tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 03-06-2018

  • Cập nhật : 03/06/2018

Vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố tác động bất lợi đến mục tiêu kiểm soát lạm phát

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho rằng, vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố tác động bất lợi đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, chủ yếu xuất phát từ yếu tố thị trường.

van tiem an nhieu yeu to tac dong bat loi den muc tieu kiem soat lam phat

Vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố tác động bất lợi đến mục tiêu kiểm soát lạm phát

Trả lời báo chí xoay quanh công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát, Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, 5 tháng qua, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực chủ động điều hành giá cả thị trường và thực hiện các biện pháp kiểm soát lạm phát khá hiệu quả.

Mặt bằng giá cả thị trường trong 5 tháng đầu năm 2018 biến động theo hướng tăng tương đối cao trong hai tháng đầu năm, giảm nhẹ trong tháng 3 và tăng dần trở lại trong hai tháng 4 và 5. CPI bình quân 5 tháng đầu năm tăng 3,01% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo ông Tuấn, nguyên nhân tăng CPI trong tháng 4 và tháng 5/2018 về cơ bản không có yếu tố tăng giá mới xuất phát từ công tác điều hành giá mà chủ yếu xuất phát từ yếu tố thị trường như: Giá một số nhiên liệu nhất là giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng cao dẫn đến việc phải điều chỉnh tăng giá trong nước; Giá lương thực tăng do nhu cầu xuất khẩu gạo tăng; Giá thịt lợn có xu hướng hồi phục do tổng lượng đàn giảm, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa kịp tái đàn, hiện giá thịt lợn hơi đang ở mức gấp đôi giá cùng kỳ năm trước; Giá gas tăng theo diễn biến giá thế giới. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, các yếu tố giúp kiềm chế tốc độ tăng CPI về cơ bản không có nhiều thay đổi so với dự báo đầu năm.

Thời gian qua, Chính phủ quyết tâm kiểm soát CPI bình quân dưới mức 4% trong năm 2018 như Quốc hội đã giao nhằm đảm bảo cân đối kinh tế và hỗ trợ cho tăng trưởng, không để xảy ra lạm phát kỳ vọng. Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, thị trường vẫn tiềm ẩn các nhân tố tác động bất lợi đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, chủ yếu xuất phát từ yếu tố thị trường.

Theo đó, áp lực tăng giá một số nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới tác động vào giá trong nước, đặc biệt là biến động phức tạp của giá xăng dầu thế giới trong thời gian gần đây; Thêm vào đó, hậu quả của thiên tai, dịch bệnh với những diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường… được dự báo sẽ tác động bất lợi đến mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Với kinh nghiệm điều tiết giá năm 2017, ông Tuấn cho biết, để kiểm soát thành công CPI năm 2018, cần chú trọng trong công tác dự báo, xây dựng kịch bản điều hành giá chi tiết cho từng mặt hàng Nhà nước quản lý với bước đi thận trọng và lộ trình thích hợp, bảo đảm không tác động đột biến tới mặt bằng giá chung.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai hiệu quả cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, làm tốt công tác chuẩn bị nguồn hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng (cả tiêu dùng cho sản xuất và tiêu dùng cho đời sống) trong mọi tình huống, ở mọi vùng miền, mọi thời điểm trong năm.(TCTC)
-------------------------------

Quy định mới về xuất nhập cảnh, đi lại và cư trú ở khu kinh tế

Nghị định số 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế đã nêu rõ các vấn đề liên quan đến hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, đi lại và cư trú ở khu kinh tế.

Theo đó, người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài làm việc, hoạt động đầu tư, kinh doanh tại khu kinh tế và các thành viên gia đình của họ được cấp thị thực xuất, nhập cảnh có giá trị nhiều lần và có thời hạn phù hợp theo quy định; được tạm trú, thường trú trong khu kinh tế và ở Việt Nam theo quy định pháp luật về cư trú và pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Đối với khu kinh tế cửa khẩu, việc xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú được thực hiện theo quy định: Công dân của huyện nước láng giềng có chung biên giới đối diện với khu kinh tế cửa khẩu được qua lại cửa khẩu vào khu kinh tế cửa khẩu bằng giấy thông hành biên giới do cơ quan có thẩm quyền của nước láng giềng cấp hoặc các giấy tờ hợp lệ khác theo quy định của pháp luật, phù hợp với điều ước quốc tế giữa Việt Nam và nước láng giềng có liên quan.

Thời gian tạm trú của công dân nước láng giềng sử dụng giấy thông hành biên giới nhập cảnh vào khu kinh tế cửa khẩu tối đa là 15 ngày và giấy thông hành biên giới phải còn thời hạn ít nhất 45 ngày trước thời điểm nhập cảnh. Trường hợp muốn đi đến các địa điểm khác trong tỉnh có khu kinh tế cửa khẩu thì cơ quan công an tại tỉnh cấp giấy phép một lần, có giá trị không quá 15 ngày.

