Không hiểu rõ FTA, doanh nghiệp sẽ thua ngay ở sân nhà
Tỷ giá USD/VND sắp có cơ chế mới
Truy tố nhân viên ngân hàng lừa đảo hơn 17 tỷ đồng
MobiFone đạt lợi nhuận 7395 tỷ đồng trong năm 2015
Nhà nước sẽ tiếp tục giữ cổ phần chi phối tại Petrolimex
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 25-12-2015
- Cập nhật : 25/12/2015
Gần 20.000 tỉ xây dựng đường trên cao TP.HCM đi miền Tây
Đây là tuyến đường huyết mạch của TP.HCM đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa trình UBND TP đồng ý giao cho liên danh các nhà đầu tư tự bỏ kinh phí để triển khai lập dự án đầu tư xây dựng tuyến đường trên cao số 5 đoạn từ nút giao Thủ Đức (Q.Thủ Đức) đi dọc quốc lộ 1 A đến nút giao Tân Tạo (Q.Bình Tân) theo hình thức đầu tư BOT (đầu tư, kinh doanh và chuyển giao).
Tuy nhiên, Sở đề nghị không đưa vào dự án đầu tư trên quốc lộ 1A đoạn từ nút giao An Sương (Q.12, Hóc Môn) đến nút giao An Lạc (huyện Bình Chánh) vì đã có nhà đầu tư BOT quản lý và thu phí đoạn đường này.
Theo ông Dương Tuấn Minh - tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long-CIPM Cửu Long, đại diện liên danh các nhà đầu tư gồm Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng 620, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng giao thông Phương Thành, Công ty cổ phần kỹ thuật nền móng và công trình ngầm FECON và CIPM Cửu Long đã thống nhất đầu tư khoảng 19.773 ngàn tỉđồng theo hình thức BOT để xây dựng đường trên cao số 5 dài 30,4km.
Theo đó, để đảm bảo huy động vốn thực hiện dự án trên sẽ phân dự án làm ba thành phần gồm đoạn 1 từ nút giao trạm 2 (Q.Thủ Đức) đến nút giao Bình Phước dài 8,45km, đoạn 2 từ nút giao Bình Phước đến nút giao An Sương dài 12,65km.
Riêng đoạn 3 từ nút giao An Sương đến nút giao Tân Tạo dài 9,3km sẽ làm tuyến đường mới đi phía bên trong quốc lộ 1, nhằm tránh đi trùng với tuyến quốc lộ 1 A đang do một nhà đầu tư khác quản lý và thu phí.
Theo CIPM Cửu Long, sở dĩ đầu tư đường trên cao 5 là do tuyến quốc lộ 1 A đoạn từ nút giao Thủ Đức đến nút giao Tân Tạo bị quá tải vì mật độ xe lưu thông ngày càng tăng.
Đây là tuyến đường huyết mạch của TP.HCM đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Theo kết quả khảo sát vào năm 2012, bình quân mỗi ngày có khoảng 83.336 xe (tiêu chuẩn PCU), vượt quá năng lực thông hành của tuyến đường này khoảng 2,1 lần. Vì vậy đã gây sức ép rất lớn lên tuyến đường này, tình trạng ùn tắc giao thông liên tục diễn ra.
Theo ông Dương Tuấn Minh, công trình thi công dự án nằm giữa quốc lộ 1 A, không vướng giải tỏa nhà dân mà chỉ giải tỏa các công trình điện, nước, thoát nước trên đường.
Trả lời về ý kiến lo ngại quốc lộ 1 A đang quá tải sẽ gây kẹt xe nặng nề khi rào đường để xây dựng đường trên cao số 5, ông Minh cho rằng công trình sẽ thi công bằng công nghệ mới đúc dầm cầu sẵn nên hạn chế kẹt xe.
Theo đề xuất của liên danh các nhà đầu tư với UBND TP.HCM, việc chuẩn bị đầu tư, lập dự án thực hiện trong năm 2015-2016 và bắt đầu triển khai thi công dự án 2016-2019, đưa vào sử dụng năm 2020.
