tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 30-05-2018

  • Cập nhật : 30/05/2018

WB sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển hạ tầng giao thông vận tải

Ngày 29/5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã tiếp Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dione và nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới.

Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng và đại diện Bộ Giao thông Vận tải, các bộ, ngành Trung ương đã trao đổi với ông Ousmane Dione và nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới về những giải pháp để huy động nguồn lực, triển khai hiệu quả các dự án phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao vai trò và sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới trong việc giúp Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo tiền đề vững chắc cho phát triển bền vững; ghi nhận những đề xuất của Ngân hàng Thế giới, dựa trên nghiên cứu của các chuyên gia hàng đầu, nhiều kinh nghiệm.

Theo Phó Thủ tướng, hạ tầng giao thông của Việt Nam thời gian qua đã có sự phát triển mạnh, nhưng còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chất lượng chưa cao, còn thiếu nhiều hạ tầng quan trọng; kết nối giữa các phương thức vận tải, các loại hình giao thông còn yếu; cơ cấu các phương thức vận tải chưa phù hợp.

Ông Ousmane Dione khẳng định Ngân hàng Thế giới luôn mong muốn và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải.

Cụ thể, Ngân hàng Thế giới có thể hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thiết kế một cơ chế hợp lý để phân bổ rủi ro trong triển khai các dự án hạ tầng; hỗ trợ trong giai đoạn chuẩn bị dự án; hỗ trợ huy động ODA cho một số đoạn tuyến cụ thể của tuyến cao tốc Bắc-Nam, hỗ trợ thu hút vốn tư nhân theo hình thức đối tác công-tư (PPP).

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định quan điểm đầu tư hạ tầng là trách nhiệm của Nhà nước. Nhà nước phải bỏ vốn đầu tư, hoặc có chính sách huy động từ xã hội.

Do đó, Phó Thủ tướng đồng tình quan điểm của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới về việc Nhà nước cần chia sẻ rủi ro đầu tư để doanh nghiệp tập trung nâng cao chất lượng công trình, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Hiện, một số dự án trong ngành năng lượng đã áp dụng, nhưng hành lang pháp lý vẫn chưa đầy đủ, do đó trong thời gian tới cần tập trung để khắc phục.

Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Thế giới tiếp tục nghiên cứu về giao thông đường thủy nội địa, đặc biệt ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; đường sắt, đường sắt đô thị, trong đó có việc hỗ trợ Việt Nam chuẩn bị đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam.

Đối với những đề xuất hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ phát triển dự án, Phó Thủ tướng cho rằng với kinh nghiệm của Ngân hàng Thế giới, chắc chắn sẽ giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư.

Phó Thủ tướng giao các Bộ: Giao thông Vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước làm việc với các chuyên gia của Ngân hàng để trao đổi cụ thể(Vietnam+)
--------------------

2.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi vốn trung và dài hạn

Các khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn trung và dài hạn tại SHB phục vụ các mục đích mua nhà để ở, vay xây dựng sửa chữa nhà, vay mua ô tô, vay tiêu dùng sẽ được hưởng ưu đãi về lãi suất.

Nhằm cung cấp cho khách hàng các sản phẩm dịch vụ khác biệt, cạnh tranh, ưu đãi và hiệu quả, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) triển khai chương trình “Vay ưu đãi – Thỏa ước mơ” với lãi suất hấp dẫn dành cho khách hàng cá nhân vay vốn trung dài hạn tại SHB trên phạm vi toàn quốc với tổng hạn mức tín dụng là 2.000 tỷ đồng.

Các khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn trung và dài hạn tại SHB phục vụ các mục đích mua nhà để ở, vay xây dựng sửa chữa nhà, vay mua ô tô, vay tiêu dùng sẽ được hưởng ưu đãi về lãi suất.

Theo đó, các khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn trung và dài hạn tại SHB phục vụ các mục đích mua nhà để ở, vay xây dựng sửa chữa nhà, vay mua ô tô, vay tiêu dùng sẽ được hưởng ưu đãi về lãi suất.

