Người trẻ thất nghiệp ngày càng nhiều
Điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với phôi và thép dài nhập khẩu
Tôm Việt Nam bị chê màu kém đẹp
Ngân hàng tăng vay mượn trên thị trường liên ngân hàng
Tăng trưởng GDP 2015: “lộc lộc phát”
Tin kinh tế đọc nhanh tối 26-12-2015
- Cập nhật : 26/12/2015
Không hiểu rõ FTA, doanh nghiệp sẽ thua ngay ở sân nhà
Việt Nam tham gia vào hàng chục hiệp định tự do thương mại (FTA) mở ra cơ hội lớn cho sản xuất và xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, nếu không hiểu rõ các hiệp định này thì doanh nghiệp sẽ thua ngay trên sân nhà.
Trao đổi với PV về cách thức tham gia thương mại toàn cầu của Việt Nam, ông Hà Huy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế (Bộ Tài chính), thành viên đoàn đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) liên quan tới các chính sách thuế cho biết, đầu tiên Việt Nam ký FTA với các nước ASEAN, tiếp đến là phát triển giao thương với thế giới thông qua các FTA giữa ASEAN với các đối tác.
Sau đó, Việt Nam chuyển sang giai đoạn chủ động hơn là tự đàm phán thương mại song phương với một số nước như Nhật Bản, Chile, Liên minh châu Âu, các nước trong nhóm TPP, Liên minh Kinh tế Á-Âu, Hàn Quốc và 4 nước Bắc Âu. Hiện nay, Việt Nam cũng đang phối hợp đàm phán hiệp định thương mại ASEAN+6 với các nước đã ký hiệp định thương mại riêng lẻ với ASEAN.
Ông Tùng nhấn mạnh: “Các hiệp định chúng ta đã hoàn thành và đang đàm phán nhằng nhịt như mạng nhện, với lượng thông tin và cam kết phức tạp nên các doanh nghiệp phải có nghiên cứu thông tin rất kỹ. Thực tế doanh nghiệp của ta nắm bắt thông tin rất hạn chế vì không tổ chức, nghiên cứu thông tin bài bản”.
Tuy nhiên, ông Hà Huy Tùng cũng cho biết có nhiều doanh nghiệp trong nước rất nhanh nhạy trong nắm bắt thông tin, nhưng đó đều là những doanh nghiệp lớn, có nguồn lực và chiến lược hành động.
“Có doanh nghiệp đồng hành với Bộ Tài chính về xây dựng chính sách cải cách các thủ tục hành chính, tham mưu cho các cơ quan của Chính phủ, đoàn đàm phán các FTA. Nhưng có nhiều doanh nghiệp không nắm được các hiệp định đã đi vào giai đoạn kết thúc đàm phán. Không chỉ lãnh đạo doanh nghiệp mà cả cán bộ kinh doanh nắm cũng không đủ sâu. Nếu không nắm được, ta sẽ thua ngay ở sân nhà”, ông Tùng nói.
Các hiệp hội, viện nghiên cứu phải vào cuộc
Trả lời câu hỏi doanh nghiệp cần tiếp cận thông tin về các FTA như thế nào, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng phải tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa Nhà nước, doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề và các tổ chức nghiên cứu, tư vấn độc lập đối với quá trình hội nhập nhằm cung cấp, phân tích và tổ chức thông tin hiệu quả nhất.
Đồng thời, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh, bản thân các doanh nghiệp cũng phải chủ động trong tìm hiểu thông tin chính sách và hội nhập để củng cố hoặc tận dụng các cơ hội sản xuất, kinh doanh của mình.
