Vì sao tỷ giá ổn định?
Cẩn trọng khi đầu tư vào vàng
Từ giờ đến cuối năm, tiền Việt sẽ tiếp tục trượt giá
Thị trường trái phiếu kém sôi động
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 22-08-2016
- Cập nhật : 22/08/2016
Hỗ trợ phát triển các dự án điện mặt trời
Thủ tướng Chính phủ thống nhất với đề xuất của Bộ Công Thương về việc xem xét ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam dưới hình thức Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Để hoàn thiện Dự thảo Quyết định ban hành Cơ chế phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội nước ta hiện nay, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương bổ sung quy định cụ thể hơn về quy hoạch định hướng đối với điện mặt trời ở nước ta (phát triển các dự án theo bản đồ bức xạ mặt trời, bổ sung các dự án điện sử dụng năng lượng mặt trời vào quy hoạch phát triển điện lực bao gồm cả phần đấu nối, trách nhiệm thực hiện v.v…).
Về cơ chế giá mua bán điện đối với các dự án điện mặt trời nối lưới: Quy định theo hướng giá mua bán điện tạm thời áp dụng thí điểm cho 3 năm tới (giai đoạn 2016 - 2018) đối với các dự án đã có trong quy hoạch phát triển điện lực được phê duyệt, các dự án thuộc khu vực có tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển. Bộ Công Thương rà soát, cập nhật giá thiết bị điện mặt trời đang có xu hướng tiếp tục giảm hiện nay để đưa ra mức giá mua bán điện phù hợp, đồng thời cần nghiên cứu, bổ sung thêm quy định để từng bước triển khai thực hiện đấu thầu các dự án điện mặt trời theo hướng công khai, minh bạch và giảm giá bán điện của các dự án.
Về cơ chế giá mua bán điện đối với các dự án điện mặt trời trên mái nhà, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương cập nhật giá thiết bị điện mặt trời đang có xu hướng tiếp tục giảm hiện nay để đề xuất cho phù hợp.
Đồng thời nghiên cứu, bổ sung thêm các quy định về quản lý đối với việc mua bán chứng chỉ giảm phát thải hiệu ứng nhà kính (CERs) đối với các dự án điện mặt trời.
Bộ Công Thương bổ sung, hoàn thiện quy định về nội dung miễn giấy phép đăng ký kinh doanh và không phải nộp các loại thuế, phí đối với các dự án điện mặt trời trên mái nhà (công suất lắp đặt không quá 50 kW) đảm bảo theo đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Bổ sung quy định, cơ chế nhằm khuyến khích phát triển sản xuất thiết bị điện mặt trời trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa dự án điện mặt trời để từng bước giảm bán điện của dự án điện mặt trời.
Tăng cường công tác giám sát cung - cầu điện
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương tăng cường công tác giám sát cung - cầu điện, tiến độ thực hiện các dự án nguồn và lưới điện trong quy hoạch được duyệt để thực hiện hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội; tính toán cơ cấu nguồn điện hợp lý, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và hiệu quả kinh tế hệ thống điện.
Đồng thời thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả các cơ chế hỗ trợ các nguồn năng lượng tái tạo đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành (cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió, điện sinh khối, phát điện sử dụng chất thải rắn), báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh nếu cần thiết.
Thủ tướng Chính phủ giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam giữ vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện đầu tư các dự án nguồn điện theo nhiệm vụ được giao, đầu tư phát triển các công trình lưới điện đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, đồng thời nghiên cứu triển khai thực hiện các dự án điện mặt trời tại các khu vực thuận lợi, có tiềm năng và tại các đảo xa bờ.(chinhphu)
Xuất khẩu nước dừa, tiềm năng không nhỏ
Tại một cuộc họp mới đây với lãnh đạo Bộ NN-PTNT về xây dựng, quảng bá thương hiệu nông sản Việt Nam, bà Huỳnh Thị Kim Quyên, Giám đốc điều hành Công ty Liên kết nông nghiệp toàn cầu (GAL), cho biết, nhu cầu nhập khẩu nước dừa tươi đang rất lớn ở nhiều thị trường như Mỹ, Hàn Quốc, Canada, Úc…
Đặc biệt, tại thị trường Mỹ, nước dừa tươi đang là một trong những mặt hàng thu hút đông đảo người tiêu dùng. Hiện tại, 2 nguồn cung cấp chủ yếu nước dừa tươi cho thị trường Mỹ là Thái Lan và Philippines. Tuy nhiên, do nhu cầu ở Mỹ tăng mạnh nên nguồn cung từ 2 nước này không đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu của doanh nghiệp Mỹ. Vì thế, nhiều doanh nghiệp Mỹ đang tích cực tìm kiếm nguồn cung nước dừa tươi từ các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Để xuất khẩu nước dừa tươi sang những thị trường nói trên, có 2 cách là lấy nước dừa tươi đóng vào lon, hộp hoặc xuất khẩu nguyên trái dừa đã lột vỏ. Hiện nay, ở Việt Nam đã có một số doanh nghiệp đầu tư dây chuyền tách nước dừa tươi đóng hộp. Đây là cơ sở để có thể tiến hành đẩy mạnh xuất khẩu nước dừa tươi của nước ta, nhất là nước dừa ở Bến Tre.
