Giám đốc VTC Intecom kiến nghị phải thu thuế Google và Facebook
Thu nhập bình quân người lao động Việt Nam thua Singapore, Malaysia vài chục lần
Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2015 tăng 9,8%
Phát triển hạ tầng TP.HCM: Còn thiếu 42.000 tỉ đồng
Giá dầu thấp - "con dao hai lưỡi" đối với kinh tế thế giới
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 27-12-2015
- Cập nhật : 27/12/2015
Thu nhập bình quân người Việt năm 2015 hơn 45 triệu đồng
Tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2015 sáng nay (26/12), Tổng cục Thống kê cho biết tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2015 ước tăng 6,68% so với năm 2014. Trong đó, mức tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, với quý I tăng 6,12%; quý II tăng 6,47%; quý III tăng 6,87%; quý IV tăng 7,01%. "Mức tăng trưởng năm nay cao hơn mục tiêu 6,2% đề ra và cao hơn mức tăng của các năm từ 2011-2014, cho thấy nền kinh tế phục hồi rõ nét", Tổng cục Thống kê nhận xét.
Quy mô nền kinh tế năm nay theo giá hiện hành đạt 4.192.900 tỷ đồng, với GDP bình quân đầu người ước đạt 45,7 triệu đồng, tương đương 2.109 USD, tăng 57 USD so với năm 2014.
Tăng trưởng kinh tế năm nay được đóng góp chủ yếu bởi khu vực công nghiệp và xây dựng với mức tăng 9,64%, cao hơn nhiều mức tăng 6,42% của năm trước. Khu vực dịch vụ tăng 6,33%, trong khi khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng 2,41%, thấp hơn mức 3,44% của năm ngoái.
Tổng cục Thống kê đánh giá cơ cấu nền kinh tế năm nay tiếp tục có sự chuyển dịch nhưng tốc độ chậm, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 17%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33%; khu vực dịch vụ chiếm 39,73%. Cơ cấu tương ứng của năm 2014 là 17,7%; 33,21%; 39,04%.
Lãi suất tiền gửi VND tiếp tục tăng
Từ 23/12, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chính thức tăng lãi suất gửi tiền đồng thêm 0,2-0,3% mỗi năm cho một số kỳ hạn ngắn. Trong đó, kỳ hạn 1-2 tháng đều lên mức 4,8% lãi cuối kỳ. Các kỳ hạn 3, 4 và 5 tháng đều tăng lần lượt lên 5,2%, 5,25% và 5,3% một năm, cao hơn 0,2% so với biểu niêm yết đầu tháng 12.
Tương tự, "ông lớn" BIDV cũng mạnh tay điều chỉnh lãi suất huy động tăng thêm 0,5-0,8% ở các kỳ 1-3 tháng. Theo đó, kỳ hạn một tháng tăng từ 4% lên 4,8%, 2 tháng từ 4,3% lên 5% và 3 tháng lên 5,2, tức tăng 0,5% so với mức niêm yết cũ.
Trước đó, các ngân hàng như VPBank, VietCapitalBank, Saigonbank… cũng có động thái tăng lãi suất huy động. Tại VPBank, lãi suất tăng thêm khoảng 0,5% tập trung vào kỳ hạn 1-2 tháng. Riêng kỳ hạn 6-7 tháng tăng mạnh lên 6,4% một năm, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của các ngân hàng khác (5,4-5,6%).
Trên thị trường liên ngân hàng, trong hai tuần đầu tháng 12/2015, lãi suất đã tăng khoảng 0,91-1,3% ở các kỳ hạn qua đêm đến một tháng. Thanh khoản của hệ thống có phần căng thẳng, thể hiện bằng mức lãi suất kỳ hạn qua đêm tăng mạnh. Theo đó, trong 2 tuần gần đây, lãi qua đêm đã tăng từ mức 3,2% một năm lên mức 4,6% mỗi năm. Lãi suất một tháng ở mức 4,86% một năm.
Tuy nhiên, nhìn nhận về việc tăng lãi suất đầu vào, ông Lê Thành Trung - Phó tổng Ngân hàng Phát triển TP HCM (HDBank) cho rằng đây chỉ là động thái để cân đối lại nguồn vốn của một vài nhà băng chứ không phải là xu hướng chung của ngành ngân hàng.
Theo ông Trung, tín dụng cuối năm thường tăng cao, đặc biệt là cho vay ngắn hạn để phục vụ nhu cầu vốn lưu động của doanh nghiệp. Vì vậy, ngân hàng đã tăng lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn để có thêm nguồn vốn phục vụ cho vay.
