Cần Thơ cấp dự án sản xuất giày thể thao trị giá hơn 171 triệu USD
Không thể lỡ sóng TPP vì lệ thuộc
Quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu An Giang trên diện tích hơn 30.000 ha
Nghịch lý kinh tế phục hồi, số doanh nghiệp giải thể tăng mạnh
FECON trúng thầu 4 dự án lớn với tổng giá trị 170 tỷ đồng
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 24-03-2016
- Cập nhật : 24/03/2016
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 tăng mạnh
Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2016 đã tăng 0,57% so với tháng trước, cao nhất so với mức tăng của 3 tháng gần đây.
Cụ thể, CPI tháng 2/2016 tăng 0,42% so với tháng 1/2015 và tăng 0,42% so với tháng 12/2015; CPI tháng 1/2016 không biến động so với tháng 12/2015. Trong khi đó, CPI tháng 12/2015 tăng 0,02% so với tháng 11/2015.
.
Việc CPI tăng khá cao trong tháng 3/2016 là diễn biến khá lạ so với thường niên. Bởi thông thường, sau hai tháng có kỳ nghỉ Tết, CPI tăng cao, thì sang tháng 3, CPI sẽ tăng chậm lại.
Tuy nhiên, năm nay, diễn biến đang theo chiều hướng ngược lại. Hai tháng Tết, CPI tăng thấp, tháng 3 tăng khá mạnh.
Nguyên nhân việc CPI tháng 3 tăng khá mạnh chủ yếu là do giá một số loại hàng hóa, dịch vụ do nhà nước quản lý tăng theo lộ trình, đặc biệt là giá của dịch vụ y tế, giáo dục. Việc điều chỉnh giá này được áp dụng đồng loạt ở nhiều địa phương trong tháng 3/2016.
Trong khi đó, về cơ bản, giá một số loại hàng hóa, dịch vụ do nhà nước quản lý tăng theo lộ trình, đặc biệt là giá của dịch vụ y tế, giáo dục.
CPI tháng 3 tăng khá cao so với tháng trước, tuy nhiên, nếu so với tháng 12/2015, thì mức tăng mới chỉ là 0,99%. Với mức tăng này, dư địa điều hành kiểm soát lạm phát của Việt Nam trong năm nay còn khá lớn. Mục tiêu đề ra trong năm nay, lạm phát sẽ được chủ động điều hành ở mức dưới 5%.
Ở chiều so sánh khác, CPI tháng 3/2016 tăng 1,69% so với cùng kỳ năm trước. Tính bình quân, CPI 3 tháng đầu năm tăng 1,25% so với bình quân cùng kỳ năm 2015.
Đây cũng là mức tăng khá cao so với cùng kỳ. Cụ thể, CPI tháng 3/2015 tăng 0,93% so với cùng kỳ năm 2014; còn bình quân 3 tháng đầu năm 2015 tăng 0,74% so với bình quân cùng kỳ 2014.
Tuy lạm phát sau 3 tháng mới đang ở mức thấp, chỉ 0,99%, nhưng vẫn đòi hỏi thận trọng trong điều hành. Việc xăng dầu vừa tăng giá gần đây có thể ảnh hưởng tới CPI tháng 4/2016 và ảnh hưởng tới CPI cả năm.
Thủ tướng chấp thuận dự án 6.750 tỷ đồng của Samsung
Người đứng đầu Chính phủ vừa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nghiên cứu và phát triển các sản phẩm điện, điện tử và viễn thông công nghệ cao với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD, tương đương 6.750 tỷ đồng của Samsung.
Địa điểm thực hiện dự án tại ô đất 12-CCV, Khu chức năng đô thị Nam đường vành đai 3, đường Nguyễn Xiển, phường Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội).
Thời hạn hoạt động của dự án 50 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Dự án được miễn tiền thuê đất trong vòng 50 năm kể từ ngày được bàn giao đất theo quy định Luật Công nghệ cao, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội được yêu cầu chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án, kiểm tra, giám sát các điều kiện hưởng ưu đãi theo quy định.
Lãnh đạo Brenntag: 'Việt Nam là thị trường trọng điểm'
Cuối năm ngoái, Brenntag mua lại tập đoàn TAT, trở thành nhà phân phối dầu nhờn Mobil tại thị trường Việt Nam. Ông Christian Frimann, người đứng đầu Brenntag Đông Nam Á chia sẻ chiến lược kinh doanh của công ty ở Việt Nam và Châu Á – Thái Bình Dương trong thời gian tới.
