Nhiều thương hiệu lớn “tìm đường” vào Việt Nam bằng nhượng quyền
Dấu hiệu cho thấy Trung Quốc quyết tâm mở cửa thị trường vốn
General Electric hoàn tất thương vụ 10 tỷ euro với tập đoàn Alstom
Việt Nam và Italy ký Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực hải quan
Điều chỉnh chính sách thuế để bảo vệ môi trường
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 05-11-2015
- Cập nhật : 05/11/2015
8.500 tỷ đồng làm đường trục Bắc - Nam ở TP HCM
Liên doanh 2 công ty trong nước vừa đề xuất UBND TP HCM đầu tư dự án xây dựng đường trục Bắc - Nam dài 7,5 km, rộng 29,5 m, 6 làn xe, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm, Nhà Bè giai đoạn 3, theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).
Dự án gồm cả nút giao Nguyễn Văn Linh và Nguyễn Hữu Thọ và xây dựng cầu Rạch Đỉa, cầu số 1, cầu Bản 2, cầu Phước Kiểng, cầu Bà Chiêm. Tổng mức đầu tư dự án là 8.470 tỷ đồng, bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng.
Sơ đồ đường trục Bắc - Nam của TP HCM.
Nhà đầu tư cam kết sẽ ứng toàn bộ kinh phí để giải phóng mặt bằng và ủy thác thành phố thực hiện bồi thường cho dự án đường trục Bắc - Nam và Khu đô thị Hiệp Phước. Đồng thời, đơn vị này cũng cam kết sẽ chuyển tiền ký quỹ 5.000-10.000 tỷ đồng khi được chọn làm nhà đầu tư dự án. Liên doanh này đề xuất thành phố thanh toán bằng quỹ đất 1.300 ha tại Khu đô thị Hiệp Phước (huyện Nhà Bè).
Đường trục Bắc - Nam bắt đầu từ quốc lộ 22 (An Sương, quận 12) đến Khu công nghiệp Hiệp Phước là một trong 2 tuyến trục xuyên tâm của TP HCM. Trong đó, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cầu Bà Chiêm là trục chính trong "Quy hoạch giao thông vận tải TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020" đã được Chính phủ phê duyệt.
Trước đó, Khu quản lý giao thông đô thị số 1 cũng đề xuất xây dựng trục đường Bắc - Nam, đoạn từ nút giao Hoàng Diệu (quận 4) đến đường Nguyễn Văn Linh (quận 7) dài khoảng 3,8 km với tổng vốn 6.740 tỷ đồng. Lý do là đoạn đường này hiện phải đi zích zắc qua hai ngã tư và thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng.
Ngành Kế hoạch và Đầu tư lên kế hoạch thanh tra năm 2016
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành hướng dẫn Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra ngành Kế hoạch và Đầu tư năm 2016.
Theo đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành Kế hoạch và Đầu tư cần được triển khai có hiệu quả, bám sát và đáp ứng được các yêu cầu của việc phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, tăng cường công tác quản lý nhà nước về kế hoạch và đầu tư.
Cụ thể, tập trung thanh tra, kiểm tra việc lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và điều chỉnh tổng mức đầu tư; quá trình thực hiện dự án, nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đặc biệt là các dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư lớn thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 30/4/2015 về tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn vốn đầu tư công.
Đồng thời thanh tra về công tác quản lý và thực hiện các Chương trình, Dự án sử dụng vốn ODA thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
Cùng với đó tiến hành thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực như: đầu tư trong nước, doanh nghiệp và đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã… để bước đầu đánh giá việc triển khai thực hiện Luật đầu tư năm 2014, Luật doanh nghiệp năm 2014.
Ngoài ra thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc các vụ việc do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở giao.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu các sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí nhân lực và các điều kiện cần thiết để đảm bảo hoàn thành có chất lượng Kế hoạch thanh tra được phê duyệt.
Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ theo dõi, kiểm tra việc triển khai kế hoạch thanh tra chuyên ngành năm 2016 của các Sở Kế hoạch và Đầu tư, báo cáo Bộ trưởng và Thanh tra Chính phủ.
25 mặt hàng thủy sản sẽ được áp mức thuế xuất khẩu 0%
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, XK thủy sản của Việt Nam sang 11 nước thành viên tham gia TPP chiếm trên 45% tổng giá trị XK. Các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi ngay lập tức khi TPP có hiệu lực với 90% các loại thuế XNK sẽ giảm.
