Đại sứ Pháp: “Việt Nam hội đủ các điều kiện để startup thành công“; Sản lượng từ Mỹ tiếp tục tăng, đẩy giá dầu thế giới đi xuống; Prudential Việt Nam tăng vốn điều lệ; Không có ô tô Thái Lan nhập khẩu trong tuần qua, thị trường đã hết khan hàng?
Tin kinh tế đọc nhanh 01-06-2018
- Cập nhật : 01/06/2018
Xuất siêu hơn 26 tỷ USD sang EU
Nhiều năm qua, Việt Nam luôn thặng dư thương mại trong xuất nhập khẩu với liên minh châu Âu- EU. Riêng năm 2017, xuất siêu thị trường này 26,08 tỷ USD.
Theo số liệu thống kê chính thức Tổng cục Hải quan vừa đưa ra, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa nước ta và EU năm 2017 đạt 50,46 tỷ USD, tăng 11,9% so với năm trước 2016 và chiếm 11,8% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 38,27 tỷ USD, tăng 12,7% so với một năm trước đó và chiếm 17,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng nhờ các nhóm hàng chủ lực như: Máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 784 triệu USD, điện thoại các loại và linh kiện tăng 719 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 575 triệu USD; giày dép tăng 428 triệu USD; sắt thép tăng 296 triệu USD...
Riêng 5 nhóm hàng trên đóng góp 2,8 tỷ USD, chiếm 65% trong phần kim ngạch tăng thêm của xuất khẩu sang thị trường EU năm 2017.
Ở chiều nhập khẩu, tổng trị giá kim ngạch từ EU đạt 12,19 tỷ USD vào năm 2017, tăng 9,4% và chiếm 5,7% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Kim ngạch nhập khẩu năm ngoái tăng, chủ yếu do tăng ở một số nhóm hàng như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 350 triệu USD, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 240 triệu USD; dược phẩm tăng 221 triệu USD…
Trong các thành viên EU, Hà Lan là thị trường mà Việt Nam đạt được mức thặng dư thương mại lớn nhất với 6,44 tỷ USD; tiếp theo là Anh đạt 4,68 tỷ USD, Áo đạt 3,40 tỷ USD, Đức đạt 3,16 tỷ USD, Tây Ban Nha đạt 2 tỷ USD, Pháp đtạ gần 2 tỷ USD…
Trong khi đó, Ireland và Phần Lan là hai thị trường Việt Nam chịu thâm hụt thương mại lớn nhất với kim ngạch lần lượt là 1,27 tỷ USD và 128 triệu USD…
Xét về đối tác thương mại nói chung, Đức tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với tổng trị giá kim ngạch đạt 9,57 tỷ USD vào năm ngoái, chiếm gần 19% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với cả khối EU.
Tiếp theo là Hà Lan đạt 7,77 tỷ USD (chiếm 15,4%), Anh đạt 6,15 tỷ USD (chiếm 12,2%), Pháp đạt 4,61 tỷ USD (chiếm 9,1%); Italia đạt 4,4 tỷ USD (chiếm 8,7%)…(NCĐT)
-------------------------------
Goldman Sachs đang âm thầm tiến vào lĩnh vực kinh doanh mới, trực tiếp thách thức những đối thủ sừng sỏ nhất
Goldman Sachs đang lặng lẽ xây dựng một mảng kinh doanh mới vẫn bị coi là buồn tẻ: giúp các tập đoàn lớn quản lý và lưu chuyển tiền. Đây là hoạt động khác xa với những dịch vụ tư vấn về mua bán, sáp nhập và huy động vốn mà các ngân hàng "kinh doanh tiền" truyền thống ở phố Wall thường làm.
Dự án mới nhất này trong một loạt các động thái của Goldman tiến vào các dịch vụ ngân hàng cơ bản - điều khiến nhiều người trên phố Wall cảm thấy khá khó hiểu. Vốn được biết đến từ lâu qua chuyên môn trong các giao dịch phái sinh, tư vấn về các vụ thâu tóm và quản lý tiền cho giới siêu giàu, Goldman Sachs đang tìm cách đa dạng hóa bằng cách kiếm tiền từ dịch vụ mà nó được cấp phép hoạt động từ khủng hoảng tài chính.
