Không nên dồn vốn vào vàng
Lãi suất khó giảm khi các ngân hàng chạy đua huy động vốn
Nhận diện những mặt trận MobiFone sắp "tấn công tổng lực"
Tình cảnh thua lỗ tại SBIC: Có công ty không đủ kinh phí duy trì bộ máy phục vụ công tác giải thể
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 09-07-2017
- Cập nhật : 09/07/2017
Việt Nam nêu bật tác động tiêu cực ở sông Mekong tại G20
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam chịu tác động do việc dùng nước thiếu bền vững ở sông Mekong khi dự hội nghị G20.
Phát biểu với tư cách diễn giả chính tại Phiên thảo luận về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và năng lượng của G20 hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đồng thời chịu tác động tiêu cực của việc khai thác và sử dụng không bền vững nguồn tài nguyên nước sông Mekong, thông cáo của Bộ Ngoại giao cho biết.
Nêu rõ tầm quan trọng của tăng cường hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu, lãnh đạo Việt Nam khẳng định Việt Nam thực hiện nghiêm túc việc cắt giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm tới 25% nếu nhận được sự hỗ trợ hiệu quả của quốc tế.
Việt Nam cũng sẽ nỗ lực hoàn thành sớm 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG-2030) của Liên Hợp Quốc, trong đó ưu tiên cho các vấn đề năng lượng tái tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đề cập tới Hội nghị APEC cuối năm nay được tổ chức tại Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam đã thúc đẩy những chủ đề ưu tiên trong nghị sự là phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu và sử dụng hiệu quả năng lượng. Việt Nam đang phối hợp với các thành viên APEC tăng cường trao đổi về phát triển bao trùm cả về kinh tế, xã hội và tài chính.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị G20 nghiêm túc thực hiện các cam kết quốc tế, tăng hỗ trợ tài chính và công nghệ cho các nước đang phát triển trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm.
Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay được tổ chức tại Hamburg, Đức, có chủ đề Định hình một thế giới kết nối. Đại diện các nước tham dự đã cam kết giảm khí thải thông qua tăng cường nghiên cứu, phát triển năng lượng sạch, sử dụng hiệu quả năng lượng. Với việc Mỹ rút khỏi Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu, Hội nghị nhấn mạnh các thành viên khác trong G20 tiếp tục thực hiện các cam kết theo Thỏa thuận này, trong đó có cam kết hỗ trợ các nước đang phát triển giảm nhẹ tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay với tư cách là Chủ nhà APEC 2017. Đây là lần thứ ba Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20. Năm 2010, Việt Nam đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh tại Canada và Hàn Quốc trên cương vị Chủ tịch ASEAN.(Vnexpress)
--------------------------
Vì sao ô tô Mỹ vẫn ế ở Hàn Quốc?
Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump nỗ lực tái đàm phán thương mại với đồng minh chính là Hàn Quốc, ô tô Mỹ hiệu General Motors (GM) và Ford Motor vẫn khó bán tại nước này.
Theo Reuters, giới chuyên gia và quan chức ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc cho rằng các hiệu xe Mỹ như GM hay Ford Motor phải sang trọng hơn, có giá phải chăng hơn hoặc tiết kiệm nhiên liệu hơn để bán được ở nước này.
Cách đây một tuần, trong buổi gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ở Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ sẽ nỗ lực hơn để giải quyết sự mất cân bằng trong thương mại với Hàn Quốc và tạo ra sân chơi bình đẳng cho giới doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là các nhà sản xuất ô tô, trong thị trường xe hơi lớn thứ 11 thế giới xét theo doanh số.
Dù nhập khẩu từ các hãng như Ford, Chrysler và GM tăng hơn gấp đôi hồi năm ngoái nhờ thỏa thuận thương mại tự do có hiệu lực từ năm 2012, doanh số ô tô Mỹ tại xứ sở kim chi chỉ đạt 1%. Thị trường bị chi phối bởi các mẫu xe giá rẻ từ Hyundai Motor và Kia Motors.
Hàng nhập khẩu chỉ chiếm 15% thị trường ô tô Hàn Quốc và chủ yếu xe nhập là các mẫu sang trọng hơn từ Mercedes-Benz hay BMW của Đức. Hai hãng này cũng hưởng lợi từ thỏa thuận thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Hàn Quốc.
Một quan chức Hàn Quốc cho hay: “Việc giải quyết rào cản thuế quan cơ bản sẽ không làm tăng khả năng cạnh tranh của Mỹ. Những gì chúng tôi thật sự muốn nói với Mỹ là: sản xuất ô tô tốt hơn, sản xuất ô tô mà người tiêu dùng Hàn Quốc thích”.