Hiện nay 11 nước thành viên tham gia TPP là: Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia, Singapore, Mexico, Malaysia, New Zealand, Chile, Peru và Brunei đều là những đối tác chiến lược của thủy sản Việt Nam.
Các nước thành viên tham gia TPP sẽ được giảm 90% các loại thuế XNK hàng hóa và cắt giảm bằng 0% năm 2015. Theo đó, khoảng 25 mặt hàng thủy sản chịu thuế xuất khẩu từ 1-10% sẽ trở về 0% ngay lập tức hoặc theo lộ trình kéo dài lâu nhất đến năm thứ 16. Trong đó, có 12 mặt hàng thủy sản sẽ giảm thuế về ngay 0% ngay sau khi TPP có hiệu lực, như: cá ngừ đóng hộp, cá ngừ vây vàng, cá ngừ sọc dưa, cá hồi đỏ, cá tuyết đông lạnh…
Đây là tín hiệu tích cực cho các DN xuất khẩu hải sản, đặc biệt là DN xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản - thị trường đối tác lớn thứ hai (sau Mỹ) trong 11 nước tham gia TPP bởi trong nhiều năm trước đây thuế suất của Việt Nam đang cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực ASEAN.
Mới đây, theo đúng lộ trình của TPP, Nhật Bản đã bãi bỏ thuế nhập khẩu đối với sản phẩm cá ngừ và cá hồi và mở cửa cho các DN xuất khẩu thuộc các nước thành viên tham gia tích cực hơn vào thị trường này. Dự báo trong năm 2016, giá trị XK cá ngừ sang thị trường Nhật Bản sẽ vượt qua mức tăng trưởng âm và có thể tăng từ 5 đến 15% so với năm nay.
Theo nhận định của các DN, nguồn nguyên liệu hải sản trong nước đang dần bị cạn kiệt, thuế nhập khẩu giảm sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho các DN nhập khẩu cá ngừ, mực, bạch tuộc Việt Nam khi nhập khẩu từ các nước lớn như: Malaysia, Mexico, Peru…
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhiều DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ TPP, tuy nhiên đó chỉ là một mặt của vấn đề. Để bước ra sân chơi lớn, để nắm được các cơ hội, các DN thủy sản phải nhanh nhạy với thị trường, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm xuất khẩu để không bị lúng túng trước các rào cản kỹ thuật khắt khe hơn, đồng thời sức cạnh tranh phải cao so với các nước nguồn cung khác cùng tham gia TPP.
12 mặt hàng có thuế giảm về 0% ngay sau khi TPP có hiệu lực: cá ngừ vây vàng, cá ngừ sọc dưa, cá hồi đỏ, cá tuyết (đông lạnh), surimi cá minh thái, trứng cá minh thái, cá trích, trứng cá trích, tôm, tôm chế biến, cua, cá ngừ đóng hộp.
Giả bệnh, vỡ nợ để rao bán nhà
Muốn mua một lô đất thổ cư nên anh Quang (Thanh Xuân) lên mạng tìm kiếm thông tin và thấy một tin rao có nội dung "cần tiền chữa bệnh bán lô đất...". Thấy vậy, khách hàng này kỳ vọng bên bán đang cần tiền nên có thể mức giá bán sẽ mềm và giao dịch sẽ nhanh hơn. Tuy nhiên, khi anh gọi điện đến số điện thoại trên mẩu tin để hỏi về lô đất thì được biết người đăng tin chỉ là một nhân viên môi giới của sàn giao dịch bất động sản.
"Nghe đến đó, tôi hỏi tiếp để xác thực thông tin về lô đất thì anh ta chỉ nói sơ sơ. Về việc bán đất chữa bệnh, nhân viên này cũng cho biết không có, đó chỉ là tin rao để câu khách", anh Quang kể lại.Tiếp tục tìm kiếm thông tin trên mạng thì khách hàng này còn thấy rất nhiều mẩu tin rao bán cùng một lô đất đó nhưng được nhân viên này đăng tải với các nội dung khác nhau. "Anh ta thường dẫn các lý do bán nhà rất sốc như sắp vỡ nợ, nợ nần chồng chất, sắp xuất ngoại... Không chỉ riêng trường hợp này, trên mạng cũng có rất nhiều tin rao kiểu như vậy", anh Quang cho hay.
Tin rao bán nhà đất với các nội dung như cần tiền chữa bệnh, sắp vỡ nợ... xuất hiện nhiều. Ảnh chụp màn hình.
Gần đây, anh Chí (Hoàng Mai) cũng gặp một câu chuyện tương tự khi tìm mua một lô đất ở ngoại thành để làm trang trại. "Rất nhiều tin rao vỡ nợ hoặc cần tiền chữa bệnh nên cần bán đất. Tôi tưởng đó là chính chủ đăng tải nên liên hệ thì được biết hầu hết là môi giới. Khi họ dẫn đi xem và được gặp chủ nhà thì tôi mới được biết là họ chẳng có bệnh tật hay nợ nần gì cả", khách hàng này cho hay.
Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc sàn Bất động sản Gia Long, Hà Đông cho biết, thực tế, thông tin rao bán nhà đất trên mạng chỉ có khoảng 10% là chính chủ đăng tải, còn lại hầu hết là môi giới. Do đó, để sản phẩm của mình rao bán gây được sự chú ý thì môi giới đôi khi nghĩ ra những quảng cáo sốc.
Tuy nhiên, theo vị giám đốc sàn, cách này thường chỉ được những môi giới nhỏ lẻ áp dụng để rao bán bất động sản ở khu vực ven đô, thanh khoản kém, ít giao dịch, thậm chí đăng tin cả năm vẫn không bán được.
"Tin rao cho thấy người bán đang rất cần tiền sẽ khiến người mua cảm giác giá rẻ, dễ giao dịch hơn", ông Trường cho hay.
Về hiệu quả của những cách rao bán nhà đất kiểu này, theo vị giám đốc sàn cũng có đôi phần tác dụng vì gây được chú ý giữa rất nhiều tin đăng tải hằng ngày. "Tuy nhiên, khách hàng gọi điện để tìm hiểu thông tin về sản phẩm tăng không có nghĩa là sẽ giao dịch được nhanh hơn. Yếu tố quan trọng vẫn là vị trí, giá cả và nhu cầu của người mua ra sao. Với những khu vực thanh khoản quá kém thì đôi khi cách này vẫn không mấy khi phát huy tác dụng vì không tìm được khách có nhu cầu giao dịch", ông Trường nói.
Masan muốn mua nước khoáng Quang Hanh
Công ty Masan Beverage, trực thuộc Công ty Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer Holdings) và là thành viên của Tập đoàn Masan (Mã CK: MSN) vừa ký thỏa thuận trở thành đối tác chiến lược của Công ty Nước khoáng và Thương mại dịch vụ Quảng Ninh.
Trước đó, Tập đoàn Masan đã có văn bản gửi Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Ninh bày tỏ mong muốn trở thành cổ đông chiến lược của công ty Nước khoáng Quảng Ninh khi cổ phần hóa và cam kết không chuyển nhượng số cổ phần được mua trong thời hạn tối thiểu 5 năm.
Trong kế hoạch, Nước khoáng Quảng Ninh Theo sẽ bán 5,2 triệu cổ phần, tương ứng với 65% vốn điều lệ cho nhà đầu tư chiến lược. Giá chào bán do Tỉnh ủy Quảng Ninh thỏa thuận trực tiếp, dựa trên mức tham chiếu 11.100 đồng - là mức giá khởi điểm khi Nước khoáng Quảng Ninh tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).
Masan Beverage có vốn điều lệ 1.680 tỷ đồng, hiện đang sở hữu 63,95% cổ phần Công ty Nước khoáng Vĩnh Hảo và 53,2% cổ phần trong Công ty cổ phần Vinacafe Biên Hòa. Việc mua thêm Nước khoáng Quảng Ninh sẽ góp phần thực hiện chiến lược tập trung sâu vào ngành nước giải khát.
Trong khi đó, Nước khoáng Quảng Ninh là một trong những tên tuổi quen thuộc ở thị trường phía Bắc với dòng sản phẩm khoáng mặn - nước khoáng thiên nhiên Quang Hanh, dòng sản phẩm nước khoáng có hàm lượng khoáng thấp - nước khoáng thiên nhiên Suối Mơ. Công ty có vốn điều lệ 80 tỷ đồng, sau khi cổ phần hóa Tỉnh ủy Quảng Ninh nắm 10%, người lao động nắm 20%, công đoàn nắm 3%, nhà đầu tư chiến lược nắm 65% và cổ đông bên ngoài giữ 2%.
Doanh nghiệp đặt mục tiêu sau khi cổ phần hóa (2015 - 2019) đạt mức tăng trưởng 20-30% lợi nhuận hằng năm, cổ tức 8%.