Mới đây, một doanh nghiệp ở Bến Tre là Công ty Betrimex đã thử nghiệm xuất khẩu nước dừa tươi đóng hộp sang một số thị trường như EU, Nhật, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc…, và đã có những phản hồi tích cực từ khách hàng.
Trên cơ sở đó, Betrimex đang xúc tiến xuất khẩu nước dừa đóng hộp vào các thị trường quan trọng và có nhu cầu lớn như Mỹ, Canada… Betrimex cũng đã đầu tư một nhà máy sản xuất nước dừa tươi đóng hộp trị giá 20 triệu USD, công suất 37 triệu lít/năm, trong đó dự kiến xuất khẩu 60-65%.
Tuy mới thử nghiệm xuất khẩu nhưng chất lượng nước dừa tươi đóng hộp của Việt Nam đã được khách hàng nước ngoài đánh giá tốt. Với sản lượng dừa đứng hàng thứ 8 thế giới, Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu nhập khẩu nước dừa tươi với khối lượng lớn của nhiều thị trường.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm đa dạng hơn trong việc đóng hộp để đáp ứng nhu cầu khác nhau của nhiều khách hàng.
Bà Huỳnh Thị Kim Quyên cho hay, nhiều nhà nhập khẩu ở Mỹ, Canada, Úc, Hàn Quốc, Singapore… có nhu cầu nước dừa tươi đóng hộp với kích cỡ 1 lít. Sở dĩ họ có nhu cầu như vậy vì nhiều quán cà phê, giải khát ở những nước này có nhu cầu lớn về nước dừa tươi để pha chế nhiều loại nước giải khát hay bán những ly nước dừa lớn cho khách. Chính vì vậy, họ cần những chai nước dừa tươi đóng hộp cỡ lớn (1 lít trở lên giống như chai nước Coca Cola cỡ lớn) để sử dụng vừa tiện, vừa giảm chi phí. Nhưng các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay mới chỉ làm nước dừa tươi đóng hộp loại 330 ml.
Bà Quyên khẳng định nếu các doanh nghiệp Việt Nam làm được nước dừa tươi đóng hộp loại 1 lít, chắc chắn sẽ có cơ hội thâm nhập được vào những thị trường nói trên. Một số nhà nhập khẩu đã cho biết nếu có doanh nghiệp nào đáp ứng được yêu cầu như trên, họ sẽ đặt mua ngay 1 container và sau đó sẽ mua với số lượng lớn.
Cũng theo bà Quyên, nhiều DN Mỹ có nhu cầu nhập khẩu dừa tươi nguyên trái (chỉ bóc vỏ ngoài) để bán cho người tiêu dùng trực tiếp. Nhưng có một yêu cầu đặt ra là trái dừa phải bảo quản được 3 tháng (không ngả màu, không giảm chất lượng nước bên trong) vì thời gian vận chuyển mất 1 tháng, thời gian để trong kệ của siêu thị phải 2 tháng để đảm bảo tiêu thụ được. Yêu cầu này không dễ đáp ứng được, nhất là trong việc làm sao có được những chất bảo quản vừa đáp ứng yêu cầu bảo quản như trên mà không ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng theo quy định của Chính phủ Mỹ.( Nông nghiệp Việt Nam)
Nhà phân phối Việt chọn hướng đi mới
Mặc dù là thương hiệu mới nhưng VinGroup đã thực hiện đầu tư trực tiếp cho các đối tác, cũng như ký kết với các nhà sản xuất và cung ứng ở từng vùng, miền để phát triển các sản phẩm đạt chuẩn VietGAP mang thương hiệu VinEco. VinGroup cũng không giấu tham vọng trở thành đơn vị hàng đầu trong việc cung ứng cho người tiêu dùng các loại thực phẩm đã được làm sạch như nhiều nhà phân phối lớn trên thế giới đã làm. Đây là một trong những bước đi nhằm khẳng định thương hiệu cũng như nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường bán lẻ. Ông Phú khẳng định.