Đặc biệt, các hiệp hội ngành nghề, các trường đại học, viện nghiên cứu sẽ phải có vai trò lớn hơn, trong đó, hiệp hội không chỉ giữ vai trò kết nối doanh nghiệp mà còn phải góp phần vào minh bạch thông tin, đưa ra các chuẩn mực kinh doanh phù hợp với yêu cầu của các thị trường và đẩy mạnh đào tạo, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp và các hiệp hội có thể “đặt hàng” các cơ sở nghiên cứu xác định lợi thế, cơ hội kinh doanh, các thủ tục, tập quán thương mại ở mỗi thị trường xuất khẩu để tận dụng lợi ích kinh tế nhiều nhất từ các hiệp định này.
Tỷ giá USD/VND sắp có cơ chế mới
Ngày 24/12, Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ năm 2015 và một số định hướng cho năm 2016. Cơ chế tỷ giá mới là một gợi mở quan trọng tại đây.
Cụ thể, tại buổi họp báo, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), cho biết cơ quan này đang nghiên cứu một cơ chế điều hành tỷ giá mới, để phù hợp và chủ động hơn với những thay đổi của thị trường, đặc biệt là với những thay đổi lớn trên thị trường thế giới.
Hiện nội dung dự kiến về cơ chế mới chưa được công bố, song thời gian xây dựng và đưa vào định hướng điều hành dự kiến sẽ có từ đầu năm 2016.
Trao đổi với VnEconomy bên lề buổi họp báo trên, một lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này sẽ nghiên cứu để xây dựng một cơ chế mới trong điều hành tỷ giá, nhằm ứng xử tốt hơn với những tác động bất lợi từ bên ngoài, đặc biệt là với tác động đang nổi lên từ đồng Nhân dân tệ và chính sách lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED).
Dự kiến, cơ chế mới có thể được xây dựng theo hướng thị trường hơn, linh hoạt hơn, nhưng vẫn giám sát chặt chẽ để hạn chế những biến động lớn của tỷ giá, hạn chế những xáo trộn từ tỷ giá cũng như bảo vệ giá trị của VND.
Bởi lẽ, các điều kiện của thị trường đang thay đổi (bên trong và bên ngoài), các điều kiện của chính sách cũng đã thay đổi, nhưng quan điểm và mục tiêu trong điều hành chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước vẫn không thay đổi: linh hoạt nhưng giữ ổn định, củng cố giá trị và niềm tin vào VND, chống và giảm đô la hóa trong nền kinh tế.
Về kỹ thuật, cơ chế tỷ giá mới có thể sẽ là thay đổi căn bản trong lựa chọn của nhà điều hành, kể từ cuối năm 2011 trở lại đây.
Cụ thể, từ cuối 2011, Ngân hàng Nhà nước đã lựa chọn cơ chế điều hành tỷ giá bằng một khoảng cam kết biến động định hướng gần như cố định. Có những tác động và kết quả khác nhau, nhưng sự ổn định tỷ giá trong bốn năm qua đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố niềm tin cho đồng nội tệ, hạn chế những xáo trộn và mối liên hệ bất ổn với thị trường vàng, gia tăng dự trữ ngoại hối, giúp ổn định môi trường thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần nâng cao hạng mức tín nhiệm quốc gia…
Riêng nửa cuối năm 2015, thị trường đã có những thay đổi lớn và nhanh, đặc biệt là từ bên ngoài. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những điều chỉnh thay vì cơ chế và định hướng cố định nói trên.
Và từ năm 2016, với thông tin gợi mở trên, cơ chế điều hành tỷ giá dự kiến sẽ sớm có thay đổi. Đây sẽ tiếp tục là cơ sở cần thiết để chủ động định hướng thị trường, để doanh nghiệp và nhà đầu tư, người dân có thêm chủ động cho kế hoạch kinh doanh, đầu tư trong năm mới.
