Thủ tướng hứa giảm chi thường xuyên để có thêm tiền đầu tư phát triển
TPHCM dành 10ha đất tái định cư cho 4 dự án trong KĐT mới Nam thành phố
Máy bay qua vùng trời Việt Nam mất phí 115-520 USD
Công ty tài chính Cao su Việt Nam chính thức bị “xóa sổ”
Bỏ qua Sabeco, hãng bia Thái đầu tư 1,1 tỉ đô vào bia của Masan
Tin kinh tế đọc nhanh 25-12-2015
- Cập nhật : 25/12/2015
TPHCM kiến nghị Thủ tướng cho Vingroup thực hiện hai dự án
Hai dự án này gồm dự án xây dựng đường ven sông (đoạn từ đường Tôn Đức Thắng đến đường chui dạ cầu Sài Gòn) và dự án cải tạo đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Theo thông tin từ UBND TPHCM, UBND TP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho UBND TP chỉ định Tập đoàn VinGroup - Công ty CP thực hiện dự án cải tạo đường Nguyễn Hữu Cảnh và dự án xây dựng đường ven sông (đoạn từ đường Tôn Đức Thắng đến đường chui dạ cầu Sài Gòn) theo hình thức Hợp đồng BT.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh là một trong các tuyến đường huyết mạch, kết nối trung tâm ra cửa ngõ phía Đông của TPHCM. Do được xây dựng trên nền đất yếu, lưu lượng giao thông lớn và tốc độ phát triển đô thị khu vực hai bên tuyến đường rất nhanh nên tuyến đường hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng tới đời sống của dân cư trong khu vực.
Tuyến đường này dài gần 3.800m với điểm đầu giáp đường Lê Thánh Tôn, quận 1; điểm cuối giáp đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, cầu Thị Nghè và cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 527 tỷ đồng.
Ngoài ra, tuyến đường ven sông (đoạn từ đường Tôn Đức Thắng đến đường chui dạ cầu Sài Gòn) dài khoảng 1.090m được dự kiến đầu tư khoảng 696 tỷ đồng.
12 năm huy động gần 24.000 tỷ đồng xây cơ sở hạ tầng
Công ty Đầu tư tài chính TP.HCM huy động vốn từ 2003 đến nay được 23.851 tỷ đồng trái phiếu tại TP.HCM để phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị TP.HCM.
Theo Công ty Đầu tư tài chính TP.HCM (gọi tắt là HFIC) việc huy động vốn phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị TP.HCM bước đầu đạt nhiều hiệu quả.
Theo đó, trong năm 2014 và 2015 HFIC đã phát thành công 2.150 tỷ đồng trái phiếu và tính từ năm 2003 đến nay HFIC đã phối hợp với Sở Tài chính TP đã huy động thành công 23.851 tỷ đồng trái phiếu tại TP.HCM với lãi suất thấp so với thị trường và nhiều kỳ hạn khác nhau.
Đồng thời, trong giai đoạn 2010-2015 HFIC đã tài trợ tín dụng hơn 6.076 tỷ đồng vào nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật, y tế, giáo dục…
Nhiều dự án đã và đang được đầu tư đã làm thay đổi bộ mặt TP như dự án cầu Phú Mỹ, cảng Tân Cảng-Hiệp Phước, các dự án tuyến ống nước cấp 2; các bểnh viện Từ Dũ, Đại học y Dược, Nguyễn Trãi, chấn thương chỉnh hình, Nguyễn Tri Phương…; các dự án nhà máy xử lý nước thải khu công nghiệp Hiệp Phước, Tân Tạo, Tây Bắc Củ Chi…
HFIC cho biết đơn vị đang huy động các nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng thế giới -WB, Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng phát triển châu Á…Đồng thời đang đẩy mạnh hợp tác với các nhà đầu tư có năng lực để triển khai các dự án hạ tầng theo hình thức đối tác công tư - PPP (nhà nước và tư nhân hợp tác đầu tư) nhằm tạo bước đột phá mới phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM.
Phó thống đốc: Chưa thể chủ quan với lạm phát
Tại cuộc họp báo tổng kết hoạt động ngân hàng năm 2015 diễn ra ngày 24/12, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhắc lại đề nghị hạ lãi suất để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh lạm phát cả năm 2015 chỉ 1%.
Cùng thời điểm này, tin từ Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tăng 0,02% so với tháng trước và tăng 0,6% so với cùng kỳ. Tính bình quân, CPI cả nước năm 2015 tăng 0,63% so với năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5% của Quốc hội đặt ra.
Tuy nhiên, khi chia sẻ với báo chí, bà Hồng không trực tiếp khẳng định có hay không hạ lãi suất mà chỉ phân tích, năm 2016 trong điều hành chính sách tiền tệ không nên chủ quan với lạm phát.
Bà dẫn những đánh giá gần đây của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, xu hướng lạm phát giảm ở nhiều nước hiện nay không phản ánh sự giảm phát của nền kinh tế. IMF cho rằng các nước cần có thông tin truyền thông để tránh hiện tượng đánh giá sai lệch về kỳ vọng của thị trường, dẫn đến ứng xử không phù hợp.
