tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 10-07-2017

  • Cập nhật : 10/07/2017

EU, Mỹ, Trung Quốc đứng sát vách cuộc chiến thương mại

Giữa lúc cảnh sát và người biểu tình đụng độ bên ngoài Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Hamburg (Đức), các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Trung Quốc bên trong đang đứng sát vách một cuộc chiến thương mại.

cuoc chien thue thep co the se khong chi dien ra giua my, eu ma con bao gom ca trung quoc anh: afp

Cuộc chiến thuế thép có thể sẽ không chỉ diễn ra giữa Mỹ, EU mà còn bao gồm cả Trung Quốc ẢNH: AFP

Theo AFP, cuộc chiến thuế thép sẽ không chỉ diễn ra giữa Mỹ, EU mà còn bao gồm cả Trung Quốc.

Trước khi các cuộc đàm phán trong khuôn khổ G20 diễn ra hôm 7.7, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho biết EU sẵn sàng phản ứng thích đáng nếu các nước khác tung biện pháp tự vệ trước thép nhập khẩu từ nước ngoài. Cách đây không lâu, Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết sẽ áp dụng thuế quan lên thép nhập khẩu để bảo vệ ngành sản xuất Mỹ và Washington có thể bắt đầu áp thuế sớm nhất từ ngày 13.7.

Thuế quan với một số sản phẩm thép sẽ ảnh hưởng đến nhập khẩu thép vào Mỹ, vốn đạt 152,6 triệu USD năm ngoái. Đức, Nhật là hai nước xuất nhiều thép đến Mỹ nhất, theo sau là Thụy Sĩ, Ấn Độ, Hàn Quốc và Ý.

EU hiện áp dụng một số biện pháp chống lại thép Trung Quốc vì cho rằng chính phủ Đại lục đang trợ cấp thiếu công bằng cho các nhà sản xuất nước nhà để bóp méo thị trường.

Không như Trung Quốc, “châu Âu không thể bị đặt ngang hàng với các hoạt động cạnh tranh thiếu lành mạnh mà chúng ta không tham gia”, Văn phòng Tổng thống Pháp tuyên bố, cam kết sẽ phản ứng nhanh nếu Mỹ nhắm mục tiêu vào xuất khẩu thép EU. Giới chức EU cũng vừa đưa ra danh sách các mặt hàng Mỹ có thể bị trừng phạt để trả đũa, từ nước cam cho đến các sản phẩm sữa.

Ông Juncker chưa xác nhận chi tiết nhưng nhấn mạnh rằng Brussels đang trong trạng thái cảnh báo cao và chỉ mất vài ngày để khối này phản ứng với các biện pháp của Mỹ.

Trong khi EU và Mỹ căng thẳng chuyện thuế thép, Đại lục - nước cung ứng khoảng một nửa số thép toàn cầu - ít nói về chủ đề này tại Hamburg. Bắc Kinh từng lên tiếng phản đối lệnh trừng phạt từ châu Âu hồi tháng trước, cáo buộc Brussels chưa hiểu hệ thống cho vay của nước này. Ông Wang Hejun, quan chức cấp cao thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, cho biết: “Châu Âu thành kiến, thiếu công bằng khi đổ lỗi vấn đề công nghiệp của riêng họ cho Trung Quốc”.

Thép chỉ là một trong số danh sách dài các vấn đề về khiếu nại có thể ảnh hưởng đến tuyên bố chung của G20. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm ngoái diễn ra ở Hàng Châu (Trung Quốc), giới lãnh đạo nhất trí rằng “năng suất dư thừa trong ngành thép và các ngành công nghiệp khác là vấn đề mang tính toàn cầu, đòi hỏi nhiều phản ứng chung nhằm tạo ra cơ chế để tăng cường chia sẻ thông tin và hợp tác giải quyết vấn đề”. Dù vậy, nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán G20 cho biết Trung Quốc vẫn chưa thực sự chia sẻ tất cả thông tin.

Một quan chức cấp cao nói trên tờ Financial Times: “Tín hiệu mà chúng tôi đưa ra là chúng tôi hoàn toàn sẵn sàng hợp tác với Mỹ” để nhắm mục tiêu vào thép Trung Quốc. Tuy nhiên, quan chức này cũng cho rằng hai bên sẽ rất khó hợp tác về mặt chính trị nếu cả EU cũng là mục tiêu của biện pháp trừng phạt từ Mỹ.

