Đồng yen tăng vọt vì Nhật Bản giữ lãi suất âm
Săm lốp xe đạp VN tiếp tục bị Thổ Nhĩ Kỳ áp thuế
Lọc dầu Dung Quất sản xuất và tiêu thụ hơn 40 triệu tấn sản phẩm
Formosa hoãn khai trương nhà máy tại Hà Tĩnh
Anh có thể mất 43 tỷ USD một năm nếu rời EU
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 16-06-2016
- Cập nhật : 16/06/2016
Quan ngại lợi tức trái phiếu sụt giảm
Sự suy giảm tiếp tục của lợi tức trái phiếu chính phủ trên thị trường chứng khoán quốc tế tuần qua đã làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng tiếp tục tồi tệ hơn của kinh tế toàn cầu.
Theo Jason Simpson, chiến lược gia trong lĩnh vực đầu tư vào các tài sản có thu nhập cố định của Societe Generale, thu nhập bảo đảm của các tài sản này có thể giảm sâu hơn trong tháng 6.
Nếu như sau khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, chi phí tài chính cho các khoản vay mượn quốc tế của chính phủ các nước vào khoảng trên dưới 7%/năm thì hiện đã xuống mức rất thấp, trên dưới 1%/năm.
Hiện tại, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm ở hầu hết các nền kinh tế tại khu vực châu Âu chỉ còn dao động trong khoảng 1,25-1,5%/năm, riêng lợi tức trái phiếu Chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm chỉ ở mức 0,027%/năm.
Trong khi đó, trái phiếu Mỹ giảm xuống mức 1,67%/năm, mức thấp nhất trong vòng 3 tháng qua. Đặc biệt, trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Thụy Sỹ và Nhật Bản hiện đang có lãi suất âm.
Theo hãng định giá tín nhiệm Fitch, số lượng trái phiếu chính phủ có lợi tức ở mức âm đang có chiều hướng gia tăng, hiện đã vượt 10 nghìn tỷ USD. Thực tế đó đã đặt ra một câu hỏi rằng, liệu thế giới có phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng tài chính sẽ xảy ra trên thị trường nợ chính phủ và công ty hay không?
Mặc dù tranh cãi về nhận định trên còn chưa ngã ngũ, nhưng theo giới phân tích thì đây thực sự là một tín hiệu bi quan về kinh tế toàn cầu. Kết quả có thể dẫn đến những đợt cắt giảm lãi suất và thu nhập trái phiếu cũng sẽ giảm xuống tương ứng.
Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh những vấn đề mà thị trường vẫn đang “phập phồng” dự đoán như kết quả của hiệp ước Brexit, tương lai điều chỉnh lãi suất của Mỹ, quy mô các gói nới lỏng định lượng của khu vực châu Âu, sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc, thì thực trạng của thị trường trái phiếu chính phủ hiện nay còn là kết quả của chính sách lãi suất thấp, chính sách lãi suất âm của NHTW các nước lớn.
Hơn thế, sự suy giảm lợi tức trái phiếu chính phủ không chỉ là vấn đề nghiêm trọng trong môi trường lãi suất thấp mà nó còn có thể trở thành nguyên nhân tình trạng thua lỗ nặng của giới đầu tư, nếu lãi suất tăng trở lại.
Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại rằng, chính sách lãi suất âm của NHTW các nước lớn và xu hướng giảm sâu của lợi tức trái phiếu dài hạn có thể hủy hoại các NHTM. Bởi vì, một mặt chính sách lãi suất âm sẽ vắt kiệt lợi nhuận của các NHTM khi họ phải gửi dự trữ bắt buộc tại NHTW.
Để bù đắp chi phí cho mình, các NHTM sẽ áp dụng lãi suất cao hơn cho các khách hàng và thực tế đó cũng có thể ảnh hưởng đến việc hạn chế đưa tín dụng ra nền kinh tế, kết quả là thu nhập của các NHTM cũng giảm xuống.
Mặt khác, NHTM cũng là một trong những nhà đầu tư lớn nắm giữ trái phiếu chính phủ bên cạnh các quỹ lương hưu, công ty bảo hiểm và các tổ chức đầu tư - là những tổ chức đang tìm kiếm rủi ro thấp nên khi lợi tức trái phiếu giảm xuống cũng có nghĩa là thu nhập từ hoạt động đầu tư của các NHTM cũng giảm sút.
Ngoài ra, lợi tức trái phiếu suy giảm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí có thể dẫn đến sự thua lỗ lớn hơn của những nhà đầu tư, trong bối cảnh lãi suất điều hành của Mỹ có thể tăng bất cứ lúc nào.
Trên thực tế, giá cả và thu nhập của trái phiếu thường vận động theo hai xu thế đối lập nhau, vì vậy khi thu nhập của trái phiếu “quay đầu” tăng trở lại khi lãi suất tăng thì giá cả sẽ giảm mạnh và những người nắm giữ trái phiếu sẽ rơi vào trạng thái thua lỗ.
