tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 11-07-2017

  • Cập nhật : 11/07/2017

Châu Á đón nhận làn sóng đầu tư trái phiếu

Theo báo Jakarta Post số ra mới đây, các nhà đầu tư trái phiếu đang đổ xô tới thị trường các nước ở châu Á khi thị trường Mỹ đang có sự sụt giảm mạnh. Nhu cầu trái phiếu châu Á đang ở mức cao nhất trong vòng 8 tháng qua và có vẻ ổn định trong năm nay.

chau a don nhan lan song dau tu trai phieu

Châu Á đón nhận làn sóng đầu tư trái phiếu

Hãng nghiên cứu ANZ Research cho biết các nhà đầu tư đã đổ 9 tỷ USD vào thị trường các nước châu Á và trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 5, vượt mức 8,8 tỷ USD trong tháng 4. Cả hai đều là mức cao nhất kể từ tháng 9/2016.

Các chuyên gia kinh tế nhận định động lực cho xu hướng này chính là những hy vọng ban đầu về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đẩy lạm phát và tăng trưởng thông qua các gói kích thích tài chính đã không trở thành hiện thực.

Điều này đã kéo cả đồng USD và dư nợ của Mỹ tăng trở lại, vì vậy, thu nhập cố định ở châu Á bắt đầu trở nên "hấp dẫn hơn nhiều".

Sau khi đạt được mức cao trong 2 năm ở mức 2,641% vào tháng 12/2016, lãi trái phiếu kho bạc Mỹ 10 năm đã lại giảm xuống mức còn 2,103% vào tuần trước, mức thấp nhất kể từ sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ.

Sau khi Mỹ thông báo lạm phát cơ bản trong tháng 5, ngoại trừ lương thực và năng lượng, các chỉ số còn lại đều ở mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua.

Thậm chí việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh lãi suất cơ bản và việc áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ cũng không làm tăng đáng kể lợi tức của kho bạc Mỹ.

Lãi trái phiếu kỳ hạn 5 năm của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 4 tuần qua ở mức 1.8% vào tuần trước, thấp hơn mức đỉnh là 2,148% hồi tháng 3 năm nay.

Các nhà phân tích cho biết các nhà đầu tư hiện đang tin tưởng vào sự ổn định của thị trường châu Á, chính điều này đã làm cho thị trường trái phiếu của châu Á trở nên khá hấp dẫn. Các thị trường trái phiếu của các quốc gia ở châu Á đang nổi lên đó là: Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Trung Quốc.

Trong 2 tháng qua, hầu hết các quỹ đã đổ vào thị trường Ấn Độ, nơi mà lãi trái phiếu chính phủ 10 năm khoảng 6,5%, Malaysia là 3,9% và Hàn Quốc là khoảng 2,13%.

Cũng theo các chuyên gia kinh tế, sức hấp dẫn của thị trường trái phiếu có thể sẽ thúc đẩy nhu cầu trong ngắn hạn, song triển vọng lâu dài là tích cực, đặc biệt là khi lạm phát ở Mỹ thấp hơn đã làm giảm niềm tin của Fed đối với lãi suất cao hơn.

Đầu tư vào trái phiếu châu Á là một phần của sự tăng trưởng kinh tế tương đối mạnh mẽ của khu vực này. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán tổng sản phẩm quốc nội của khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng 5,5% trong năm 2017 và ở mức 5,4% vào năm 2018.(Bnews)
----------------------------------

Indonesia lãng phí thực phẩm nhất Đông Nam Á

Bộ phận nghiên cứu của tờ Economist công bố báo cáo cho thấy Indonesia là nước lãng phí thực phẩm nhất ở Đông Nam Á và thứ hai trên thế giới.

mot khu cho thuc pham o thu do jakarta cua indonesia afp

Một khu chợ thực phẩm ở thủ đô Jakarta của Indonesia AFP

    Tính bình quân, mỗi người dân phung phí gần 300 kg thức ăn hằng năm, chỉ sau Ả Rập Xê Út (427 kg). Tiếp theo Indonesia là Mỹ (277 kg) và UAE (196 kg).