Người mang hộ chiếu không thuộc diện miễn thị thực (là công dân của nước láng giềng có chung biên giới hoặc nước thứ ba), được miễn thị thực nhập cảnh và được lưu trú tại khu kinh tế cửa khẩu, thời gian lưu trú không quá 15 ngày. Nếu những người này đi du lịch ra khu vực khác của Việt Nam theo chương trình do các doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức thì cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có thẩm quyền xét cấp thị thực nhập cảnh tại cửa khẩu.

Phương tiện vận tải hàng hóa của nước láng giềng và nước thứ ba được vào khu kinh tế cửa khẩu theo các hợp đồng kinh doanh của đối tác nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam, thực hiện các quy định của Hiệp định vận tải đường bộ, đường thủy giữa Việt Nam và các nước có chung đường biên giới, chịu sự kiểm tra, giám sát của các lực lượng chức năng tại cửa khẩu. Trường hợp phương tiện vận tải này có nhu cầu giao nhận hàng hóa tại các địa điểm khác ngoài địa phận khu kinh tế cửa khẩu thì phải thực hiện theo quy định hiện hành.

Người điều hành phương tiện (thuyền viên trên các tàu, lái xe, phụ xe) được ra vào khu kinh tế cửa khẩu bằng hộ chiếu, số thuyền viên, chứng minh thư biên giới hoặc giấy thông hành biên giới do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp, phù hợp với điều ước quốc tế giữa Việt Nam và nước láng giềng có liên quan.

Chủ hàng, chủ phương tiện cùng lái xe của Việt Nam, có quan hệ kinh doanh với đối tác láng giềng được phép mang hàng hóa và phương tiện sang nước láng giềng để giao nhận hàng hóa bằng giấy thông hành biên giới hoặc giấy tờ hợp lệ khác do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

 Công dân Việt Nam làm ăn, sinh sống trên địa bàn xã, phường, thị trấn có khu kinh tế cửa khẩu được sang nước láng giềng bằng giấy thông hành biên giới hoặc giấy tờ hợp lệ khác phù hợp với điều ước quốc tế giữa Việt Nam và nước láng giềng có liên quan nếu được nước này đồng ý.

Nghị định số 82/2018/NĐ-CP được ban hành ngày 22/05/2018 và có hiệu lực thi hành từ ngày 10/7/2018.(TCTC)
------------------------

Hiệp định thương mại tự do - Cú huých hiệu quả cho xuất khẩu

Đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, 10 hiệp định định thương mại tự do (FTA) được thực hiện đã và đang mang lại cơ hội tăng trưởng xuất khẩu (XK) hàng hóa tương đối mạnh mẽ.  

Tất cả các thị trường có FTA đều tăng trưởng

Dệt may là một trong những mặt hàng đã tận dụng hiệu quả các FTA để tăng trưởng kim ngạch XK. Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) - cho biết, các FTA đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng XK dệt may thời gian gần đây.

Cụ thể, FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực vào năm 2015 đã giúp kim ngạch XK dệt may Việt Nam sang Hàn Quốc năm 2016 đạt 2,6 tỷ USD, tăng 9,5%; năm 2017 đạt 2,9 tỷ USD, tăng 11,8%. FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (có hiệu lực vào tháng 10/2016) cũng đã giúp kim ngạch XK dệt may của Việt Nam sang Nga tăng từ mức 84,8 triệu USD năm 2015 lên khoảng 172 triệu USD năm 2017.

Thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, đến nay, Việt Nam đã đưa vào thực hiện tổng số 10 FTA. Trong đó, tất cả các thị trường có FTA đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu cao so với thời điểm trước khi có FTA. Đơn cử, 3 tháng đầu năm 2018, kim ngạch XK sang Trung Quốc đạt 8,25 tỷ USD, tăng 33,6%; sang Hàn Quốc đạt 4,35 tỷ USD, tăng 14,4%; sang Nhật Bản đạt 4,34 tỷ USD, tăng 36,9%; sang Ấn Độ đạt 1,57 tỷ USD, tăng 111%; sang ASEAN đạt 5,92 tỷ USD, tăng 19,2%; sang Nga đạt 543,5 triệu USD, tăng 30,6%...

Bên cạnh đó, số lượng các lô hàng xin chứng nhận xuất xứ (C/O) để được hưởng ưu đãi thuế (tiêu chí thể hiện mức độ tận dụng FTA) cũng tăng mạnh. Trong đó, 3 tháng đầu năm 2018, các tổ chức cấp C/O được Bộ Công Thương ủy quyền đã cấp 216.118 bộ C/O, trị giá 10,657 tỷ USD, tăng 40% về trị giá và tăng 39% về số lượng so với cùng kỳ năm 2017. Cục Xuất nhập khẩu khẳng định, so với các nước tham gia FTA với Việt Nam, tỷ lệ tận dụng ưu đãi nêu trên là khá cao. FTA đóng góp đáng kể cho XK. 

Tận dụng hiệu quả ưu đãi 

Trong thời gian tới, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc với việc nhiều FTA có hiệu lực, được ký kết hoặc tiếp tục được triển khai trên phạm vi rộng hơn. 

Để tận dụng hiệu quả các FTA đã và sẽ ký kết, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - khẳng định, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền rộng rãi về những ưu đãi FTA, hướng và cách tận dụng ưu đãi FTA, nhất là về quy tắc xuất xứ và làm thế nào để đáp ứng quy tắc xuất xứ. 

Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp hỗ trợ để tăng tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng quy tắc xuất xứ của các thị trường ta đã có FTA. Tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp như rút ngắn thời gian cấp C/O; Rà soát, đơn giản hóa quy trình cấp C/O; Áp dụng khai báo C/O điện tử; mở rộng thí điểm cấp C/O qua mạng internet; Triển khai, mở rộng áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ; Tiếp tục nghiên cứu giảm tiêu chí tự chứng nhận xuất xứ để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tham gia cơ chế này.(BCT)
------------------------------

Alibaba đầu tư 1,35 tỷ USD vào mảng chăm sóc sức khoẻ

Công ty TNHH Công nghệ thông tin y tế Alibaba sẽ mua lại công ty TNHH Ali JK Nutritional Products Holding để kiểm soát việc bán các thiết bị y tế, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sản phẩm dành cho người lớn và dịch vụ chăm sóc sức khỏe trên nền tảng Tmall của Alibaba.

Mới đây, Alibaba - Tập đoàn thương mại điện tử lớn của Trung Quốc cho biết, họ sẽ đưa doanh nghiệp dược phẩm trực tuyến của mình vào một đơn vị niêm yết với mức thoả thuận trị giá 10,6 tỷ đô la Hồng Kông ( tương đương 1,35 tỷ USD).

Theo đó, Công ty TNHH Công nghệ thông tin y tế Alibaba sẽ mua lại công ty TNHH Ali JK Nutritional Products Holding để kiểm soát việc bán các thiết bị y tế, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sản phẩm dành cho người lớn và dịch vụ chăm sóc sức khỏe trên nền tảng Tmall của Alibaba.

Thỏa thuận này cho phép Alibaba nhận được cổ phần mới phát hành tại Ali Health, tăng lợi ích kinh tế của công ty từ 48,1% lên 56,2%. Alibaba cũng sẽ có 67,5% quyền biểu quyết trong Ali Health sau thỏa thuận này. Tmall Pharmacy và bộ phận kinh doanh Ali Health tạo ra một khối lượng hàng hóa có giá trị tổng cộng khoảng 3,21 tỉ USD trong năm tài chính đến thời điểm ngày 31/3 và hiện có hơn 3.300 thương nhân đang hoạt động.

Bên cạnh đó, thoả thuận giúp thúc đẩy hoạt động kinh doanh của Ali Health trong bối cảnh thị trường công nghệ chăm sóc sức khỏe đang phát triển chóng mặt. Hiện các công ty khác ở Trung Quốc như WeDoctor của Tencent Holdings và gần đây là Ping An Healthcare đang đi trước Alibaba khá lâu về mảng sức khỏe.

Giám đốc điều hành Daniel Zhang của Alibaba cho biết chăm sóc sức khỏe sẽ là mảng kinh doanh chiến lược của công ty. Kiến thức và mạng lưới của Alibaba Health, kết hợp với công nghệ và sự thấu hiểu người dùng của tập đoàn Alibaba sẽ cho phép hãng tạo ra hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe tốt nhất ở Trung Quốc.

Thỏa thuận mới đồng nghĩa các thương nhân của Tmall Pharmacy sẽ có thêm cơ hội kết nối chặt chẽ hơn với người tiêu dùng và những người tham gia hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe, đồng thời làm tăng thêm cơ hội bán hàng của họ

Trong tương lai chi phí y tế của Trung Quốc dự kiến đạt 1 nghìn tỷ USD vào năm 2020, tăng từ 357 tỷ USD trong năm 2011.

Alibaba cho biết thỏa thuận này đã được chấp thuận từ các cổ đôngcủa Ali Health và thị trường chứng khoán Hồng Kông.(Thuongtruong)

Trở về

Bài cùng chuyên mục