Truy tố nhân viên ngân hàng lừa đảo hơn 17 tỷ đồng
Ngày 24/12, VKSND TP Đà Nẵng đã hoàn tất cáo trạng truy tố Lê Nam Long (35 tuổi, trú quận Thanh Khê) về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, Long nguyên là nhân viên tư vấn tài chính của chi nhánh Ngân hàng TMCP Á Châu – ACB Đà Nẵng. Do ngân hàng có quy định cấm nhân viên không được kinh doanh vàng ảo trên mạng nên người này nhờ bạn là Châu Bảo Ân (trú tại đường Phạm Phú Thứ, TP Đà Nẵng) đứng tên mở tài khoản tại ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam – Techcombank (phòng giao dịch Chợ Mới, Đà Nẵng).
Người này còn lập hai sổ tiết kiệm tại ngân hàng ACB đứng tên Long và Ân để kinh doanh vàng miếng tại ngân hàng. Ngoài ra, anh ta cùng vợ mở hai tài khoản tại ngân hàng ACB sử dụng để kinh doanh chứng khoán và bất động sản. Toàn bộ vốn, vợ chồng Long đều vay của người thân và bạn bè.
Năm 2013, do việc kinh doanh thua lỗ khoảng 10 tỷ đồng nên Long mất khả năng trả vốn và lãi cho mọi người. Để có tiền trả nợ, người này lại tiếp tục đi vay tiền của nhiều người khác. Đầu năm 2015, thấy Long không chịu trả nên một số người đã làm đơn tố cáo.
Cáo trạng xác định, cuối năm 2014 đến tháng 1/2015, người này đã chiếm đoạt hơn 17 tỷ đồng của 5 nạn nhân.
MobiFone đạt lợi nhuận 7395 tỷ đồng trong năm 2015
Ngày 25/12/2015, MobiFone tổ chức kỷ niệm 1 năm thành lập Tổng công ty và Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2016. Phát biểu tại Hội nghị này, ông Lê Nam Trà, Chủ tịch MobiFone cho biết, trong năm 2015 mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng toàn thể cán bộ nhân viên MobiFone đã nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ kinh doanh. Bên cạnh đó, MobiFone đã nỗ lực đẩy nhanh tiến cổ phần hóa theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Ông Lê Nam Trà cho biết, MobiFone đã tập trung cho chiến lược với 4 mảng gồm di động, truyền hình, bán lẻ và dịch vụ đa phương tiện.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đánh giá cao những nỗ lực của MobiFone trong năm 2015 được phản ánh qua kết quả kinh doanh. Năm 2015 là thời điểm bản lề khi MobiFone mới tách ra từ VNPT, thị trường cạnh tranh quyết liệt. Với sự nỗ lực của toàn thể bộ máy MobiFone đã nhanh chóng kiện toàn bộ máy, áp dụng mô hình quản trị tiên tiến nỗ lực vượt qua khó khăn. Vì vậy, trong năm 2015, MobiFone đã đạt được kết quả tốt. Cụ thể doanh thu đạt 36.900 tỷ đồng, tăng 8,29%, lợi nhuận 7395 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu vẫn ở mức cao đạt 49,35%, nộp ngân sách 6922 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2014.
Bộ trưởng cho rằng, sự phát triển của MobiFone đã tạo ra thế chân vạc VNPT - Viettel – MobiFone, góp phần tạo lập thị trường cạnh tranh lành mạnh và bền vững. Đây là bước khởi đầu cho MobiFone trong một vị thế và tiềm năng và nhiều triển vọng.