Ngoài ra, việc tín dụng tăng nhanh hơn huy động cũng là một áp lực để các ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi để hút vốn. Trong cuộc họp họp báo tổng kết hoạt động ngân hàng năm 2015 diễn ra sáng 24/12, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, huy động vốn đến nay tăng 13,59% trong khi tín dụng tăng trưởng 17,17% so với đầu năm. Ngân hàng Nhà nước ước cả năm tín dụng có thể tăng trưởng 18-20%.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, hiện nay mặt bằng lãi suất có xu hướng gia tăng, mặc dù chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là giảm lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân đi vay và để hỗ trợ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, với những biến động trên thị trường tài chính thế giới và Việt Nam, các ngân hàng đang lo thanh khoản bằng cách tăng lãi suất huy động. Chính vì thế, lãi suất cho vay cũng khó có thể giảm thời gian tới.
Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng phân tích, năm 2015 lạm phát tuy 1%, nhưng năm 2016 không thể chủ quan. Bởi theo IMF, xu hướng lạm phát giảm ở nhiều nước trên thế giới không phản ánh sự giảm phát của nền kinh tế. Theo bà Hồng, tại Việt Nam, lạm phát năm 2015 thấp một phần do tác động bởi yếu tố giá cả trên thị trường hàng hóa giảm, nhất là giá dầu. Giá dầu hiện tại có thể nói gần đáy, nếu tăng trở lại, sẽ ảnh hưởng tới lạm phát.
"Năm 2016, Việt Nam sẽ thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý như chi phí kinh tế, Nhà nước, giáo dục… nếu điều hành không có sự phối hợp chặt chẽ, đúng thời điểm hợp lý, lạm phát sẽ không thể duy trì thấp như trong năm 2015", bà Hồng phân tích.
Theo ông Lê Thành Trung, lãi suất thực ra là giá cả nên thuận mua thì vừa bán. Chính sách tín dụng bao giờ cũng phải đảm bảo vừa mở rộng nhưng phải đi đôi với an toàn. Bởi nếu mở rộng tín dụng đại trà (hạ thấp lãi suất) mà lại không phòng ngừa rủi ro thì lúc đó cả khách hàng và ngân hàng đều chết. "Vì vậy yếu tố an toàn là khá quan trọng, tức là phải chặt chẽ và thắt chặt hơn về điều kiện để làm sao có thể đưa ra mức giá cho vay hợp lý nhất mà lại ít bị rủi ro", ông nói.
Đại gia địa ốc kêu khổ vì trùng tên với công ty bị kiện
Công ty cổ phần Đại Quang Minh là nhà đầu tư các dự án BT xây dựng 4 tuyến đường chính, cầu Thủ Thiêm 2, đồng thời là chủ đầu tư dự án khu đô thị Sala thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TP HCM. 12 tháng qua doanh nghiệp đang mở bán các sản phẩm căn hộ, nhà phố thương mại, biệt thự cùng các công trình tiện ích nội khu.
Tuy nhiên, vào quý IV/2015, trên các phương tiện truyền thông xuất hiện vụ khởi kiện giữa Công ty địa ốc Hoàng Quân và Công ty TMDV Đại Quang Minh. Theo đó, hai doanh nghiệp này vướng vào kiện cáo lòng vòng, bị khách hàng tố chậm trễ giao sổ đỏ, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư thứ cấp.
Trước sự cố trùng tên này, lo ngại việc khiếu kiện có tác động không tốt đến hình ảnh và thương hiệu của mình, Công ty cổ phần Đại Quang Minh ra thông báo khẳng định không có bất cứ mối liên hệ nào với Công ty TMDV Đại Quang Minh đang xảy ra tranh chấp.Đại diện Công ty cổ phần Đại Quang Minh cho hay, hướng xử lý tạm thời của doanh nghiệp hiện nay chỉ dừng lại ở việc giải thích rõ sự khác biệt của 2 công ty, mức độ nặng hơn là yêu cầu cải chính thông tin nếu bị hiểu nhầm.
Theo tài liệu VnExpress thu thập được, Công ty cổ phần Đại Quang Minh có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu được cấp vào ngày 22/3/2011 gồm 15 ngành nghề, trong đó ngành đặc thù là bất động sản và các lĩnh vực liên quan. Trụ sở chính nằm trên đường Calmette, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP HCM.