Goldman Sachs đã cảnh báo trong một báo cáo gần đây rằng, sự tăng bật trở lại của lãi suất khoảng 1 điểm phần trăm có thể tạo ra một nghìn tỷ USD thua lỗ cho những người nắm giữ trái phiếu, và việc tăng lãi suất có thể xảy ra trong vòng 6 tháng tới.
Bên cạnh đó, việc tăng chi phí vay mượn trong tương lai có thể là một thông tin xấu cho kế hoạch chi tiêu của chính phủ các nước đang sở hữu một khối lượng nợ lớn. Chính vì thế, sự gia tăng của lãi suất được giới chuyên gia ví von sẽ dẫn đến “sự tan chảy của chùm sao băng” vào bất cứ một ngày nào đó trong tương lai gần.(TBNH)
NHTW Nhật sẽ nới lỏng thêm tiền tệ – vấn đề chỉ là tháng 6 hay tháng 7
Hầu hết các nhà kinh tế cho rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ tiếp tục mở rộng chương trình kích thích tiền tệ kỷ lục của mình. Điều mà họ không thống nhất là BOJ sẽ đưa ra quyết định tại cuộc họp chính sách tháng 6 sẽ diễn ra trong tuần này hay đợi đến tháng sau.
Kết quả cuộc khảo sát của Bloomberg thực hiện từ ngày 6 đến ngày 10/6 với 40 nhà kinh tế cho thấy, 55% nhà kinh tế dự báo việc nới lỏng thêm tiền tệ sẽ được quyết định vào ngày 29/7, trong khi chỉ có khoảng 27,5% dự báo việc làm này diễn ra vào ngày 16/6.
Hầu hết các nhà kinh tế cũng dự báo việc điều chỉnh chính sách bao gồm cả mở rộng quy mô chương trình mua vào tài sản và cắt giảm lãi suất. Trong khi chỉ chưa tới một nửa các nhà kinh tế cho rằng, lần này BOJ chỉ mở rộng quy mô chương trình mua vào trái phiếu Chính phủ.
Các dữ liệu kinh tế kể từ cuộc họp chính sách của BOJ vào ngày 28/4 cho thấy nền kinh tế Nhật vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, đầu tư kinh doanh và tiêu dùng cá nhân là yếu.
Nguy cơ của Anh có thể rơi khỏi Liên minh châu Âu vào cuối tháng này càng làm tăng thêm rủi ro cho nền kinh tế của Nhật Bản, vốn đã phải đối mặt với nhiều cơn gió ngược trong năm nay, từ việc đồng yên tăng giá đang làm giảm khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Nhật.
Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng lại tiếp tục giảm một lần nữa, ngày càng rời xa mục tiêu lạm phát 2% mà BOJ đề ra.
Hầu như tất cả các nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Bloomberg đều cho rằng, Thống đốc Kuroda đã không thực tế khi đưa ra quan điểm rằng lạm phát sẽ đạt được mục tiêu trong năm tài chính bắt đầu vào tháng 4/2017.
Trong khi hầu hết các nhà kinh tế dự dự báo BOJ sẽ mở rộng chương trình kích thích kinh tế, chỉ có 1 ý kiến cho rằng BOJ sẽ không nới lỏng hơn nữa và 2 nhà kinh tế nhận định việc nới lỏng thêm sẽ không diễn ra cho đến tháng Giêng năm 2017 thậm chí là muộn hơn.(TBNH)
OPEC tự tin giá dầu sẽ phục hồi mạnh mẽ
Sản lượng dầu thô sản xuất của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 15 năm qua. Theo đó, lượng dầu thô sản xuất ra của quốc gia này trong tháng 5 đã giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước, hiện ở mức 16,87 tỷ tấn. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2001 và cũng là tháng thứ 2 liên tiếp sản lượng dầu sản xuất của quốc gia này sụt giảm so với năm trước.
Diễn biến trên được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thị trường dầu mỏ tăng giá trở lại, sau khi đã rơi xuống mức giá thấp nhất trong vòng 12 năm trở lại đây. Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC tin tưởng rằng, cùng với kế hoạch của Ả rập Xê út trong việc triển khai chiến lược chuyển đổi mô hình tăng trưởng giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ, thị trường dầu mỏ sẽ đạt mức cân bằng trở lại.
Một số dự báo của các nhà đầu tư gần đây cũng cho biết hiện có nhiều công ty cũng đang cắt giảm đầu tư vào thị trường dầu mỏ trong bối cảnh lợi nhuận sụt giảm liên tục thời gian gần đây.
Theo Michal Meidan, chuyên gia phân tích tư vấn công nghiệp của Tập đoàn năng lượng Energy Aspects Ltd., thị trường dầu mỏ toàn cầu đang cho thấy những tín hiệu về việc xác lập lại mức cân bằng mới, trong đó chiến lược của Ả rập Xê út là một minh chứng rõ rệt nhất. Lợi nhuận sụt giảm là nguyên nhân chủ chốt khiến một số nền kinh tế như Trung Quốc phải cắt giảm lượng sản xuất dầu thô.