    Tờ Jakarta Globe dẫn lời chuyên gia Aretha Aprilia thuộc Công ty giải pháp giao thông CDM Smith cho rằng một trong những nguyên nhân là hạ tầng giao thông ở Indonesia không đáp ứng kịp nhu cầu vận chuyển khiến thực phẩm dễ hư hỏng.

    Ngoài ra, theo Công ty tư vấn Supply Chain Indonesia, các kho trữ lạnh tại nước này chỉ có thể bảo quản chừng 200.000 tấn thực phẩm so với nhu cầu lên đến 1,7 triệu tấn.

    Tình trạng lãng phí thực phẩm diễn ra trong khi vẫn còn 7,6% dân số Indonesia bị suy dinh dưỡng và 36% trẻ em dưới 5 tuổi bị thấp bé, còi cọc. Nghiên cứu của Economist đề xuất chính phủ cần cải thiện hạ tầng kết hợp với biện pháp chế tài hành vi phung phí thực phẩm và có chính sách khuyến khích tiết kiệm.(Thanhnien)
    ---------------------

    Quảng Ninh kiến nghị đầu tư 15.660 tỷ đồng xây cao tốc Vân Đồn - Móng Cái theo hình thức PPP

    UBND tỉnh Quảng Ninh vừa đề nghị Bộ GTVT thẩm định Dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.

    quang ninh kien nghi dau tu 15.660 ty dong xay cao toc van don - mong cai theo hinh thuc ppp

    Quảng Ninh kiến nghị đầu tư 15.660 tỷ đồng xây cao tốc Vân Đồn - Móng Cái theo hình thức PPP

    Theo đó, tuyến cao tốc Vân Đồn – Quảng Ninh sẽ có điểm đầu tại Km80 +108, xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn; điểm cuối tại Km150+338 giao với đường tỉnh 335, trùng với điểm cuối Dự án cầu Bắc Luân II, Tp. Móng Cái. Tuyến cao tốc có chiều dài 80,23 km này sẽ được xây dựng theo quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h.

    Tổng mức đầu tư Dự án là 15.660,6 tỷ đồng, trong đó phần lãi vay trong thời gian xây dựng (năm 2017 – 2020) là 1.188 tỷ đồng. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm góp vốn chủ sở hữu và huy động các nguồn vốn khác với tổng giá trị 13.095,6 tỷ đồng; phần vốn nhà nước tham gia Dự án để thực hiện công tác bồi thường, GPMB là 2.564 tỷ đồng.

    Để hoàn vốn nhà đầu tư được thu phí hoàn vốn theo hình thức thu phí kín với trạm thu phí chính được đặt ở đầu và cuối dự án, trạm thu phí phụ được đặt ở nhánh lên xuống của các nút giao liên thông. Trạm dịch vụ của Dự án dự kiến được bố trí tại Km99+500. Thời gian xây dựng công trình từ năm 2017 – 2020.

    Trước đó, hồi đầu tháng 8/2016, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao địa phương này là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đầu tư tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, thay thế cho phương án đề xuất giao Bộ GTVT thẩm quyền quyết định đầu tư và vận động vay vốn ODA Trung Quốc để thực hiện đầu tư như hồi giữa tháng 2/2016.

    Lý do mà Quảng Ninh đưa ra là nếu vận hành thực hiện dự án tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đầu tư bằng nguồn vốn ODA sẽ rất lâu và không hoàn thành theo quy hoạch, kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ là trước năm 2020.(Baodautu)
    --------------------------

    Lần đầu tiên Việt Nam nhập siêu từ Hàn Quốc vượt qua Trung Quốc

    Thâm hụt thương mại Việt Nam - Hàn Quốc 6 tháng đầu năm ở mức 15,9 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức thâm hụt 14,1 tỷ USD từ Trung Quốc.

