Cá tra: mọi ánh mắt đang nhìn thị trường Trung Quốc; Nga thành nước xuất khẩu nông sản nhờ trừng phạt Mỹ; Tương lai nông sản Việt: Bộ KH&ĐT thêm lời buồn
Tin kinh tế đọc nhanh sáng tôi 08-05-2016
- Cập nhật : 08/05/2016
Trung Quốc điều tra các công ty dược phẩm nước ngoài
Báo China Daily (Trung Quốc) đưa tin cơ quan điều chỉnh giá Trung Quốc lên kế hoạch sẽ tiến hành một cuộc điều tra chống mua bán với “quy mô lớn và có hệ thống” nhằm vào các công ty dược phẩm nội địa và nước ngoài.
Cuộc điều tra được tiến hành trong bối cảnh cơ quan hoạch định nhà nước của Trung Quốc gần đây triệu tập công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ cũng như nhiều công ty phân phối và các nhà sản xuất thiết bị y khoa để thu thập dữ liệu và thông tin.
Theo báo cáo, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) của Trung Quốc đang thu thập bằng chứng nhằm tìm hiểu liệu các công ty này đã vi phạm những quy định về cạnh tranh mặc dù cho đến nay chưa có bằng chứng nào cho thấy điều đó.
Trung Quốc được cho là sẽ điều tra các công ty dược phẩm nội địa và nước ngoài về việc tuân thủ quy định cạnh tranh thị trường. Ảnh: REUTERS
Hãng tin Reuters cho biết đã liên hệ với NDRC nhưng NDRC vẫn chưa có phản hồi nào đối với các cuộc gọi và bản fax gửi đi.
Người phát ngôn Pfizer nói rằng hiện công ty này không đưa ra bình luận nào về các suy đoán của phương tiện truyền thông hay các tin đồn trên thị trường.
Trung Quốc đang theo đuổi một chương trình đầy tham vọng về cải cách chăm sóc sức khỏe nhằm mục tiêu cải thiện hệ thống sức khỏe cộng đồng và giảm sự phụ thuộc vào các loại dược phẩm từ nước ngoài.
Thị trường chăm sóc sức khỏe ngày càng sôi động của Trung Quốc đã thu hút các nhà sản xuất dược phẩm, các công ty thiết bị y khoa và các nhà điều hành bệnh viện trên toàn cầu.
Tất cả đều mong muốn sẽ chiếm một phần trong hóa đơn chăm sóc sức khỏe mà dự đoán sẽ tram mức 1.000 tỉ USD trước năm 2020 tại nước này, theo McKinsey & Co.
Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi mất ghế
Ngày 7/5, Quốc vương Saudi Arabia Salman đã cách chức Bộ trưởng Dầu mỏ nước này Ali al-Naimi trong bối cảnh vương quốc này đang đối mặt với việc nguồn thu từ dầu mỏ bị sụt giảm mạnh.
Bộ trưởng Dầu lửa Saudi Arabia Ali al-Naimi (giữa) tới dự hội nghị cấp cao các quốc gia khai thác dầu. Ảnh: THX/ TTXVN
Ngày 25/4 vừa qua, Nội các Saudi Arabia đã thông qua kế hoạch "Tầm nhìn Kinh tế 2030" cho giai đoạn hậu kỷ nguyên dầu mỏ với trọng tâm tập trung vào các cải cách kinh doanh và đầu tư. Với Tầm nhìn Kinh tế 2030, Saudi Arabia đặt mục tiêu vươn từ vị trí là nền kinh tế lớn thứ 19 thế giới lên vị trí 15.
Người Thái "nhắm" đến Việt Nam
Các quốc gia Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV) là một trong những thị trường trọng điểm đối với hàng hóa xuất khẩu của Thái Lan. Đáng chú ý, trong số các thành phố Thái Lan sẽ lựa chọn, có 2 địa điểm của Việt Nam là Hải Phòng và Cần Thơ được người Thái nhắm đến để thực hiện kế hoạch xuất khẩu.
Tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, Bộ Thương mại Thái Lan đang hướng đến nhóm quốc gia CLMV. Đây là một phần trong kế hoạch xúc tiến các sản phẩm của Thái và dịch vụ tại 16 quốc gia. Các quốc gia CLMV là một trong những thị trường trọng điểm đối với hàng hóa xuất khẩu của Thái Lan.
Theo đó, các thành phố bao gồm mà người Thái sẽ nhắm đến gồm: 3 thành phố của Myanmar (Mandalay, Myawwady, Myiek), 2 thành phố Việt Nam (Hải Phòng, Cần Thơ), 3 thành phố của Campuchia (Krong Preah Sihanouk, Koh Kong, Siem Riep) và 4 thành phố của Lào (Savannakhet, Champasak và Luang Prabang).
Việc lựa chọn 16 thị trường quan trọng trong kế hoạch xúc tiến xuất khẩu do đây đều là những thị trường tiềm năng, thu hút khách du lịch và vị trí địa lý gần nhau, đồng thời giúp đẩy mạnh tăng trưởng về xuất khẩu của Thái Lan đến nhóm nước CLMV.
Các kế hoạch và chương trình xúc tiến hàng hóa Thái Lan sẽ được triển khai và doanh nghiệp của Thái Lan cũng sẽ tìm kiếm đối tác tại nhóm nước CLMV.
Bên cạnh đó, nhiều chương trình quảng bá cũng sẽ được tổ chức với sự tham gia của nhà nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ, và hệ thống các cửa hàng tại nhóm nước CLMV nhằm tăng cương kết nối giữa nhà sản xuất Thái Lan và khuyến khích họ tổ chức các chương trình khuyến mại trong cửa hàng. Chuỗi sự kiện trên cũng sẽ thu hút thêm khách du lịch và đầu tư tới Thái Lan.
Để giải quyết các vấn đề về cản trở thương mại, Bộ Thương mại Thái Lan sẽ bổ nhiệm vị trí cấp cao tại mỗi nước nhằm tiến tới việc xóa bỏ hoàn toàn những rào cản thương mại.
Không chỉ tăng cường kế hoạch xuất khẩu, hiện nhiều đại gia Thái Lan đã chạy đua đầu tư vào thị trường bán lẻ của Việt Nam. Mới đây nhất, Tập đoàn Central Group (Thái Lan) đã chính thức trở thành chủ sở hữu của hệ thống Big C Việt Nam.
Với thương vụ mua bán này, 50% thị phần bán lẻ Việt Nam đã rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài, trong khi các cơ quan quản lý vẫn đang "ung dung" cho rằng, doanh nghiệp ngoại mới chỉ chiếm 4%.
Theo các chuyên gia kinh tế, mới đầu người tiêu dùng Việt được lợi nhưng bản thân nền kinh tế, doanh nghiệp Việt sẽ rất khó khăn và vất vả trong cuộc chơi mới.
Tìm cách hóa giải thách thức trong nhập khẩu gỗ nguyên liệu
Do từ trước tới nay vẫn phụ thuộc khá lớn vào nguồn gỗ nguyên liệu NK từ 70-90 thị trường trên thế giới nên khi bước vào hội nhập sâu, những yêu cầu khắt khe về nguồn gốc, xuất xứ gỗ nguyên liệu đến từ các thị trường lớn, “khó tính” như Mỹ, EU… đang đặt ra không ít thách thức cho ngành chế biến, XK gỗ Việt Nam.
Giá trị NK gỗ nguyên liệu đang chiếm tới 20-25% tổng kim ngạch XK gỗ và sản phẩm từ gỗ. Trong ảnh: Công chức Chi cục Hải quan cảng Cửa Lò, Cục Hải quan Nghệ An kiểm tra mặt hàng gỗ NK.(Ảnh: NGỌC LINH)
Dịch chuyển thị trường, chủng loại
Theo Bộ NN&PTNT: Ước giá trị XK gỗ và các sản phẩm gỗ 4 tháng đầu năm 2016 đạt 2,15 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2015. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc là 3 thị trường NK gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2016, chiếm 66,31% tổng giá trị XK. Các thị trường có giá trị tăng là Hoa Kỳ (8,8%), Nhật Bản (7,47%), Hàn Quốc (16,62%), Anh (10,18%) và Hà Lan (7,44%).
