Bất động sản giải trí Đà Nẵng hút giới đầu tư
Đổi ngoại tệ thành VND ngay tại ATM của VietinBank
Goldman Sachs: Anh có rơi vào suy thoái vì Brexit
Hàn Quốc cần cải cách cơ cấu dựa vào hỗ trợ bởi chính sách tài chính và tiền tệ
Kế hoạch điện gió ngoài khơi của Trung Quốc chậm trễ, mục tiêu 2020 bị đe dọa
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 26-06-2016
- Cập nhật : 26/06/2016
Hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam đang giảm dần
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê mặc dù lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhưng con số này đang giảm so với cùng kỳ năm 2015.
Tổng cục Thống kê cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2016 ước đạt 162,9 tỷ USD.
Trong đó, xuất khẩu ước đạt 82,2 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2015, khu vực FDI ước chiếm 58,6 tỷ USD, khu vực đầu tư trong nước chiếm 23,7 tỷ USD.
Còn nhập khẩu ước đạt 80,7 tỷ USD, giảm 0,5%, khu vực FDI chiếm 47,3 tỷ USD, khu vực đầu tư trong nước chiếm 33,4 tỷ USD.
Xét về thị trường, trong 6 tháng đầu năm 2016, Việt Nam xuất khẩu lớn nhất sang Hoa Kỳ, tiếp đến là EU, Trung Quốc...
Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc. Tiếp đến là các thị trường như Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản...
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê mặc dù lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2016 nhưng con số này đang giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 2,9% (696 triệu USD). Do đó, nhập siêu từ thị trường này cũng giảm chỉ còn 14,1 tỷ USD, giảm 11,5% (1,8 tỷ USD) so với cùng kỳ 2015.
Nhận xét chung về tình hình xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê cho biết: Xuất khẩu vẫn duy trì tăng trưởng trong khi nhập khẩu giảm so với cùng kỳ 2015 nên 6 tháng đầu năm ước tính mức xuất siêu khoảng 1,5 tỷ USD.
Tuy nhiên nếu giá cả hàng hóa trên thế giới tiếp tục giảm, cộng với những khó khăn của kinh tế thế giới và sự chững lại về nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước sẽ khiến tăng trưởng xuất khẩu năm nay khó đạt mục tiêu 10%.
Cũng theo cơ quan thống kê nhận định, tuy nhập siêu của khu vực trong nước vẫn cao với 9,7 tỷ USD nhưng xuất khẩu của khu vực này trong 6 tháng đầu năm tăng 3,3% (cùng kỳ 2015 giảm 2,7%) cho thấy sản xuất của khu vực trong nước đã có sự phục hồi.
Pháp vượt Anh trở thành nền kinh tế thứ 5 thế giới
Sau khi đồng bảng Anh rơi xuống mức thấp nhất trong 31 năm sau quyết định Anh rời EU, Pháp vượt qua Anh trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 toàn cầu.
Theo báo Express của Anh, tại thị trường tài chính Pháp, các nhà đầu tư vừa đón nhận tin vui khi giới chuyên gia kinh tế nước này cho biết Anh đã rơi xuống vị trí là nền kinh tế lớn thứ 6 của thế giới ngay sau khi họ chính thức quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Các phân tích của Trường Kinh tế London cho rằng, việc mất giá lớn nhất trong 31 năm qua của đồng bảng Anh đã là nhát búa giáng rất nặng vào nền kinh tế Anh.
Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s cũng cảnh báo việc người Anh quyết định rời EU “báo trước một giai đoạn bất ổn về chính sách kéo dài và gây ảnh hưởng nặng nề với hoạt động kinh tế và tài chính của Vương quốc Anh”.
Hàng tỉ USD giá trị cổ phiếu đã bốc hơi trên toàn thị trường châu Âu sáng 24-6. Chỉ số FTSE 100 của London giảm 6% trong các giao dịch đầu ngày. Trong khi đó chỉ số CAC 40 của Pháp cũng giảm 9%, các chỉ số chứng khoán tại thị trường Ý và Tây Ban Nha cũng đều giảm hơn 11%.
Trong khi đó, theo Reuters, thị trường chứng khoán toàn cầu đã mất khoảng 2.000 tỉ USD trong ngày 24-6 sau khi Anh bỏ phiếu ủng hộ rời EU. Dòng tiền của giới đầu tư bắt đầu đổ sang vàng và các trái phiếu chính phủ an toàn hơn.
Thống đốc Ngân hàng Anh Mark Carney cho biết ngân hàng trung ương Anh đã sẵn sàng bơm thêm 250 tỉ bảng Anh để hỗ trợ các thị trường tài chính sau khi Anh quyết định rời EU.
Hiện tại đồng bảng Anh đang giao dịch với tỉ giá thấp hơn 7% so với đồng USD, 1 bảng Anh đổi 1,3782 USD.
Kết quả trưng cầu ý dân tại Anh cũng có thể sẽ tác động tới Cục dự trữ liên bang Mỹ khi họ có thể sẽ chưa tăng lãi suất theo kế hoạch trong năm nay. Và rất có thể kết quả này cũng buộc các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới sớm có những chính sách khẩn cấp ứng phó.
Nhà đầu tư chứng khoán sắp không được chuyển khoản nội bộ
Một trong những dịch vụ mà nhà đầu tư vẫn được sử dụng tại các công ty chứng khoán là chuyển khoản nội bộ sẽ bị chấm dứt từ 1/7 tới đây.