Đề xuất đầu tư 7,1 tỷ USD làm cao tốc Hà Nội – Vientiane dài hơn 700 km
Ban Quản lý dự án 85 vừa có báo cáo lên Bộ Giao thông Vận tải về việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc kết nối Vientiane (Lào)-Hà Nội với các phương án và phân kỳ đầu tư.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án 85, Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) đã nghiên cứu 7 phương án tuyến đường cao tốc từ Vientiane đến Hà Nội qua các cửa khẩu hiện hữu gồm Lóng Sập (Sơn La)-Pa Háng (Hủa Phăn), Na Mèo (Thanh Hóa)-Nậm Xôi (Hủa Phăn), Khẹo (Thanh Hóa)-Tha Lấu (Hủa Phăn), Thông Thụ/Nậm Tay (Nghệ An), Nậm Cắn (Nghệ An)-Nặm Cắn (Xiêng Khoảng), Thanh Thủy (Nghệ An)-Nậm On (Bolykhămxay), cầu Treo (Hà Tĩnh)-Nậm Phao (Bolykhămxay).
Trên cơ sở so sánh hiệu quả của 7 phương án kết nối qua 7 cặp cửa khẩu nêu trên, TEDI đề xuất hai phương án kết nối qua cặp cửa khẩu Khẹo (Thanh Hóa)-Tha Lấu (Hủa Phăn) và Thanh Thủy (Nghệ An)-Nậm On (Bolykhămxay) có nhiều lợi thế hơn so với các phương án kết nối khác.
Cụ thể, đối với phương án kết nối qua khu vực cặp cửa khẩu Khẹo (Thanh Hóa)-Tha Lấu (Hủa Phăn) sẽ có tổng chiều dài tuyến từ Vientiane-Hà Nội là 720km.
Giai đoạn hoàn chỉnh đầu tư khoảng 7,1 tỷ USD với quy mô 6 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 80-120km/giờ (các đoạn đặc biệt khó khăn áp dụng vận tốc thiết kế 60km/giờ).
Để đảm bảo nguồn vốn đầu tư, đơn vị đề xuất lập dự án cũng phân kỳ đầu tư theo giai đoạn 1 khoảng 200 triệu USD nối thông tuyến đoạn từ Quốc lộ 7 thuộc khu vực Ban Phakhe, huyện Nong Hẹt, tỉnh Xiêng Khoảng đến huyện Xăm Tạy, tỉnh Hủa Phăn theo tiêu chuẩn đường cấp 4 miền núi của Lào, dài khoảng 160km theo hướng đường hiện tại, với quy mô bề rộng nền đường 7m để phù hợp với đoạn Xăm Tạy-Tha Lấu đang triển khai xây dựng; tận dụng một số đoạn tuyến hiện tại như Quốc lộ 13 (60km), Quốc lộ 21(80km), Quốc lộ 1D (130km), Quốc lộ 7 (90km), Xăm Tạy-Tha Lấu (67km) bên phía Lào và Quốc lộ 47 (55Km), đường Hồ Chí Minh (170km), Đại lộ Thăng Long (30km) bên phía Việt Nam, đảm bảo mục đích nối thông trong giai đoạn 1 với chiều dài khoảng 842km.
Đánh giá về phương án này, theo lãnh đạo Ban quản lý dự án 85, phương án này kết nối thuận lợi với các cửa khẩu dọc theo tuyến cao tốc (cửa khẩu Na Mèo, Khẹo, Thông Thụ, Nậm cắn), các khu vực đặc biệt khó khăn (tỉnh Xai Som Boun, Xiêng Khoảng, Hủa Phăn) của Lào đồng thời kết nối thuận lợi ra cảng biển Hải Phòng với chiều dài khoảng 740km.
Tuy nhiên, tuyến đi qua khu vực địa hình đặc biệt khó khăn, phải xây dựng khoảng 10,5km hầm và 41km cầu trên tuyến, yếu tố hình học bất lợi (khoảng 25% chiều dài tuyến phải khai thác với tốc độ 60km/giờ), kinh phí đầu tư lớn hơn phương án qua cửa khẩu Thanh Thủy khoảng 2,58 tỷ USD.
Với phương án kết nối qua khu vực cặp cửa khẩu Thanh Thủy (Nghệ An)-Nậm On (Bolykhămxay), toàn tuyến có chiều dài từ Vientiane-Hà Nội là 707km.
Theo đó, giai đoạn hoàn chỉnh khoảng 4,52 tỷ USD đầu tư xây dựng tuyến đường mới với quy mô 6 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 80-120km/giờ.