Là người chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh năm nay, Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 7.7 kêu gọi một giải pháp “đa phương” để giải quyết tình trạng dư cung thép thế giới.(Thanhnien)
------------------------

Tesla xây nhà máy trữ điện lớn nhất thế giới

Theo CNBC, Tesla đồng ý xây dựng hệ thống dự trữ điện bằng pin lithium-ion lớn nhất thế giới tại khu vực Nam Úc. Công ty ô tô điện Mỹ vượt qua 91 doanh nghiệp khác để thắng thầu xây dựng cơ sở dự trữ điện 100 megawatt. Tesla sẽ hợp tác với hãng năng lượng tái tạo Pháp Neoen và nhận năng lượng từ trang trại gió Hornsdale gần Jamestown, Nam Úc. Cơ sở có thể cung ứng điện cho 30.000 hộ gia đình.

Tỉ phú Musk thông báo thông tin này tại một cuộc họp báo ở Úc, sau đó đăng tải lại trên mạng xã hội Twitter. Ông cho hay cơ sở trữ năng lượng sẽ lớn gấp ba lần bất cứ cơ sở nào đang có sẵn hiện thời.

“Về cơ bản, bạn có thể sạc các gói pin nếu bạn thừa điện khi chi phí sản xuất điện rất thấp. Sau đó, bạn lấy điện từ pin khi chi phí sản xuất điện cao. Điều này hạ đáng kể chi phí trung bình khi năng lượng chuyển đến tay khách hàng cuối. Đây là cách cải tiến hiệu quả cho lưới điện”, ông Musk cho hay.

Ông chủ Tesla cũng nói rằng nếu dự án không được hoàn tất trong 100 ngày, công tác xây dựng sẽ được miễn phí. Đây là nội dung giống với cam kết được thực hiện cách đây vài tháng. Ông Lyndon Rive, anh họ của ông Musk kiêm nhà đồng sáng lập Solar City - công ty vừa sáp nhập vào Tesla gần đây - cho biết trong tháng 3 rằng hãng có thể lắp đặt khu dự trữ năng lượng 100 đến 300 megawatt trong vòng 100 ngày.

Nam Úc là nơi hứng chịu nhiều cơn bão nghiêm trọng gây thiệt hại cơ sở hạ tầng, khiến nhiều hộ gia đình sống trong tình trạng mất điện. Chính quyền Nam Úc đã và đang tìm cách khắc phục vấn đề bằng năng lượng tái tạo. Vì quy mô lớn, ông Musk cũng cho rằng dự án sẽ gặp nhiều rủi ro: “Chúng tôi đã nghĩ đến điều này và chắc chắn có một số rủi ro vì đây sẽ là cơ sở pin lớn nhất thế giới”.(Thanhnien)
----------------------

Tranh mua tro xỉ nhà máy nhiệt điện

Một doanh nghiệp tư nhân vừa ký hợp đồng mua tro xỉ Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, còn tại Hải Phòng việc này đã diễn ra 2 năm nay.

Theo kế hoạch, doanh nghiệp sẽ thu mua tro xỉ từ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 để sản xuất gạch không nung, vật liệu xây dựng. Đây được coi là lời giải cho nút thắt bài toán nguy cơ ô nhiễm môi trường của điện than mà dư luận lo lắng lâu nay. Trong khi mới chỉ có một vài doanh nghiệp đứng ra thu mua thải xỉ của nhà máy nhiệt than phía Nam và đang trong quá trình chờ phê duyệt từ cấp có thẩm quyền, thì tại miền Bắc đầu ra của tro xỉ có vẻ khả quan hơn.

Tại khu vực thải tro xỉ của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng, mỗi ngày đều đặn những chiếc xe bồn của 4 đơn vị thầu bao tiêu mua gom tro xỉ của nhà máy túc trực chờ chở tro xỉ nhà máy này thải ra.Ông Trần Hữu Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng cho biết,ban đầu khi dự án Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng đưa vào hoạt động (từ năm 2011) thì tro xỉ là vấn đề nóng bỏng, bởi mỗi năm nhà máy thải ra khoảng 1-1,5 triệu tấn tro xỉ, trong khi đó hồ chứa xỉ chỉ thiết kế khoảng 10 năm nếu không xử lý sẽ đầy và nhà máy sẽ không thể hoạt động được.

cac don vi dang khai thac, gom tro xi tai ho chua xi thai nha may nhiet dien hai phong. anh: ht

Các đơn vị đang khai thác, gom tro xỉ tại hồ chứa xỉ thải Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng. Ảnh: HT

Cách đây 2 năm nhà máy đã ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ tro xỉ cho các đơn vị để làm vật liệu xây dựng, nguyên liệu trộn bê tông, xi măng... “Lúc đầu, chúng tôi bán kiểu tự do, ai vào cũng bán, lúc đấy quản lý khó, xuất hiện tình trạng tranh giành nhau mua tro xỉ. Sau đó công ty có chính sách bao tiêu, thu gọn các nhà thầu có năng lực lại, họ tự phân phối thì trật tự lại ngay. Lúc này tính toán cũng dễ, không cần cân đong mà tính qua lượng than tiêu thụ theo năm, mỗi năm tiêu thụ bao nhiêu than thì ra bấy nhiêu tiền tro xỉ cũng tiện lợi hơn cho công tác quản lý”, ông Nam nói.