Tại xứ Hàn, ô tô Mỹ được xem là thua xe hơi Đức về hình ảnh thương hiệu, sự tinh tế và khả năng tiết kiệm nhiên liệu, giới chuyên gia cho biết. Dù vậy, Mỹ mạnh trong lĩnh vực ô tô điện. Xe điện của Tesla Motors được xem là vừa thân thiện với môi trường, vừa hợp thời trang.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho rằng hạn ngạch trong thỏa thuận thương mại hiện thời là lý do khiến việc thúc đẩy nhập khẩu gặp trở ngại. Cụ thể, hạn ngạch cho phép các nhà sản xuất Mỹ nhập 25.000 chiếc ô tô đạt chuẩn an toàn của Mỹ vào Hàn Quốc. Nếu đơn cử, hãng GM muốn nhập một mẫu xe nhiều hơn mức hạn ngạch, hãng sẽ mất 75 triệu USD để sửa đổi sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn của Hàn Quốc.
Dù vậy, hiện chưa có công ty nào của Mỹ sử dụng hết mức hạn ngạch. GM, thương hiệu Mỹ phổ biến nhất, chỉ bán được 13.150 chiếc xe tiêu chuẩn Mỹ trên đất Hàn năm 2016.(Thanhnien)
--------------------
150 triệu USD cho startup trên toàn thế giới
Felix Capital - quỹ đầu tư mạo hiểm từ Anh dành 150 triệu USD đầu tư vào startup ở các nước.
Đại diện quỹ cho biết, Felix Capital nhắm đến các startup thuộc lĩnh vực điện tử thương mại, điện tử truyền thông và kết nối cộng đồng. Trung bình, mỗi khoản đầu tư của quỹ từ 100.000 USD đến 10 triệu USD.
Ông Felix, đồng sáng lập quỹ khẳng định, mọi startup tiềm năng trên thế giới đều có cơ hội nhận vốn từ Felix Capital. “Chúng tôi muốn trở thành nơi đón đầu xu hướng công nghệ sáng tạo toàn cầu”, ông nói thêm.
Quyết định rót 150 triệu USD vốn của Felix Capital xuất hiện trong bối cảnh hàng loạt nhà đầu tư tại châu Âu tuyên bố ngừng cung tiền cho các quỹ đầu tư mới thành lập. Gần đây, công ty đầu tư Breega (Pháp) và quỹ đầu tư Iris (châu Âu) quyết định đóng cửa quỹ đầu tư trị giá 280 triệu USD dành cho các startup.
Sắp tới, hai chuyên gia lĩnh vực kinh doanh thời trang trực tuyến sẽ gia nhập đội ngũ cố vấn của Felix Capital. Đó là Sasha Astafyeva, Giám đốc chiến lược tại Lyst (sàn thương mại điện tử thời trang cao cấp tại London) và Jon Kamaluddin, Giám đốc quốc tế tại Asos (trang bán lẻ các sản phẩm thời trang).
Felix Capital thành lập năm 2014 tại London (Anh). Đến nay, quỹ đã đầu tư vào 19 startup trên toàn thế giới.
Trong số các thương vụ lớn, Felix Capital đã đầu tư 33,7 triệu USD vào Frichti - startup chế biến món ăn tươi tại nhà vào tháng 5 vừa qua.
Thời kỳ mới thành lập, quỹ chủ yếu đầu tư vào các startup tại châu Âu và một số công ty khởi nghiệp tại Mỹ. Giá trị mỗi khoản đầu tư 2-5 triệu USD, thậm chí, những startup với ý tưởng xuất sắc đã nhận 10 triệu USD.
Hiện quỹ đã dành tổng cộng 270 triệu USD đầu tư khuyến khích các startup phát triển.(Vnexpress)
-----------------
Trên 47 triệu USD đầu tư vào Quảng Ninh
Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Quảng ninh đã thẩm tra, cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho 6 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư thu hút đạt trên 47 triệu USD.
Sản xuất sợi tại Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Texhong Ngân Hà, Khu công nghiệp Texhong Hải Hà. Ảnh: baoquangninh.com.vn
Hai dự án cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, bao gồm: Dự án công trình hạ tầng kỹ thuật phụ trợ phục vụ cho Khu công nghiệp Texhong Hải Hà và Dự án cấp nước thô giai đoạn I cho Khu công nghiệp Texhong Hải Hà của Công ty TNHH Khu công nghiệp Texhong Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt trên 20 triệu USD, nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh là 58 dự án, với số vốn đăng ký kinh doanh đạt trên 2,3 tỷ USD.
Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ một số nhà đầu tư nước ngoài hoàn thiện các thủ tục về đầu tư đối với các dự án lớn, trọng điểm trong Khu công nghiệp, Khu kinh tế để được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, như: dự án kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Sông Khoai (thị xã Quảng Yên); dự án khu du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái rừng, biển cao cấp Hòn Giai (huyện Vân Đồn).
Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh đang tích cực phối hợp và đôn đốc Công ty TNHH Khu công nghiệp Texhong Việt Nam hoàn thiện việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Hải Hà công suất 2.100 MW tại Khu công nghiệp - Cảng biển Hải Hà với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng trên 3 tỷ USD để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.(TTXVN)