Tuy nhiên, giai đoạn 1 chỉ nâng cấp mặt đường Quốc lộ 13 đoạn từ Viêng Thông đến Pặc Xan và xây dựng đoạn từ Pặc Xan đến Viêng Thông, khoảng 104km với quy mô bề rộng nền đường 9m, phù hợp với dự án từ Viêng Thông đến Thanh Thủy đang triển khai xây dựng; tận dụng một số đoạn tuyến hiện tại như Quốc lộ 13 (120km), Quốc lộ 21 (20km), dự án từ Viêng Thông đến Thanh Thủy (145km) bên phía Lào và Quốc lộ 46 (35Km), đường Hồ Chí Minh (287km), Đại lộ Thăng Long (30km) bên phía Việt Nam, đảm bảo mục đích nối thông trong giai đoạn 1, với chiều dài khoảng 731km.
Phương án kết nối qua cửa khẩu Thanh Thủy (Nghệ An) có ưu điểm xây dựng tuyến nối có chiều dài ngắn, địa hình thuận lợi hơn, kết nối thuận tiện với hệ thống cảng biển nước sâu (Nghi Sơn, Cửa Lò, Xuân Hải, Vũng Áng,...), kinh phí đầu tư thấp hơn; kết nối thuận lợi ra cảng biển Hải Phòng với chiều dài khoảng 735km. Nhược điểm của tuyến đường này chỉ đi qua địa phận Thủ đô Vientiane và tỉnh Bolykhămxay do đó việc kết nối với hệ thống giao thông khu vực không được toàn diện.
Với hai phương án đã được phân tích ưu nhược điểm, Ban quản lý dự án 85 đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận lựa chọn phương án kết nối đường cao tốc Vientiane-Hà Nội qua cửa khẩu Thanh Thủy (Nghệ An) để tiếp tục nghiên cứu.
Hai nhà đầu tư mua 36% Khách sạn Sài Gòn với giá 64 tỷ đồng
Công ty Khách sạn Sài Gòn (Mã CK: SGH) vừa công bố giao dịch cổ phiếu của hai cá nhân. Theo đó, ông Lý Thanh Hùng và ông Phạm Ái Quốc đã vừa sở hữu lượng lớn cổ phiếu SGH và trở thành cổ đông lớn của Khách sạn Sài Gòn.
Cụ thể, ông Lý Thanh Hùng mua vào gần 663.000 cổ phiếu. Ông Phạm Ái Quốc cũng mua vào 617.000 cổ phiếu. Như vậy, hai cá nhân này đã sở hữu 36,23% vốn của Khách sạn Sài Gòn.
Cả hai giao dịch đều thực hiện ngày 15/12, đây cũng là ngày mà cổ phiếu SGH có giao dịch thỏa thuận tới 1,46 triệu cổ phiếu, tương ứng 73,2 tỷ đồng. Mức giá trung bình đạt khoảng 50.000 đồng. Như vậy, tổng giá trị giao dịch của hai cá nhân trên khoảng 64 tỷ đồng.
Trước đó, quỹ The Blackhorse Emerging Enterprises Master Fund và The Blackhorse Enhanced Vietnam Inc là những cổ đông gắn bó lâu dài của Khách sạn Sài Gòn đã thông báo bán ra lượng lớn cổ phiếu để giảm tỷ lệ sở hữu.
Khách sạn Sài Gòn được có lịch sử thành lập gần 50 năm, tọa lạc ở số 41-47 Đông Du (quận I, TP HCM), nhìn ra sông Sài Gòn. Từ năm 1997, UBND TP HCM đã quyết định chuyển Khách sạn Sài Gòn từ doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần. Khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao và có 86 phòng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, khách sạn đạt doanh thu hơn 25,5 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tăng gần 140% lên 3,2 tỷ đồng. Tổng tài sản của công ty tính đến cuối tháng 9 là 76,5 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả hơn 27 tỷ đồng.
Lãi suất ngân hàng sẽ khó giảm trong năm 2016
Ngày 24-12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã họp báo về tình hình chính sách tiền tệ năm 2015 và định hướng năm 2016.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN, cho biết trong năm 2015, NHNN duy trì ổn định lãi suất điều hành, trần lãi suất huy động bằng VND, kết hợp với điều chỉnh giảm trần lãi suất USD, đảm bảo duy trì chênh lệch hợp lý giữa lãi suất VND và lãi suất USD.
