Đừng "lao" vào dệt may nữa
Dược phẩm Bắc Ninh bị phạt vì chào bán chứng khoán không đăng ký
Thúc đẩy xuất ngoại, trái cây cần vượt rào cản
Quyết liệt tái cấu trúc doanh nghiệp ngành than
Tin kinh tế đọc nhanh tối 15-06-2016
- Cập nhật : 15/06/2016
Aeon muốn mở 20 trung tâm thương mại, 100 siêu thị tại Việt Nam
Thông tin này được ban lãnh đạo tập đoàn Aeon Việt Nam đưa ra tại buổi họp báo khai trương Aeon Bình Tân sáng 14-6.
Theo ông Nishitohge Yasuo, Tổng giám đốc Công ty TNHH Aeon Việt Nam, chiến lược cạnh tranh của Aeon tại Việt Nam không chỉ tập trung vào lĩnh vực mua sắm. Mỗi trung tâm Aeon Mall là 1 tòa nhà tổng hợp bao gồm khu mua sắm, vui chơi, giải trí. Chính thức bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2009, đến nay Aeon đã mở được 4 trung tâm thương mại Aeon Mall với tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD. Dù gặp một số khó khăn trong việc phát triển điểm bán mới nhưng nhà bán lẻ đến từ Nhật Bản vẫn hướng tới mục tiêu mở 20 trung tâm thương mại Aeon Mall tại Việt Nam. Địa điểm ưu tiên chọn mở trung tâm thương mại là các khu vực ngoại ô, diện tích lớn. Song song đó, đẩy mạnh hợp tác, mua lại các hệ thống siêu thị có sẵn trong nước, mục tiêu sẽ mở 100 siêu thị kiểu này (hiện Aeon đã sở hữu 49% cổ phần hệ thống 30 siêu thị Citimart, đổi tên thành AEON Citimart).
Cũng theo ông Nishitohge Yasuo, Aeon vẫn duy trì chính sách ưu tiên bán hàng Việt Nam. Hiện 80% hàng hóa bán tại khu vực tự chọn của siêu thị Aeon là hàng sản xuất trong nước, 20% còn lại là hàng Nhật và các nước khác. Ở khu vực cho thuê mặt bằng, 50% gian hàng kinh doanh hàng Việt Nam, 15% gian hàng Nhật và 35% gian hàng các nước khác. “Hàng Nhật nhập khẩu về Việt Nam, tính cả thuế, phí các loại có giá cao gấp 2,5 - 3 lần so với giá bán ở Nhật nên việc đưa hàng Nhật vào tiêu thụ tại hệ thống Aeon Việt Nam còn khó khăn. Tuy nhiên, sắp tới, cùng với việc Aeon mở thêm nhiều điểm bán và thế mạnh thương hiệu, Aeon sẽ đẩy mạnh đưa hàng hóa Nhật vào Việt Nam và ngược lại, xuất khẩu hàng Việt Nam sang tiêu thụ tại hệ thống các điểm bán lẻ của tập đoàn” - đại diện Aeon Việt Nam cho biết.
Liên quan đến hàng nhãn riêng Top Value, đại diện Aeon cho biết tập đoàn đã thành lập Công ty Top Value chuyên phối hợp với các nhà sản xuất Việt Nam để sản xuất hàng nhãn riêng mang thương hiệu này để tiêu thụ ở hệ thống Aeon tại Việt Nam và bán ra nước ngoài. Hiện công ty đang trong quá trình xây dựng, phát triển sản phẩm và chưa có sản phẩm hàng nhãn riêng nào được “ra lò” tại Việt Nam.
Cổ phần hóa Tổng Công ty Dược Việt Nam
Ngày 22-6 tới, Tổng Công ty Dược Việt Nam sẽ tiến hành bán đấu giá 42,5 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần.
Tại thời điểm 31-12-2013, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Dược Việt Nam (Vinapharm) cùng Trung tâm Dược mỹ phẩm đạt hơn 2.370 tỷ đồng. Ngày 22-6 tới đây, 42,5 triệu cổ phần của Tổng Công ty sẽ được bán đấu giá, tương đương 18% vốn điều lệ. Nhà nước vẫn sẽ nắm giữ 154 triệu cổ phần, tương đương 65% vốn điều lệ. Người lao động trong Tổng Công ty và nhà đầu tư chiến lược lần lượt được mua 103.000 cổ phần và 40,2 triệu cổ phần.
Vinapharm hiện nay hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh dược phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế; nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ dược.Tổng Công ty làmột trong 3 đơn vị được Bộ Y tế cho phép tiến hành nghiên cứu tương đương sinh học với năng lực nghiên cứu khoảng 20 đề tài nghiên cứu/năm. Ngoài ra, Tổng Công ty là đơn vị đầu mối của Bộ Y tế thực hiện việc cung ứng thuốc trong các trường hợp khẩn cấp (thiên tai, dịch bệnh…).
Trong giai đoạn 2015–2020, Tổng Công ty dự kiến đầu tư và triển khai các dự án đầu tư vào các lĩnh vực trọng tâm của ngành Dược bao gồm nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ dược, phát triển vùng dược liệu, sản xuất nguyên liệu dược, khám chữa bệnh…
Đến năm 2020, Tổng Công ty Dược Việt Nam dự kiến hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. tập trung đầu tư phát triển 5 lĩnh vực: Nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ; cung cấp dịch vụ làm thị trường (marketing), bán hàng; dịch vụ cho thuê kho bãi và logistics; đầu tư sản xuất thuốc công nghệ cao và đầu tư sản xuất và cung ứng nguyên liệu, dược liệu, bao bì dược.