    Đó là thông tin được TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách VEPR đưa ra trong buổi Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý II/2017.

    Theo chuyên gia của VEPR, quý II chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại. Cả xuất khẩu và nhập khẩu đều đạt mức tăng trưởng cao nhất trong vòng hơn 5 năm qua. Đặc biệt, xuất khẩu tăng tốc từ mức tăng trưởng 12,8% của quý trước lên 24,5% trong quý II, góp phần cải thiện đáng kể thâm hụt thương mại.

    Tính chung nửa đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 97,8 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước (2015: 9,3%, 2016: 5,9%). Đồng thời, tăng trưởng xuất khẩu không chỉ phục hồi về giá trị mà cả về lượng. Nếu loại trừ yếu tố giá, tăng trưởng xuất khẩu đạt 12,9% , cao hơn so với quý 1 (6,7%) và cùng kỳ năm trước (10,1%).

    Quang cảnh buổi Công bố báo cáo vĩ mô quý II/2017

    Trong khi đó, nhập khẩu hàng hóa trong quý 2 tiếp tục tăng trưởng ở mức cao, đạt 26,8%. Kim ngạch nhập khẩu đạt 54,8 tỷ USD trong quý 2 và 100,5 tỷ USD trong 2 quý đầu năm. Do đó, dù giảm nhẹ xuống còn 0,7 tỷ USD trong quý 2, thâm hụt thương mại của Việt Nam vẫn ở mức 2,7 tỷ USD trong nửa đầu năm 2017.

    Xét theo nhóm hàng, xuất khẩu hầu hết các mặt hàng chủ lực của Việt Nam đều tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, xuất khẩu nhóm điện thoại và linh kiện đạt 20,1 tỷ USD (tăng 18,3%); điện tử, máy tính và linh kiện đạt 11,3 tỷ USD (tăng 42,3%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 6,1 tỷ USD (tăng 36,3%). Đáng chú ý, xuất khẩu dầu thô nửa đầu năm 2017 đạt 1,6 tỷ USD, tăng 39,2% về giá trị và 10,1% về lượng.

    "Điều này cho thấy rõ xu hướng đẩy mạnh khai thác dầu thô nhằm cải thiện tăng trưởng kinh tế trong năm nay", ông Thành nhấn mạnh.

    Trong khi đó, nhập khẩu tăng mạnh ở các nhóm hàng tư liệu sản xuất phục vụ cho các ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Trong đó, nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 18,4 tỷ USD (tăng 37,8%); điện tử, máy tính và linh kiện đạt 16,2 tỷ USD (tăng 28,2%); điện thoại và linh kiện đạt 6,2 tỷ USD (tăng 29,5%).

    Xét theo đối tác, xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục xu hướng dịch chuyển sang các nước trong khu vực. Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN lần lượt đạt 13 tỷ USD, 6,6 tỷ USD và 10,4 tỷ USD, tăng tương ứng là 42,5%, 29,1% và 26,7%.

    Đáng chú ý, nhập khẩu tăng mạnh khiến thâm hụt thương mại với Hàn Quốc đã vượt qua thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Theo ông Thành, đây là điều chưa từng có tiền lệ.

    Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 22,5 tỷ USD, tăng 51,2% trong khi nhập khẩu Trung Quốc chỉ tăng 16,8% và đạt 27,1 tỷ USD. Theo đó, thâm hụt thương mại Việt Nam - Hàn Quốc ở mức 15,9 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức thâm hụt 14,1 tỷ USD từ Trung Quốc.

    Ông Thành cho rằng, điều này cùng với cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu chính phản ánh xu hướng phụ thuộc về thương mại vào một số doanh nghiệp lớn đến từ Hàn Quốc, đặc biệt là Samsung.(NDH)

    Trở về

    Bài cùng chuyên mục