Lạm phát năm 2015 có tác động bởi yếu tố giá cả trên thị trường hàng hóa, nhất là giá dầu. "Vì vậy năm sau nếu giá dầu tăng trở lại hoặc tăng nhanh sẽ ảnh hưởng đến lạm phát. Chưa kể năm 2016 là năm thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng nhà nước quản lý như y tế, giáo dục… Nếu điều hành không có sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành và đưa ra đúng thời điểm, lạm phát sẽ không thể duy trì thấp trong năm 2015", bà Hồng cảnh báo.
Mặt bằng lãi suất năm 2015 theo Ngân hàng Nhà nước đã giảm mạnh. Lãi huy động giảm 0,2-0,5% một năm và hiện ở mức tương đối thấp nhưng lòng tin vào VND được củng cố. Lãi suất cho vay cũng giảm 0,3-0,5% một năm so với cuối năm trước, đưa mặt bằng lãi suất giảm khoảng 50% so với cuối năm 2011.
Năm 2015, tín dụng vượt chỉ tiêu khi tăng trưởng, đạt 17,17% (đến 21/12). Theo dự báo của cơ quan này, tín dụng cả năm có thể đạt tốc độ tăng trưởng 18-20%.
Về tỷ giá, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết năm 2016 cơ quan này sẽ điều hành tỷ giá linh hoạt hơn để giảm tâm lý nắm giữ ngoại tệ của người dân. Theo bà đây là một trong những thách thức lớn đối với việc điều hành chính sách tiền tệ hiện nay.
Tôm sú Việt Nam xuất khẩu trở lại Trung Quốc
Hiện nay, NAFIQAD đang phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các biện pháp khắc phục các khuyến cáo của đoàn thanh tra để cung cấp tôm sú theo yêu cầu của AQSIQ. Trước đó, kể từ ngày 5-2-2015, Trung Quốc đã tạm ngừng nhập khẩu tôm sú sống của Việt Nam với lý do tiếp tục phát hiện virus gây bệnh trên tôm. Bộ Công Thương đã phối hợp cùng Bộ NN&PTNT, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc thúc đẩy Trung Quốc khẩn trương gỡ bỏ lệnh cấm này.
Nhà nước sẽ bán trên 51% vốn tại Sabeco
Tám năm sau cổ phần hóa (CPH) tại Sabeco, đến nay nhà nước còn giữ khoảng 89,59% cổ phần, còn lại đã bán cho Heineken khoảng 5%, các cổ đông khác giữ tỷ lệ còn lại.
Đó là nội dung được đưa ra tại Hội nghị về tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước tại Bộ Công thương sáng 24-12.
Cụ thể, ông Võ Thanh Hà, tân chủ tịch Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (SABECO) cho biết đã 8 năm sau cổ phần hóa (CPH) tại Sabeco, đến nay nhà nước còn giữ khoảng 89,59% cổ phần, còn lại đã bán cho Heineken khoảng 5%, các cổ đông khác giữ tỷ lệ còn lại.
Ông Võ Thanh Hà tiết lộ theo chỉ đạo của Bộ Công thương, Sabeco đang xây dựng phương án thoái tiếp vốn hai đợt, mỗi đợt 20-30%. Như vậy có nghĩa, nhà nước sẽ bán đi ít nhất trên 50% vốn tại doanh nghiệp bia hàng đầu VN này…
Tuy nhiên, ông Hà cho rằng một doanh nghiệp mỗi lần thoái vốn 20-30% là rất lớn và đề nghị khi quyết định thoái vốn 2 lần thì khoảng cách hai lần ít nhất 1 năm để ổn định sản xuất kinh doanh vì thoái vốn “đang chóng mặt, bị cái nữa chắc là sụp”…
Đặc biệt, ông Võ Thanh Hà thể hiện quan điểm khi cho biết vai trò của cổ phần hóa tại Sabeco trong 8 năm qua là mờ nhạt.
Ông Hà cho rằng với Sabeco, để có thêm vốn thì không phải mục đích cổ phần hóa ở Sabeco, công nghệ thì gần như cái gì mới nhất thế giới Sabeco cũng mua về. Quản trị bản thân công ty đã nỗ lực thay đổi nhiều, cũng không phải do CPH.
Ông Hà khẳng định Sabeco phát triển tốt, đóng góp ngân sách tốt. Ông Hà đặt câu hỏi: vậy CPH mục đích gì, cần nêu rõ…
Nêu quy định về cách tính thuế mới, Sabeco sẽ phải đóng thêm 1600 tỷ thuế, ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến giá trị doanh nghiệp, ông Hà nêu Sabeco sẽ buộc phải tái cơ cấu, điều này sẽ ảnh hưởng thời gian thoái vốn theo chỉ đạo.
“Đề nghị Bộ Công thương xem xét vì phải tái cơ cấu xong CPH mới đạt giá trị cao nhất cho nhà nước”- ông Hà nói
Ông Nguyễn Trọng Dũng, phó trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới Phát triển doanh nghiệp Trung ương tỏ ra bất ngờ với cách đặt vấn đề của ông Võ Thanh Hà. Ông Dũng nói thẳng: "nếu bán, hiệu quả không dừng ở đó…".