Về mặt NK, trong 4 tháng đầu năm 2016, ước tổng giá trị NK gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 612 triệu USD, giảm 12,4% so với cùng kỳ năm 2015.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest): Trong giai đoạn 2013-2015, cùng với việc gia tăng XK gỗ và sản phẩm gỗ, lượng gỗ nguyên liệu NK cũng có xu hướng tăng, khoảng trên 10%/năm. Trong năm 2015, lượng gỗ nguyên liệu NK lên tới 4,79 triệu m3 gỗ quy tròn, tăng 11,3% so với lượng NK của năm 2014 và 14% so với năm 2013. Giá trị kim ngạch NK gỗ nguyên liệu ở mức cao, khoảng 1,5 – 1,7 tỷ USD /năm. Con số này tương đương với 20-25% của tổng kim ngạch XK hàng năm của Việt Nam đối với mặt hàng gỗ và các sản phẩm gỗ.
Điều đáng nói là, những năm gần đây đã có sự dịch chuyển đáng kể về chủng loại cũng như thị trường NK gỗ nguyên liệu. Về thị trường, nếu như những năm trước Lào thường giữ vị trí “quán quân” trong NK gỗ nguyên liệu thì dần dần kim ngạch NK từ thị trường này đã sụt giảm. Trong năm 2013, kim ngạch NK gỗ và sản phẩm gỗ từ thị trường Lào đạt gần 459 triệu USD, tăng 60,86% so với năm 2012. Bước sang năm 2014, Lào tiếp tục là thị trường cung ứng gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất cho Việt Nam, đạt trên 600 triệu USD, tăng tới trên 31% so với năm 2013. Tuy nhiên, đến năm 2015, NK gỗ và sản phẩm gỗ từ Lào chỉ đạt trên 360 triệu USD, giảm tới trên 40% so với năm 2014.
Theo thống kê mới nhất của Bộ NN&PTNT, Campuchia và Lào vốn là thị trường NK gỗ và các sản phẩm từ gỗ truyền thống, nhưng NK từ 2 thị trường này trong quý I năm nay đã giảm mạnh. Cụ thể, giá trị NK từ Lào giảm 58,5% và giá trị NK từ Campuchia giảm 45,5% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, NK gỗ từ Hoa Kỳ và Trung Quốc có sự gia tăng tạo ra sự biến động tương đối lớn trong vị trí xếp hạng của các thị trường NK gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Hoa Kỳ từ một nước xếp thứ 4 trong các thị trường NK chính nay là thị trường NK lớn nhất chiếm tới 12,5%, tiếp theo là thị trường Trung Quốc với 12,1%. Bên cạnh đó, một số thị trường khác cũng có giá trị tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2015 là Pháp (tăng 47,9%), Đức (tăng 30%).
Đánh giá chung về tình hình NK gỗ nguyên liệu của Việt Nam những năm gần đây, ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends cho rằng: Thời gian qua đã có sự dịch chuyển khá rõ nét trong cơ cấu thị trường cũng như chủng loại gỗ NK. Việc chuyển dịch theo hướng chuyển từ NK các loại gỗ có giá trị cao gồm các loại gỗ quý, có nguồn gốc tự nhiên sang các loại gỗ phổ biến, có nguồn gốc từ rừng trồng, có giá trị thấp hơn. Nguyên nhân của sự chuyển dịch bắt nguồn từ sự cạn kiệt dần nguồn nguyên liệu gỗ quý, sự giảm nhu cầu tiêu thụ các loài gỗ này đặc biệt là sụt giảm của thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, nguồn rừng trồng trong nước cũng đang từng bước đáp ứng được nhu cầu cho các DN, thay thế một phần nguyên liệu NK.
Theo ông Phúc, xu hướng dịch chuyển còn thể hiện rất rõ khi lượng NK các loài gỗ từ các quốc gia có tính hợp pháp của gỗ rất cao như Hoa Kỳ và EU dần tăng lên. “Quá trình hội nhập đòi hỏi gỗ nguyên liệu NK phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tuân thủ quy định về tính hợp pháp. Do đó, việc chuyển dịch cơ cấu NK như trên là một tín hiệu tương đối tốt, tạo nhiều cơ hội XK gỗ trong tương lai”, ông Phúc đánh giá.