Còn tại Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), định hướng xuyên suốt là giữ vững và cải tiến hoạt động các điểm bán hàng hiện hữu, xây dựng các mô hình kinh doanh mới, phù hợp với nhiều phân khúc thị trường. Dự kiến trong 2 năm tới, Saigon Co.op sẽ mở thêm 10 siêu thị Co.opmart lớn ở các đô thị và 20 siêu thị vừa và nhỏ. Đến năm 2020, sẽ có 130 siêu thị Co.opmart, từ 8 - 10 đại siêu thị Co.opXtra và từ 3 - 5 trung tâm thương mại Sense City.
Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết: Mặc dù đang phải chịu nhiều áp lực cạnh tranh trên thị trường bán lẻ nhưng đơn vị luôn cam kết đồng hành và liên kết với các nhà sản xuất hàng Việt, hiện có trên 90% hàng hóa tại hệ thống siêu thị Co.opmart là của doanh nghiệp trong nước. Cùng với đó, Saigon Co.op cũng tiếp tục nghiên cứu và phát triển nhanh loại hình thương mại điện tử, các cửa hàng tiện lợi để phát triển mạng lưới ngày càng sâu rộng cùng với doanh nghiệp sản xuất Việt đứng vững trên thị trường. Đặc biệt, trước làn sóng hàng hóa ngoại vào thị trường nội địa, Saigon Co.op cũng sẽ có chọn lọc, với những hàng hóa cùng chủng loại, cùng chất lượng, cùng giá trị sử dụng Saigon Co.op sẵn sàng ưu tiên hàng Việt, hoặc trong quá trình trưng bày, quảng bá để người tiêu dùng tiếp cận được nhanh nhất đối với hàng Việt.
Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương cho rằng: Mặc dù các nhà đầu tư Thái Lan mua lại một số kênh bán lẻ như Big C, Metro là đáng quan tâm nhưng nếu các doanh nghiệp chiếm được thế chủ động qua việc sản phẩm hàng hóa của nhà sản xuất vừa đảm bảo chất lượng, vừa có tính độc đáo và khác biệt và được người tiêu dùng thừa nhận thì nhà sản xuất không sợ lệ thuộc vào bất kỳ kênh phân phối nào. Đặc biệt, để giữ vững thị trường ngoài việc tạo sự đột phá, khác biệt cho sản phẩm, việc liên kết giữa nhà bán lẻ và nhà sản xuất sẽ giúp cả hai bên kịp thời khắc phục những khó khăn và tìm được tiếng nói chung là điều rất cần thiết trong lúc này.
Tuy nhiên, ông Võ Văn Quyền cũng nhấn mạnh: Để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy quản trị, tăng cường đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, tận dụng lợi thế hiểu biết nhu cầu của người Việt, từ đó đưa ra sản phẩm phù hợp, giá cả cạnh tranh để hàng hóa có thể vào được các kênh phân phối trong và ngoài nước. Đồng thời các doanh nghiệp chủ động tìm hướng mới, ngách riêng cũng như hướng đi khác biệt. Ngoài ra, về phía cơ quan chức năng, Bộ Công Thương sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội địa mở rộng mặt bằng, phát triển mạng lưới, đầu tư đổi mới công nghệ để tạo ra những sản phẩm chất lượng, có tính cạnh tranh cao.(Baotintuc)
Ai sẽ là đối thủ của 7-Eleven?
Thông tin về sự xuất hiện của chuỗi cửa hàng tiện ích nổi tiếng thế giới 7-Eleven đang rất được quan tâm bởi thị trường bán lẻ Việt Nam vốn ngày càng cạnh tranh khốc liệt.
Theo tờ Nikkei của Nhật Bản, chuỗi cửa hàng tiện ích 7-Eleven sẽ có mặt tại Việt Nam vào tháng 2/2018. Cụ thể, 7-Eleven đã công bố nhượng quyền thương hiệu cho Công ty IFB Holdings (hiện sở hữu thương hiệu Pizza Hut tại Việt Nam).
7-Eleven tuyên bố sẽ mở 100 cửa hàng tại Việt Nam trong ba năm và 1.000 cửa hàng trong 10 năm. Điều này chứng tỏ đại gia bán lẻ này rất tự tin về thương hiệu và tiềm lực của mình, trong khi phải hơn một năm nữa cửa hàng 7-Eleven đầu tiên mới có thể ra mắt.Sức mạnh của thương hiệu chuỗi cửa hàng tiện ích 7-Eleven là điều không phải bàn cãi khi sở hữu 56.000 cửa hàng trên toàn thế giới. Tại châu Á, hầu hết những quốc gia mà 7-Eleven có mặt đều có số lượng hơn 1.000 cửa hàng; nhiều nhất là tại Nhật Bản với 17.569 cửa hàng, ít nhất là Singapore cũng có tới 488 cửa hàng.