Trong khi các dịch vụ như giao dịch trong ngày hay bán chứng khoán chờ về vẫn chưa được áp dụng, thì tới đây 1/7, nhà đầu tư sẽ bị ngừng cung cấp dịch vụ chuyển tiền nội bộ giữa các tài khoản giao dịch chứng khoán .
Đây là thông báo mà một số công ty chứng khoán đã chuyển tới nhà đầu tư trong những ngày cuối tháng 6.
Điển hình như CTCP Chứng khoán SHB (SHBS) vừa thông báo ngừng cung cấp dịch vụ này.
SHBS cho biết đây là yêu cầu của Thông tư số 203/2015/TT-BTC ngày 21/12/2015 về việc Hướng dẫn giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Theo đó, “Mọi hoạt động thanh toán, giao dịch chi trả tiền cho nhà đầu tư phải được thực hiện qua ngân hàng thương mại. Công ty chứng khoán không được nhận chuyển tiền nội bộ giữa các tài khoản của nhà đầu tư”.
Doanh nghiệp thêm cửa vay ngoại tệ
Việc ngân hàng triển khai cho vay đa ngoai tệ nhằm giúp doanh nghiệp có thêm nhiều lựa chọn về loại ngoại tệ vay nhằm bổ sung vốn kinh doanh cho hoạt động xuất nhập khẩu, qua đó giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro biến động tỷ giá.
Từ 1/6/2016, Ngân hàng Nhà nước lại cho phép các doanh nghiệp được vay ngoại tệ sau 2 tháng tạm dừng trước đó. Theo các chuyên gia, thông tin này đã mang lại niềm vui cho cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu.
Ngân hàng giờ đây có cơ hội đẩy tăng trưởng tín dụng đi nhanh hơn. Doanh nghiệp xuất khẩu trong khi đó có thể vay được nguồn vốn với chi phí rẻ hơn bởi lãi suất cho vay đối với USD với kỳ hạn dài cũng chỉ bằng một nửa mức lãi suất tiền Đồng, qua đó giúp hỗ trợ hoạt động xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Việc vay ngoại tệ được nhiều doanh nghiệp lựa chọn nên các ngân hàng cũng tranh thủ thúc đẩy dòng vốn. Mới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa triển khai sản phẩm “Cho vay đa ngoại tệ” dành cho khách hàng doanh nghiệp.
Cụ thể, Sacombank triển khai cho vay nhiều loại ngoại tệ như: Đô-la Mỹ (USD), Euro (EUR), Đô-la Úc (AUD), Bảng Anh (GBP), Frank Thụy Sỹ (CHF), Yên Nhật (JPY), Đô-la Singapore (SGD), Đô-la Canada (CAD), Bath Thái (THB)…Phương thức cho vay và thanh toán nợ linh hoạt theo từng lần hoặc theo hạn mức tín dụng, ngoại tệ dùng để thanh toán nợ có thể cùng hoặc khác loại ngoại tệ đã vay theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Theo đại diện ngân hàng này, việc triển khai cho vay đa ngoai tệ nhằm giúp doanh nghiệp có thêm nhiều lựa chọn về loại ngoại tệ vay nhằm bổ sung vốn kinh doanh cho hoạt động xuất nhập khẩu, qua đó giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro biến động tỷ giá, tiết giảm chi phí trong thanh toán và chủ động chọn đồng tiền thanh toán có lợi khi ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu.
Ngân hàng Trung ương Anh hứa tung ra 250 tỷ bảng để bình ổn thị trường
Ngay sau khi đa số người dân Anh bỏ phiếu chọn rời EU, thị trường chứng khoán Anh và đồng bảng Anh đã chịu nhiều thiệt hại đáng kể.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) là ông Mark Carney vừa cho biết, BOE sẵn sàng tung ra 250 tỷ bảng Anh để bình ổn lại thị trường nếu cần thiết. Ông cũng trấn an dư luận rằng hệ thống ngân hàng Anh đã ổn định hơn nhiều so với trước đợt khủng hoảng 2008-2009, do các ngân hàng giờ đây buộc phải dự trữ vốn nhiều hơn 10 lần.
Ông Carney cũng không quên nhắc lại rằng quan hệ chính thức giữa Anh với EU là chưa có gì thay đổi, dù sẽ có một giai đoạn bất định sau khi có kết quả trưng cầu dân ý (gần 52% dân Anh chọn rời EU).
Một số nhà phân tích đã dự đoán rằng BOE có thể sẽ sớm cho cắt giảm lãi suất hoặc nới lỏng tiền tệ để kích thích tăng trưởng trở lại, nhưng ông Carney tỏ rõ ý định rằng BOE không muốn gấp gáp trong việc đưa ra quyết định.
Hồi tháng trước, BOE đã nhận xét rằng việc rời khỏi EU (còn gọi là Brexit) là mối đe dọa lớn nhất đối với sự bình ổn tài chính của nước Anh. Cho đến giờ phút này, chỉ số FTSE 100 đã giảm 4,3% trong phiên giao dịch hôm nay, đồng nghĩa với việc "bốc hơi" 70 tỷ bảng Anh giá trị vốn hóa thị trường. Trước khi có thông báo của BOE, tỷ lệ giảm này thậm chí còn lên tới mức 8,4%. Ngoài ra, giá trị đồng bảng Anh cũng đã giảm từ 1,5 USD xuống còn 1,33 USD trong hôm nay.