Hiện tại, Goldman tập trung phần lớn vào các dịch vụ bán lẻ vốn đã được chạy marketing trong vài năm qua. Công ty bắt đầu thực hiện các khoản cho vay cá nhân online trong 18 tháng qua với các sản phẩm Marcus và từ đó đến nay đã cho vay hơn 3 tỷ đô la. Một quan hệ đối tác gần đây với JoJo Fletcher, một ngôi sao kênh "The Bachelorette" của ABC sẽ thúc đẩy các khoản vay cải tạo nhà cửa. Công ty thậm chí đang trao đổi với Apple về việc triển khai một thẻ tín dụng đồng thương hiệu.
Thuê nhân sự để tập trung phát triển dự án
Theo một người hiểu rõ về dự án cho biết, Goldman đã bắt đầu thuê thêm nhân sự. Ban đầu sẽ được bắt đầu thực hiện với bộ phận công nghệ của mảng FICC (nhóm tài sản mang lại thu nhập cố định, tiền tệ và hàng hóa). Đầu năm nay, ngân hàng đã thuê Hari Moorthy từ JPMorgan để phát triển một doanh nghiệp quản lý tiền mặt và tài khoản trả lãi cho các khách hàng doanh nghiệp.
Stephen Scherr, một lãnh đạo của Goldman được cho là gần gũi với CEO Lloyd Blankfein, đang dẫn đầu nỗ lực này. Năm ngoái, Scherr đã rời bỏ vị trí giám đốc chiến lược để tập trung vào nhiệm vụ.
Stephen Scherr, người đang dẫn đầu nỗ lực ngân hàng tiêu dùng của Goldman Sachs.
Theo một quảng cáo việc làm trực tuyến cho thấy, ngân hàng này cũng đang thuê một giám đốc điều hành công nghệ tại London để giúp quản lý doanh nghiệp thanh toán mới mà họ đang xây dựng. Người này sẽ dẫn dắt một đội ngũ kỹ thuật phụ trách sản phẩm, bao gồm thiết kế và phát triển, tích hợp với các hệ thống hiện có và đánh giá các ứng dụng của bên thứ ba.
Một phát ngôn viên của Goldman từ chối bình luận về các kế hoạch tiếp theo.
Không rõ các giám đốc điều hành của Goldman kỳ vọng sẽ chiếm được bao nhiêu thị phần đáng kể từ các ngân hàng thương mại như JPMorgan Chase hay Citigroup, vốn truyền thống đã tập trung vào hoạt động thanh toán. Citigroup, ngân hàng đã trở thành ngân hàng đầu tiên của Hoa Kỳ tự hào với chi nhánh nước ngoài khai trương năm 1914 tại Argentina, đã sử dụng thế kỷ qua để xây dựng sự hiện diện tại hơn 100 quốc gia.
Cạnh tranh với các đối thủ lớn
Sau khi đạo luật Glass-Steagall (vốn là đạo luật buộc các ngân hàng phải tách bỏ hoạt động ngân hàng đầu tư khỏi ngân hàng thương mại) được bãi bỏ năm 1999, các ngân hàng thương mại lại tận dụng mối quan hệ với các doanh nghiệp để tiến vào lĩnh vực kinh doanh chứng khoán, sử dụng mối quan hệ gần gũi với các giám đốc tài chính và thủ quỹ để mời chào dịch vụ bảo lãnh nợ hoặc phòng vệ rủi ro tỷ giá.
Dĩ nhiên điều này có lợi cho các ngân hàng như Citigroup, JPMorgan, và Bank of America nhưng cũng đồng thời gây thiệt hại cho Goldman Sachs.
Năm ngoái, Citigroup đã mang về 8,9 tỷ USD doanh thu từ mảng trading lãi suất và tiền tệ, và một nửa doanh thu này đến từ các hoạt động kinh doanh thông thường cho khối khách hàng doanh nghiệp.