Tại Việt Nam, theo các chuyên gia thương hiệu, đối thủ của 7-Eleven là những chuỗi cửa hàng như Vinmart+, Circle K, B’s Mart, Ministop, Family Mart... Trong đó, đối thủ đáng gờm nhất không phải là thương hiệu nước ngoài, mà chính là Vinmart+, chuỗi cửa hàng tiện ích thuộc tập đoàn Vingroup. Tham vọng của Vinmart+ tại Việt Nam thậm chí còn lớn hơn cả 7-Eleven. Theo Bloomberg, Vinmart+ dự kiến trong 10 năm tới sẽ mở được 10.000 cửa hàng, và hiện đã triển khai được 2.000 cửa hàng, trong khi 7-Eleven dự kiến chỉ 1.000 cửa hàng sau 10 năm.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, thị phần bán lẻ hiện đại mới chỉ chiếm 25% tổng mức bán lẻ. Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại hay cửa hàng tiện ích vẫn mới chỉ tập trung ở các khu vực trung tâm thành thị. Khu vực ngoại ô, ngoài những đại siêu thị được xây dựng do lợi thế về đất trống thì những cửa hàng tiện ích vẫn rất ít ỏi.
Khi được hỏi việc 7-Eleven tuyên bố sẽ mở 1.000 cửa hàng trong 10 năm có phải quá thận trọng, trong khi Vinmart kỳ vọng mở đến 10.000 điểm là quá tự tin, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn Toàn Cầu (GIBC), cho rằng ở những nước mà 7-Eleven có mặt với số lượng cửa hàng rất nhiều như Thái Lan, Malaysia... thì mức thu nhập bình quân trên 5.000 USD một năm, còn Việt Nam thì ngang mức Myanmar, Lào... cỡ 2.000 USD. Do đó, tốc độ phát triển cửa hàng tiện ích phụ thuộc vào thu nhập của người dân nước đó, vì mô hình cửa hàng này là “mua tạp hoá trong máy lạnh”, giá cao hơn tiệm tạp hoá truyền thống”.
“Ngoài ra, vai trò địa lý cũng rất quan trọng. Các cửa hàng tiện ích tập trung ở những hành phố lớn, khu vực đông dân cư hơn là những khu vực khác. Do đó, việc 7-Eleven chỉ mở 1.000 cửa hàng, Vinmart mở tới 10.000 cửa hàng trong 10 năm không hẳn vì 7-Eleven quá thận trọng hay Vinmart quá tự tin, mà vì có thể mô hình của hai thương hiệu khác nhau dẫn đến tốc độ mở cửa hàng cũng khác nhau. 7-Eleven có thể chỉ nhắm đến thành phố lớn, còn Vinmart muốn phủ đến tận từng tỉnh, huyện”, ông Trai chia sẻ.
7-Eleven là mạng lưới cửa hàng lớn, mở cửa 24 giờ, cung cấp cả bàn ghế, wifi để khách mua hàng ngồi lại dùng sản phẩm. Nhà bán lẻ này nổi tiếng với cách bán hàng và quản lý chi li, liên tục cập nhật, được quản lý bằng một hệ thống quản lý cửa hàng thông minh, giúp các cửa hàng trên toàn hệ thống biết được tình trạng hàng hoá, mặt hàng nào đang bán được, chưa bán được; mặt hàng nào sắp hết hạn, hoặc bán chạy nhất trong ngày để từ đó quản lý nguồn hàng và làm marketing hiệu quả.
Tuy nhiên, các đối thủ đến trước của 7-Eleven tại Việt Nam đều có những tiện ích tương tự, thậm chí ý tưởng món nước đá xay đặc biệt của thương hiệu này trên thế giới cũng được các thương hiệu khác “vay mượn” và có mặt trong hầu hết các cửa hàng của mình
Tất nhiên, 7-Eleven vẫn còn hơn một năm để chuẩn bị cho màn “đổ bộ” của mình. Tuy nhiên, trước một thị trường đã có khá nhiều đối thủ thì có lẽ 7-Eleven sẽ phải cố gắng rất nhiều, đặc biệt với tư cách là công ty đầu tiên tạo ra khái niệm “cửa hàng tiện ích” trên thế giới.