Chủ tịch WB: Hàn Quốc quê tôi cũng như Việt Nam, từng bị cho là không có cơ hội phát triển
Sharp đồng ý bán cho Foxconn
Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vùng Kyushu, Nhật Bản
Chỉ cần điều chỉnh đường băng, giảm trên 37.000 tỉ đồng
Kotra: Việt Nam là thị trường xuất khẩu chiến lược của Hàn Quốc
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 25-02-2016
- Cập nhật : 25/02/2016
Johnson & Johnson bồi thường 72 triệu USD vì phấn rôm gây ung thư
Một tòa án ở St Louis, Missouri ngày 23-2 đã buộc tập đoàn Johnson & Johnson phải bồi thường 72 triệu USD cho gia đình một phụ nữ đã qua đời có liên quan đến phấn của hãng này.
Reuters cho biết, theo phán quyết của tòa, J&J phải bồi thường thiệt hại 10 triệu USD và 62 triệu USD tiền phạt cho gia đình của bà Jackie Fox.
Bà Fox đã qua đời hồi năm ngoái sau 3 năm chống chọi với ung thư buồng trứng. Bà Fox đã có hơn 35 năm sử dụng Baby Powder và Shower to Shower của công ty J&J.
Đây là lần đầu tiên một ban bồi thẩm tại Mỹ yêu cầu tập đoàn lớn nhất thế giới về các sản phẩm chăm sóc sức khỏe J&J bồi thường thiệt hại vì các cáo buộc mà công ty đã biết cách đây một thập kỷ.
Đó là việc các sản phẩm liên quan đến các sản phẩm phấn của công ty có thể là nguyên nhân gây ung thư và J&J thất bại trong việc cảnh báo người tiêu dùng về nguy cơ này.
"Chúng tôi thất vọng trước phán quyết của phiên tòa. Chúng tôi đồng cảm với nỗi đau của gia đình (nạn nhân) nhưng tin rằng sự an toàn của phấn đã được chứng minh hàng thập kỷ qua bởi các bằng chứng khoa học" - phát ngôn viên J&J Carol Goodrich cho biết.
Hiện tại J&J đang đối mặt với khoảng 1.200 đơn kiện trích dẫn các nghiên cứu cho thấy mối liên kết giữa các sản phẩm Johnson's Baby Powder và Shower-to-Shower với ung thư buồng trứng.
Các đơn kiện cho rằng công ty J&J đã biết về nguy cơ gây ung thư nhưng lại không thể cảnh báo khách hàng một cách đúng đắn.
Chủ tịch ban bồi thẩm Krista Smith đưa ra phán quyết cuối cùng về lệnh bồi thường 72 triệu USD sau 4 giờ tranh luận giữa các thành viên ban bồi thẩm.
"Rõ ràng rằng họ đã che giấu một cái gì đó. Những gì họ cần làm là viết một cảnh báo lên chiếc nhãn của sản phẩm" - chủ tịch Smith nhận định.
Ước tính phấn trẻ em là một thị trường trị giá khoảng 18,8 triệu USD tại Mỹ. Nhóm nghiên cứu Statista cho biết khoảng 19% các gia đình tại Mỹ sử dụng sản phẩm của J&J.
Hãng Mars thu hồi chocolate tại Việt Nam và nhiều nước
Hãng chocolate nổi tiếng Mars (Mỹ) vừa phải thu hồi sản phẩm tại 55 nước, phần lớn là châu Âu, sau khi một miếng nhựa được phát hiện trong thanh kẹo Snickers tại Đức.
Hôm 23-2, một đại diện của Công ty Mars cho biết tất cả các sản phẩm bị thu hồi, gồm các thanh kẹo Mars, Snickers và Milky Way, đều được sản xuất ở một nhà máy tại TP Veghel – Hà Lan.
Số kẹo trên được bán chủ yếu ở các nước châu Âu như Đức, Pháp, Anh và một vài quốc gia châu Á khác, trong đó có Việt Nam, Sri Lanka..., theo báoThe Guardian.
Quyết định thu hồi có hiệu lực từ hôm 22-2, được đưa ra sau khi một nữ khách hàng tại Đức phát hiện một miếng nhựa màu đỏ trong thanh Snickers và gửi về công ty.
Mars, có trụ sở tại Mount Olive, bang New Jersey – Mỹ, là một trong những công ty thực phẩm lớn nhất thế giới với 29 thương hiệu chocolate bao gồm M&M, Galaxy, Twix, Bounty và Maltesers. Ngoài chocolate, Mars còn sản xuất kẹo cao su Wrigley, gạo Uncle Ben, sốt mì Ý Dolmio và thức ăn cho chó, mèo Pedigree.
Công ty này là một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất tại Mỹ với doanh số bán hàng toàn cầu đạt 33 tỉ USD vào năm ngoái.
“Chúng tôi không thể đảm bảo rằng chỉ có thanh Snickers đó có nhựa. Chúng tôi quyết định thu hồi tất cả vì không muốn bất cứ sản phẩm nào trên thị trường có thể không đạt chỉ tiêu chất lượng” - một đại diện của Công ty Mars tại Hà Lan phát biểu.
Việc thu hồi này bao gồm tất cả các sản phẩm Mars, Snickers, Milky Way và Miniatures cũng như các hộp kẹo phiên bản Lễ hội có hạn sử dụng từ 19-6-2016 đến 8-1-2017.
Trong một tuyên bố, chi nhánh Mars ở Hà Lan cho biết họ đang làm việc chặt chẽ với các cơ quan an toàn thực phẩm về vấn đề này.
Hiện vẫn chưa rõ sự cố trên sẽ khiến Mars thiệt hại bao nhiêu. Phát ngôn viên công ty cũng từ chối đề cập vấn đề này.
Trước đó, vào năm 2014, Mars cũng tự nguyện thu hồi một lô sản phẩm kẹo chocolate M&M chứa bơ đậu phộng có khả năng gây dị ứng.
Việc thu hồi sản phẩm có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng và tài chính, như vụ của hãng Nestle hồi năm ngoái. Hãng này đã phải thu hồi toàn bộ mì Maggi tại Ấn Độ sau khi phát hiện hàm lượng chì không an toàn trong một gói sản phẩm.
Năm 2006, hãng Cadbury cũng phải thu hồi hơn 1 triệu thanh chocolate sau khi dịch salmonella bùng phát, khiến công ty này thiệt hại 28 triệu USD.
Giá lương thực tăng 0,66% nhờ tăng xuất khẩu gạo
Đó là công bố của Tổng cục Thống kê (TCTK) ngày 24-2 trong thông tin về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2-2016.
Theo TCTK, tháng 2-2016 là tháng tết nhưng chỉ số CPI cũng chỉ tăng 0,42% so với tháng trước.
Nguyên nhân khiến CPI tăng được TCTK nhắc tới đầu tiên là chỉ số giá nhóm lương thực tăng 0,66% do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng. Bên cạnh đó là việc các thương lái thu gom lúa gạo cho hợp đồng xuất khẩu gạo sang Indonesia và Philippines.
Các mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng khá cao tháng tết do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm phục vụ tết tăng cao như thịt heo, thịt bò, hải sản tươi sống với mức tăng 0,2% - 0,4%. Đặc biệt, giá rau xanh tăng cao ở các tỉnh phía Bắc do nguồn cung hạn chế bị ảnh hưởng bởi thời tiết trước tết rét đậm, rét hại.
Đáng lưu ý, giá dịch vụ giao thông công cộng tăng đến 3,45% do một số đơn vị kê khai tăng giá chiều đông khách (từ 20% - 60% so với giá vé bán ngày thường) nhằm bù đắp phần chi phí cho phương tiện chạy chiều vắng khách tháng tết.
Ngoài ra, đây cũng là tháng nhiều địa phương thực hiện lộ trình tăng học phí các cấp làm chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 0,26%.
Đáng ra với các yếu tố trên, CPI tháng tết sẽ tăng khá mạnh. Tuy nhiên, theo TCTK, cũng có nhiều yếu tố kéo giảm CPI như giá xăng giảm 1.320 đồng/lít, dầu diezezen giảm 1.530 đồng/lít, làm chỉ số giá nhóm nhiên liệu giảm 8,81% so với tháng 1 và góp phần giảm CPI chung khoảng 0,39%...
CPI tháng 2 vì vậy chỉ tăng 0,42%.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 trong 10 năm gần đây (đơn vị tính: %)
| Năm 2007 | Năm 2008 | Năm 2009 | Năm 2010 | Năm 2011 | Năm 2012 | Năm 2013 | Năm 2014 | Năm 2015 | Năm 2016 |
CPI tháng 2 năm báo cáo so với tháng trước | 2,17 | 3,56 | 1,17 | 1,96 | 2,09 | 1,37 | 1,32 | 0 |
Phí “gầm bàn” khiến các nhà đầu tư Nhật Bản ái ngại
Những rủi ro trong đầu tư mà doanh nghiệp Nhật Bản tại VN phải đối mặt trong năm 2015 đã tăng lên so với năm ngoái, khi trên 60% doanh nghiệp cho rằng hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện...
Những rủi ro trong đầu tư mà doanh nghiệp Nhật Bản tại VN phải đối mặt trong năm 2015 đã tăng lên so với năm ngoái, khi trên 60% doanh nghiệp cho rằng hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch, thủ tục hành chính phức tạp, hơn 50% phản ảnh thủ tục thuế chậm chạp...
Đưa ra những kết luận tại buổi công bố kết quả khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại VN do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện ngày 23-2, ông Yasuzumi Hirotaka, trưởng đại diện JETRO tại TP.HCM, khẳng định môi trường đầu tư của VN đang xấu đi bất chấp những nỗ lực của Chính phủ thời gian qua.
Lý do của tình trạng này, theo ông Yasuzumi Hirotaka, là hệ thống thực thi pháp luật của VN còn rời rạc, chưa minh bạch dù hệ thống lập pháp đang dần hoàn thiện.
Thời gian qua, nhiều luật mới ra đời và có hiệu lực như Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư nước ngoài... nhưng đến nay các hướng dẫn cụ thể những luật này vẫn chưa đầy đủ, dẫn đến tình trạng nhũng nhiễu của bộ máy hành chính.
“Các doanh nghiệp phản ảnh với chúng tôi rằng khi họ bị sai sót trong quá trình làm thủ tục hải quan, thuế hay muốn thúc đẩy tiến độ, thay vì được hướng dẫn để thực hiện lại thì doanh nghiệp được “gợi ý” chi thêm tiền để giải quyết nhanh chóng. Chúng tôi cũng rất đau đầu với tình trạng này nhưng các doanh nghiệp không dám trao đổi cụ thể vì sợ bị đì” - ông Yasuzumi Hirotaka chia sẻ.
Đại diện JETRO cũng cho biết nhà đầu tư Nhật Bản ở những thị trường khác cũng bị tương tự như vậy, tùy quốc gia mà mức độ nhũng nhiễu khác nhau, nhưng tỉ lệ này của VN cao hơn so với một số nước trong khu vực. Tuy nhiên, ông Hirotaka cũng cho rằng nếu so sánh với các nước xung quanh, VN vẫn là sự lựa chọn sáng giá nhờ VN chưa xuất hiện nhiều điểm bất lợi mới.
Theo đó, 30% doanh nghiệp Nhật Bản trả lời “VN là địa điểm đầu tư nước ngoài đầu tiên”, 60% cho biết sẽ mở rộng kinh doanh trong tương lai, tỉ lệ cao so với các quốc gia khác.
“Các doanh nghiệp kỳ vọng với những hiệp định thương mại mà VN ký kết, đặc biệt là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ giúp thuận lợi hóa về thương mại và thuế quan cũng như giấy phép lao động. Điều đáng mừng nữa là tình hình tận dụng các hiệp định của doanh nghiệp trong năm 2015 tăng lên một cách rõ ràng, tăng 9% lên 45%” - ông Yasuzumi Hirotaka nói.
Hơn 75% công ty có nhu cầu tuyển dụng sau tết