đại diện Công ty B&B khởi kiện công ty ACI, đòi hơn 190 tỉ đồng. Đến ngày 11-10-2016, chính bầu Kiên làm đơn khởi kiện Công ty ACI với cùng yêu cầu như em gái mình trong đơn khởi kiện trước. Thời đểm này, bầu Kiên đang chấp hành bản án hình sự của TAND Tối cao phán quyết năm 2014.
Theo đơn khởi kiện, phía nguyên đơn yêu cầu tòa tuyên hủy 2 hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 5 và 6 cùng phụ lục giữa hai công ty B&B và ACI. Ngoài ra, nguyên đơn còn yêu cầu tòa án buộc Công ty ACI và Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) liên đới trả cho công ty B&B hơn 190 tỉ đồng
Về phía Công ty ACI thì đề nghị tòa bác bỏ các yêu cầu khởi kiện của Công ty B&B. Theo đơn khởi kiện này, Công ty B&B đã thanh toán cho Công ty ACI hơn 190 tỉ đồng theo 2 hợp đồng. Nhưng thực tế thì Công ty ACI chỉ nhận được 101 tỉ đồng. Số tiền hơn 89 tỉ đồng do bầu Kiên cùng em gái ruột dùng Công ty B&B để rút tiền của chính công ty ACI chuyển cho Công ty B&B.
Cụ thể, bị đơn trình bày ngày 15-1-2009, bầu Kiên chỉ đạo Công ty ACI bán trả chậm cổ phần cho Công ty CP Tập đoàn Tài chính Á Châu (AFG, ông Kiên làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc), với giá chuyển nhượng hơn 210 tỉ đồng. Sau khi mua bán cổ phần, bầu Kiên chỉ đạo AFG bán trả chậm số cổ phần này cho em gái ruột nhưng nâng tổng giá trị lên hơn 213 tỉ đồng.
Vấn đề khác lạ ở đây là mức giá chuyển nhượng 10.805 đồng/cổ phần, trong khi giá tham chiếu trên thị trường chứng khoán tại thời điểm này đã là 27.500 đồng/cổ phần.
Tiếp đó, bầu Kiên chỉ đạo Công ty ACI mua lại toàn bộ số cổ phần này từ em ruột, nâng tổng giá trị cổ phần lên đến hơn 370 tỉ đồng và buộc Công ty ACI trả tiền ngay.
Bị đơn là ACI trình bày em ruột bầu Kiên - bà Hương - dùng số tiền của Công ty ACI vừa trả để thanh toán ngược lại cho Công ty AFG và trích chuyển cho B&B số tiền hơn 89 tỉ đồng để B&B thanh toán cho ACI tiền chuyển nhượng theo 2 hợp đồng mà nay B&B đang khởi kiện yêu cầu hủy và đòi lại hơn 190 tỉ đồng.(NLĐ)