Tất cả lượng tro được chở bằng hệ thống xe bồn kín để vận chuyển tới nơi tiêu thụ.Hiện tại 100% lượng tro xỉ nhà máy thải ra đã được bao tiêu hết. Với mức giá dao động theo chất lượng tro xỉ mỗi đợt khoảng 10.000-18.000 đồng một tấn, Chủ tịch Công ty nhiệt điện Hải Phòng ước tính, năm 2016 đơn vị này thu được khoảng 2-3 tỷ đồng tiền bán tro xỉ, số tiền tuy không lớn nhưng giúp doanh nghiệp có kinh phí để "quay vòng đầu tư cho môi trường nhà máy".

"Chúng tôi không đặt nặng vấn đề doanh thu từ việc bán tro xỉ này, mà mấu chốt là đã giải quyết được bài toán đầu ra cho chất thải của nhà máy", lãnh đạo Nhiệt điện Hải Phòng chia sẻ.

Riêng hồ chứa thải xỉ chỉ còn khoảng 1 triệu tấn và đang được 2 đơn vị bao tiêu. "Sau 3 năm nữa toàn bộ tro xỉ trong hồ chứa sẽ được xử lý hết, và hồ sẽ chỉ còn lại phần lớn là nước", ông Nam cho biết thêm.

Hiện nay, cả nước có 19 nhà máy nhiệt điện đang hoạt động với công suất phát gần 14.500 MW, mỗi năm thải khoảng 15 triệu tấn tro xỉ, trong đó lượng tro chiếm 75%. Dự kiến sau năm 2020, lượng tro xỉ thải ra hơn 30 triệu tấn một năm.Về nguyên tắc, tro xỉ có thể được sử dụng như phụ gia sản xuất xi măng, sản xuất bê tông, gạch không nung và các loại vật liệu xây dựng khác.

Hồi giữa tháng 4, Thủ tướng ban hành Quyết định số 452, phê duyệt đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hoá chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng. Theo đó, đến năm 2020 các nhà máy phải xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch caolàm nguyên liệu xây dựng đạt khoảng 52% tổng lượng tích lũy (khoảng 75 triệu tấn, bao gồm 56 triệu tấn tro, xỉ nhiệt điện; 19 triệu tấn thạch cao).

Phó giáo sư, Tiến sỹ Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội Khoa học kĩ thuật Nhiệt Việt Nam cho rằng, để người dân yên tâm, các nhà máy nhiệt điện cần chứng minh được tro, xỉ khi đưa ra bãi thải không phải là chất thải nguy hại; đảm bảo không phát tán các kim loại nặng ra môi trường. Trong quá trình vận chuyển chất thải phải che, đậy, phủ bạt kín, tránh phát tán bụi ra môi trường...(Vnexpress)
-------------------

Tổng thống Mỹ khẳng định sẽ thăm Việt Nam trong tháng 11

Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định sẽ tới Việt Nam dự Hội nghị Cấp cao APEC khi gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hamburg, Đức.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 8/7, bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức, có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo thông cáo Bộ Ngoại giao.

Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Trump khẳng định sẽ thăm Việt Nam và dự Hội nghị Cấp cao APEC ở Đà Nẵng vào tháng 11 tới đây.

tong-thong-my-khang-dinh-se-tham-viet-nam-trong-thang-11

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề Hội nghị G20. Ảnh: VGP.

 

Tại cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc, Thủ tướng chúc Đại hội 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc thành công, đồng thời khẳng định coi trọng việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm Việt Nam và dự Hội nghị Cấp cao APEC.

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn có các cuộc tiếp xúc song phương với Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus.

Gặp gỡ Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị EU sớm hoàn thành việc rà soát pháp lý và ký chính thức Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), đồng thời hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để triển khai hiệu quả hiệp định. Các nhà lãnh đạo EU cùng nhất trí.

Chiều tối ngày 8/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân rời Hamburg đến Amsterdam, bắt đầu chuyến thăm chính thức Hà Lan.(Vnexpress)
---------------------

 

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục