Tài sản ngân hàng quốc doanh tiếp tục 'bốc hơi'
Apple dính đòn hiểm của công ty Trung Quốc: Đòn ngầm
Xuất nhập khẩu Trung Quốc nảy sinh thêm dấu hiệu đáng ngại
Thêm hai mặt hàng Việt bị kiện bán phá giá
'Face book' thành tên đồ ăn tại Trung Quốc
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 09-05-2016
- Cập nhật : 09/05/2016
Xuất khẩu dệt may đạt gần 7 tỷ USD sau 4 tháng
Tính chung 4 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt và may mặc ước đạt 6,82 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ.
Theo Bộ Công Thương, tháng 4 năm 2016, sản lượng vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 31,6 triệu m2, tăng 7,1% so với cùng kỳ; vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 59,5 triệu m2, giảm 5,9% so với cùng kỳ; quần áo mặc thường ước đạt 277,6 triệu cái, tăng 7,4% so với cùng kỳ.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2016, vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 113,3 triệu m2, tăng 8,9% so với cùng kỳ; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 220,9 triệu m2, bằng với cùng kỳ năm trước; quần áo mặc thường ước đạt 1041,5 triệu cái, tăng 7,3% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu ngành dệt và may mặc tháng 4 ước đạt 1,7 tỷ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt và may mặc ước đạt 6,82 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ.
Nhiều doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng xuất khẩu đến hết Quý II, thậm chí với một số doanh nghiệp, lịch sản xuất đã lên kín đến cuối năm và đây là tín hiệu lạc quan để ngành dệt may đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đề ra năm 2016./.
Các ngân hàng khao khát nới room để thu hút vốn từ cổ đông ngoại
Nới room hút vốn ngoại
Theo quy định hiện hành, một nhà đầu tư nước ngoài không được phép sở hữu trên 20% vốn điều lệ của ngân hàng trong nước và tổng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ngân hàng nội không được quá 30%. Cho rằng, quy định này chưa thật sự hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, lãnh đạo các ngân hàng bày tỏ mong muốn Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cho phép nới room cho khối ngoại. Chẳng hạn, dù đã hoàn tất việc bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài lên mức tối đa 30%, nhưng Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) vẫn muốn nới room đến 49% cho nhà đầu tư nước ngoài.
Cách đây không lâu, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank), ông Lê Đức Thọ cho biết, VietinBank đang đề xuất với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc nới room, có thể theo lộ trình lên 30%, 35%, 40% và những mức khác nữa. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề xuất và lĩnh vực ngân hàng có nhiều điểm đặc thù, nên mức độ và thời điểm sẽ do Chính phủ quyết định.
Lãnh đạo các ngân hàng bày tỏ mong muốn Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cho phép nới room cho khối ngoại.
Tương tự, HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết, ngoài việc xem xét thời điểm thích hợp để đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán, VPBank cũng đang trong quá trình tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài phù hợp để hợp tác. Sau khi cổ đông chiến lược nước ngoài - Ngân hàng OCBC (Singapore) rút vốn từ cuối năm 2013, đến nay VPBank không có nhà đầu tư nước ngoài nào.
VPBank cho biết, 2 năm gần đây, Ngân hàng cũng đã tìm hiểu, tìm kiếm các nhà đầu tư nước ngoài mua bán cổ phần. Về phương án chào bán, thông tin VPBank đưa ra trước đó cho hay, Ngân hàng sẽ chào bán tối đa theo quy định là 30% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Thời điểm thực hiện là trong năm 2016 tùy vào việc xin chấp thuận của các cơ quan nhà nước và việc đàm phán chi tiết với các nhà đầu tư.
Có thể bán 100% cổ phần
Chủ trương của Chính phủ là cũng cho phép các ngân hàng thu hút vốn từ cổ đông ngoại và có thể vượt tỷ lệ 30% nếu được Chính phủ chấp thuận, thậm chí là bán 100% cổ phần đối với các ngân hàng nhỏ, yếu kém. Nhưng thực tế cho thấy, vẫn chưa có ngân hàng nào của Việt Nam được bán 100% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2014, xuất hiện thông tin Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) định bán 100% vốn cho Tập đoàn Ngân hàng UOB (Singapore), song kết quả đàm phán bất thành.
Trải qua quá trình sáp nhập, hợp nhất (M&A), tái cấu trúc, một số ngân hàng cho biết, đang xem xét tìm kiếm đối tác để gọi thêm vốn ngoại và không chỉ bán tỷ lệ tối đa cho phép 30%. Có ngân hàng còn tính đến chuyện xin phép bán quyền kiểm soát để thu hút vốn, nâng cao tiềm lực tài chính, đẩy mạnh chiến lược bán lẻ khi tìm được cổ đông ngoại phù hợp.
Với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc cho biết, SCB đã được chấp thuận về chủ trương bán trên 50% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Mục tiêu chọn đối tác là đảm bảo định hướng, đúng mục tiêu phát triển và cuối cùng mới là về giá.
Thực tế hiện nay cho thấy, để có thể lớn mạnh và tăng trưởng tốt, các ngân hàng cần phải nâng cao năng lực tài chính. Tuy nhiên, để tăng được vốn từ cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư trong nước hiện không dễ, do thị trường chứng khoán khó khăn, cổ phiếu ngân hàng sụt giảm. Trong khi đó, ngân hàng vẫn là lĩnh vực hấp dẫn vốn ngoại.
Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, ông Andy Ho cho rằng, việc nới room có thể giúp Việt Nam trở thành một trong những thị trường mới nổi hấp dẫn nhất châu Á. Dù ngân hàng vẫn được xem là lĩnh vực nhạy cảm, nhưng một khi Việt Nam đã mở cửa và hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới, thì mở “room” đối với lĩnh vực này là điều kiện cần thiết, đặc biệt là khi các ngân hàng Việt Nam đang cần thu hút nguồn vốn ngoại để nâng cao năng lực tài chính, đẩy mạnh tái cấu trúc và nâng cao cạnh tranh.(BĐT)
Doanh nghiệp kiến nghị thay đổi cách quản lý xuất khẩu gạo
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang, dựa trên tình hình xuất khẩu gạo hiện nay, Chính phủ nên xem xét và đi đến sửa đổi Nghị định số 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng có lợi cho người nông dân.
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang kiến nghị thay đổi Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo thuận theo yếu tố thị trường
Theo đó, việc quy định mỗi doanh nghiệp xuất khẩu mỗi năm phải xuất trên 10.000 tấn gạo đang trở nên bất cập vì nhiều nguyên nhân. Đầu tiên, cần nhìn nhận thực tế là gạo Việt Nam sau bao nhiêu năm vẫn chưa tạo được thương hiệu, chủ yếu doanh nghiệp nào bán rẻ sẽ xuất khẩu được. Điều này dẫn đến một thực tế là càng xuất nhiều, doanh nghiệp gặp khó khăn vì thua lỗ nên có thể xem chỉ tiêu này là áp lực rất lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu.
Kế đến, trong khi xu hướng thị trường hiện nay là chuyển dần sang gạo có chất lượng cao, chính vì thế việc chạy theo số lượng sẽ chỉ đưa doanh nghiệp lún sâu vào lỗ.
Thứ ba, thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam trong nhiều năm qua là Trung Quốc. Mà đa số doanh nghiệp Trung Quốc ký hợp đồng không theo thông lệ thanh toán L/C như các nước khác nên việc giao thương rất rủi ro.
Chính vì thế, việc thay đổi Nghị định 109 đang là điều cần thiết vì kinh doanh cơ bản là phải tuân theo yếu tố thị trường. Ở vai trò điều hành, Chính phủ nên đưa ra các chính sách có tính chất định hướng hơn không nên bắt buộc như một mệnh lệnh hành chính.
Điều này đòi hỏi việc quy định xây về các vấn đề liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu cũng phải thay đổi theo. Bởi việc qui định doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có bao nhiêu ha vùng nguyên liệu và phải tăng dần theo hằng năm cần được loại bỏ. Thay vào đó việc liên kết phải theo cơ chế thị trường, hai bên cùng lợi.
Thực tế trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã liên hệ trực tiếp với người nông dân để xây dựng nguồn nguyên liệu nhằm chủ động về chất lượng đầu ra của sản phẩm.
Cuối cùng, để có nền nông nghiệp sản xuất với quy mô lớn, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang kiến nghị Nhà nước có sự điều chỉnh về luật đất đai, công nhận người nông dân là chủ sở hữu, không hạn chế quyền sở hữu đất đai để có điều kiện tích tụ, tập trung đất cho nền sản xuất nông nghiệp lớn.
Trên thực tế, các tổ chức như Hợp tác xã, Tổ hợp hiện nay dù vẫn còn hoạt động nhưng theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang chỉ mang tính hình thức. Chủ yếu hiện nay vẫn là ruộng ai người nấy làm.
Trung Quốc sẽ khiến chứng khoán thế giới bị bán tháo
Chứng khoán Trung Quốc tăng điểm sau một tháng có biến động trái chiều trong tháng 4, nhưng thị trường Châu Á này vẫn đang trong xu hướng giảm. CNBC cho biết nhiều nhà phân tích và đầu tư tại Mỹ đang theo dõi một cách đầy lo lắng, chờ xem liệu thị trường Trung Quốc có khả năng kéo Phố Wall xuống theo.
Trong một phát biểu trên kênh CNBC, chuyên gia Boris Schlossberg của hãng BK Asset Management cho rằng Trung Quốc hoàn toàn có thể là nguyên nhân khiến thị trường bị bán tháo vì Trung Quốc đã dành nửa phần đầu của năm nay để cố gắng mở rộng tín dụng, kích thích nền kinh tế.
Tuy nhiên, với rất nhiều nỗ lực nhưng Trung Quốc đã không thể khiến nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ mong muốn.
Ông Boris Schlossberg cho rằng nếu Trung Quốc ngừng các biện pháp kích thích trong nửa cuối của năm nay, điều này có thể sẽ thực sự “kích hoạt một đợt bán tháo lớn trên khắp thế giới".
Kinh tế Trung Quốc có thêm dấu hiệu suy yếu trong tuần này khi chỉ số PMI trong tháng 4 do Caixin công bố đã giảm tháng thứ 14 liên tiếp và xuống mức thấp hơn dự đoán của các chuyên gia kinh tế.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc có vẻ suy yếu trở lại sau khi đã từng giảm mạnh vào đầu năm nay và sức hồi phục gần đây chưa có động lực thực sự nào.
Chỉ số chứng khoán Shanghai Composite Index của Trung Quốc sau khi mất mốc 3.000 điểm đã tiếp tục giảm 2,8% trong ngày 5/6 xuống 2.913,41 điểm.
Chuyên gia phân tích kỹ thuật Craig Johnson của hãng Piper Jaffray cho biết chỉ số này đã liên tục tạo các mức đáy thấp hơn. Diễn biến giá gần đây giống như một đợt điều chỉnh tăng sau khi đã giảm mạnh. Ông cho rằng thị trường Trung Quốc hướng đang đến một điểm mà nếu không đảo ngược được xu thế này, thị trường có thể sẽ giảm trở lại.
Tuy nhiên, chuyên gia Johnson cho rằng mặc dù kinh tế Trung Quốc và Mỹ có sự liên kết, nhưng lịch sử cho thấy sự suy giảm của thị trường châu Á không ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ.
Nhà máy xăng sinh học chết yểu!
Lộ trình dần dần thay thế xăng khoáng bằng xăng sinh học sẽ được thực hiện ra sao trong bối cảnh các nhà máy sản xuất nhiên liệu ethanol dùng để phối trộn thành xăng E5 đang hoặc đã “hấp hối”?!
Nợ đầm đìa nên phải đóng cửa
Nhà máy Cồn ethanol Đại Tân (xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) được đưa vào hoạt động chính thức từ 2007-2010. Dự án có vốn đầu tư lên đến 500 tỉ đồng với công suất thiết kế 100.000 tấn/năm, do Công ty CP Đồng Xanh làm chủ đầu tư. Nhưng, chỉ đưa vào hoạt động được 2 năm thì nhà máy bất ngờ “chết yểu”.
Tháng 11-2012 nhà máy phải dừng hoạt động do làm ăn thua lỗ, số nợ lên đến gần 1.000 tỉ đồng bao gồm nợ các ngân hàng, các tiểu thương cung ứng sắn nguyên liệu và nợ lương của hàng trăm công nhân. Hiện nay, do thời gian dài không hoạt động, bị phơi mưa phơi nắng nên nhiều máy móc của nhà máy đã xuống cấp, gỉ sét.
Theo phán quyết của TAND tỉnh Quảng Nam, toàn bộ tài sản Nhà máy Cồn ethanol Đại Tân phải bàn giao lại cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) để xử lý nợ. Vào tháng 6-2015, BIDV đã bán nhà máy cồn lại cho Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm (Hà Nội). Ông Trần Văn Mai, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, cho biết sau khi mua lại, Công ty Tùng Lâm đã tiến hành sửa chữa các hạng mục trong nhà máy từ trước Tết Nguyên đán đến nay. Về thời điểm nhà máy này hoạt động trở lại thì ông Mai không biết được.
Không kém phần bi đát là trường hợp Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất (gọi tắt NM Bio-Ethanol DQ). Dự án này có tổng vốn đầu tư lên đến 1.900 tỉ đồng, do Công ty CP Nhiên liệu sinh học dầu khí Miền Trung (đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia - PVN) làm chủ đầu tư. Được đưa vào sử dụng từ tháng 2-2012 nhưng đến cuối tháng 4-2016, phóng viên có mặt tại khu vực nhà máy thì chỉ còn khung cảnh vắng lặng, hoang tàn.
