13 cổ đông ngoại "quyền lực" nhất kiểm soát 1/4 số cổ phần của Vinamilk
Chuối xuất khẩu tăng giá gấp đôi
Giá cước vận tải đã giảm 1%-33%
Sản phẩm J&J ở Việt Nam “an toàn”
Không “đẻ” thêm phí ngoài lãi suất
Tin kinh tế đọc nhanh 26-02-2016
- Cập nhật : 26/02/2016
Sun Group xin đầu tư toàn bộ sân bay Lào Cai
Ông Trần Minh Sơn - Phó Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt trời (Sun Group) - cho biết như vậy ngày 25-2.
Trong lễ ký hợp đồng hợp tác đầu tư Dự án Nhà điều hành sản xuất, văn phòng cho thuê, chung cư và trung tâm thương mại tại 31 Láng Hạ (Hà Nội) giữa Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) và liên danh các nhà đầu tư do Sun Group đứng đầu vào, ông Trần Minh Sơn Sơn cho biết ngoài sân bay Quảng Ninh, Sun Group đã đề nghị Bộ GTVT được làm nhà đầu tư toàn bộ sân bay Lào Cai theo quy hoạch chi tiết Cảng hàng không (CHK) Lào Cai vừa được Bộ GTVT phê duyệt.
Với lĩnh vực đường sắt, ông Sơn cho biết Sun Group cũng hợp tác với VNR trong việc thuê hạ tầng đường sắt để khai thác các đoàn tàu chở khách trên một số tuyến như Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Đà Nẵng và TP HCM- Đà Nẵng.
Sun Group đã tìm hiểu các nhà chế tạo tàu hỏa hàng đầu thế giới để có phương án đầu tư những đoàn tàu chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế nhằm khai thác trên đường sắt Việt Nam.
Dự kiến trong năm 2016, Sun Group sẽ khai thác 5-6 đoàn tàu chất lượng cao trên tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai.
Theo hợp đồng hợp tác đầu tư Dự án Nhà điều hành sản xuất, văn phòng cho thuê, chung cư và trung tâm thương mại tại 31 Láng Hạ được ký kết ngày 25-2, VNR và Sun Group sẽ thành lập 1 doanh nghiệp quản lý dự án gồm 2 thành viên trở lên có vốn điều lệ 1.800 tỉ đồng để sẽ xây dựng 1 tổ hợp tòa nhà có tổng diện tích sàn 100.000 m2 gồm 27 tầng với 3 tầng hầm để xe.
Tiến độ thực hiện dự án trong thời gian 21 tháng kể từ khi VNR bàn giao đất sạch cho liên doanh.
Về sân bay Lào Cai mà Sun Group dự định đầu tư, theo quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết CHK Lào Cai giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt, CHK Lào Cai sẽ được xây dựng tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai với tổng nhu cầu sử dụng đất là 261,52 ha.
Đây là CHK nội địa dùng chung dân dụng và quân sự, đạt cấp 4C theo theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế và sân bay quân sự cấp II.
CHK có đường cất hạ cánh dài 2.400 m, rộng 45 m cùng 1 đường lăn nối từ đường cất hạ cánh vào sân đỗ tàu bay dài 148,5 m, rộng 23 m. Giai đoạn đầu, CHK có 2 vị trí đỗ máy bay, khai thác được loại máy bay Airbus A320, A321 và tương đương.
Theo quy hoạch đến năm 2020, CHK Lào Cai có công suất 560.000 hành khách/năm và 600 tấn hàng hóa/năm.
Định hướng đến năm 2030 công suất CHK được nâng lên 1,585 triệu hành khách và 2.880 tấn hàng hóa mỗi năm. Số vị trí đỗ máy bay được nâng lên 5 vị trí.
Vinalines đề xuất bán ụ nổi 83M với giá... bèo
Ngày 25-2, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), cho biết vừa đề xuất Bộ GTVT được bán đấu giá nguyên trạng ụ nổi 83M của Công ty Sửa chữa tàu biển Vinalines (VNLSY) với mức giá khởi điểm là 34,8 tỉ đồng.
Theo ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, giá khởi điểm trên đã được các cơ quan chức năng thẩm định. Việc đấu giá sẽ được thực hiện một cách công khai, minh bạch.
Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh cũng cho biết hiện nay đang chờ ý kiến của Bộ GTVT. Sau đó các cơ quan chức năng sẽ có kế hoạch cụ thể để bán đấu giá ụ nổi trên. "Đây là giá khởi điểm, trong quá trình đấu giá chắc chắn con số này sẽ tăng vì có sự tham gia của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ụ nổi này có khi trong nước chưa quan tâm nhưng các doanh nghiệp nước ngoài họ quan tâm thì sẽ được giá cao..." - ông Tĩnh nói.
Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh cũng khẳng định cần sớm bán ụ nổi 83M để thu hồi một phần vốn đã đầu tư, tránh nguy cơ mất an toàn neo đậu, giảm thiệt hại cho Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines. Hiện chi phí neo đậu, tàu lai trực sự cố... từ thời điểm bàn giao đến thời điểm 31-12-2015, giá trị sổ sách của ụ nổi 83M là hơn 500 tỉ đồng.