Cụ thể, khách hàng có nhu cầu vay vốn mua nhà, sửa chữa nhà sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi chỉ từ 9%/năm và vay mua ô tô, vay tiêu dùng, lãi suất chỉ từ 9,5%/năm trong thời gian lên tới 12 tháng. Sau thời gian ưu đãi lãi suất điều chỉnh với biên độ chỉ từ 3,6%/năm. Ưu đãi đươc áp dụng với khách hàng giải ngân trong thời gian diễn ra chương trình và sử dụng các dịch vụ thẻ, internetbanking, Mobilebanking, SMSbanking…

Bên cạnh đó, SHB áp dụng chính sách miễn phí phạt trả nợ trước hạn sau khoảng thời gian 60 tháng, linh hoạt về thủ tục, hồ sơ vay vốn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhằm tạo thuận lợi và giúp khách hàng tiếp cận nhanh chóng với nguồn vốn vay ưu đãi. Chương trình sẽ kéo dài từ nay đến hết ngày 30/9/2018 hoặc đến khi tổng lượng mức tín dụng được giải ngân hết, tùy thời gian nào đến sớm hơn.

Cùng với chương trình “Vay ưu đãi – Thỏa ước mơ”, hiện tại SHB đang triển khai chương trình vay mua ô tô Trường Hải tại các showroom, đại lý, chi nhánh của công ty ô tô Trường Hải với nhiều gói vay linh hoạt. Theo đó, khách hàng được lựa chọn 1 trong 3 gói ưu đãi: chỉ từ 6,9%/ năm trong thời gian 3 tháng; chỉ từ 7,9%/ năm trong thời gian 6 tháng; chỉ từ 8,9% /năm trong thời gian 12 tháng. Riêng với dòng xe mới BMW, khách hàng vay mua xe được ưu đãi với mức lãi suất chỉ 6,6%/ năm trong thời gian 3 tháng. Điểm nổi bật của chương trình này, SHB tài trợ số tiền lên tới 90% giá trị ô tô dự định mua. Thời gian vay lên tới 86 tháng.(TTXVN)
----------------------

Mỹ sắp xuất khẩu lượng dầu thô kỷ lục sang thị trường châu Á

Mỹ dự kiến sẽ xuất khẩu 2,3 triệu thùng dầu/ngày trong tháng Sáu, trong đó mỗi ngày xuất 1,3 triệu thùng sang thị trường châu Á.

Tuy nhiên, số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng dầu xuất khẩu của Mỹ cách đây hai tuần đã đạt mức "đỉnh" 2,6 triệu thùng/ngày.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh sản lượng dầu thô của Mỹ chạm mức cao kỷ lục từ trước đến nay, dẫn đến giá dầu Mỹ giảm và thấp hơn 9 USD/thùng so với giá dầu Brent Biển Bắc hôm 28/5. Đây là mức chênh lệch lớn nhất trong hơn ba năm nay của hai loại dầu chuần này.

Các nhà giao dịch tại châu Á cho hay mức chênh lệch giá trên là cơ hội cho các nhà lọc dầu giảm nhập khẩu dầu thô nhẹ từ Trung Đông và Nga, sau khi giá dầu Brent và dầu vùng Vịnh chạm mức cao của nhiều năm.

Tại châu Á, Trung Quốc - với Sinopec là nhà lọc dầu lớn nhất khu vực - đang là nước mua dầu nhiều nhất từ Mỹ. Sinopec, sau khi giảm nhập từ Saudi Arabia, đã đặt mua 16 triệu thùng dầu Mỹ (533.000 thùng/ngày) sẽ được giao trong tháng Sáu.

Ấn Độ và Hàn Quốc là các khách tiếp theo mua nhiều dầu tại châu Á, với mỗi nước nước mua 6-7 triệu thùng trong tháng Sáu. Xuất khẩu dầu Mỹ sang Thái Lan sẽ tăng lên ít nhất 2 triệu thùng.

Tuy nhiên, dù châu Á và châu Âu quan tâm mua nhiều dầu Mỹ song với khối lượng cao kỷ lục như vậy, cơ sở hạ tầng về xuất khẩu của nước này khó có thể đáp ứng đầy đủ, qua đó làm hạn chế khả năng bơm và vận chuyển thêm dầu.(Vietnam+))
------------------

Kinh tế số mở ra nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ông Trịnh Duy Hoàng, Công ty nghiên cứu thị trường Vietanalystic, cho rằng, kinh tế số phát triển khá mạnh mẽ tại Việt Nam nhưng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, ứng dụng công nghệ số chưa cao. “Nhiều doanh nghiệp vẫn thấy công nghệ số là thứ gì đó rất xa lạ, đa phần mới chỉ được nghe nói đến nhưng để ứng dụng kinh doanh nhờ vào công nghệ này vẫn không nhiều doanh nghiệp thực hiện, một phần do chi phí đầu tư”, ông Hoàng chỉ rõ.

Theo quan điểm của ông Hoàng, rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay chính là yếu tố nhân lực. Hiện nay, những Start-up mới nổi ở Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thường tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đi lên từ các doanh nghiệp hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể nên bản thân các doanh nghiệp này cũng không có đủ năng lực, nhân lực để tiếp cận công nghệ trong nền kinh tế số.

Vì thế, các doanh nghiệp đã được tiếp cận công nghệ số và dữ liệu số rất cần thiết đầu tư về công nghệ thông tin. Với trình độ khoa học công nghệ hiện nay, mỗi doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận công nghệ mới, tiếp cận dần với việc mã hóa dữ liệu nên cũng không quá đáng ngại về công nghệ bảo mật của mỗi doanh nghiệp.

“Điểm nhấn quan trọng là để hòa nhập nền kinh tế số, cơ quan chức năng cần xóa bỏ rào cản về tư duy quản lý đối với các hình thức kinh doanh mới có liên quan đến công nghệ số”, ông Hoàng nêu giải pháp.

Nhiều chuyên gia cho rằng, kinh tế số chính là cuộc cách mạng trong phát triển kinh tế, là nền tảng của Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như siêu nhỏ có thể phát triển và tiếp cận thị trường toàn cầu.

Với công nghệ số và thương mại điện tử, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ bình đẳng hơn với các doanh nghiệp lớn trong việc tiếp cận đối tác, thương trường và bạn hàng nên đây là cơ hội phát triển rất lớn.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, kinh tế số và thương mại điện tử đang làm cho thế giới thu nhỏ lại để các doanh nghiệp nhỏ và vừa lớn lên, xóa bỏ được các bất lợi cố hữu của doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tiếp cận được thị trường toàn cầu.

“Muốn tận dụng được cơ hội này doanh nghiệp dù ở quy mô nào cũng phải minh bạch, áp dụng cho được hệ thống quản trị đạt chuẩn toàn cầu. Về phía Nhà nước, cần phải tạo nên một hệ thống thể chế thuận lợi cho việc áp dụng công nghệ số cho quá trình đổi mới sáng tạo và đồng thời cũng phải đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng để tạo ra được hạ tầng kĩ thuật cho nền kinh tế số”, ông Lộc nêu quan điểm.

Ngoài ra, theo ông Lộc, để doanh nghiệp thuận lợi hơn khi tiếp cận nền kinh tế số, toàn bộ hệ thống giáo dục đào tạo cũng phải được cải cách, tái cấu trúc theo hướng tập trung vào nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế số. Bởi theo dự báo hiện nay, trong thời gian tới nhu cầu nhân lực cho nền kinh tế số, cho công nghệ thông tin đang rất mạnh mẽ, khả năng thiếu hụt lực lượng lao động này là rất lớn.

Bên cạnh đó, một số lĩnh vực đang chịu tác động mạnh mẽ của kinh tế số cũng như quá trình tự động hóa của Cách mạng công nghiệp 4.0 như dệt may, giày dép hay điện tử sẽ đứng trước nguy cơ thất nghiệp của các lao động giản đơn trong lĩnh vực này rất lớn. Chính vì vậy, cần phải đào tạo, đào tạo lại để chuyển đổi lực lượng lao động này sang các công việc phù hợp với nền kinh tế số cũng là yêu cầu đặt ra cho các doanh nghiệp.

“Về khung khổ pháp luật và thể chế trong nền kinh tế số, cần phải có những biện pháp để có thể bảo vệ được sự an toàn và riêng tư cũng như tính bảo mật trong kinh doanh và đời sống xã hội, điều này là thách thức rất lớn. An toàn, an ninh mạng và là việc đang được cả thế giới quan tâm và đặc biệt với Việt Nam, kinh tế số đang ở giai đoạn khởi đầu nên cần phải quan tâm từ những bước đầu tiên. Cần có hệ thống thể chế cũng như nền tảng hạ tầng đảm bảo, thúc đẩy sáng tạo đồng thời kiểm soát an ninh và an toàn thông tin, bí mật kinh doanh để hấp dẫn doanh nghiệp”, ông Lộc chỉ rõ.(VOV)

Trở về

Bài cùng chuyên mục