Trong khi đó, Công ty TMDV Đại Quang Minh là doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn, được thành lập từ năm 2004. Ngành nghề kinh doanh chủ yếu là phân phối các thương hiệu gas trên thị trường TP HCM. Trụ sở nằm trên đường Nguyễn Duy Trinh, phường Phú Hữu, quận 9.
Đây không phải là lần đầu tiên doanh nghiệp địa ốc "kêu khổ" vì sự cố này. Cách đây 5 năm từng có vụ tranh chấp trùng thương hiệu khá đình đám. Năm 2010, Công ty cổ phần Vincom đã công bố việc khởi kiện Công ty cổ phần đầu tư tài chính bất động sản Vincon với lý do đơn vị này vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Vincom và Vincon khác nhau duy nhất ở hai chữ "n" và "m" và đọc tương tự nhau, dễ gây hiểu nhầm.
Vincom đã có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và đầu tư TP Hà Nội cấp ngày 3/5/2002. Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Bất động sản Vincon được thành lập ngày 5/6/2007, sau Vincom 5 năm.
Công ty cổ phần Vincom đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đối với tên Vincom từ ngày 26/1/2005 tại Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ khoa học và Công nghệ. Nhãn hiệu Vincom đang được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam và 20 nước EU, Singapore, Nga, Trung Quốc và Belarus... Trong khi đó, nhãn hiệu Vincon mới chỉ được nộp một đơn duy nhất tại Cục Sở hữu trí tuệ vào ngày 10/2/2010 và bị xử thua trong vụ tranh chấp này.
Tài sản chứng khoán của ông Phạm Nhật Vượng vượt một tỷ USD
Trong phiên giao dịch 25/12, cổ phiếu VIC tăng 400 đồng lên 42.400 đồng, giúp tổng tài sản của ông Phạm Nhật Vượng tăng thêm 213 tỷ đồng, lên 22.574 tỷ. Với tỷ giá phổ biến trong ngày tại các ngân hàng thương mại là 22.547 đồng đổi một USD, ông Vượng một lần nữa trở lại với danh vị tỷ phú đôla đầu tiên trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Trước đó, hồi đầu năm 2011, vị doanh nhân họ Phạm từng một lần vượt ngưỡng "tỷ đô" khi có tài sản đạt khoảng 21.200 tỷ đồng (trong khi tỷ giá thời điểm đó là khoảng 20.000 đồng đổi một USD). Tuy nhiên, do biến động của tỷ giá và trồi sụt của giá cổ phiếu, ông Vượng đã không giữ được danh vị này đến kỳ công bố danh sách Người giàu trên sàn chứng khoán năm đó. Hồi đầu tháng 3 năm nay, tạp chí Forbes cũng ước tính tổng tài sản của doanh nhân này khoảng 1,7 tỷ USD.
Xếp sau ông chủ của Vingroup trong danh sách cập nhật đến hết hôm nay (25/12) là Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát - Trần Đình Long với khối tài sản chứng khoán 5.437 tỷ đồng. Cổ phiếu tăng giá cũng giúp bà Phạm Thu Hương - vợ ông Phạm Nhật Vượng tăng tài sản sở hữu thêm 36 tỷ đồng lên 3.892 tỷ và thế chân ông Đoàn Nguyên Đức trở thành người giàu thứ 3 trên sàn chứng khoán. Trong khi đó, cổ phiếu HAG tiếp tục phá đáy khi giảm 200 đồng, khiến tài sản của Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai giảm thêm 70 tỷ đồng, còn 3.790 tỷ.
Cũng nhờ cổ phiếu tăng, tài sản của bà Phạm Thúy Hằng - em gái bà Phạm Thu Hương cũng tăng 24 tỷ đồng, bà Nguyễn Hoàng Yến - Ủy viên Hội đồng quản trị Masan tăng 118 tỷ đồng và lần lượt xếp ở vị trí số 5 và 6 trong danh sách người giàu trên sàn chứng khoán.Top 20 hôm nay cũng ghi nhận nhiều biến động về tài sản. Ông Nguyễn Hồng Nam (PAN) đã lấy lại vị trí thứ 18 với tổng tài sản 717 tỷ đồng. Ngược lại, việc mất 17 tỷ đồng khiến ông Trần Trọng Thông xuống vị trí thứ 19.