Trước đó, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh cũng cho rằng ụ nổi 83M không thuộc danh mục vật chứng của vụ án tiêu cực trước đây tại Vinalines. Bên cạnh đó, các phương án cho thuê hoặc hợp tác khai thác, tự khai thác đều không hiệu quả nên phải bán. Hiện đã có một số công ty đang ngỏ ý muốn mua ụ nổi 83M trên.
Trước đó, liên quan đến ụ nổi 83M, TAND tỉnh Khánh Hòa đã tuyên phạt Trần Hải Sơn, nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines, 20 năm tù; Trần Văn Quang, nguyên phó trưởng phòng Kế hoạch thị trường Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines, 18 năm tù; Trần Bá Hùng, nguyên phó trưởng bộ phận chế tạo vỏ Nhà máy Hyundai Vinashin, 17 năm tù; Phạm Bá Giáp, nguyên giám đốc Công ty TNHH Nguyên Ân, 15 năm tù, cùng về tội tham ô tài sản. Cụ thể, các bị cáo đã bàn bạc, thỏa thuận gửi giá và nâng khống khối lượng vật tư thi công để tham ô hơn 3,6 tỉ đồng. Trong vụ án này, Dương Chí Dũng, nguyên chủ tịch HĐQT Vinalines, có vai trò liên quan vì đã nhận 150 triệu đồng quà biếu từ Trần Hải Sơn.
Được biết ụ nổi 83M được Dương Chí Dũng ký quyết định mua với giá 9 triệu USD.
Nữ “đại gia phố núi” biệt tích cùng số nợ vài chục tỉ
Sau khi vay tiền của nhiều người dân trên địa bàn thị trấn Tây Sơn tổng số tiền theo tố cáo là hơn 20 tỉ đồng, nữ "đại gia phố núi" ở Hà Tĩnh biệt tích.
Ngày 25-2, thượng tá Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng Công an huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết đơn vị đang điều tra vụ việc người dân tố cáo bà Nguyễn Thị Mai (54 tuổi, ngụ xóm Hồ Vậy, xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn) lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đơn trình báo của nhiều nạn nhân, gia đình bà Mai vốn là “đại gia” có tiếng tại huyện Hương Sơn.
Bản thân bà Mai cũng làm nghề buôn bán, giao dịch ở Lào, Thái Lan. Vào tháng 10-2015, bà Mai đặt vấn đề vay tiền ngắn hạn, trả lãi suất cao (1,5%/tháng) để dùng vào mục đích kinh doanh, nhiều người dân tại địa phương đã tin tưởng, đồng ý cho vay.
Bà H.T.A (57 tuổi, trú thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn) mếu máo nói: “Gia đình tôi đã dốc toàn bộ số tiền tiết kiệm được trong nhiều năm qua và vay thêm để đưa cho bà Mai vay 4,7 tỉ đồng. Nay bà Mai tuyên bố vỡ nợ, cắt điện thoại và rời khỏi địa phương khiến gia đình như ngồi trên đống lửa”.
Theo đơn tố cáo, trong năm 2015, bà Mai đã vay của hàng chục người dân tại thị trấn Tây Sơn với tổng số tiền hơn 20 tỉ đồng. Nhiều người dân đã kéo đến nhà của bà Mai để đòi tiền, thậm chí có người “trụ” lại tại nhà bà Mai cả tháng trời nhưng vẫn không lấy được tiền.
Không còn cách nào khác, những nạn nhân đành phải gửi đơn cầu cứu lên các cơ quan chức năng.
Công an Hà Tĩnh cũng đã có thông báo chuyển vụ việc cho công an huyện Hương Sơn điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Trung Quốc ngán tỉ phú Trump?
Bắc Kinh sẽ tính sao nếu tỉ phú Donald Trump, người không hề giấu giếm ý định mạnh tay với hàng hóa Trung Quốc và trừng trị chính sách thao túng tiền tệ của nước này, chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ?
Đó là câu hỏi được báo giới tại Trung Quốc đồng loạt đặt ra với người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh hôm 24-2, ngay sau khi ông Trump giành chiến thắng vang dội tại cuộc bầu cử sơ bộ ở bang Nevada. Dù tránh bình luận những phát ngôn “rát mặt” của ứng viên đang được coi là sáng giá nhất của Đảng Cộng hòa (GOP), bà Hoa cảnh báo Washington không nên theo đuổi chính sách tiền tệ hà khắc có thể hủy hoại quan hệ Mỹ - Trung.
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng Trung Quốc và Mỹ là những nền kinh tế đang phát triển và phát triển lớn nhất thế giới, gánh vác trọng trách trong công cuộc bảo vệ hòa bình, ổn định và an ninh, đồng thời lèo lái sự phát triển của thế giới” - bà Hoa khẳng định. Theo bà Hoa, sự lớn mạnh và ổn định trong quan hệ Mỹ - Trung là mối quan tâm nền tảng và lâu dài của cả 2 nước, cũng như mang lại lợi ích cho thế giới. “Chúng tôi hy vọng và cũng tin tưởng chính phủ Mỹ sẽ theo đuổi chính sách tích cực đối với Trung Quốc với thái độ có trách nhiệm” - bà Hoa nói.