Bên trong khuôn viên nhà máy là những công trình, máy móc đồ sộ trị giá hàng trăm tỉ đồng nhưng không một bóng công nhân vận hành, làm việc. Nhiều máy móc, thiết bị nằm phơi nắng phơi sương. Theo lời nhiều người dân địa phương, nhà máy đã ngưng hoạt động cả năm nay, công nhân, kỹ sư cũng bỏ đi tìm việc khác. “Nhìn cảnh máy móc cả trăm tỉ đồng bỏ phơi nắng, phơi mưa, quá lãng phí” - một người dân nói.
Ông Phạm Văn Vượng, Giám đốc NM Bio-Ethanol DQ, xác nhận từ tháng 4-2015 đến nay, nhà máy đã tạm dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng do thua lỗ.
Dự án Nhà máy Sản xuất Nhiên liệu sinh học Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ) mới đạt được 78% tiến độ xây dựng tổng thể vào năm 2014 và gần như dừng hẳn cho đến nay.
Trong khi đó, Nhà máy Ethanol Bình Phước (tỉnh Bình Phước) vốn đặt mục tiêu sản xuất hơn 100 triệu lít cồn sinh học/năm, tiêu thụ khoảng 240.000 tấn củ mì khô/năm cũng đã “âm thầm” đóng cửa từ bao giờ không rõ. Chỉ đến tháng 5-2015, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bình Phước mới biết chính xác là nhà máy này đã ngừng hoạt động với nguyên nhân được cho là sản phẩm làm ra không tiêu thụ được.
Kế hoạch khác xa thực tế
Ông Phạm Văn Vượng cho rằng nguyên nhân thua lỗ là do ethanol giá thành sản xuất khá cao khiến sản phẩm làm ra không bán được. Ngoài ra, thị trường trong nước chỉ có 8 địa phương tiêu thụ xăng E5, nên lượng tiêu thụ cồn nhiên liệu để pha chế rất thấp, khoảng 24% so với công suất của NM Bio-Ethanol DQ.
“Chúng tôi đã tìm hướng xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài tuy nhiên giá mì sắn trái vụ cao, trong khi giá dầu thế giới liên tục giảm khiến sản phẩm không thể xuất khẩu được vì không cạnh tranh được với các nước” - ông Vượng nói.
Theo ông Phạm Như Sô, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, để tháo gỡ khó khăn cho NM Bio-Ethanol DQ, UBND tỉnh đã họp kiến nghị với Chính phủ nhiều lần nhưng chưa có tiến triển. “Hiện NM Bio-Ethanol DQ đã được bàn giao về cho PVN. Trong cuộc họp của Chính phủ mới đây, PVN cũng đề xuất cải tổ nhà máy để sớm đưa nhà máy hoạt động trở lại nhưng đến nay Chính phủ vẫn đang xem xét, chưa có chủ trương cụ thể” - ông Sô cho biết.
Với trường hợp dự án tại tỉnh Phú Thọ, Bộ Công Thương thừa nhận sản phẩm ethanol Phú Thọ không có khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu do giá thành cao. Theo Bộ Công Thương, khi báo cáo khả thi, dự án này chỉ tính giá nguyên liệu trung bình cả đời dự án khoảng 1.800 đồng/kg và giá thành sản phẩm là 10.000 đồng/lít. Thế nhưng, đến năm 2012-2013, giá sắn đã tăng gần gấp 3 lần, tới 5.000 đồng/kg, trong khi giá bán ethanol chỉ được 13.000 đồng/lít - mức thấp hơn giá thành sản xuất.
Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương, ông Nguyễn Phú Cường, cũng chỉ ra thực tế là khi xây dựng bài toán đầu tư, các doanh nghiệp dựa trên cơ sở giá dầu thô khoảng 100-105 USD/thùng và giá sắn để sản xuất ethanol là 2.300-3.000 đồng/kg. Tức là, giá nhiên liệu thô cao còn giá thành sản xuất ethanol lại thấp nên sản phẩm có sức cạnh tranh. Tuy nhiên, diễn biến trên thực tế lại đi ngược lại, chỉ một vài năm sau, giá dầu thô sụt giảm còn 30-40 USD/thùng và giá sắn lại tăng lên tới 4.700-5.000 đồng/kg.
Về nguyên nhân sâu xa, đại diện Bộ Công Thương cho hay vấn đề cần xem xét chủ yếu là năng lực cạnh tranh của các nhà máy có cao không. Ví dụ suất đầu tư có cao không, quy trình sản xuất đã tối ưu chưa…
“Chính phủ và Bộ Công Thương đã quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất ethanol ở mức độ nhất định. Các doanh nghiệp phải tự mình linh hoạt thay đổi phương thức sản xuất, tận dụng nguyên liệu trong quá trình sản xuất để tạo ra các sản phẩm khác như CO2, phân hữu cơ nhằm tận dụng triệt để, tránh lãng phí nguyên liệu” - ông Cường chỉ ra