Goldman đã phản ứng bằng cách yêu cầu các chuyên viên ngân hàng đầu tư của mình hoạt động mạnh mẽ hơn. Để việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng doanh nghiệp trở nên dễ dàng hơn nghiệp, ngân hàng này đã chuyển một nhóm kinh doanh hàng hàng hóa sang nhóm ngân hàng đầu tư. Hồi tháng 2 CEO Blankfein cho biết một nhóm liên kết hoạt động đã được giao quản lý 16 nhiệm vụ mới. Các chuyên gia ngoại hối cũng đang tìm cách xử lý nhiều công việc kinh doanh hơn mỗi ngày.
Theo Moszkowski, nỗ lực này có thể giúp Goldman thiết lập một doanh nghiệp thanh toán, tuy nó sẽ không dễ dàng. Trước tiên, ngân hàng phải tìm cách giảm bớt lợi thế của đối thủ.
"Vấn đề là rất nhiều ngân hàng truyền thống lớn khác (đặc biệt là JPMorgan và Citigroup) vốn đã gắn liền với quy trình hoạt động của khách hàng trong các lĩnh vực như thanh toán, đầu tư ngắn hạn, FX và tài trợ thương mại". Moszkowsk cũng nói thêm, rất có thể Goldman "sẽ tận dụng được thực tế là họ không kế thừa một nền tảng cũ kỹ do đó có thể phát triển một hệ thống áp dụng công nghệ hiện đại với chi phí rất thấp nhưng hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên đương nhiên quá trình này sẽ tốn kém và cần thời gian."(CafeF)
----------------------
FPT ký thỏa thuận 30 triệu USD
FPT và hai Tập đoàn là ISE Foods (ISE Foods Inc.) và Toppan Printing đã ký 2 thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi số.
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, FPT và hai Tập đoàn là ISE Foods (ISE Foods Inc.) và Toppan Printing đã ký 2 thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi số. Đây là 2 doanh nghiệp có lịch sử trên 100 năm tuổi. Hai thỏa thuận hợp tác này có tổng giá trị 30 triệu USD.
Cụ thể với ISE Foods, FPT sẽ hợp tác ứng dụng các công nghệ mới cho các nhà máy thông minh sản xuất trứng gà tại Nhật Bản và Việt Nam. FPT sẽ đóng vai trò giúp ISE Foods phát triển mô hình nhà máy thông minh, tăng năng suất và hiệu quả hoạt động. Được biết ISE Foods đang vận hành một hệ thống trang trại tại Nhật Bản và Mỹ với quy mô trên 130 triệu con gà.
Ở Toppan Printing, FPT sẽ triển khai chuyển đổi số cho các hoạt động kinh doanh của Toppan Printing, hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nhân lực với quy mô khoảng 500 người trong vòng 3 năm. Hai bên cũng dự kiến sẽ thiết lập trung tâm bảo mật an ninh và trung tâm BPO tại Việt Nam và khu vực ASEAN. Toppan Printing là một trong những khách hàng chiến lược tại thị trường Nhật Bản của FPT.
Năm 2018, FPT Japan đặt mục tiêu đạt 200 triệu USD và 1.400 nhân sự, đồng thời định hướng thay đổi từ mô hình công ty Việt Nam tại Nhật Bản thành một công ty Nhật Bản, với trụ sở chính tại Nhật Bản và các công ty thành viên phân chia theo từng lĩnh vực kinh doanh. Mục tiêu của FPT Japan là trong vòng 2-3 năm tới sẽ trở thành một trong 20 doanh nghiệp công nghệ lớn nhất Nhật Bản, là công ty SI Tier 2 (công ty SI cấp 2) lớn nhất tại Nhật Bản với doanh số kỳ vọng khoảng 500 triệu USD cùng khoảng 3.000 nhân lực làm việc trực tiếp tại Nhật Bản.(NCĐT)
--------------------
Nợ đã mua của VAMC giảm hơn 12.000 tỷ đồng
Lần đầu số nợ thu hồi được lớn hơn số nợ mua thêm
Báo cáo tài chính năm 2017 của Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) công bố cho thấy sau hơn 4 năm thành lập, tổng tài sản xấp xỉ 203.988 tỷ đồng, giảm gần 5.000 tỷ đồng. Tài sản của VAMC lần đầu tiên giảm sau 2 năm liên tục mở rộng bằng việc mua thêm nợ và phát hành trái phiếu đặc biệt.