- Có thế mạnh ở lĩnh vực hóa chất, mới đây doanh nghiệp còn mở rộng đầu tư vào phân phối dầu nhờn, lý do là gì vậy theo ông?
- Brenntag là thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp các giải pháp chuyên ngành về hóa chất tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Hiện chúng tôi đã có văn phòng và kho hàng tại TP HCM và Hà Nội. Chúng tôi còn vận hành các phòng thí nghiệm cũng như hợp tác với các nhà sản xuất hàng đầu thế giới cung cấp những giải pháp trong lĩnh vực thực phẩm, nước giải khát, các sản phẩm chăm sóc cá nhân, lớp phủ ngoài, cao su, nhựa và hợp chất cao phân tử, thủy tinh, gốm sứ, dệt may...
Cuối năm 2015, sau khi mua lại tập đoàn TAT, chúng tôi chính thức là nhà phân phối dầu nhờn Mobil tại thị trường miền Trung và miền Nam Việt Nam. Không những mang lại lợi ích cho nhau, chúng tôi tin rằng khách hàng và các nhà cung cấp là những người có lợi lớn nhất. ExxonMobil, Brenntag và TAT Group đã thống nhất chung mục tiêu là trở thành công ty đứng đầu về phân phối hóa chất và dầu nhờn ở châu Á-Thái Bình Dương.
Ông Christian Frimann - Giám đốc Brenntag tại khu vực Đông Nam Á.
- Ông nhìn nhận thế nào về cơ hội kinh doanh tại thị trường Việt Nam?
- Việt Nam là quốc gia đang phát triển mạnh về kinh tế, thể hiện qua sự tăng trưởng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, các khoản đầu tư giá trị cao trực tiếp từ nước ngoài vào nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Người tiêu dùng Việt Nam hiện đã quan tâm nhiều đến yếu tố tiện lợi, các sản phẩm thực phẩm và nước uống có lợi cho sức khỏe, đó là lý do để chúng tôi đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này.
Ngoài ra, đón đầu sự tăng trưởng của ngành dược, chất phủ ngoài, chúng tôi sẽ tập trung đầu tư sâu bằng cách liên tục mở rộng danh mục sản phẩm cùng các dịch vụ mới và tuân thủ theo đúng các quy định về an toàn và sức khỏe.
Vừa qua, các hiệp định thương mại đa phương và song phương Việt Nam ký kết đã mang lại nhiều cơ hội phát triển cho các bạn. Nhiều tập đoàn đa quốc gia đã chọn Việt Nam làm thị trường trọng điểm trong chiến lược kinh doanh. Brenntag cũng không là ngoại lệ khi đánh giá Việt Nam là thị trường chủ chốt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
- Có kinh nghiệm phân phối các sản phẩm của Exxon Mobil ở nhiều quốc gia nhưng tại Việt Nam, TAT Group vẫn là một cái tên mới. Chiến lược kinh doanh của TAT Group tại thị trường hơn 90 triệu dân này là gì?
- Là nhà phân phối nên chúng tôi xác định phải duy trì những dịch vụ có tiêu chuẩn cao, xứng đáng là nhà cung cấp dịch vụ trước và sau khi bán hàng hạng nhất với những sản phẩm tốt.Bên cạnh đó, TAT Việt Nam có đội ngũ nhân viên hùng mạnh, với đầy đủ kinh nghiệm và chuyên môn cần thiết để phục vụ những nhu cầu của khách hàng. Từ kinh nghiệm phân phối tại Hong Kong (Trung Quốc), Singapore và đặc biệt là sự hỗ trợ của ExxonMobil giúp chúng tôi có thêm kinh nghiệm để phát triển tại Việt Nam.
Sau khi mua lại tập đoàn TAT cuối năm 2015, Brenntag chính thức là nhà phân phối dầu nhờn Mobil tại thị trường Việt Nam.
- Ông kỳ vọng nguồn thu từ Việt Nam sẽ đóng góp như thế nào vào tổng cơ cấu doanh thu chung của Tập đoàn?
- Việt Nam là thị trường chủ chốt trong chiến lược phát triển của Brenntag tại châu Á - Thái Bình Dương nên sẽ có đóng góp không nhỏ cho tổng doanh thu chung của Tập đoàn.
Chúng tôi hy vọng Brenntag Việt Nam sẽ trở thành một trong những nhà phân phối hóa chất đặc chủng đứng đầu Việt Nam và việc sáp nhập tập đoàn TAT giúp chúng tôi trở thành nhà phân phối đứng đầu thị trường Việt Nam với đầy đủ các dòng sản phẩm.
Mối quan tâm về an toàn, sức khỏe và môi trường là một phần không thể tách rời trong mọi quyết định về kinh doanh của chúng tôi. Brenntag hy vọng sẽ khai thác tốt nhất môi trường tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam để tiếp tục đeo đuổi chiến lược tăng trưởng lành mạnh của tập đoàn.
- Thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp sẽ gặp phải tại thị trường Việt Nam?
- Thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp nước ngoài là các công ty nhà nước vẫn chiếm gần 40% sản lượng quốc gia. Để duy trì tính cạnh tranh, Việt Nam cần tiếp tục cải cách kinh tế. Trước đây, lực lượng lao động giá rẻ là một trong những điểm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện giá lao động đang tăng lên, vì thế, doanh nghiệp sẽ phải tập trung nhiều hơn cho năng suất lao động. Việc thiếu nguồn lực lao động kỹ thuật cũng là một vấn đề quan trọng và chúng tôi hy vọng sẽ giải quyết được khó khăn này trong thời gian tới.
Ngoài mối quan tâm về an toàn, sức khỏe, môi trường và tính bền vững chúng tôi tiếp tục nâng cao trình độ nhân viên qua những khóa huấn luyện tại Học viện Brenntag để sẵn sàng cho những thử thách trong tương lai.
Áp lực trả nợ vốn vay ODA thách thức ngân sách
Thống kê cho thấy, giai đoạn trước năm 2010, thời hạn vay bình quân bao gồm thời gian ân hạn của các khoản vay ODA nằm trong khoảng 30 - 40 năm, với chi phí vay từ 0,7 - 0,8%/năm.
Tuy nhiên, kể từ năm 2011, thời hạn vay bình quân chỉ còn từ 10 - 25 năm, tùy theo từng đối tác và từng loại vay, với chi phí vay khoảng 2%/năm trở lên. Đặc biệt, nhiều nhà tài trợ đã chuyển từ nguồn vốn ODA sang nguồn vốn vay hỗn hợp kèm theo các điều kiện ràng buộc.
Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2% - 3,5%
Tại cuộc họp báo chuyên đề vừa được Bộ Tài chính tổ chức sáng qua (22/3), ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, dự kiến đến tháng 7/2017, Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA, phải chuyển sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2% - 3,5%.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2005 - 2015, tổng số vốn ODA, vay ưu đãi được ký kết khoảng 45 tỷ USD, trong đó 1/3 được cho ngân sách trung ương để cấp phát cho các chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của Ngân sách trung ương; 1/3 dành cho các chương trình, dự án của địa phương, phần còn lại để cho vay lại các dự án trọng điểm của Nhà nước.
Trong tổng số vốn dành cho chương trình, dự án của địa phương, tỷ trọng vốn cấp phát chiếm tới 92,2%, trong khi đó cho vay lại chỉ chiếm 7,8%. Do đó, đối với phần vốn để cho vay lại các dự án đầu tư trọng điểm của nhà nước, cho đến nay hầu hết Chính phủ vẫn chịu toàn bộ các rủi ro tín dụng. Cơ quan cho vay lại chỉ có vai trò là ngân hàng phục vụ và hưởng phí dịch vụ.
Theo ông Long, áp lực trả nợ từ nay đến 2020 chưa lớn, nhưng sẽ tăng lên vào giai đoạn 2022 - 2025. Dựa trên kịch bản kinh tế vĩ mô năm 2016, các khoản nợ đến hạn, nghĩa vụ trả nợ năm 2016 khoảng 24% trên tổng thu ngân sách. Lý giải về nguyên nhân khiến con số này khá cao, ông Long cho biết, vốn ngắn hạn 1-3 năm huy động trong giai đoạn 2012-2014 rất nhiều, khiến áp lực trả nợ tăng nhanh nhưng sẽ giảm dần từ sau 2017.
Để giảm áp lực của việc trả nợ vốn vay ODA lên ngân sách, Bộ Tài chính đề xuất, Nhà nước cần tập trung nguồn vốn ODA vào những linh vực then chốt, các dự án công trình trọng điểm, thu hẹp phạm vi cấp phát từ Ngân sách nhà nước và giảm tính bao cấp của nhà nước trong cơ chế sử dụng vốn vay nước ngoài.