Lên danh sách gỗ được nhập
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Viforest cho rằng: Mặc dù việc NK gỗ nguyên liệu đang có những đổi thay để ngày một phù hợp, đáp ứng tốt hơn các quy định của quốc tế về nguồn gốc, xuất xứ gỗ, song thực tế vẫn tồn tại không ít thách thức. Các nhà NK của Mỹ, EU, Hàn Quốc yêu cầu Việt Nam phải sử dụng nguồn gốc gỗ hợp pháp để sản xuất đồ gỗ XK. Từ trước tới nay, Việt Nam chủ yếu NK gỗ từ 70-90 quốc gia trên thế giới, trong số đó chỉ có khoảng 30 quốc gia có nguồn gốc hợp pháp. Thực tế này sẽ dẫn tới tình trạng nguồn cung giảm. Về chủng loại gỗ cũng đã có sự thay đổi đáng kể. Tại các thị trường như Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc đều yêu cầu sử dụng các loại gỗ có xuất xứ từ rừng trồng tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Canada, EU,... Đây cũng là thách thức đáng kể đối với ngành chế biến, XK gỗ Việt Nam. Ông Quyền phân tích: Đối với gỗ trong nước, lượng gỗ khai thác từ rừng trồng đạt trên 20 triệu m3/năm, gỗ có đường kính lớn để sản xuất đồ mộc chỉ chiếm từ 10 -15%, chưa đáp ứng được yêu cầu XK.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề làm thế nào để có thể kiểm soát rủi ro về nguồn gốc gỗ, theo ông Tô Xuân Phúc, bước quan trọng đầu tiên mà Việt Nam nên tiến hành là chuẩn bị danh sách tất cả các loại gỗ nguyên liệu được NK. Danh sách này cần có tên của các loại gỗ, bao gồm tên địa phương, tên tiếng Anh và tên La tinh. Danh sách cũng cần có thông tin về địa bàn khai thác của từng loại gỗ. Việt Nam có thể yêu cầu sự trợ giúp của các cơ quan chức năng từ các quốc gia NK gỗ nguyên liệu nhằm cung cấp thông tin về địa bàn khai thác, tình trạng đất đai,… đối với từng loại gỗ NK. “Bên cạnh đó, thông tin trao đổi với các DN trực tiếp đang tham gia NK sẽ giúp cơ quan quản lý Nhà nước có một bức tranh hoàn thiện hơn về gỗ nguyên liệu NK, từ đó giúp cho việc xác định các cơ chế kiểm soát gỗ NK hiệu quả trong tương lai”, ông Phúc nói.
Không chỉ riêng vấn đề nguồn gốc gỗ nguyên liệu NK, nhìn nhận tổng thể các chính sách để phát triển ngành chế biến, XK gỗ, ông Nguyễn Tôn Quyền đưa ra đánh giá: Ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đã trở thành động lực đối với trồng rừng. Do có đầu ra ổn định và việc tiêu thụ nguyên liệu ngày càng lớn nên đến nay rừng trồng của Việt Nam đã được 3,6 triệu ha. Đây là một thành tựu lớn, tuy nhiên giá trị gia tăng của sản phẩm gỗ Việt Nam chưa cao. Vì vậy, Viforest đề nghị Nhà nước có chính sách tín dụng dài hạn để DN có nguồn vốn vay đầu tư thay đổi công nghệ và thiết bị để nâng cao chất lượng và giá thành sản phẩm. Ngoài ra, cần thúc đẩy phát triển trồng rừng gỗ lớn và mở rộng diện tích rừng trồng ở Việt Nam đến năm 2020 có trên 600.000 ha rừng được cấp các loại chứng chỉ rừng thế giới như chứng chỉ FSC, chứng chỉ PEFC.
“Về phía các DN cũng cần chủ động mở rộng các hình thức liên kết: Người trồng rừng với người trồng rừng, người trồng rừng với người chế biến gỗ, người chế biến gỗ và người chế biến gỗ. Đây là một giải pháp rất hữu hiệu để sử dụng nguồn nguyên liệu ổn định lâu dài và tăng được kim ngạch XK cũng như tăng thêm giá trị gia tăng cho toàn ngành”, ông Quyền nhấn mạnh. (HQ)
6 trường hợp được nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin cũ
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định quy định các trường hợp cho phép nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin (CNTT) đã qua sử dụng cấm nhập khẩu.
Theo quyết định trên, có 6 trường hợp cho phép nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm CNTT đã qua sử dụng cấm nhập khẩu gồm:
Nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng theo hình thức di chuyển phương tiện sản xuất trong cùng một tổ chức; Nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng để làm thiết bị điều khiển, vận hành, khai thác, kiểm tra hoạt động của một phần hoặc toàn bộ hệ thống, dây chuyền sản xuất; Nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng để phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm, gia công quy trình kinh doanh bằng CNTT, xử lý dữ liệu cho đối tác nước ngoài; Nhập khẩu sản phẩm CNTT chuyên dùng đã qua sử dụngTái nhập khẩu sản phẩm CNTT đã hết thời hạn bảo hành sau khi đưa ra nước ngoài để sửa chữa.
Nhập khẩu sản phẩm, linh kiện đã được tân trang, làm mới để thay thế, sửa chữa cho người sử dụng trong nước mà sản phẩm, linh kiện đó hiện nay không còn được sản xuất.
Quyết định quy định rõ điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với các trường hợp cho phép nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục cấm nhập khẩu.
Cụ thể, sản phẩm CNTT đã qua sử dụng nhập khẩu theo hình thức di chuyển phương tiệnsản xuất trong cùng một tổ chức phải là tài sản của tổ chức ở nước ngoài có mối quan hệ với người nhập khẩu thông qua sở hữu cổ phần, phần góp vốn hoặc liên kết khác; đồng thời, sản phẩm nhập khẩu chỉ phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất của người nhập khẩu.
Sản phẩm CNTT đã qua sử dụng nhập khẩu để làm thiết bị điều khiển, vận hành, khai thác, kiểm tra hoạt động của một phần hoặc toàn bộ hệ thống, dây chuyền sản xuất phải là bộ phận cấu thành của hệ thống, dây chuyền sản xuất và chỉ phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất của người nhập khẩu.
Sản phẩm CNTT đã qua sử dụng để phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm, gia công quy trình kinh doanh bằng CNTT, xử lý dữ liệu cho đối tác nước ngoài phải tái xuất sau khi kết thúc hợp đồng sản xuất sản phẩm phần mềm, gia công quy trình kinh doanh bằng công nghệ thông tin, xử lý dữ liệu cho đối tác nước ngoài.
Sản phẩm CNTT chuyên dùng đã qua sử dụng nhập khẩu phải có hiệu quả sử dụng thực tế cho quá trình sản xuất, đã có thời hạn sử dụng không quá 3 năm kể từ ngày sản xuất đến ngày mở tờ khai nhập khẩu.
Còn trường hợp tái nhập khẩu sản phẩm CNTT đã hết thời hạn bảo hành sau khi đưa ra nước ngoài để sửa chữa thì sản phẩm CNTT tái nhập khẩu phải bảo đảm là chính sản phẩm đã xuất khẩu trước đó.
Trường hợp nhập khẩu sản phẩm, linh kiện đã được tân trang, làm mới để thay thế, sửa chữa cho người sử dụng trong nước mà sản phẩm, linh kiện đó hiện nay không còn được sản xuất thì sản phẩm nhập khẩu phải có chức năng, hình thức tương đương và có chế độ bảo hành như sản phẩm mới; có nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật. Sản phẩm, linh kiện nhập khẩu chỉ được sử dụng với mục đích thay thế cho các sản phẩm, linh kiện bị lỗi, hỏng của khách hàng trong nước, không được chuyển nhượng, bán lại. Sản phẩm, linh kiện hỏng được thu hồi sau khi thay thế cho khách hàng phải được tái xuất hoặc xử lý, tiêu hủy theo quy định của pháp luật.