Cơ cấu tài sản của VAMC gồm 2 phần chính là các khoản nợ đã mua và tiền. Tỷ trọng nợ đã mua đạt 90% tại thời điểm cuối năm 2017 so với mức 97% cuối năm 2014. Tiền tại VAMC chủ yếu là các khoản tiền gửi và tiền thu hồi nợ (bị phong tỏa). Tới 31/12/2017, VAMC có 17.262 tỷ đồng tiền thu hồi nợ, tăng 3.500 tỷ đồng so với năm trước đó. Tiền gửi tại các nhà băng xấp xỉ 728 tỷ đồng.
Trong khi 'dư dả' tiền mặt hơn trước, số nợ đã mua của VAMC đảo chiều giảm hơn 12.000 tỷ đồng.
VAMC được thành lập năm 2013 dựa trên Nghị định 53/2013/NĐ-CP với chức năng xử lý nợ xấu, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế. Phát hành trái phiếu đặc biệt để đổi lấy nợ là phương thức VAMC thực hiện từ khi thành lập đến nay và là nguồn chính tài trợ cho hoạt động mua nợ của công ty quản lý tài sản này. Giá trị trái phiếu phát hành đến cuối năm 2017 xấp xỉ 182.684 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ngoài ngoài nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt, 2017 là năm đầu tiên nhà băng này sử dụng tiền thật để mua nợ (xấp xỉ 532 tỷ đồng).
Về số liệu thu hồi nợ, báo cáo mới cập nhật tới cuối năm 2016. VAMC cho biết số tiền thu hồi nợ riêng năm 2016 là 28.000 tỷ đồng, lũy kế đến hết năm 2016 đạt 50.169 tỷ đồng. Số nợ bán ra năm 2016 có giá trị sổ sách 4.860 tỷ đồng nhưng giá bán là 6.356 tỷ đồng. 81 khách hàng với 1.178 tỷ đồng dư nợ được điều chỉnh lãi suất; 434 khách hàng nợ 834 tỷ đồng được miễn/ giảm lãi; 12 khách hàng nợ 233 tỷ đồng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Tài sản và nguồn vốn chủ yếu của VAMC
Nguồn vốn tự có của VAMC ban đầu chỉ là 500 tỷ đồng nhưng tăng gấp 4 lần vào năm 2017. Theo đề án tái cơ cấu ngành ngân hàng, mức vốn điều lệ VAMC kế hoạch tăng lên 10.000 tỷ đồng vào năm 2020.
Xử lý nợ xấu tích cực hơn nhờ thay đổi tư duy và khung pháp lý
Tại một Hội thảo tổ chức đầu tháng 5, Chủ tịch HĐTV VAMC Nguyễn Tiến Đông nhận định ý thức trả nợ của khách hàng đã tốt lên rất nhiều sau khi Nghị quyết 42 được Quốc hội ban hành gần một năm trước.
"Nếu như trước đây, khi làm việc với khách hàng có nợ xấu do sản xuất kinh doanh khó khăn, cứ 10 khách hàng thì chỉ được 1-2 khách thiện chí nhưng với việc có một số hành lang pháp lý trong việc thu giữ tài sản có khách hàng mới nhận giấy mời lên làm việc đã phải đem tiền đến trả", ông Đông cho hay.
Bên cạnh sự thay đổi tư duy về việc nợ xấu như ông Đông đề cập, sự hồi phục của nền kinh tế, thị trường bất động sản… cũng là nguyên nhân từ khách quan đẩy nhanh tốc độ nợ xấu so với trước đây.
Ông Nguyễn Tiến Đông mới đảm nhận vị trí Chủ tịch hồi đầu năm 2017. Trước khi trở thành người đứng đầu công ty có nhiệm vụ thu hồi nợ xấu, ông Đông đảm nhiệm Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN.(NDH)