Đồng thời, đối với các lĩnh vực, các dự án có khả năng hoàn vốn và có khả năng huy động từ các thành phần kinh tế thì phải chuyển dần sang cơ chế thị trường thông qua cơ chế cho vay chịu rủi ro, về lâu dài sẽ thực hiện đúng theo cơ chế thị trường.
Ông Long cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB) và sau đó đến các nhà tài trợ khác để đàm phán lộ trình và phương án để hạn chế tối đa tác động của trả nợ nhanh tới ngân sách. Đồng thời, đàm phán với các chủ đầu tư đang sử dụng vốn vay lại và các địa phương nhằm tránh “sốc” khi rút ngắn thời gian trả nợ khiến tăng chi phí dự án, áp lực trả nợ lên ngân sách.
Trước mắt, WB cam kết sẽ cùng với phía Việt Nam tính toán các phương án phù hợp, không tác động nhiều đến nghĩa vụ nợ của Việt Nam trước mắt và lâu dài.
Nhiều cơ hội hấp dẫn khi đầu tư sang Lào
Đây có thể xem là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư sang Lào khi Chính phủ Lào cam kết sẽ có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ riêng dành cho các nhà đầu tư Việt Nam.
Hội nghị lần này sẽ do Lãnh đạo Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào chủ trì và có sự tham dự của Lãnh đạo nhiều Bộ, ngành, địa phương và đông đảo doanh nghiệp hai nước.
Phát biểu tại buổi họp báo chuẩn bị Hội nghị, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào 2016 diễn ra trong bối cảnh hết sức thuận lợi, mở ra triển vọng hợp tác đầu tư to lớn của cả hai nước. Hai nước có những tiềm năng phát triển lớn có thể bổ trợ cho nhau, cùng nhau phát triển.
Ông cũng hé lộ thêm vơi báo giới đây sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư tronng nước khi chia sẻ, khác với các hội nghị xúc tiến đầu tư hàng năm chủ yếu mang tính tổng kết, kiểm điểm và đề xuất xử lý những vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện đầu tư của các nhà đầu tư Việt Nam, Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam – Lào lần này sẽ dành phần lớn thời gian để tập trung vào nội dung có định hướng hợp tác đầu tư vào những ngành, lĩnh vực, địa bàn phía Lào ưu tiên thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới và các chính sách riêng ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ Lào cho các nhà đầu tư Việt Nam đầu tư vào Lào. Đây là cơ hội tốt để các doanh, nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam tiếp cận các dự án đầu tư mới tại Lào, tăng cường kết nối và thúc đẩy các hoạt động hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch, giao thông ... trong thời gian tới.
Tính đến nay, tổng vốn đầu tư của các nhà đầu tư Việt Nam đầu tư sang Lào là 4,9 tỷ USD. Lào đứng thứ nhất trong tổng số 68 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam và Việt Nam đứng vị trí thứ 2 trong số các nước có hoạt động đầu tư tại Lào. Đến nay, nhiều dự án đã đi vào hoạt động đạt hiệu quả tốt, có đóng góp nhiều mặt cho phát triển kinh tế - xã hội của Lào và được Chính phủ Lào ghi nhận và đánh giá cao như: Các dự án đầu tư của Tập đoàn Hoàng Anh-Gia Lai tại Lào; các chi nhánh, ngân hàng con, ngân hàng liên doanh của Việt Nam tại Lào; dự án viễn thông của Tập đoàn Viettel; các dự án xây dựng hệ thống phân phối xăng dầu của Tổng công ty Dầu Việt Nam và Tập đoàn xăng dầu Việt Nam; Dự án tổ hợp sân Golf và khách sạn, nhà ở với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD của Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành…
Trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư tại Lào, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phối hợp tốt với chính quyền các địa phương của Lào, đặc biệt đã tham gia tích cực các hoạt động cộng đồng tại các địa phương với số tiền hàng chục triệu USD thông qua việc xây dựng một số trường học, bệnh xá, đường, nhà tái định cư cho người dân vùng dự án…
Được biết, các dự án đầu tư hiện tại của Việt Nam giúp tạo nền tảng, cơ sở cho việc thành lập các ngành công nghiệp trong tương lai của nước bạn Lào như: khai thác và chế biến cao su; sản xuất đường, phân vi sinh, thủy điện; khai thác và chế biến khoáng sản... Đồng thời, tạo việc làm cho khoảng 4 vạn lao động của Lào, giúp nâng cao năng lực lao động, tạo thu nhập, cải thiện đời sống người lao động; bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước Lào.