Ngoài nỗi lo trên, Trung Quốc còn đối mặt một loạt thách thức khi kinh tế tăng trưởng chậm lại. Thị trường chứng khoán nước này hôm 25-2 giảm hơn 6%, mức cao nhất trong tháng này, do có những dấu hiệu thanh khoản bị siết chặt. Đáng chú ý là chỉ số Shanghai Composite Index của sàn Thượng Hải mất tới 6,4%. Nếu tính từ đầu năm thì chỉ số quan trọng này giảm đến 23%, qua đó trở thành chỉ số chứng khoán có “màn trình diễn” tệ thứ hai thế giới, chỉ sau chứng khoán Hy Lạp.
Chiến lược gia Trương Cương thuộc Công ty Chứng khoán Central China Securities nhận định: “Thị trường đang trong trạng thái mong manh khi ai cũng muốn tháo chạy. Không một thông tin đơn lẻ nào trên thị trường hiện nay đủ để dẫn tới một phiên sụt giảm như vậy”.
Cơn biến động không đúng lúc này dội gáo nước lạnh vào những nỗ lực vớt vát hình ảnh thị trường chứng khoán của Bắc Kinh trước thềm hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương nhóm 20 nền kinh tế mới nổi và phát triển lớn nhất thế giới (G-20), dự kiến diễn ra tại Thượng Hải trong ngày 26 và 27-2.
Theo The Wall Street Journal, nền kinh tế số 2 thế giới còn đối mặt nguy cơ khác, đó là sự bùng nổ của trái phiếu doanh nghiệp, khiến các khoản nợ ở nước này thêm chồng chất.
Giới phân tích cho rằng việc Bắc Kinh không ngừng khuyến khích hoạt động vay mượn để thúc đẩy tăng trưởng là hành động “đùa với lửa”, làm gia tăng nỗi lo ngại về nguy cơ xảy ra khủng hoảng tín dụng, cản trở nỗ lực chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa vào tiêu dùng trong nước. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s cho biết nợ doanh nghiệp ở Trung Quốc hiện đạt mức mức 160% GDP, so với tỉ lệ 98% năm 2008. Con số này ở Mỹ lúc này là 70%.
Tạp chí Trung Quốc: Bắc Kinh có nhiều tỷ phú nhất thế giới
Về số tỷ phú cả nước, Trung Quốc cũng được công bố là dẫn đầu với 568 đại diện, cao hơn Mỹ với 535. Việc này cũng cho thấy nhà giàu Trung Quốc ngày càng tích lũy được nhiều tài sản, bất chấp thị trường chứng khoán lao dốc và nền kinh tế đang hạ nhiệt.
Rupert Hoogewerf - nhà sáng lập Hurun, cho biết của cải tại Trung Quốc bùng nổ là do giới chức nước này cho phép làn sóng IPO mới, sau khi kìm hãm hoạt động này vài năm qua. Ông cũng tiết lộ tính toán của Hurun dựa trên giá cổ phiếu tính đến ngày 15/1.Điều này cũng có nghĩa họ đã bao gồm quãng thời gian chứng khoán Trung Quốc mất 40% nửa cuối năm ngoái. Còn nếu tính ngay từ mức đỉnh hè 2015, số tỷ phú tại Bắc Kinh phải là 150 người.
Bắc Kinh đã giành danh hiệu này từ New York sau khi có thêm 32 tỷ phú mới năm ngoái. Còn New York chỉ thêm được 4. Moscow (Nga) đứng thứ 3 với 66 người có tài sản tỷ USD. Còn Hong Kong và Thượng Hải (Trung Quốc) lần lượt xếp ở vị trí 4 và 5 với tương ứng 64 và 50 người.
Người giàu nhất Trung Quốc - tài phiệt bất động sản Wang Jianlin hiện đứng thứ 21 toàn cầu, sau những người thừa kế nhà Walton, gia đình sở hữu Ikea và nhà đầu tư Brazil - Jorge Paulo Lemann. Các tỷ phú Trung Quốc khác thuộc top 100 toàn cầu gồm nhà sáng lập Alibaba - Jack Ma, tỷ phú đồ uống Zong Qinghou, ông chủ Xiaomi - Lei Jun và ông chủ Tencent - Ma Huateng.
Hoogewerf cho biết Trung Quốc có số tỷ phú tự thân cao hơn hẳn so với Mỹ. "Báo cáo chúng tôi công bố hôm nay chỉ ra rằng về mức độ tạo ra lượng tài sản lớn, người Trung Quốc đang dẫn đầu. Mọi người sẽ nhìn Trung Quốc y như cái cách mà họ nhìn Stanford hoặc Thung lũng Silicon hồi thập niên 90 vậy", ông nói.