Sau cổ phần hóa, Tổng Công ty tiếp tục quản lý vốn đầu tư tại các công ty thành viên và đưa ra các giải pháp để phối hợp hoạt động hiệu quả giữa các đơn vị. Bên cạnh đó,Tổng Công ty sẽ phát triển các dự án đầu tư trong ngành Dược phù hợp với Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ; tập trung vào những lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển của Việt Nam như phát triển vùng dược liệu và sản xuất thuốc bằng công nghệ cao.(HQ)
Có 57 cơ sở được xuất khẩu cá da trơn vào Hoa Kỳ
Theo thông tin mới nhất từ Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), Bộ NN&PTNT: Ngày 9-6 vừa qua, trên cơ sở đề nghị của Nafiqad, Cơ quan kiểm tra và an toàn thực phẩm (FSIS), Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã chấp thuận bổ sung thêm 12 cơ sở của Việt Nam vào danh sách các cơ sở chế biến cá da trơn họ Siluriformes được phép xuất khẩu vào Hoa Kỳ.
Như vậy, tổng số cơ sở được phép xuất khẩu cá da trơn họ Siluriformes vào Hoa Kỳ hiện nay đã được nâng lên thành 57 cơ sở. Đối với 4 cơ sở còn lại đã được Nafiqad đề nghị nhưng FSIS chưa bổ sung vào danh sách, Nafiqad đã có văn bản trao đổi làm rõ thêm và đề nghị FSIS sớm bổ sung vào danh sách.
Để tránh vướng mắc trong việc xuất khẩu cá da trơn họ Siluriformes vào Hoa Kỳ, Nafiqad yêu cầu các doanh nghiệp mới được bổ sung vào danh sách chủ động rà soát hệ thống tự kiểm soát đảm bảo các lô hàng cá da trơn họ Siluriformes xuất khẩu vào Hoa kỳ đáp ứng yêu cầu của FSIS (theo các hướng dẫn đã được nêu tại cong văn số 377/QLCL-CL1 của Nafiqad ngày 8-3-2016).
Trước đó, tính đến đầu tháng 3, Việt Nam có tổng số 45 cơ sở được xuất khẩu cá da trơn họ Siluriformes vào thị trường Hoa Kỳ.
Xuất khẩu dệt may chỉ tăng 6%
Xuất khẩu dệt may trong 5 tháng đầu năm ước đạt 8,6 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2015. Hiện doanh nghiệp đang khó khăn trong việc tìm đơn hàng mới.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, chỉ tính riêng tháng 5, xuất khẩu dệt may ước đạt 1,75 tỷ USD, tăng 3,8% so với tháng 5-2015. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2016 tăng trưởng khá, nhưng chủ yếu là do sự đóng góp của các doanh nghiệp FDI.
Xét về thị trường, trong 4 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Hoa Kỳ đạt kim ngạch cao nhất 3,4 tỷ USD, tăng 6%; sang EU đạt 936 triệu USD, tăng 8,2%; sang Nhật Bản đạt 845,17 triệu USD, tăng 1,56% và sang Hàn Quốc đạt 677,2 triệu USD, tăng 15,23% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo còn cho thấy, hiện nay, các doanh nghiệp ngành dệt may đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các đơn hàng mới, đặc biệt là các đơn hàng sơ mi, quần, jacket.
Thực tế này cũng đã được nhiều doanh nghiệp nhìn nhận. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, sau quý I - 2016 hàng loạt khách hàng quen thuộc đã chủ động chuyển đơn hàng sang Lào và Myanmar vì thị trường này được hưởng thuế ưu đãi xuất khẩu hàng dệt may sang Hoa Kỳ và châu Âu. Không riêng Lào và Mianmar, thị trường Campuchia cùng nằm trong “tầm ngắm” của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyên sản xuất dệt may.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho ngành dệt may, nhất là khó khăn liên quan đến Thông từ 37/2015/TT-BCT.
Thái Lan bán 10 triệu tấn gạo tồn kho
Bộ Thương mại Thái Lan, bà Chutima Boonyaprapas đặt mục tiêu bán 10 triệu tấn gạo còn trong các kho dự trữ của nước này.
Bí thư Thường trực Bộ Thương mại Thái Lan, bà Chutima Boonyaprapas ngày 13/6 cho biết bộ này đặt mục tiêu bán 10 triệu tấn gạo còn trong các kho dự trữ của nước này. Đây là số gạo được thu mua theo chương trình tạm trữ dưới thời cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Theo bà Chutima, lượng gạo tồn kho hiện nay được chia làm 3 loại: Hơn 6 triệu tấn loại PAA (chất lượng tốt); 2 triệu tấn gạo loại C không thích hợp cho tiêu dùng; 2 triệu tấn đã mục nát phục vụ mục đích công nghiệp (như sản xuất ethanol). Trước đó, trong tháng 5, Thái Lan đã bán được khoảng 1,4 triệu tấn gạo dự trữ.
Bà Chutima nói rằng Bộ Thương mại Thái Lan dự kiến sẽ huy động tất cả các kênh tiêu thụ hiện nay để bán được nhiều nhất có thể, bao gồm đấu giá tự do, thỏa thuận liên chính phủ, bán trực tiếp cho các khách hàng nội địa hoặc nước ngoài hay thậm chí là tài trợ. Điều này sẽ giúp Chính phủ giảm bớt gánh nặng trong quản lý và lưu trữ. Sau khi lượng gạo tồn kho được bán hết, Chính phủ Thái Lan có thể tính toán được các thiệt hại của chương trình dự trữ gạo của chính phủ tiền nhiệm.