Tài sản chứng khoán của các doanh nhân biến động mạnh trong những phiên giao dịch cuối năm. Ảnh: T.H
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT và ông Trần Lê Quân - Ủy viên Hội đồng quản trị Thế giới di động lần lượt tụt một bậc xuống vị trí 12 và 13, tương ứng tổng tài sản 1.354 và 1.252 tỷ đồng. Do hiệu ứng cổ phiếu tăng, tài sản của ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Chứng khoán Sài Gòn tăng 18 tỷ, lên 1.532 tỷ đồng và là người giàu thứ 9 trên sàn chứng khoán.
Ngoài ra, tài sản của một số đại gia có giảm nhẹ nhưng không làm ảnh hưởng đến vị trí như ông Trịnh Văn Quyết giảm 12 tỷ đồng, ông Dương Ngọc Minh mất 21 tỷ đồng, ông Nguyễn Đức Tài giảm 34 tỷ đồng…
Từ ngày 22/12, VnExpress đã bắt đầu quá trình công bố Top 100 người giàu trên sàn chứng khoán Việt Nam. Đây là năm thứ 10 liên tiếp công bố danh sách Người giàu trên sàn chứng khoán cũng là năm thứ 6VnExpress nhận được hợp tác, tổng hợp số liệu của Công ty CP chứng khoán VNDIRECT từ thông tin công bố của gần 700 doanh nghiệp đang niêm yết tại 2 Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP HCM.
Để chuyển tải tới độc giả đầy đủ những diễn biến của các phiên giao dịch cũng như biến động tài sản của các cá nhân, danh sách Người giàu trên sàn chứng khoán 2015 sẽ được VnExpress cập nhật hằng ngày, sau mỗi phiên giao dịch. Bản danh sách cuối cùng của Top 100 được "chốt" ngay sau phiên 31/12, trước khi những danh sách tiếp theo như Top 50 phụ nữ, 30 gia đình và 500 cá nhân giàu nhất trên sàn chứng khoán sẽ được công bố trong những ngày đầu năm mới 2016.
Phiên giao dịch “chấn động” của chứng khoán Việt Nam
Ngày 25-12, sàn UPCoM có phiên giao dịch kỷ lục khi tổng khối lượng giao dịch đạt 126.268.081 cổ phiếu, tương ứng với giá trị 2.204 tỉ đồng.
Trong đó, riêng mã chứng khoán GEX có 122.574.700 cổ phiếu được khớp lệnh chỉ trong 30 phút đầu mở cửa với giá dao động trong khoảng 17.700-18.500 đồng/cổ phiếu. Đây được xem là một kỷ lục trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
GEX là mã chứng khoán của Tổng Công ty CP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex). Gelex có vốn điều lệ 1.550 tỉ đồng, tương đương 155 triệu cổ phiếu, trong đó Bộ Công Thương nắm giữ 78,74% cổ phần, tức trên 122 triệu cổ phiếu. GEX chính thức giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 26-10.
Ngày 23-12, Bộ Công Thương ra thông báo sẽ thoái toàn bộ vốn tại Gelex bằng hình thức khớp lệnh và thỏa thuận trong thời gian từ ngày 25-12-2015 đến 22-1-2016. Do đó, giới đầu tư cho rằng lượng lớn cổ phiếu GEX giao dịch vào sáng 25-12 là do Bộ Công Thương bán ra. Tính theo mức giá bình quân, với việc thoái vốn khá kịch tính này, Bộ Công Thương thu về khoảng 2.200 tỉ đồng.
Kết thúc ngày giao dịch, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,72 điểm (tương đương tăng 1,48%) lên mức 49,21 điểm. VN-Index ở sàn HoSE cũng nhích 1,5 điểm (+0,26%) lên 567,67 điểm. Giá trị giao dịch tại sàn này đạt 109,17 triệu cổ phiếu, trị giá gần 1.597 tỉ đồng. Trong khi đó, HNX-Index lại giảm 0,2 điểm (-0,26%) chốt ở 78,09 điểm. Giao dịch tại sàn HNX đạt 50 triệu cổ phiếu, trị giá 510 tỉ đồng.
Cùng ngày, Công ty CP Tập đoàn Masan (mã CK: MSN) công bố việc ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược với Singha Asia Holding Pte Ltd (Singha). Thỏa thuận này cho phép Singha sở hữu 25% cổ phần Masan Consumer Holdings và 33,3% cổ phần Công ty Masan Brewery. Giao dịch trị giá 1,1 tỉ USD (khoảng 24.750 tỉ đồng), dự kiến hoàn tất trong tháng 1-2016.