Để tạo điều kiện giảm lãi suất, NHNN giữ ổn định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND, các tổ chức tín dụng dựa trên cơ sở nhu cầu vốn của thị trường cân đối điều chỉnh giảm lãi suất cho vay so với trần quy định; điều chỉnh giảm lãi suất cho vay một số chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực xuống mức khoảng 6,5%-6,6%/năm; tiếp tục yêu cầu các ngân hàng rà soát giảm lãi suất cho vay của các khoản vay cũ về mức lãi suất cho vay hiện hành.
Theo bà Hồng, nhìn chung mặt bằng lãi suất cho vay hiện giảm khoảng 0,3%-0,5%/năm so với cuối năm trước, đưa mặt bằng lãi suất giảm khoảng 50% so với thời điểm cuối năm 2011; lãi suất huy động giảm khoảng 0,2%-0,5%/năm và hiện ở mức tương đối thấp nhưng lòng tin vào đồng Việt Nam tiếp tục được củng cố.
"Dù lạm phát của Việt Nam tương đối thấp nhưng hệ thống ngân hàng cần phải sử dụng một khoản lợi nhuận để xử lý nợ xấu, tháo gỡ khó khăn. Do vậy khả năng giảm lãi suất trong năm 2016 sẽ tiếp tục khó khăn; điều hành lãi suất vẫn còn nhiều thách thức và lạm phát cũng không phải là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến lãi suất. Hệ thống ngân hàng vẫn luôn mong muốn giảm lãi suất nhưng giảm ở mức độ như thế nào để cân đối kinh tế vĩ mô, an toàn hệ thống thì cần tính bài toán tổng thể để có chính sách phù hợp" - bà Hồng chia sẻ.
Bên cạnh đó, bà Hồng cho hay tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tăng cao hơn năm trước. Tính đến ngày 21-12, tín dụng tăng 17,17% so với đầu năm, cao hơn mức tăng của cùng kỳ các năm 2011-2014; với diễn biến này, ước định cả năm tín dụng có thể đạt khoảng 18%. Năm 2016, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng toàn hệ thống khoảng 18%-20% và sẽ điều chỉnh linh hoạt trên cơ sở thực tế. Năm tới, NHNN cũng sẽ tiếp tục phân hạn mức tín dụng tùy "sức khỏe" của từng tổ chức tín dụng.
100 tấn nhãn Đồng Tháp xuất sang Mỹ
Trao đổi với VnExpress tại hội nghị kết nối cung cầu do Sở Công Thương TP HCM tổ chức, Giám đốc Trương Văn Rồi thuộc Hợp tác xã nhãn Châu Thành, Đồng Tháp cho biết, sau khi các hộ nông dân ở đây trồng thành công mô hình nhãn an toàn thì năm 2015 sản phẩm đã nhanh chóng được thị trường Mỹ đón nhận."Chúng tôi được một công ty xuất khẩu của Việt Nam kiểm tra sản phẩm và hỗ trợ đưa hàng sang Mỹ, giá bán tại vườn là 38.000 đồng một kg. Năm nay là năm đầu tiên Hợp tác xã xuất khẩu sang thị trường Mỹ với trên 100 tấn", ông Rồi nói và cho biết, đặc sản nhãn Đồng Tháp là giống EUDOl được nhập từ Thái Lan, cùi dày, vỏ mỏng, hạt nhỏ.
"Bên cạnh xuất khẩu, hiện sản phẩm của chúng tôi cũng đã có mặt ở chợ đầu mối nông sản Thủ Đức với số lượng về chợ 5-6 tấn mỗi đêm. Riêng các hệ thống siêu thị tại TP HCM có đặt hàng, nhưng vì đặt với số lượng thấp nên Hợp tác xã không ký hợp đồng vì chi phí vận chuyển cao", ông Rồi nói thêm.
Ngoài nhãn, tại hội nghị kết nối cung cầu, sản phẩm trái cây đặc sản của các địa phương phía Nam cũng đang tìm đường xuất khẩu sang những thị trường khó tính như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản...