DN Nhật ở Việt Nam kỳ vọng các tác động của hội nhập
Thu tiền để xây dựng thương hiệu bò sữa Củ Chi
Tiêu thụ nhà, đất có thể giảm
Sang tay cổ phiếu Vinamilk, quỹ ngoại thu về 2.300 tỷ đồng
Đan Mạch mở siêu thị bán đồ thừa
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 25-02-2016
- Cập nhật : 25/02/2016
Tuyển dụng con ông cháu cha ở Trung Quốc, HSBC bị điều tra
HSBC thừa nhận ngân hàng mình đang đối mặt với cuộc điều tra của Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SCE), vì đã tuyển dụng “các hoàng tử đỏ” ở Trung Quốc vào làm việc.
Đại diện ngân hàng HSBC hôm 22-2 thừa nhận ngân hàng này đang đối mặt với cuộc điều tra của Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SCE), vì đã tuyển dụng “các hoàng tử đỏ” ở Trung Quốc vào làm việc.
Thông tin này được HSBC tiết lộ ngay sau khi ngân hàng này báo cáo lỗ 1,33 tỉ USD trong quí IV năm 2016.
Báo South China Morning Post cho biết “các hoàng tử đỏ” hiện đang làm việc cho HSBC khu vực châu Á -Thái Bình Dương thường là con cái hoặc người thân của giới quan chức Trung Quốc.
Cuộc điều tra do những quan ngại sẽ xuất hiện những xung đột lợi ích, tức nhóm “hoàng tử đỏ” này có thể sẽ đại diện cho nhóm lợi ích để đảm bảo quyền lợi cho những hợp đồng từ các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc.
“HSBC đã nhận nhiều yêu cầu khác nhau về việc cung cấp thông tin và đang hợp tác với cuộc điều tra của SCE”- thông báo của HSBC cho biết.
Đây là lần đầu tiên HSBC cho biết họ có liên quan đến cuộc điều tra của SCE. HSBC là nhà cho vay lớn nhất Hong Kong và châu Âu cũng vừa báo cáo các khoản lỗ trước thuế của ngân hàng này ở mức 858 triệu USD.
Đây là quí đầu tiên HSBC báo cáo lỗ kể từ khi ngân hàng này bắt đầu công bố kết quả kinh doanh theo từng quí vào năm 2011.
Cổ phiếu của HSBC trong ngày 22-2 đã giảm 2,2% ngay sau khi thông tin này xuất hiện và đây không phải là ngân hàng duy nhất bị SEC điều tra vì tuyển dụng nhân viên là " các hoàng tử đỏ” ở Trung Quốc.
Năm 2013, SCE cũng đã mở cuộc điều tra với ngân hàng JP Morgan với lý do tương tự. Các ngân hàng khác như Goldman Sachs, Morgan Stanley, Citigroup, UBS và Credit Suisse đã nhận được thư của SCE, yêu cầu cung cấp thông tin tuyển dụng nhân sự của họ ở khu vực châu Á.
Bà Nguyễn Thị Như Loan cầm cố tài sản, vay hơn 1.600 tỷ đồng
Công ty Quốc Cường Gia Lai (Mã CK: QCG) vừa có báo cáo tài chính quý IV/2015. Trong kỳ, doanh thu bán hàng tăng lên 180 tỷ đồng, song lợi nhuận sau thuế lại sụt giảm 80% xuống chỉ còn 5 tỷ đồng. Mặc dù kết quả kinh doanh giảm song ban lãnh đạo công ty khẳng định không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp.
Lũy kế năm 2015, doanh thu của công ty sụt giảm 25%, xuống 391 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế là 23 tỷ, trong khi cùng kỳ là 32 tỷ đồng.
Báo cáo cũng cho biết bà Nguyễn Thị Như Loan – Chủ tịch HĐQT công ty đã thế chấp toàn bộ dự án Phước Kiển và cổ phiếu nắm giữ tại công ty để vay 1.621 tỷ đồng tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – chi nhánh Quang Trung với lãi suất 11,5%. Mục đích vay được nêu rõ để đầu tư dự án khu dân cư 6A Phước Kiển.
Bà Nguyễn Thị Như Loan hiện sở hữu 101,9 triệu cổ phần (37% vốn điều lệ), tương ứng tài sản đạt 479 tỷ đồng. Trong khi đó, dự án khu dân cư 6A Phước Kiển được xếp vào hạng mục hàng tồn kho của công ty do đang trong quá trình triển khai. Dự án rộng 93 ha tại huyện Nhà Bè, TP HCM được chấp thuận đầu tư năm 2010 và có quy mô 3.798 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số dự án tồn kho khác của công ty là chung cư Quốc Cường Gia Lai II, chung cư Giai Việt, khu dân cư 6, Hiệp Phú, dự án Thủ Thiêm… Tính đến cuối năm 2015, hàng tồn kho của Quốc Cường Gia Lai tăng 32% lên mức 5.444 tỷ đồng, chiếm hơn nửa tổng tài sản của công ty. Nợ phải trả vượt 4.000 tỷ đồng.
Hòa Phát đạt doanh thu tỷ đô
Tập đoàn Hòa Phát (Mã CK: HPG) vừa có báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2015. Theo đó, doanh thu trong kỳ đạt 7.253 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng nhẹ lên 565 tỷ đồng.
Lũy kế năm 2015, doanh nghiệp thu về 27.869 tỷ đồng (tương ứng 1,24 tỷ USD), tăng 7,8% so với năm 2014.
Trong kỳ, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ lên mức 1.182 tỷ đồng. Dù vậy lợi nhuận sau thuế của Thép Hòa Phát vẫn đạt mức 3.504 tỷ, tăng trưởng 7,8%.
Đây là mức tăng trưởng khá ấn tượng trong bối cảnh ngành thép được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn khi Việt Nam hội nhập, đặc biệt khi thép giá rẻ Trung Quốc tràn sang Việt Nam.
Tính đến cuối năm 2015, tổng tài sản của Hòa Phát tăng lên 25.509 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả vượt 11.000 tỷ đồng mà chủ yếu là nợ ngắn hạn. Hàng tồn kho của đơn vị cũng giảm đáng kể xuống 6.900 tỷ đồng.
Không chỉ kinh doanh thép, bất động sản, mới đây Hòa Phát đã đa dạng hóa hoạt động kinh doanh bằng việc đầu tư vào nông nghiệp. Ông lớn này đã chi 2.500 tỷ đồng thành lập Công ty Phát triển Nông nghiệp Hòa Phát chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Người Trung Quốc thích mua hàng xa xỉ trên mạng
Đây là kết quả nghiên cứu được hãng Bain & Co thực hiện trong khoảng thời gian 2014-2015. Theo đó, Internet là nguồn thông tin hàng đầu để người Trung Quốc tìm hiểu về các mặt hàng xa xỉ. Tỷ lệ này cao hơn gấp đôi so với người mua hàng đọc thông tin qua tạp chí (31%) và từ lời giới thiệu của người thân, bạn bè (29%).
Trong lĩnh vực kỹ thuật số, trang web chính thức vẫn là nguồn chính thống cung cấp thông tin hàng hóa sang trọng. Thống kê cho thấy trong năm 2015 có đến 60% khách hàng tìm hiểu mặt hàng cao cấp trên mạng và xu hướng này vẫn không ngừng tăng lên.
Trang mạng xã hội Weibo cũng là một kênh được nhiều người dùng chọn để tìm hiểu về hàng xa xỉ với mức tăng trưởng lên đến 22% trong năm ngoái. Các ứng dụng di động cũng được sử dụng phổ biến, tăng từ 24% lên 30%.
Chi tiêu cho các mặt hàng đắt tiền tại Trung Quốc đang phát triển nhanh cho các sản phẩm quần áo phụ nữ, đồ trang sức và mỹ phẩm. Thông tin được tìm kiếm nhiều nhất năm 2015 là kinh nghiệm đặt khách sạn, resort (58%) hay sử dụng dịch vụ spa (37%).
Theo một khảo sát người mua hàng trực tuyến do hãng McKinsey & Co thực hiện vào tháng 9/2015, có đến 31% người được hỏi cho biết họ có kế hoạch tăng chi tiêu vào hàng xa xỉ trong 6 tháng tới. Trong khi đó 62% cho rằng họ không thay đổi ngân sách của mình cho những món đồ sang trọng. Chỉ có 8% khách hàng tuyên bố họ sẽ chi tiêu ít hơn.
Việc nhẹ lương cao không ai làm ở New Zealand
Theo Guardian, Alan Kenny, 61 tuổi, là bác sĩ đa khoa ở thị trấn Tokoroa, khu vực Waikato, đảo Bắc New Zealand. Ông đồng sở hữu một cơ sở khám bệnh ở thị trấn 13.600 người này.
Bác sĩ Kenny phàn nàn ông bị quá tải, lúc nào cũng mệt mỏi, thậm chí không dám nghỉ phép vì không tìm được người thay thế. Ông muốn tuyển dụng thêm người, với mức lương đãi ngộ hấp dẫn lên tới 400.000 USD một năm.
Cùng với lương cao, bác sĩ Kenny còn hứa hẹn cho nhân viên nghỉ phép mỗi năm ba tháng, không phải trực tối hay cuối tuần, và hưởng một nửa lợi nhuận từ phòng khám có 6.000 bệnh nhân này. Tuy nhiên, nhiều tháng nay vẫn không có người nộp đơn ứng tuyển.
"Tôi đề nghị mức lương tuyệt vời đến khó tin. Công việc của tôi trở nên quá tải từ năm ngoái, ngày càng có nhiều bệnh nhân, thu nhập vì thế cũng tăng lên. Tuy nhiên, ngày nào tôi cũng kiệt sức vì quá đông bệnh nhân", bác sĩ Kenny nói.
Hai năm trước, con gái của Kenny là Sarah cũng đến đây làm việc, với vai trò là bác sĩ thực tập. Cô muốn học hỏi thêm từ bố và giúp ông giảm áp lực. Trong số 6 bác sĩ ở đây, chỉ có cô mang quốc tịch New Zealand.
"Tôi yêu công việc này và muốn ở lại, nhưng tôi thật sự đau đầu trong việc thu hút bác sĩ tới đây", ông Kenny nói.
Linda Reynolds, phó giám đốc mạng lưới Bác sĩ Đa khoa Nông thôn New Zealand cho biết, phần lớn công việc bác sĩ đa khoa nông thôn do bác sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài (IMG) đảm nhận.
Mức lương của họ dao động từ 100.000 - 186.000 USD một năm, Reynolds nói thêm, trung bình phải mất 2-3 năm mới tuyển được một người.
"Chúng tôi chủ yếu dựa vào nguồn nhân lực IMG, tuy nhiên, đa phần họ đều đến đây làm việc trong thời gian ngắn, trong khi nhu cầu khám chữa bệnh vẫn không đổi, thậm chí ngày càng tăng".
Theo bà, yếu tố góp phần cho sự thiếu hụt bác sĩ đa khoa ở nông thôn là môi trường làm việc cô lập, thiếu trường học cũng như các hoạt động xã hội, đường truyền Internet kém ổn định.