“Năm 2015, MobiFone chủ động tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới như lĩnh vực truyền hình và bán lẻ. Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho MobiFone được kinh doanh 2 lĩnh vực này. Mới đây, MobiFone đã khai trương chuỗi bán lẻ tại TP HCM. MobiFone đã trình Bộ TT&TT chiến lược đầu tư giai đoạn 2016 – 2020, làm nền tảng cho toàn bộ hoạt động của mình trên 4 lĩnh vực Di động, truyền hình, bán lẻ và dịch vụ đa phương tiện. MobiFone đang xây dựng khát vọng là doanh nghiệp viễn thông lớn với quy mô doanh thu 100.000 tỷ vào năm 2020” Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh, năm 2016 MobiFone phải triển khai công tác đầu tư phục vụ kịp thời, đặc biệt là hạ tầng cho năm 2016 và những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, MobiFone phải chủ động nghiên cứu kinh doanh hiệu quả 4G ngay từ giai đoạn thử nghiệm. MobiFone phải tận dụng ưu thế để nghiên cứu và đưa ra các dịch vụ tích hợp giữa viễn thông và truyền hình để tạo sự khác biệt và ưu thế cạnh tranh trên thị trường. Bộ trưởng cũng đề nghị MobiFone phải linh hoạt thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và quốc tế, chủ động thu hút công nghệ mới, dịch vụ mới từ nước ngoài để triển khai trên mạng MobiFone.
Phát biểu về kế hoạch năm 2016 , ông Lê Nam Trà cho biết: “Nếu “Thay đổi” là từ khóa năm 2015 thì “Tốc độ” sẽ là từ khóa của MobiFone năm 2016. Cổ phần hóa, Bán lẻ, 4G, IoT là những tâm điểm của MobiFone trong năm 2016. MobiFone sẽ tập trung vào đầu tư hạ tầng viễn thông, triển khai nhanh 4G, xây dựng nguồn nhân lực CNTT và truyền hình. MobiFone cũng sẽ chuyển chiến lược từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang thành nhà cung cấp dịch vụ”.
Ông Lê Nam Trà còn cho biết, một trong những tâm điểm của MobiFone phải thực hiện trong năm 2016 là sẽ thực hiện cổ phần hóa. Tuy nhiên, ông Lê Nam Trà nhận định, đây cũng là nhiệm vụ to lớn và còn nhiều thách thức.
Nhà nước sẽ tiếp tục giữ cổ phần chi phối tại Petrolimex
Bộ Công Thương cho biết giai đoạn 2016 – 2020 sẽ tiến hành sắp xếp, cổ phần hóa 4 Tập đoàn Điện lực, Than Khoáng sản, Dầu khí, Hóa chất.
Theo đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV); Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) sẽ phải tiến hành cổ phần hóa trong giai đoạn 2016 - 2020.
Các Tập đoàn gồm: EVN; TKV; PVN; Vinachem, Bộ Công Thương cho biết đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh đề án tái cơ cấu, kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc. Đồng thời, các Tập đoàn đã có báo Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo chỉ đạo hoặc ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, tiếp tục phê duyệt Đề án tái cơ cấu và điều chỉnh Đề án tái cơ cấu. Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa các đơn vị thành viên trực thuộc Tổng công ty và Công ty mẹ - Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Tiếp tục giữ cổ phần chi phối tại Petrolimex
Đối với lộ trình thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, theo Quyết định số 37 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước và Quyết định điều chỉnh, bổ sung, ngoại trừ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), các doanh nghiệp cổ phần khác đều không thuộc danh mục doanh nghiệp Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối.
Theo đó, Bộ Công Thương dự kiến việc phân loại, sắp xếp, thoái vốn tại doanh nghiệp cổ phần, bao gồm: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam sẽ thực hiện theo Quyết định số 828 về việc phê duyệt Phương án cổ phần hóa và cơ cấu và Quyết định số 37, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam xây dựng phương án bán tiếp phần vốn nhà nước xuống mức quy định Nhà nước nắm giữ từ 65% đến 75% tổng số cổ phần và báo cáo Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chấp thuận và ủy quyền Bộ Công Thương triển khai thực hiện.
Tập đoàn Dệt May Việt Nam: sau khi hoàn thành công tác cổ phần hóa, sau năm 2015, căn cứ tình hình thị trường, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo xây dựng kế hoạch bán tiếp phần vốn nhà nước tại Tập đoàn Dệt May Việt Nam (xuống dưới 50% tổng số cổ phần), báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và ủy quyền Bộ Công Thương triển khai thực hiện.