Theo Gordon Kwan, kinh tế trưởng Trung tâm nghiên cứu dầu và khí gas khu vực châu Á thuộc Nomura Holdings Inc., Tập đoàn dầu lửa Trung Quốc, nhà sản xuất dầu lớn nhất tại quốc gia này đã phải cắt giảm sản lượng dầu thô và khí gas sản xuất trong tháng 3 vừa qua, lần cắt giảm đầu tiên trong vòng 17 năm qua khi lợi nhuận sản xuất sụt giảm mạnh. Trong khi đó Cnooc Ltd., một công ty sản xuất dầu lớn khác của Trung Quốc cũng dự báo sẽ cắt giảm sản lượng khoảng 5,2% trong năm nay.
Cũng theo ông Kwan, sản lượng sản xuất trong nước ở mức thấp cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ phải lệ thuộc hơn vào việc nhập khẩu dầu từ khu vực Trung Đông và Nga. Đây là một cơ hội cho các nước thuộc nhóm OPEC có thể gia tăng xuất khẩu dầu vào một trong những thị trường tiêu thụ dầu lớn nhất trong khu vực, trong bối cảnh giá dầu đang phục hồi trở lại.
ECB chi 348 triệu euro mua trái phiếu theo gói QE mở rộng
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã mua 348 triệu euro trái phiếu doanh nghiệp trong ngày đầu tiên thực hiện việc mở rộng chương trình mua tài sản (được biết đến là chương trình nới lỏng định lượng - QE) vào tuần trước, vượt xa nhận định của thị trường và quyết tâm của ngân hàng này đối với biện pháp mới nhất nhằm kích lạm phát lên.
Mức độ mua như vậy, tương đương với trên 7 tỷ euro mỗi tháng, không thể được duy trì, nhưng cho thấy ECB muốn gây ngạc nhiên cho những người hoài nghi cho rằng ngân hàng này sẽ khó mua quá mức vài tỷ euro mỗi tháng.
ECB gần đây đã quyết định mở rộng chương trình QE, từ chỉ hạn chế ở trái phiếu chính phủ sang bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp, nhằm hạ chi phí đi vay, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn và góp phần củng cố kinh tếKhu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).
Đợt mua trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng, hạng đầu tư đầu tiên diễn ra vào ngày 8/6 trên thị trường thứ cấp, nơi trái phiếu được phát hành trước đó. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở châu Âu vẫn tương đối nhỏ và các nhà phân tích tính toán là ECB mỗi tháng sẽ chỉ mua 5-10 tỷ euro trái phiếu doanh nghiệp.
Chi phí vay mượn của doanh nghiệp đã giảm mạnh từ đầu năm nay và việc ECB khởi động chương trình mua trái phiếu đã tạo thêm động lực cho các thị trường.
Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp phi tài chính loại đầu tư ở Eurozone là 1,113% vào cuối tuần trước, thấp hơn nhiều so với mức 1,6% khi chương trình mua trái phiếu loại này được thông báo vào tháng Ba và cũng thấp hơn so với mức 1,155% ngay trước khi ECB bắt đầu mua trái phiếu.
Các nguồn tin từ ECB trước đó nói rằng việc mua trái phiếu doanh nghiệp có thể khó tăng tốc trong các tháng mùa Hè khi thanh khoản có xu hướng giảm mạnh trong các giai đoạn nghỉ lễ cao điểm.
Tuy nhiên, việc mua trái phiếu doanh nghiệp trong chương trình mua tài sản trị giá 80 tỷ euro mỗi tháng của ECB sau đó có thể tăng lên khoảng 2-3 tỷ euro mỗi tháng và trên 5 tỷ euro, nếu ECB thành công trong việc khích lệ các doanh nghiệp phát hành trái phiếu mới.
Cổ phần hóa 4 đơn vị sản xuất vắc xin thuộc Bộ Y tế
4 đơn vị sản xuất vắc xin thuộc Bộ Y tế sẽ được cổ phần hóa (Ảnh minh họa: tiemchungmorong.vn)
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế tiếp tục thực hiện cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Công ty TNHH một thành viên Vắc xin Pasteur Đà Lạt (DAVAC) theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, xác định lại giá trị tài sản của dự án ODA Hàn Quốc tại 2 công ty nêu trên để tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo cơ chế thị trường.
Bộ Y tế xây dựng phương án cổ phần hóa Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC), Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC), trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ Y tế chuyển quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp nêu trên về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước sau khi thực hiện cổ phần hóa theo quy định.
Phó Thủ tướng cũng giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Thông báo số 297/TB-VPCP ngày 31/8/2015 của Văn phòng Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 01/10/2016.